laciviltacattolica.com, Antonio Sparado, SJ,
Đại dịch toàn cầu đầu tiên của thời đại kỹ thuật số bất ngờ xuất hiện. Thế giới đã dừng bước vì những hoạt động đình chỉ không tự nhiên làm gián đoạn hoạt động kinh doanh và giải trí. “Buổi tối đã kéo dài trong nhiều tuần nay. Bóng tối dày đặc đã bao phủ trên các quảng trường, đường xá và thành phố; nó chiếm lấy cuộc sống chúng ta, lấp đầy mọi thứ bằng một sự im lặng tĩnh mịch và một khoảng trống ngột ngạt ngăn chặn mọi thứ khi nó đi qua. Chúng ta cảm nhận được điều đó trong không khí, chúng ta nhận thấy nơi cử chỉ, nơi ánh mắt của mọi người. Chúng ta nhận ra mình đang sợ hãi và lạc lối.” Đây là những từ mà Đức Phanxicô dùng để mô tả tình huống chưa từng có trước đây. Ngài đã nói như vậy vào ngày 27 tháng 3, 2020, trước quảng trường Thánh Phêrô hoàn toàn trống vắng, trong một buổi tối chầu Thánh Thể và ban Phép Lành Toàn Xá cho thế giới. Chỉ có tiếng chuông nhà thờ hòa lẫn với tiếng còi xe cứu thương đi kèm với lời khấn nguyện của Ngài: sự linh thiêng và nỗi đau.
Đức Giáo hoàng cũng đã tuyên bố rằng thời kỳ khủng hoảng này do đại dịch Covid-19 gây ra là “một thời điểm thuận lợi để tìm thấy sự can đảm cho một trí tưởng tượng mới về khả năng có thể, với một thực tại mà chỉ có Tin Mừng mới có thể đem lại cho chúng ta” [1].
Bóng tối dày đặc đó, cho phép chúng ta tìm thấy sự can đảm để tưởng tượng. Làm thế nào có thể gửi một thông điệp như vậy trong giây phút lo âu và sợ hãi? Chúng ta đã quen thuộc với điều có thể, với những gì tâm trí chúng ta cho là sẽ xảy ra, theo kiểu xác suất thống kê. Tuy nhiên, chúng ta thường thiếu tầm nhìn về những điều có thể, đôi khi chỉ giới hạn trong thế giới của tưởng tượng. Chúng ta không quen với việc đắm mình trong sự có thể, nói theo thuật ngữ của nữ thi sĩ người Mỹ Emily Dickinson (1830-1886). Vì vậy, chúng ta cần một thực tại, để phá vỡ các mô hình, cấu trúc xơ cứng hoặc thất bại của chúng ta và truyền cảm hứng cho chúng ta tưởng tượng ra một thế giới khác, “làm cho tất cả mọi thứ trở nên mới mẻ”, như Sách Khải Huyền nói. Đức Giáo hoàng hỏi, “Chúng ta có sẵn sàng thay đổi lối sống của mình không?”
Đức Phanxicô và sự truyền nhiễm trong một thế giới bị chậm lại
Rõ ràng là có một thúc đẩy hấp dẫn để hiểu những gì đang xảy ra với chúng ta, để đưa ra một cách đọc từ cả góc độ trần thế lẫn thiêng liêng về những gì chúng ta đang sống. Đối với Đức Phanxicô, “sự hiểu biết những gì Thiên Chúa đang nói với chúng ta tại thời điểm xảy ra đại dịch này cũng đại diện cho một thách thức đối với sứ mệnh của Giáo hội”. [2] Rõ ràng trước hết chúng ta phải hiểu những gì chúng ta đã làm sai. Giáo hoàng, với tư cách là một nhà lãnh đạo toàn cầu thực sự, người duy nhất tại thời điểm được công nhận như vậy ngay cả trong nơi không thuộc ảnh hưởng của ngài, đã nói về một trái đất bị bệnh nặng, về những bất công toàn cầu gây ra bởi một nền kinh tế chỉ nhằm mục đích trục lợi, những xung đột quốc tế hiện tại phải được chấm dứt ngay lập tức, và các lệnh cấm vận cũng như lòng ích kỷ của quốc gia. Đại dịch đã làm lộ ra nhược điểm của chúng ta, sự bảo mật sai lầm và không cần thiết mà chúng ta đã xây dựng trong các chương trình nghị sự, các dự án, các thói quen và các ưu tiên.
Sự thay đổi sẽ xảy ra nếu có một phản ứng hóa học giữa việc “tuyên bố tràn lan” Tin Mừng và cuộc sống “khi nó xuất hiện” [3]. Đây là những gì tạo ra “triển vọng đổi mới” mà ngày nay chúng ta cần. Chúng ta không phải là “khởi động lại” để bắt đầu trở lại bình thường của thời kỳ hoàng kim mà trong thực tế không bao giờ là vàng, mà thay vào đó, chúng ta sẽ “bắt đầu lại”. Những lời nói đến khởi động lại là có hại, bởi vì chúng tự nhiên có xu hướng khôi phục sự quân bình đáng lẽ ra phải thay đổi. Chúng ta cần một khởi đầu mới.
