Ở Đất Thánh, nhiều người tự nhận là có khả năng trừ quỷ và cũng đã có rất nhiều người đến với họ để xin được giúp đỡ. Tuy nhiên, vị linh mục trừ quỷ chính thức của Toà Thượng Phụ ở Giêrusalem cảnh báo rằng những người này đã gây ra rất nhiều điều tệ hại. Các tộc trưởng, thầy mo hay thầy phù thuỷ trưng bày cho người ta và cho chính mình một thế giới hắc ám, nghịch lại với vương quốc của Đức Kitô.

Cha Michael Mc Donagh, một linh mục người Ai Len, đã đến Giêrusalem vào năm 1999 và một năm trước đã được Đức Tổng Giám Mục Pierbattista Pizzaballa, tu sĩ dòng Phanxicô, Giám quản tông toà của Toà Thượng Phụ Latinh ở Giêrusalem, chỉ định là “vị trừ tà” cho Palestine và Israel.

Vị Thượng Phụ này đã thông tin trên trang web rằng cha McDonagh đã hàng ngày đi viếng thăm và chúc lành cho nhiều nạn nhân bị quỷ ám. Có khi ngài phải đi nhiều cây số và tốn nhiều giờ để mang đến sự chữa lành và giải thoát người ta.

Chuyên gia trừ tà này đã được Giáo Hội Công Giáo cho phép sử dụng nghi thức trừ tà, nước và muối đã được làm phép. Vị Thượng Phụ Latinh ở Giêrusalem rất cẩn trọng khi công khai các thông tin, nhưng trong trường hợp này, ngài muốn chia sẻ cho mọi người việc thực hành thừa tác vụ trừ quỷ cũng như góp phần loại trừ những hành vi quỷ ám cùng những can thiệp của nó trên đời sống của nhiều người trên Đất Thánh.

Hãy chú tâm đọc những chia sẻ sau đây của cha McDonagh để tin vào quyền năng của Đức Giêsu Kitô, ngỏ hầu chúng ta có thể ý thức và sống đời sống Kitô hữu của mình cách trọn vẹn, xa tránh mọi lừa lọc hay mê tín dị đoan.

Ma lực

Trước hết, cha McDonagh giải thích rằng có cái gọi là “ma lực”, nghĩa là tất cả những gì có liên quan đến quỷ dữ”, hay ta quen gọi là Satan. Ma lực này chính là sự chiếm đoạt một cách hết sức xấu xa và tàn bạo của quỷ. Đây là một mãnh lực tác động đến con người, nơi, vật hay sự kiện gì đó.”

Vị linh mục trừ tà nói thêm “Giáo Hội dạy rằng có hai loại “ma lực”, loại thường hằng và loại ngoại thường. Loại ma lực thường hằng cách chung có liên hệ đến các cơn cám dỗ và là một cuộc chiến mà ta phải chiến đấu cả đời.[nôm na là khi ta bị ma quỷ cám dỗ]”

Ngài cảnh báo rằng “cám dỗ sẽ trở nên đặc biệt nghiêm trọng khi nó dẫn người ta đến việc phạm tội trọng và vì thế, chúng ta không nên xem thường nó. Ai cũng có thể trở thành nạn nhân của loại ma lực thường hằng này [ai cũng có thể gặp cám dỗ cách này cách khác trong đời sống của mình]. Ngay cả Chúa Giêsu cũng đã phải trải qua thử thách cám dỗ. Cám dỗ nói dối để bảo vệ danh tiếng của mình là một cám dỗ thông dụng và thường xảy ra nhất”.

“Phần lớn các trường hợp ma lực ngoại thường (thường được gọi là quỷ nhập) bắt đầu với những dấu chỉ hệt như khi bị cám dỗ”. Sở dĩ gọi là ma lực ngoại thường không chỉ vì nó hiếm xảy ra, nhưng chính xác còn vì nó “rất khác thường”.

“Các trường hợp bị quỷ nhập thì không hay xảy ra như khi ta bị cám dỗ, tạ ơn Chúa vì điều này! Khi nhập vào người ta, Satan chiếm hữu toàn bộ thân xác người đó, nhưng không làm gì được linh hồn. Satan nói và hành xử qua thân xác của người ta nhưng người ta chẳng hay biết gì, vì thế, những hành vi này được xem là vô tội về mặt luân lý đối với nạn nhân.”

Căm ghét và thịnh nộ

Có một câu hỏi được đặt ra cho vị trừ quỷ này: “Tại sao Thiên Chúa lại cho phép quỷ dữ lang thang trên trái đất này, để nó gây ra biết bao tai hại, thậm chí còn chiếm đoạt người ta nữa, dù là nó đã bị luận tội, vẫn thuộc về địa ngục và phải ở trong địa ngục đời đời?”

Cha giải thích rằng “thông thường ta hay nghĩ rằng ma quỷ đang ở địa ngục chịu nhiều đau khổ cùng với thuộc hạ của nó và những người bị kết án. Nhưng ngược lại, không có vẻ gì là nó đang chịu khổ cả, đây còn là “thời điểm thuận lợi” để nó tác oai tác quái trên trái đất.”

Sẽ dễ dàng hơn khi nói rằng ma quỷ không hề chịu khổ gì cả. Như chúng ta, nó cũng có những thành công và thất bại, có những kết quả làm nó vui sướng, và cũng có nhiều điều khiến nó thất vọng và khó chịu. Dĩ nhiên, nó “chịu khổ” theo cách mà chúng ta không thể cảm hiểu được. Nó sống trong tình trạng căm ghét và thịnh nộ.

