Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em (Mt 6, 14-15).
Con người được sinh ra và lớn lên, đi vào thế giới loài người với khát vọng yêu và được yêu. Và vì thế, con người luôn sống cùng, sống với và sống vì người khác. Thử hỏi, nếu ta sống giữa biển người, nhưng chỉ mình ta với ta thì sẽ ra sao? Có lẽ cuộc sống như vậy sẽ rất tẻ nhạt, cô lập, thiếu sức sống và khó để có thể tìm thấy ý nghĩa cho cuộc đời mình. Tuy nhiên, mỗi người là một cá vị đặc biệt và phức tạp, nên khi tương tác với những người xung quanh rất dễ va chạm, đụng độ và làm tổn thương nhau. Điều này có thể xảy ra trong tất cả các mối quan hệ, như trong hôn nhân gia đình, tương quan bạn bè, đồng nghiệp, và ngay trong đời sống tu trì của những giáo sĩ và tu sĩ nam nữ, những người tuy có chung một lý tưởng và khát vọng nên thánh nhưng cũng không ít lần làm tổn thương cho nhau. Vậy nguyên nhân tạo nên những rạn nứt hay khoảng cách trong các mối quan hệ là gì? Và làm thế nào để có thể chung sống, xây dựng, gìn giữ bầu khí bình an, vui tươi trong gia đình, cộng đoàn và các mối tương quan bằng những hành động đầy yêu thương và tha thứ? Bài viết này thảo luận về bản chất của tha thứ và cách thức thực hành sự tha thứ để góp phần làm cải thiện và thăng hoa các mối tương quan trong đời sống chung để ngày một tốt đẹp và tròn đầy hơn.
Tha thứ bắt nguồn từ Thiên Chúa
Là những người Kitô hữu, chúng ta được mời gọi sống tha thứ vì tha thứ là dấu chỉ của yêu thương. Yêu thương và tha thứ luôn đi song hành với nhau và không thể tách rời nhau. Tha thứ và yêu thương bắt nguồn từ Thiên Chúa. Là những người Kitô hữu, một yếu tố quan trọng để giúp ta thực hiện hành động tha thứ là học tập sự tha thứ nơi Thiên Chúa. Khi nhắc đến Thiên Chúa, mỗi người chúng ta đều khẳng định rằng Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót và rất mực yêu thương chúng ta. Vậy tại sao Ngài lại có thể yêu thương chúng ta đến thế? Tình yêu thương của Thiên Chúa đạt tới mức độ cao nhất, đó là Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến nỗi chịu chết trên thập giá. Và trên thập giá, Người đã biểu lộ tình yêu đó cho chúng ta qua việc tha thứ: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34). Đức Kitô yêu thương nhân loại ngay cả khi Ngài bị những người lính đánh đập, hành hạ và đóng đinh vào thập giá. Và Ngài vẫn cầu xin Chúa Cha tha cho họ. Và đó chính là cách Thiên Chúa thể hiện tình yêu của Ngài cho nhân loại ngang qua sự tha thứ và chấp nhận con người một cách vô điều kiện.
Bên cạnh đó, sự tha thứ của Thiên Chúa còn được thể hiện qua dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu hay Người Con Hoang Đàng (Lc 15,1-3.11-32). Người Cha luôn nóng lòng chờ đợi người con thứ trở về để tha thứ. Người Cha đã tha thứ cho người con ngay lập tức, tha thứ tất cả, thậm chí tha thứ trong tinh thần vui mừng, hân hoan mở tiệc đón người con thứ trở về khi người Cha bảo các đầy tớ rằng: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng!” (Lc 15, 22-23).
Thiên Chúa vui mừng và mở tiệc khi ta xin Ngài tha thứ cho những lỗi lầm ta đã phạm. Vậy đối với chúng ta thì sao? Tại sao nhiều lần chúng ta tha thứ cho anh chị em ta nhưng vẫn giữ khuôn mặt buồn rầu? Phải chăng chúng ta chưa tha thứ một cách toàn diện? Trong các tương quan cá nhân của mình, liệu chúng ta có sẵn lòng chạy đến gặp anh chị em mình là những người đã làm tổn thương đến ta để tha thứ cho họ? Liệu chúng ta có nóng lòng chờ đợi một thời điểm thuận tiện để hòa giải? Liệu chúng ta có sẵn lòng tha thứ khi họ xin sự tha thứ của ta? Liệu chúng ta có thể chạy đến để ôm lấy họ, tha thứ và cho họ thấy sự vui mừng của mình không? Hay chúng ta để cho cái tôi kiêu ngạo, tính tự ái trong lòng khiến ta chưa yêu thương và tha thứ đủ cho người khác một cách tự do và vô vị lợi?