Theo cách riêng của nó, coronavirus là từ bên ngoài chúng ta. Hay đúng hơn, đang xâm chiếm cơ thể của chúng ta, nó đột nhiên thay đổi cách chúng ta nhìn vào mọi thứ; nó buộc chúng ta phải nhìn từ một góc độ không quen thuộc, và chúng ta đã thấy thế giới đảo lộn. Từ quảng trường Thánh Phêrô trống vắng vào ngày 27 tháng 3, Đức Phanxicô đã nói về một “sự miễn nhiễm cần thiết”. Nhưng điều này là do virus đã trở thành một phép ẩn dụ tiết lộ một thế giới bệnh hoạn. Miễn dịch với virus trở thành hình ảnh của khả năng miễn dịch cần thiết đối với cái ác của thế giới. Ngay cả đại dịch cũng có thể mang tính ẩn dụ của một ẩn dụ trong ý nghĩa hủy diệt của chính nó và được hiểu như là một “sự lây lan của niềm hy vọng.”
Với Covid-19, chúng ta thấy mình được chiếu vào một tấm gương đột nhiên mở ra trước mắt chúng ta. Chúng ta thấy hình ảnh của mình bị đảo ngược, nhưng đồng thời, kết nối với tất cả không gian xung quanh nó: các siêu đô thị hoang vắng, sự vắng mặt giao thông, các thành phố như những cánh đồng trống trải.
Hiệu ứng này giống như của một vòng quay hoặc con trỏ, xuất hiện trên màn hình chúng ta khi có sự chậm lại trong các chương trình hoặc kết nối máy mạng. Chúng ta không chịu đựng được sự chậm chạp hoặc chờ đợi, và vì vậy chúng ta thường bỏ chương trình bị chặn hoặc kết nối chậm. Giờ đây, “bánh xe quay” do virus gây ra đã kéo dài, và tình trạng đình chỉ đã ảnh hưởng đến xã hội, ý thức về mối quan hệ, sự thờ phượng và thương mại, giá trị của sự hiện diện. Đây là lý do tại sao sự lây nhiễm đã cho chúng ta cảm giác về ngày tận thế. Cú sốc này làm cho chúng ta không còn khả năng tưởng tượng một tương lai lành mạnh sẽ xuất hiện.
Trong thời gian xảy ra đại dịch, Đức Phanxicô đã can thiệp nhiều lần. Trên hết, ngài đã an ủi hàng triệu người – từ Rôma đến Bắc Kinh, từ Beirut đến Lima – với các Thánh lễ được cử hành tại Nhà nguyện Thánh Marta. Đã có tiếng thì thầm của Tin mừng trong sự im lặng của gia đình chúng ta, phép lành của Bí tích Thánh Thể, khóc thương với những người qua đời cũng như người đau khổ, cổ võ sự sống càng nhiều khi có thể.
Sự an ủi, nâng đỡ và lời nguyện cầu của Đức Giáo hoàng đã đi vào mọi ngõ ngách của các gia đình và rất nhiều người. Đây là thông điệp đầu tiên của một Giáo hội đồng hành. Nhưng Đức Phanxicô cũng nhắm rất nhiều vào việc xây dựng một trí tưởng tượng mới để diễn giải cả thời điểm hiện tại và tương lai, tầm nhìn của điều có thể.
Bây giờ chúng ta nhìn vào bảy hình ảnh mà ngài đã sử dụng để nói lên lập luận của mình. Đó là thuyền, ngọn lửa, dưới lòng đất, chiến tranh (của các nhà thơ), xức dầu, cửa sổ và đại dịch tự hiểu là một phép ẩn dụ.
1. Thuyền trong cơn bão
Hình ảnh đầu tiên là chiếc thuyền. Tại Quảng trường Thánh Phêrô ngày 27 tháng 3, lúc 6 giờ chiều, trước giờ chầu Thánh Thể và ban phép lành Urbi et Orbi cho toàn thế giới, Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta nhận ra chúng ta đang ở trên cùng chiếc thuyền, tất cả chúng ta đều mong manh và mất phương hướng, nhưng đồng thời quan trọng và cần thiết, tất cả chúng ta được gọi để cùng chèo, và cùng an ủi nhau. Chúng ta, tất cả chúng ta, trên chiếc thuyền này.”