Có rất nhiều đoạn Kinh Thánh nói về ma quỷ: “Khi quỷ bị trục xuất rồi, thì người câm nói được. Dân chúng kinh ngạc, nói rằng: “Ở Ít-ra-en, chưa hề thấy thế bao giờ!” (Mt 9,33); “sau khi sống lại vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giê-su hiện ra trước tiên với bà Ma-ri-a Mác-đa-la, là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỷ” (Mc 16,9); “nếu Xa-tan trừ Xa-tan, thì Xa-tan tự chia rẽ: nước nó tồn tại sao được?) (Mt 12,26)

Chống lại quỷ dữ

Cha nói rằng “theo lời dạy của Giáo Hội, cách thế tốt nhất để chống lại sự tấn công của ma quỷ là cầu nguyện, các bí tích (đặc biệt là bí tích giải tội và Thánh Thể), không gì có thể giúp chống lại ma lực một cách mạnh mẽ cho rằng việc rước Mình Máu Thánh Đức Kitô một cách xứng hợp. Hãy hành xử cho tốt, xây dựng đời sống thiêng liêng.”

Với những người phải làm những việc có nguy cơ rơi vào cạm bẫy của ma quỷ thì “cầu xin Tổng Lãnh Thiên Thần Micae” sẽ rất có hiệu quả. Cũng có thể phó mình cho thiên thần hộ thủ của bản thân hoặc cầu xin trực tiếp với Chúa để Ngài bảo vệ mình”.

“Cũng cần ưu tiên bảo vệ chính căn nhà của mình. Trước hết, căn nhà phải nên được làm phép và chủ nhà cần thường xuyên rảy nước phép, tôn kính tượng chịu nạn hay tượng Đức Mẹ đã làm phép…

Đức Thánh Cha Phanxico đã từng mời gọi các tín hữu trên toàn thế giới lần chuỗi Mân Côi mỗi ngày suốt tháng Mân Côi, 10.2018 trước những tấn công của ma quỷ trong bối cảnh loạn lạc và chia rẽ trong Giáo Hội, liên quan đến những lạm dụng lương tâm, quyền lực và tính dục. Hơn nữa, ngài cũng phổ biến lời cầu nguyện của Đức Leon XIII, viết vào ngày 13.10.1884, xin Thánh Micae gìn giữ ngài [Đức Leo XIII] trước hoàn cảnh đau khổ đang tấn công ngài và bảo vệ Giáo Hội trong cuộc chiến chống lại ma quỷ.

Bí tích hoà giải và Thánh Thể

Cha giải thích thêm rằng sức mạnh của bí tích Hoà giải chống lại ma quỷ và những ảnh hưởng của nó thì không cần phải đặt thành vấn đề nữa. Bí tích tha thứ tội nhân là một hình thức thánh hoá của ân sủng, giúp ích rất nhiều để ngăn ngừa phạm tội trong tương lại.

“Người nào thường xuyên lãnh nhận chính Đức Kitô thì sẽ được mạnh sức hơn để chống lại những tấn công của ma quỷ. Người nào không rước lễ hoặc hoạ hiếm mới rước lễ và không có lòng sốt mến khi rước lễ thì sẽ trở nên rất yếu nhược trước ma lực của quỷ dũ.”

Ai có thể trừ quỷ phải không?

“Đúng vậy, nhưng tiếc là rất ít người được chuẩn bị để làm việc đó, vì thế, họ không thể thử. Theo công thức trừ quỷ chính thức, phải được Chúa kêu gọi và được Giám Mục uỷ nhiệm thì mới làm được việc này. Nhiều Kitô hữu không đủ sự trưởng thành để theo Chúa Giêsu và theo thúc đẩy của Thánh Thần.”

Ngài nói thêm “hơn nữa, cũng rất ít người được trang bị kiến thức đầy đủ về Kinh Thánh. Một vài Kitô hữu có thể cầu nguyện xua trừ ma quỷ. Nhưng trong Giáo Hội Công Giáo, thẩm quyền trừ quỷ phải được Giáo Hội ban, như là một thẩm quyền thiêng liêng cá nhân, quyết định người nào có thể trừ quỷ, khác với lời nguyện xin ơn giải thoát.”

Điều này sẽ giúp ngăn ngừa những nguy hại mà một số người khi trừ quỷ có thể gây ra. “Biết được cái nào là quỷ nhập, cái nào không, cần phải nhận định. Trong sách Công Vụ Tông Đồ, có một đoạn khá hay liên quan đến những người, có lẽ có ý hướng tốt, nhưng lại không được chuẩn bị tốt, đã cố gắng trừ quỷ.” (x.Cv 19,11-17)

Những thước phim trên Tivi

Nhà trừ quỷ cũng cảnh báo rằng nhiều thế hệ bạn trẻ xem các hình ảnh, truyện, trình chiếu trên Tivi, khiến họ mất dần cảm thức về sự dữ. “Vấn đề của việc xem nhiều phim ảnh trên Tivi về sự hiện hữu của thế lực siêu nhiên và ma quỷ chính là nếu xem quá nhiều các thể loại này sẽ khiến họ mất hết ý thức. Ngày nay, rất cần đánh thức lại ý thức của chúng ta. Cần phải diệt trừ cái xấu ngay tại gốc rễ của nó. Người ta có thể tách mình ra khỏi những quyến rũ và tò mò về ma quỷ, nếu quá chú tâm đến nó, tinh thần và linh hồn con người sẽ mất đi lòng nhiệt thành hướng về những điều thuộc về Thiên Chúa.”

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

 

Từ: https://es.aleteia.org/2019/07/19/el-exorcista-que-expulsa-demonios-en-tierra-santa/?fbclid=IwAR2heidojnrB18CJtaXTSG3i8HhaxICoIRp1R5y4-mNU6IwWyfjLAVif28E