Chúng ta cần học ở nơi Chúa sự tha thứ với một niềm vui thực sự vì Thiên Chúa đã tha thứ cho ta như vậy. Thiên Chúa luôn cho chúng ta những cơ hội để bắt đầu lại (Ga 8, 10-11), để làm cho cuộc sống của ta thêm nhiều ý nghĩa và hạnh phúc hơn. Không những thế, sự tha thứ của Thiên Chúa còn ban cho ta sự bình an đích thực, bình an từ chính tâm hồn của chúng ta và khi chúng ta có được sự tự do đó, chính là lúc chúng ta cảm nhận được rằng Thiên Chúa luôn yêu thương và tha thứ cho chúng ta.
Khi xuống thế làm người, Chúa Giêsu đã dạy cho ta giới luật mới, đó là giới luật yêu thương. Chúa mời gọi các môn đệ và mỗi người chúng ta: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”(Mt 5, 43). Lời mời gọi yêu thương kẻ thù như là một thách đố đối với nhiều người chúng ta. Do đó, Chúa dạy chúng ta cầu nguyện cho kẻ thù để chúng ta có thể tha thứ một cách từ từ. Cầu nguyện sẽ giúp lý trí và con tim được hài hòa hơn vì nhiều khi lý trí tha thứ nhưng lòng và con tim chưa tha thứ cho người làm tổn thương ta. Khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta xin Chúa biến đổi mình và cách mình nhìn người khác. Chúng ta mang những cảm xúc về người làm ta tổn thương trước mặt Chúa để với ơn Chúa, chúng ta có thể tha thứ một cách tự do và không bị ép buộc.
Thiên Chúa mời gọi chúng ta hãy tha thứ cho những người đã vô tình hay cố ý làm tổn thương chúng ta. Vì nếu chúng ta không tha thứ cho anh chị em mình thì Thiên Chúa không thể tha thứ cho ta. Trong kinh Lạy Cha, chúng ta thường cầu nguyện: “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (Mt 6, 12). Thiên Chúa mời gọi chúng ta tha thứ cho anh chị em mình không chỉ 1 lần, 7 lần mà đến những bảy mươi lần bảy (Mt 18: 21-22).
Vậy chúng ta hãy cầu xin Chúa ban ơn cho ta biết mở lòng ra để tha thứ như Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta. Nhờ đó, ta có thể thực hiện hành động yêu thương, quảng đại cho đi mà không mong đáp trả lại. Và rồi chúng ta sẽ cảm được sự bình an và tự do mà tha thứ mang lại.
Bản chất của tha thứ
Dù biết rằng tha thứ là lời mời gọi của Thiên Chúa cho mỗi người Kitô hữu chúng ta. Và mặc dù tha thứ là món quà quý giá chúng ta tặng cho chính mình, nhưng tha thứ không phải là việc dễ dàng. Xét về mặt tâm lý, tha thứ là cách chúng ta giải tỏa những sự phẫn nộ và tức giận của bản thân. Martin Luther King, Jr., một mục sư đạo Tin Lành (Baptist) và là nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Phi đã từng nói: “Chúng ta phải phát triển và duy trì khả năng tha thứ. Người không có sức mạnh để tha thứ là người không có sức mạnh để yêu. Tha thứ không phải là một hành động nhất thời. Đó là một thái độ mãi mãi.” Tha thứ là cơ hội giúp ta trưởng thành và trau dồi đời sống tình cảm và tâm linh. Tha thứ chính là sự thay đổi từ trái tim và là cách chúng ta nhìn nhận các mối tương giao. Tha thứ là điều quan trọng và rất cần thiết để duy trì sức khỏe thể lý và tâm lý lành mạnh. Tha thứ sẽ giúp ta có một tinh thần siêu thoát hơn, sống tích cực hơn và có thể giúp ta giải tỏa căng thẳng, lo âu và trầm cảm. Tuy nhiên, tha thứ không phải là dễ dàng, nhất là trong những trường hợp nạn nhân bị tổn thương về tâm lý tình cảm do bị bỏ rơi hay bị lạm dụng về thể lý, tâm lý và tình dục.