Hình ảnh mạnh mẽ được nói lên bằng ngôn ngữ của ngài trong ngữ cảnh đó. [4] Chiếc thuyền đang trong cơn bão, nơi “cho thấy nhược điểm của chúng ta và để lại những điều chắc chắn không cần thiết mà chúng ta đã xây dựng chương trình làm việc, dự án, thói quen và sắp đặt ưu tiên”. Đây là những gì của cơn đại dịch: một cơn bão cho thấy tình trạng của hiện tại mà tất cả chúng ta đang sống, một tấm gương phản chiếu không thương tiếc hình ảnh của thực tại mà “chúng ta chưa thức tỉnh trước các cuộc chiến tranh, trước bất công, chúng ta đã không lắng nghe tiếng khóc của người nghèo, và hành tinh bệnh hoạn của chúng ta. Chúng ta cứ tiếp tục như thế, nghĩ rằng sẽ luôn khỏe mạnh trong một thế giới bệnh tật. Bây giờ, trong khi chúng ta đang ở trên biển trong tình trạng hỗn loạn, chúng ta cầu xin Chúa, ‘Thức dậy Chúa ơi!” Trong một bài giảng tương tự, Đức Phanxicô đã sử dụng hình ảnh của trận lụt. [5]
Nhìn vào tấm gương này, lời cầu khẩn, lời cầu nguyện, được hình thành. Thực tế làm cho lời cầu nguyện khởi đi từ trái tim, không phải như những lời đạo hạnh. Nó cũng nhắc nhở hành động, đối với, đã đến lúc thiết lập lại cách sống với Chúa và đối với người khác. Đi trên chiếc thuyền này, chúng ta có thể “nhìn thấy rất nhiều người bạn đồng hành gương mẫu, những người sợ hãi, đã phản ứng bằng cách cho đi cuộc sống của họ.
Và những bạn đồng hành này là ai? Đức Phanxicô không có ý định làm các bài diễn văn hoa mỹ. Ngài liệt kê ra, đó là một danh sách ấn tượng, thực tế, phong phú, và đa dạng: bác sĩ, y tá, nhân viên siêu thị, người dọn dẹp, người chăm sóc, nhà cung cấp vận chuyển, cảnh sát, thiện nguyện viên, linh mục, tu sĩ, đàn ông, phụ nữ rất và nhiều người khác, những người đã hiểu rằng không ai tự cứu mình được .
Chiếc thuyền trở thành hình tượng của tình huynh đệ tích cực của con người mà virus đã làm hiện rõ khi nó tấn công bất cứ ai và tất cả mọi người, mà không có bất kỳ sự phân biệt chủng tộc, tôn giáo, nguồn gốc hoặc quốc tịch. Đây là những gì con thuyền chỉ ra: tình huynh đệ. [6]
Những từ được Đức Giáo hoàng sử dụng để nói với các tu sĩ Dòng Tên trong bài giảng của mình vào ngày 27 tháng 9 năm 2014, được áp dụng cho toàn thể nhân loại. Và cơn bão là nơi lý tưởng để khám phá tình huynh đệ, bởi vì đó không phải là tình huống để biểu diễn hoặc tự hào về sức mạnh và an toàn. Cơn bão ngụ ý bao trùm – với những cơn thịnh nộ kéo dài – “tất cả những nghịch cảnh của thời hiện tại, từ bỏ khoảnh khắc chúng ta khao khát sự toàn năng và sự chiếm hữu,” và tìm thấy can đảm để mở ra “những không gian nơi mà mọi người có thể cảm thấy được gọi và cho phép những hình thức hiếu khách mới, tình huynh đệ và tình đoàn kết”. Những người có lòng tin nhận ra rằng làm nên tình huynh đệ này không phải là công việc của con người và con người phải “dành không gian cho sự sáng tạo nơi mà chỉ có Chúa Thánh Thần mới có khả năng khơi dậy.”
2. Ngọn lửa mới trong đêm
Trong phép lành Urbi et Orbi Phục sinh, Đức Phanxicô đã đưa ra một hình ảnh khác, đó là ngọn lửa, hình ảnh thứ hai tạo nên kích thích để nghĩ đến những gì có thể. Nếu đại dịch trước đây là “bão”, thì bây giờ là “đêm”, “đêm của một thế giới đang phải vật lộn với những thách thức thời đại và bây giờ bị áp bức bởi đại dịch, đưa gia đình nhân loại vĩ đại của chúng ta vào thử thách. Và chính xác trong đêm này, tiếng nói của Giáo hội vang lên: “Chúa Kitô, niềm hy vọng của tôi, đã trỗi dậy!”
Đức Phanxicô thường sử dụng hình ảnh ban đêm. Đặc biệt, khi bắt đầu triều giáo hoàng của mình, ở Ngày Thế Giới Trẻ Brazil, đề cập đến các môn đệ trên đường Ê-mau, ngài nói: “Chúng ta cần một Giáo hội không sợ đi vào đêm tối”. Và rồi vào ngày 26 tháng 4 – giữa cơn đại dịch – trong giờKinh Nữ Vương Thiên Đàng Regina Coeli, ngài nói: “Chúng ta sẽ khám phá ra rằng không có sự kiện bất ngờ, không có con đường khó khăn, không có đêm nào mà không đối diện với Chúa Giêsu.
Đức Phanxicô mô tả đêm của đại dịch này bằng cách tập trung chính xác vào bốn khía cạnh, một cách nào đó là bốn “ đêm”. Những đêm này vẽ ra một bức tranh về tình hình hiện tại, bắt đầu từ mối quan tâm của những người dân bình thường mở ra một cái nhìn rộng hơn về châu Âu, và kịch bản quốc tế phức tạp hơn, bị cuốn vào giữa những chế tài và các xung đột. Danh sách các đêm này nên được xem xét cẩn thận.
