Anthony de Mello, S.J.
“Lạy Thầy, chúng tôi biết Thầy nói năng và giảng dạy rất ngay thẳng, Thầy chẳng bao giờ thiên tư vị nể ai” ( Lc 20, 21).
Hãy nhìn lại cuộc sống của mình, bạn sẽ thấy lâu nay mình chỉ dùng hết người này đến người kia để khoả lấp sự trống vắng của đời mình. Kết quả là những con người ấy đã nắm lấy bạn. Họ kiểm soát hành vi của bạn bằng cách tỏ ý đồng tình hay không đồng tình.
Họ có thừa sức mạnh để làm dịu sự cô đơn của bạn bằng cách có họ bầu bạn, để đưa tâm hồn bạn bay bổng bằng những lời tan dương nịnh hót hay để nhận chìm bạn xuống vực thẳm với những lời chỉ trích và sự ruồng rẫy của họ.
Hãy thử nhìn mình lúc nào cũng tìm cách chiều ý và làm hài lòng người khác, bất kể họ còn sống hay đã chết.
Bạn đang sống theo những chuẩn mực của họ, đang cố gắng tuân thủ các tiêu chuẩn của họ, đang tìm cách được họ cho bầu bạn, đang mong ước được họ thương, đang lo sợ bị họ ghét, đang khao khát họ tán thưởng, đang hèn hạ nhìn nhận tội họ đổ trên đầu mình, đang sợ không dám ăn mặc, nói năng, cư xử và suy nghĩ khác người.
Rồi hãy xem ngay cả khi bạn kiểm soát được họ, bạn cũng vẫn lệ thuộc họ và nô lệ họ.
Người ta đã trở thành một phần con người bạn, đến nỗi bạn không thể hình dung có thể sống mà không bị họ ảnh hưởng hay chi phối. Thực tế mà nói, họ đã làm bạn tin chắc rằng nếu có bao giờ bạn thoát khỏi họ, bạn sẽ bị cô lập như một hoang đảo – cô đơn, lạc lõng, chẳng biết yêu thương. Thế nhưng, ngược lại thì có!
Làm sao bạn có thể yêu thương một người mà bạn phải nô lệ? Làm sao bạn có thể yêu thương một người mà bạn không thể sống thiếu? Lúc ấy, bạn chỉ có sống trong khát khao, thèm muốn, lệ thuộc, sợ hãi và bị khống chế thôi. Chỉ có tình yêu nơi nào có tự do và không có sợ hãi. Làm sao bạn có thể tự do như thế? Bằng cách tấn công cùng lúc vào hai điều: lệ thuộc và nô lệ.
1. Trước hết, phải tỉnh ngộ. Khi người ta cứ khư khư giữ sự lệ thuộc, không sớm thì muộn người ta sẽ bị lệ thuộc, sẽ trở thành nô lệ. Thế nhưng, tỉnh ngộ thôi chưa đủ đối với người nào đã mê say lệ thuộc người khác.
2. Bạn phải thực hiện những sinh hoạt nào mình thích. Bạn phải tìm ra công việc để làm, không phải vì lợi ích mà vì chính công việc ấy.
Hãy thử nghĩ đến một điều mà bạn thích làm vì chính nó, không cần thiết bạn có thành công hay không, có được ca tụng hay không, có được yêu mến và tưởng thưởng hay không, có được người ta biết và tri ân hay không.
Bạn đếm được có bao nhiêu hoạt động trong đời mình đã được mình tham gia chỉ vì nó làm bạn thích và lôi cuốn tâm hồn bạn? Hãy tìm cho ra các hoạt động ấy, thực hiện các hoạt động ấy, vì đó là giấy phép cho bạn có được sự tự do và tình yêu.
Rất có thể bạn cũng đã bị tẩy não để có lối suy nghĩ nặng tính hưởng thụ như sau:
Bạn cho rằng thưởng thức một bài thơ, một phong cảnh hay một khúc nhạc chỉ làm mất thời giờ; phải viết ra một bài thơ, sáng tác ra một tác phẩm mới đáng. Dù việc sáng tác này tự nó cũng chẳng có giá trị bao nhiêu, nhưng điều quan trọng là sáng tác của mình phải được người ta biết. Có ích gì nếu không ai biết đến sáng tác của mình? Rồi nếu như đã có người biết, nhưng có ích gì nếu mình không được người ta tán thưởng và ca ngợi? Bạn cho rằng sáng tác của mình đạt tới giá trị cao nhất là khi nó trở thành nổi tiếng và bán chạy! Thế là bạn lại quay về vòng tay kiểm soát của người khác.
Lúc ấy, một hành vi có giá trị không phải vì được yêu quí hay được thưởng thức vì chính hành vi ấy, mà là do được thành công.
Đường đi tới sự kết hợp thần bí và đi tới Thực Tại không phải là đường đi qua thế giới con người. Đường ấy chạy qua thế giới của những hành động được người ta tham gia thực hiện vì chính chúng, không nhắm tới thành công hay lời lãi.
Ngược với điều người ta thường tin tưởng, muốn cho khỏi vô duyên và cô độc, chúng ta không chỉ sống bên cạnh mà còn phải tiếp xúc với Thực Tại. Khi nào bạn chạm đến Thực Tại, bạn sẽ biết thế nào là tự do và tình yêu. Tự do khỏi con người, và nhờ đó có thể yêu thương con người.
Không được suy tư cho tới khi tình yêu nảy sinh trong lòng mình, mà trước hết phải gặp gỡ con người. Nếu không, đó không phải là tình yêu, mà chỉ là sự thu hút hay thương cảm. Chính tình yêu sẽ nảy sinh trong lòng bạn khi bạn tiếp xúc với Sự Thật. Không phải một tình yêu với một người hay một vật cụ thể sẽ nảy sinh, mà là chính thực tại tình yêu – chính thái độ hay khả năng yêu thương. Sau đó, tình yêu này sẽ toả ra ngoài tới các sự vật và con người.
Nếu muốn tình yêu này có mặt trong đời mình, bạn phải cắt đứt sự lệ thuộc sâu xa của mình với người khác, bằng cách nhận thức ra điều ấy và dấn thân làm những việc mà bạn thích làm vì bản thân chúng.
Dịch giả: Lm. Phêrô Đặng Xuân Thành
Trích sách: Tiếng gọi yêu thương