Là con người, chắc ai trong chúng ta cũng đã từng có kinh nghiệm tha thứ và được tha thứ. Tuy nhiên, dù biết tha thứ là rất tốt nhưng tại sao có rất ít người trong chúng ta chọn tha thứ khi người khác làm tổn thương chúng ta? Có lẽ, vì chúng ta chưa thực sự hiểu đúng về sự tha thứ. Nhiều người cho rằng tha thứ là ta phải hòa giải và sống hài hòa với người gây tổn thương ta, phải quay trở lại mối quan hệ như trước đây và phải đón nhận những hành vi đau đớn người khác gây cho ta. Nhiều người cho rằng tha thứ là chúng ta đồng tình với hành vi phạm tội của người gây tổn thương cho ta. Hay chúng ta phải quên đi những gì đã xảy ra cho chúng ta. Có lẽ đó là những cách hiểu sai lầm về tha thứ. Xét về khía cạnh tâm lý, tha thứ là một liều thuốc chữa lành những vết thương trong chúng ta, giúp chúng ta có thể trở lại với khả năng yêu thương và tin tưởng. Đồng thời đem lại sự bình an và tự do cho chính chúng ta là những người thực hiện hành động tha thứ. Và đôi khi, tha thứ không nhất thiết phải dẫn đến việc hòa giải cho những mối quan hệ không thể hàn gắn được.
Nếu cuộc sống thiếu vắng sự cảm thông và tha thứ thì trái tim ta mang nặng hận thù, ghen ghét. Chúng ta có khuynh hướng hận thù người gây đau khổ cho ta và đồng thời lo lắng tìm cách để đối phó với người làm tổn thương ta như thế nào. Khi chúng ta giữ sự ghen ghét, tâm hồn ta đầy những xao động, bất an. Khi ta bị người ghét ghen, ta bị sống trong sự đề phòng và sợ hãi. Chính điều ấy làm ta mất bình an. Vậy tại sao ta khó thực hiện hành động tha thứ?
Mỗi con người, ai cũng có những giới hạn và bất toàn. Ai cũng đã từng làm tổn thương người khác và cũng đã từng bị người khác làm tổn thương. Điều ấy đòi buộc chúng ta hãy đón nhận nhau để tha thứ cho nhau. Đôi khi ta thấy người khác không làm vì ác ý nhưng vì họ quá chú tâm vào nỗi đau khổ và bế tắc của bản thân mà họ làm tổn thương ta. Cũng có lúc ta từ chối tình yêu mến mà người khác trao tặng và vô tình ta lại gây thêm một sứt mẻ với người đang muốn làm hòa với ta. Và khi đó chính ta xây nên một bức tường ngăn cách ta với tha nhân. Cuộc sống của chúng ta sẽ chỉ chồng chất những ganh ghét, giận hờn và sinh ra thù hận. Hận thù sinh ra tranh chấp, đố kỵ, ức chế và có khi dẫn tới xung đột hai bên. Những nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng những yếu tố trên là những nguyên nhân không nhỏ dẫn đến những căn bệnh hiểm nghèo như tim mạch, cao huyết áp, đột quỵ vì không được giải tỏa thích đáng.
Cách thức tha thứ
Tha thứ là lời mời gọi của Thiên Chúa và là cách duy nhất để cho tình yêu lớn lên và hàn gán lại mối tương quan đã bị rạn nứt. Tha thứ là để nơi tâm hồn ta chan chứa tình huynh đệ và qua đó người khác sẽ cảm nhận được sự hiện diện của Chúa trong từng người chúng ta khi biết sống yêu thương và tha thứ. Tuy nhiên, tha thứ là một thử thách lớn, nhất là khi người gây tổn thương không tỏ ra hối hận thực sự hay không làm gì hết liên quan đến quá trình tha thứ.
Dưới đây xin giới thiệu ba bước để thực hành tha thứ do Azim Kamiza đề ra. Mô hình tha thứ này được đúc kết từ chính kinh nghiệm thực tế đau thương của Azim khi Tariq, con trai của ông ấy lúc đó 20 tuổi bị Tony Hicks, một thiếu niên 14 tuổi thuộc nhóm giang hồ bắn chết trong khi đang đi giao Pizza vào năm 1995. Tòa án kết tội Tony Hicks với 25 năm trong tù. Từ khi mất con, Ô Azim đã rất đau khổ, tức giận và hận thù vì cái chết đột ngột và oan ức của con trai mà mình yêu quý. Ông cảm tưởng như một trái bom nguyên tử nổ tung trong trái tim mình. Là một tín đồ Hồi Giáo, ông đã dùng đức tin và cầu nguyện với Thiên Chúa. Sau nhiều tuần cầu nguyện, ông nhận được ơn tha thứ và kết luận rằng cả con ông và kẻ giết con ông đều là nạn nhân của nền văn hoá bạo lực, ghen ghét, và hận thù. Tony Hicks cũng là nạn nhân vì anh ta phải sống với một người ông nghiêm khắc, lạm dụng và bỏ rơi anh từ nhỏ. Trong sự tức giận, Tony Hicks đã tìm đến rượu và thuốc để xoa dịu mình. Bên cạnh đó, niềm tin của tín đồ Hồi Giáo là sau 40 ngày người thân qua đời phải tìm những việc làm bao dung, tốt lành để làm sống lại tâm hồn. Điều này đã khích lệ ông giải tỏa những nỗi đau khổ do mất mát con mình. Ông Azim đã đến thăm Tony Hicks trong nhà tù và đã tha thứ cho kẻ giết con mình. Chính Tony Hicks đã nói rằng: “Azim là một người đàn ông đặc biệt. Tôi đã bắn và giết người con duy nhất của ông ấy, mà ông ấy vẫn ngồi với tôi, khích lệ tôi, và còn tạo công ăn việc làm cho tôi.” Tony Hicks được ra khỏi tù ngày 21/01/2020 sau 25 năm ở trong tù. Ông Azim đã thành lập ra một phong trào để tưởng nhớ đến người con của mình mang tên, Phong Trào Tariq Khamisa (The Tariq Khamisa Foundation) để cổ võ thông điệp tha thứ, sống hài hoà, tôn trọng lẫn nhau và phản đối văn hoá bạo lực của các bạn trẻ.