Đêm đầu tiên chạm đến cuộc sống của những người dân, những người “đang quan tâm về tương lai không chắc chắn, vì công việc họ có nguy cơ mất và vì những hậu quả khác mà cuộc khủng hoảng hiện nay mang lại”. Đức Thánh Cha khuyến khích “những người có trách nhiệm chính trị tích cực làm việc vì lợi ích chung của công dân, cung cấp các phương tiện và công cụ cần thiết để cho phép mọi người có một cuộc sống nghiêm túc, và khuyến khích, khi hoàn cảnh cho phép, nối lại các hoạt động thông thường hàng ngày.”
Đêm thứ hai là các lệnh trừng phạt quốc tế. Đức Phanxicô đã đưa ra một lời kêu gọi nới lỏng các lệnh trừng phạt, vì “điều này ngăn cản khả năng các quốc gia tiếp nhận việc hỗ trợ đầy đủ cho công dân của họ, và cho phép tất cả các quốc gia được đáp ứng những nhu cầu cần thiết hơn trong thời điểm này, giảm bớt, thậm chí xóa nợ, món nợ đè nặng lên ngân sách của những quốc gia nghèo nhất.”
Đêm thứ ba là sự ích kỷ và ganh đua giữa các quốc gia. Tại đây, bài diễn văn của giáo hoàng đã tập trung vào châu Âu, nơi ngài trưng nhiều tài liệu tham khảo khác nhau, bao gồm cả trong những Thánh lễ được cử hành tại Santa Marta. Vào lễ Phục sinh, ngài nói: “Trong số nhiều khu vực trên thế giới bị ảnh hưởng bởi coronavirus, tôi có một ý nghĩ đặc biệt đối với châu Âu. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, lục địa này đã có thể trỗi dậy trở lại nhờ một tinh thần đoàn kết cụ thể cho phép nó vượt qua các đối nghịch trong quá khứ. Điều cấp bách hơn, đặc biệt là trong hoàn cảnh hiện nay, những cuộc đối nghịch này không nên được phục hồi, mà mọi người nên nhận ra mình là một phần của một gia đình và hỗ trợ lẫn nhau. Ngày nay, Liên minh châu Âu phải đối mặt với một thách thức mang tính thời đại mà không chỉ tương lai của nó mà cả thế giới sẽ phụ thuộc. Đừng bỏ lỡ cơ hội để chứng minh về sự đoàn kết, thậm chí bằng cách dùng đến các giải pháp sáng tạo. Sự thay thế chỉ là sự ích kỷ của những lợi ích đặc biệt và sự cám dỗ để quay về quá khứ, với nguy cơ đặt sự chung sống hòa bình và sự phát triển của các thế hệ tương lai vào thử thách.
Đêm thứ tư là đêm xung đột vũ trang, với lời kêu gọi “ngừng bắn toàn cầu và ngay lập tức ở mọi nơi trên thế giới. Đây không phải là thời gian để tiếp tục sản xuất và buôn bán vũ khí, sử dụng số vốn khổng lồ, thay vì nên dùng vào sự chữa lành và cứu sống mọi người. Ở đây, các quốc gia ngài nhắm đến trực tiếp là Syria, Iraq, Lebanon, Israel và Palestine, Ukraine, một số quốc gia châu Phi và Mozambique nói riêng, Libya, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, Venezuela.
Bốn đêm của đại dịch là một cái nhìn bao quát về thế giới tại thời điểm Covid-19 xác định các nút thắt cần được tháo gỡ. Theo kịch bản của “đêm” của thế giới là lời cầu nguyện: “Lạy Chúa Kitô, bình an của chúng ta, xin soi sáng cho những người có trách nhiệm.” Đây là một lời thỉnh cầu cho thấy sự vô nghĩa của lý luận nơi những người không muốn hiểu làm thế nào những lời của giáo hoàng về thế giới không phải do bởi chính trị hay ý thức hệ, nhưng bởi Tin Mừng của Chúa Kitô.
Rõ ràng là Đức Phanxicô cũng có ý định phát triển nguyên tắc lãnh đạo đạo đức phù hợp với đường lối ngoại giao của Vatican, trong một thế giới thấy sự mất quân bình về địa chính trị và cần một sự xác định mạnh mẽ về sự năng động mang tính dân chủ.
3. Tầng hầm và các ngọn núi
Trong cuộc phỏng vấn bằng tiếng Ý với nhà báo Austin Ivereigh được đăng trên tạp chí Văn minh Công giáo, Đức Phanxicô nói: “Cho phép tôi có lời khuyên: đã đến lúc chúng ta phải đi xuống tầng hầm. Tôi nghĩ đến Dostoevsky trong tiểu thuyết ngắn “Ghi chú từ tầng hầm” [7]. Đi xuống tầng hầm để thấy trái đất và hiểu năng động của nó: đó là điều cần thiết. Động lực mà Đức Phanxicô nói ở đây là một hình ảnh: “Ngày trước tôi có nhìn bức hình người vô gia cư cách ly ở một bãi đậu xe ở Las Vegas, trong khi các khách sạn trống rỗng. Ở đây chúng ta thấy văn hóa phế thải”. Và một hình ảnh khác: “Ở Rôma trong thời gian cách ly, một cảnh sát nói với một người: ‘Anh không thể ở ngoài đường’, câu trả lời là: ‘Tôi không có nhà, tôi ở ngoài đường’”.
Như thế chúng ta phải mở mắt ra để thấy: “Nhìn người nghèo là mang lại nhân phẩm cho họ. Người nghèo không phải là đồ vật, cũng không phải là đồ phế thải. Chúng ta không thể làm chính sách phúc lợi như với động vật bị bỏ rơi.”
Vậy, “đi xuống tầng hầm” có nghĩa là “đi từ xã hội siêu ảo và không tình người đến một xã hội với cơ thể đau thương của người nghèo.” Nhìn đồ phế thải dẫn đến chạm vào da thịt.
Nói với người trẻ trong cuộc phỏng vấn này, Đức Phanxicô nhận ra bối cảnh đảo ngược từ trên xuống, ngài đưa ra hướng nhìn từ tầng hầm. Trên thực tế ngài xin người trẻ có “can đảm hướng về tương lai”. Và ngài trích dẫn tác phẩm Virgil khi nói điều này. Khi Aeneas bị đánh bại tại thành Troia, thua tất cả, anh chỉ có hai con đường trước mặt: hoặc ở đó và kết thúc cuộc đời, hoặc “đi theo những gì có trong quả tim, lên núi, bỏ lại chiến tranh đàng sau. Đó là câu thơ tuyệt vời: ‘Tôi đã đầu hàng số phận, cõng cha trên vai, tôi lên núi’”(Cessi, et sublato montem genitore petivi )
4. Cuộc chiến của các nhà thơ
Trong bối cảnh mà “cuộc chiến” chống lại virus được xử lý theo thuật ngữ chiến tranh, mô tả nó như cuộc xâm lược của một thế lực thù nghịch, người công dân trở thành người lính và người chăm sóc thành anh hùng. Khẩu hiệu nhường chỗ cho cuộc chiến. Trong lĩnh vực ngữ nghĩa được tạo ra bằng từ ngữ “chiến tranh” này, người bị “ngã” thành người bệnh và người thua cuộc. Người bệnh là kẻ thua cuộc.
Đức Phanxicô không tránh việc dùng ẩn dụ chiến tranh, ngài dùng nó như đòn bẫy để thay đổi ý nghĩa. Trong một thư gởi cho Phong trào Bình dân ngày chúa nhật Phục sinh, ngài nói: “Trong những ngày đầy khó khăn và đau đớn sâu đậm này, nhiều người dùng ẩn dụ chiến tranh để nói đến đại dịch mà chúng ta đang trải qua. Nếu đấu tranh chống Covid-19 là một cuộc chiến, thì chúng ta thật sự là đội quân vô hình chiến đấu trong các chiến hào nguy hiểm nhất. Một đội quân không có vũ khí nào khác ngoài sự đoàn kết, hy vọng và ý thức cộng đồng phát triển mạnh mẽ trong thời điểm mà không ai có thể tự mình cứu mình. Như tôi đã nói với anh chị em trong các cuộc họp, với tôi anh chị em thực sự là “các nhà thơ xã hội”, những người đến từ vùng ngoại vi bị lãng quên, anh chị em đã có các sáng kiến đáng phục cho các vấn đề tác động đến tình trạng bị loại trừ”.
Cách mà ẩn dụ này được làm trống rỗng được giải quyết theo chiều ngược lại thật đáng quan tâm. Ai là thành phần của quân đội vô hình chiến đấu trong các chiến hào nguy hiểm? Là các nhà thơ, “nhà thơ xã hội”, thành ngữ của Đức Phanxicô chưa được đăng và phải được hiểu. Nhà thơ là ai? Nhà thơ là người sử dụng ngôn ngữ một cách sáng tạo: nhà thơ dùng lời nói như mọi người, nhưng để nói lên một cách khác biệt, luân phiên so với lời nói thông thường cho các câu chuyện phổ biến hay nổi trội.
Cần phải tạo ra một câu chuyện biết chấp nhận rủi ro và phù với lời kêu gọi: Hãy xắn tay áo và tiếp tục làm việc cho gia đình bạn, cho khu phố bạn, cho lợi ích chung”. Trong buổi Kinh Nữ Vương Thiên Đàng ngày chúa nhật 24 tháng 5, Đức Phanxicô cũng nói ý này nhưng với lời khác: “Hãy khuyến khích chúng tôi kể và chia sẻ những câu chuyện mang tính xây dựng, giúp chúng tôi hiểu, tất cả chúng ta là một phần của một câu chuyện lớn hơn, và chúng ta có thể nhìn về tương lai với hy vọng nếu chúng ta thật sự chăm sóc nhau như anh chị em của nhau”.