Các bước để tha thứ của Azim Kamiza bao gồm:
- Nhận thức đầy đủ rằng bạn đã bị cư xử sai. Đây là quá trình đau buồn.
- Bỏ qua tất cả những sự phẫn nộ là kết quả của điều sai trái đó.
- Liên hệ với kẻ đã làm hại ta với tình yêu và sự bao dung.
Và để thực hiện những bước tha thứ trên, trước hết chúng ta hãy tập cho bản thân:
- Sự bình tĩnh để đón nhận sự việc xảy đến với mình trong tâm tình cầu nguyện và sống niềm tin tôn giáo.
- Có có lòng can đảm để đón nhận sự khác biệt của nhau và tôn trọng tha nhân với tất cả những gì họ là.
Lời kết
Quả thật, tha thứ thật sự cần thiết và quan trọng trong đời sống. Tha thứ giải phóng chúng ta khỏi những xiềng xích của sự đổ vỡ trong các mối tương quan, trong cảm thức tội lỗi về chính bản thân hay của người khác để đem lại sự bình an cho mỗi người chúng ta. Thiên Chúa đã tha thứ và yêu thương chúng ta một cách vô điều kiện. Đức Giêsu đã xuống thế làm người, chịu đau khổ và chết trên thập giá vì yêu thương nhân loại và muốn cứu nhân loại khỏi sống trong tội lỗi và sự chết. Thiên Chúa yêu thương nhân loại đến nỗi hy sinh chính mạng sống mình trên thập giá để cứu chuộc chúng ta và ban cho chúng ta ơn huệ làm con cái Chúa và được sống trong gia đình của Thiên Chúa.
Hướng nhìn lên Chúa Giêsu trên Thập giá ta thấy tuy thân xác Ngài bị đóng đinh một cách đau đớn, nhưng con tim của Ngài vẫn hoàn toàn tự do để yêu thương và tha thứ. Điều đó chứng tỏ cho chúng ta biết rằng những tác động bên ngoài không đủ lớn để có thể ngăn cản sức mạnh nội tâm bên trong. Cho dẫu cuộc sống có những va cham, đụng độ, xích mích, nhưng nếu chúng ta có một trái tim yêu thương thật sự thì những thứ đó không đủ lớn để lấy đi khả năng tha thứ và yêu thương mà Thiên Chúa đặt để trong mỗi chúng ta. Do vậy, chúng ta được mời gọi hãy trở về với lòng mình, đặt mình trước Chúa để suy ngẫm những cầu hỏi như: Đâu là những điều ngăn cản con tim ta sống bao dung, yêu thương, và tha thứ? Đâu là cùng đích mà chúng ta muốn hướng tới và muốn có được trong cuộc sống?
Chỉ khi chúng ta tìm được câu trả lời, chúng ta mới có được sự tự do đích thực để trao ban tình yêu như chính Chúa Giêsu mời gọi mỗi môn đệ của Ngài. Là những người Kitô hữu, chúng ta được mời gọi sống theo gương Thầy Chí Thánh Giêsu để trở nên môn đệ đích thực của Ngài. Một cách hữu hiệu là chúng ta hãy hãy sống bằng cả trái tim, hãy tha thứ để được thứ tha. Và nhờ đó, sự tha thứ sẽ không còn nằm trong viễn vọng của lý thuyết nhưng nó được sinh động hóa trong chính cuộc sống hằng ngày của mỗi chúng ta.
Tập sinh khoá 2019 – 2021 và Sr. Maria Lê Kim Yến
Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội
www.tonggiaophanhanoi.org