Đức Phanxicô dùng mô hình nhà thơ-xã hội để chống các mô hình công nghệ – đặt quốc gia hay thị trường làm trọng tâm: “Bây giờ hơn bao giờ hết, chúng ta phải đặt người dân, cộng đồng và các dân tộc vào trọng tâm, đoàn kết để chữa lành, để chăm sóc và để chia sẻ”. Hành động của đội quân nhà thơ là để “chữa lành”, có nghĩa là có giá trị trị liệu. Sự chữa lành bao gồm “lấy lại quyền kiểm soát cuộc sống của chúng ta”, lay động “lương tâm đang ngủ sâu”, tạo ra “sự chuyển đổi con người và sinh thái nhằm chấm dứt thờ thần tài, đặt đời sống con người và nhân phẩm vào trọng tâm cuộc sống”.
5. Việc xức dầu phục vụ
Hình ảnh thứ tư Đức Phanxicô dùng là hình ảnh trong bài viết của ngài trên tạp chí Vida Nueva ngày 17 tháng 4-2020 với tựa đề “Kế hoạch vực dậy” (8). Trong bài viết rất phong phú này, ngài mô tả tình hình đại dịch đã “tràn ngập”, gợi lên lời loan báo “tràn đầy” sức sống lại nơi người tín hữu (9).
Đức Phanxicô tập trung vào mục tiêu gì của ngài? Ngài viết: “Chúng ta đã thấy việc xức dầu qua các bác sĩ, y tá, các nhân viên siêu thị, nhân viên dọn dẹp, nhân viên chăm sóc , các lực lượng an ninh, các thiện nguyện viên, các linh mục, các tu sĩ, các ông bà nội ngoại, các nhà giáo và nhiều người khác nữa đã can đảm làm tất cả những gì họ phải làm để cống hiến một chút quan tâm, bình tĩnh và tinh thần cho tình huống này”. Và đây là thêm một danh sách nữa. Nhưng những người vào ngày 27 tháng 3 được xem là “bạn đồng hành”, bây giờ ngày 17 tháng 4 họ là những người được xức dầu như dầu thánh, dầu an ủi, dầu chúc lành. Thêm nữa, đây là cả một tập thể được chúc phúc. Và dầu được “tràn xuống” có “khả năng khuếch tán” hơn nhiều so với sự tuyệt vọng đe dọa các môn đệ trước cái chết của Thầy.
Vì thế “đủ để mở một vết nứt để dầu của Chúa ban cho chúng ta được thấm với một sức mạnh không cản, cho phép chúng ta nhìn thực tế với một cái nhìn mới”.
Đó là xức dầu thánh cho công việc phục vụ đi kèm với sự đau đớn của nhân loại để chúng ta có thể trở thành “kiến trúc sư và là nhân vật chính của một lịch sử chung”. Thêm một lần nữa, đây là điểm mấu chốt: việc xức dầu đưa đến việc xây dựng một lịch sử chung cho thấy tình huynh đệ của nhân loại. Thông điệp của Đức Phanxicô rất mạnh ở điểm này. Thời buổi của virus trở thành thời điểm hiện tại (kairos), thời thuận lợi để tận dụng. Từ việc phân tích các “đêm” của thế giới, chúng ta chuyển sang tầm nhìn về tương lai đang chờ chúng ta, “nếu chúng ta hành động như một dân tộc”.
Việc xức dầu “mở ra các chân trời” và “khơi dậy sự sáng tạo” vì nhịp điệu của nó có “nhịp điệu của Thần Khí”. Bài diễn ngôn chính trị trở thành bài diễn ngôn thiêng liêng và tiên tri: Chúa “muốn tạo ra trong thời khắc cụ thể này lịch sử” một năng lực của “đời sống mới”. Và như thế – như chúng ta đã nêu ở phần đầu của suy tư – chính xác “đây là thời điểm thích hợp để có được can đảm cho một sức tưởng tượng mới về khả năng, với chủ nghĩa hiện thực mà chỉ có Tin Mừng mới có thể mang lại được. Thần Khí, Đấng không để mình bị khép kín hay bị khai thác trong các mô hình, phương thức, các cấu trúc cố định hay nhất thời, Ngài đề nghị chúng ta hợp nhất vào chuyển động của Ngài, có khả năng “này đây Ta đổi mới mọi sự” (Kh 21, 5). Vì thế có lời kêu gọi: “Chúng ta xem thử nghiệm này như cơ hội để chuẩn bị ngày mai cho mọi người, không loại bất cứ ai: tất cả cho mỗi người sẽ không có tương lai cho bất cứ ai”.
6. Cửa sổ và “xã hội của y học dự phòng”
Một hình ảnh tiêu cực mà chúng tôi nhấn mạnh đã được Đức Phanxicô dùng trong thư ngày 30 tháng 5 ngài gởi cho các linh mục giáo phận Rôma vì ngài không thể dâng Thánh lễ Dầu. Trong một bài viết cô đọng, ngài có một giao tiếp sâu đậm với các linh mục trong giáo phận của mình bằng e-mail và điện thoại. Từ các “đối thoại chân thành” này, ngài khẳng định, “giãn cách cần thiết không đồng nghĩa với việc co mình hay đóng mình lại, làm gây mê, làm ngủ và làm tắt sứ vụ”.
Tuy nhiên, khái niệm của “một xã hội an toàn, không bị xáo trộn và luôn sẵn sàng tiêu thụ vô hạn định”, đang bị virus đặt vấn đề, “cho thấy sự thiếu miễn dịch văn hóa và thiêng liêng đối diện với các cuộc xung đột”. Chúng ta không nên có ảo tưởng các vấn đề đã có trong thời gian này sẽ được giải quyết khi các sinh hoạt được mở lại. Nhưng sẽ không thể thiếu với việc “chuẩn bị và mở ra con đường mà Chúa kêu gọi chúng ta đi”. Do đó không thể thờ ơ với thực tế này, đơn giản là “nhìn chúng từ cửa sổ”. Đây là hình ảnh tiêu cực: cửa sổ đồng nghĩa với khoảng cách.
Thay vào đó Đức Phanxicô ca ngợi các linh mục “thấm đậm cơn bão đang tác hại”. “Nhận chìm” là danh từ chính. Đó không phải là ban-công, từ ngữ Đức Phanxicô thường nói theo phương ngữ porteño của Argentina, nhưng là Giáo hội đang trên đường, callejera. Đức Phanxicô thực sự đã đưa ra thời điểm này khi với cơ thể khập khiễng, ngài đã nói về sự gần gũi và hy vọng. Vào chiều chúa nhật, ngài đi bộ một đoạn đường Via del Corso, như người hành hương đến nhà thờ San Marcello al Corso, nơi có Cây thánh giá Nhiệm mầu mà năm 1522 đã được rước qua thành phố Rôma để xin chấm dứt trận dịch hạch tàn phá người dân Rôma. Trong lời cầu nguyện, Đức Phanxicô xin chấm dứt đại dịch. Thẩm quyền thiêng liêng của ngài là trong sự cô tịnh hoàn toàn, khi không có ai trên đường phố. Các giai đoạn này cần thiết để khép mình vào Chúa Kitô trên thập giá, tiên tri báo trước con đường hậu Covid.
“Nhìn từ cửa sổ” thay vì là y dược phòng bệnh và an toàn, lại được diễn dịch thành cách ly và tê liệt. Lô-gích cửa sổ phải được khắc phục bởi lô-gích thấm đậm, được “ngấm” và bao gồm từ dưới lên, mời gọi chúng ta xây dựng các cách thức mới và lối sống mới.
7. Đại dịch như phép ẩn dụ để hiểu thế giới
Cuối cùng, chúng ta thấy Đức Phanxicô không những đã dùng ẩn dụ trong các bài diễn văn của mình để nói về đại dịch và các ảnh hưởng của nó, nhưng đại dịch chính nó là ẩn dụ cho các bệnh nói chung và các tệ nạn trên thế giới (10): “Có nhiều đại dịch khác làm cho con người chết và chúng ta không nhận ra, chúng ta nhìn đi chỗ khác”, Đức Phanxicô trong thánh lễ tại Nhà nguyện Thánh Marta ngày 14 tháng 5 – 2020. Và sau khi nhắc lại một số dữ liệu, ngài nói tiếp: “Xin Chúa thương xót chúng ta và ngưng cả các đại dịch khủng khiếp khác: đói khát, chiến tranh, đại dịch trẻ em không được giáo dục”. Trong bài giảng ngày chủ nhật thứ hai lễ Phục sinh, ngài nhắc đến một “đại dịch rùng rợn” khác là đại dịch của “thói thờ ơ ích kỷ”.
Có một loại đại dịch về tinh thần và các mối quan hệ xã hội, trong đó coronavirus đã trở thành biểu tượng và hình ảnh.
Thuyền, lửa, dưới lòng đất, chiến tranh (của các nhà thơ), xức dầu, cửa sổ, đại dịch
Và đây là bảy hình ảnh: con thuyền, ngọn lửa, dưới lòng đất, chiến tranh (của các nhà thơ), xức dầu, cửa sổ vô dụng, bản thân đại dịch như phép ẩn dụ. Đây là những mãnh ghép tạo nên bức tranh của một thế giới có thể tưởng tượng, một mặt kêu gọi sự chú ý của chúng ta, mặt khác khuyến khích chúng ta: “Đức tin giúp chúng ta có một trí tưởng tượng thực tế và sáng tạo, có khả năng loại bỏ lô-gích của lặp đi lặp lại, thay thế hay giữ lại và thúc đẩy chúng ta “không sợ khi phải đối diện với thực tế“ (11).
Với bảy hình ảnh này, Đức Phanxicô cho thấy – không phải theo kiểu thiện ác rạch ròi (Pelagian) và theo ý chí, nhưng dựa trên công việc của Thần Khí – tin tưởng vững chắc vào con người, và trong lý tính của nó – có thể hiểu các vấn đề – và trong khả năng hành động với hiệu năng và quyết tâm.
Đức Phanxicô đề cao thời gian chờ đợi, “bánh xe quay vòng” của hệ điều hành của chúng ta, để hành động như một “tấm gương phản hồi” cho một thế giới đang gặp khủng hoảng. Và để làm điều này, ngài đã phải đề cập đến hỗn loạn. Tuy nhiên, cuối cùng, tấm gương lại chính là Tin Mừng. Ai không nhìn thấy điều này và xem bài diễn văn của Đức Phanxicô dưới cặp mắt chính trị không có đức tin thì sẽ rơi vào cái nhìn sai lầm, trong hình thức thiếu hợp nhất để có thể quy vào một tầm nhìn. Đức Phanxicô nhìn thế giới như người đại diện Chúa Kitô, có nghĩa là với đôi mắt của Chúa Kitô; ngài làm như vậy về mặt thần học, kết hợp một chú giải của thời cánh chung, một lời mời gọi hoán cải và một viễn cảnh Phục sinh của cái chết và sự sống lại (12).
Nhiệm vụ của Giáo hội là những gì Đức Phanxicô đã nói trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Văn minh Công giáo (La Civiltà Cattolica) năm 2013: Giáo hội là “bệnh viện dã chiến” (13) để chữa lành và chăm sóc vết thương nhân loại. Các tín hữu không được kêu gọi để cứ nhân thêm các lời cầu nguyện sốt sắng, nhưng để đưa ra các giải pháp Tin Mừng, xúc động và được truyền cảm hứng bởi Mạc khải. Đó là học thuyết xã hội của Giáo hội. Là hoán cải cái nhìn. Và đây là thời đại của một thế giới khác, đòi hỏi cả sự công nhận tính dễ bị tổn thương toàn cầu và trí tưởng tượng phù với chủ nghĩa hiện thực Tin Mừng.
Ghi chú
[1]. Đức Phanxicô trên tạp chí Vida Nueva ngày 18 đến 24 tháng 4 năm 2020, 8-11.
[2]. Id., Ngày Truyền giáo Thế giới 2020. Ngày 30 tháng 5 năm 2020, trong thư gửi các linh mục giáo phận Rôma, Đức Phanxicô nhắc lại cách cộng đồng tông đồ đầu tiên đã sống các giờ phút bị cách ly, cô lập, sợ hãi và không chắc chắn. Và năm mươi ngày trôi qua giữa việc đóng cửa và loan báo sống lại đã làm đời sống của họ thay đổi mãi mãi.
[3]. Như trên.
[4]. Chiếc thuyền cũng là hình ảnh Đức Phanxicô dùng ngày 27 tháng 9 năm 2014, trong bài giảng Thánh lễ kỷ niệm 200 năm tái xây dựng lại Dòng Tên.
[5]. Thánh lễ tại Nhà nguyện Thánh Marta ngày 14 tháng 5 năm 2020.
[6]. Nhắc lại Tông huấn Niềm vui Tin Mừng Evangelii gaudium, Đức Phanxicô dùng hình ảnh “đoàn lữ hành” để nói lên khía cạnh “thần nghiệm” của đời sống chung, pha trộn, gặp gỡ của chúng ta, đưa chúng ta vào vòng tay, dựa vào nhau, tham dự vào dòng thủy triều hơi hỗn loạn này để có kinh nghiệm thực sự về tình huynh đệ . Đức Phanxicô thích các hình ảnh giao thông tập thể, quen với xe buýt và tàu điện ngầm: ngài cho thấy trong hình ảnh đơn giản hàng ngày này ý nghĩa câu chuyện chung về thế giới và các liên kết phổ quát.
[7]. A. Ivereigh, “Giáo hoàng bị cách ly. Phỏng vấn Đức Phanxicô” ngày 8 tháng 4 – 2020.
[8]. Xem Đức Phanxicô, “Un plan para resuscitar …”, cit.
[9]. Xem D. Fares, “Trái tim của Querida Amazonia.”
[10]. Đó là cách dùng đặc biệt vì trong các bài diễn văn của ngài, Đức Phanxicô linh động dùng ngôn ngữ chăm sóc sức khỏe. Trong bài giảng ngày Chúa nhật Lời Chúa 26 tháng 1-2020, ngài nói: “Lời cứu rỗi không đi tìm những nơi dành riêng, khô cằn và an toàn.” Phát biểu trước các tu sĩ Dòng Tên Mozambique ngày 5 tháng 9 năm 2019: “Ngày nay chúng ta bị cám dỗ bởi một hình thức xã hội học tiệt trùng. Dường như chúng ta xem quốc gia như phòng giải phẩu, nơi mọi thứ đều vô trùng: chủng tộc của tôi, gia đình tôi, văn hóa của tôi, như thể sợ làm làm vấy, làm bẩn, lây nhiễm nó.”
[11]. Đức Phanxicô, Thư gửi các linh mục của giáo phận Rôma, cit.
[12]. Xem L. Oviedo Torroù, “Thần học về đại dịch”, trong Razoùn y fe, 2020, 281.
[13]. A. Spadaro, “Phỏng vấn Đức Phanxicô”, tạp chí Văn minh Công giáo. 2013 III 449-477.
Nguyễn Tùng Lâm và Tuấn Phạm dịch (phanxico.vn)