Làm bạn với một người cao tuổi là thêm vào đời mình chiều sâu và sự phong phú.

Hiện nay thế giới có hơn 700 triệu người trên 60 tuổi – và sẽ đạt con số 2 tỷ vào năm 2050. Buồn thay, ĐTC Phanxicô cho biết, trong xã hội ngày nay người ta thần tượng giới trẻ và hạn chế những thế hệ già nua.

Trong bài giảng ngày 19.11.2013, ĐTC nói, “Chúng ta sống trong một thời đại mà người già không được quan tâm. Thật đáng buồn khi phải nói ra, họ bị loại bỏ vì bị cho là một gánh nặng của chúng ta… Tuy nhiên, người cao tuổi là nhân chứng của lịch sử, của các học thuyết và của niềm tin, và họ để lại cho chúng ta những thứ đó như một tài sản kế thừa. Họ giống như một loại rượu ngon lâu năm; là vì họ mang trong người sức mạnh để cho chúng ta một kho tàng quý giá”.

ĐTC Phanxicô nói, “Văn hóa loại bỏ ngày nay cho rằng ‘Ông già rồi. Đi Đi!’ Vâng, các bạn già nhưng các bạn có nhiều điều để nói với chúng tôi, để kể cho chúng tôi, về lịch sử, văn hóa, cuộc sống, những giá trị… Chúng ta sẽ không cho phép thứ văn hóa loại bỏ này tồn tại. Hơn thế, đó phải luôn là một văn hóa hòa nhập”.

Marie de Hennezel - người viết về chủ đề tuổi già và làm việc cho một tổ chức giúp đỡ người cao niên thực hiện một vai trò năng động hơn trong xã hội - đã nói với báo Aleteia về cách những người ngày càng lớn tuổi có thể giúp cho xã hội phong phú hơn.

Tại sao những người già không luôn được đón nhận như một di sản?

Chúng ta có một ấn tượng xấu về tuổi già! Tuổi tác là kẻ thù! Cấm không được già, bởi vì tuổi già chỉ được xem như một sự giảm sút, mất mát… Tuy nhiên, khi tôi hướng dẫn những buổi hội thảo về “tuổi già tốt đẹp”, tôi hỏi những người tham dự cho tôi một hình ảnh về người cao niên mà họ biết, làm cho họ nễ phục người có tuổi, mọi người luôn có một mẫu người rất cao tuổi mà họ xem như là một gia tài!

Vai trò độc đáo của người già là gì?

Tôi nhận thức rằng tuổi già được ban tặng để chúng ta có thể hướng đến những tự nhiên nội tâm, và tìm kiếm sâu thẳm trong bản ngã những tài sản chưa được khám phá nơi tuổi trẻ của mình. Vâng, tuổi già là dành cho con người nội tâm! Cuộc hành trình nội tâm này không mang ý nghĩa quay trở lại bản ngã, nhưng là hướng đến việc rút tỉa từ chiều sâu bên trong, nhìn lại cuộc sống, khám phá ra đường mạch chung của nó… Vậy bạn có cho rằng người già là những thiền định vĩ đại không?

Tôi đã gặp những người rất đơn giản điển hình như thế này: những phụ nữ già, những bà góa của ngư phủ, họ đưa đến những nơi họ biết để ngắm hoàng hôn. Họ đã trở thành những nhà thiền định. Họ có niềm vui bên trong và lan tỏa niềm vui đó cho những người chung quanh.

Xã hội phải thay đổi cái nhìn đối với người già. Muốn họ cư xử như người trẻ là một sai lầm! Họ đóng góp những khác biệt và đó là những điều “khác biệt” xã hội được mời gọi cùng nhau khám phá.

Bạn có thể nói những người lớn tuổi là tài sản vì họ có nhiều điều để tiếp nối không?

Trong nhóm dân cư thâm niên, tôi chủ trì một cộc thảo luận về “Cuộc phiêu lưu của tuổi tác”, những người cao niên đã bộc lộ một cách thoải mái. Họ chia sẻ những kinh nghiệm thú vị và hiệu quả tốt đẹp của họ. Họ tiếp tục sống, mơ ước, muốn học hỏi, muốn có những kinh nghiệm mới, và họ rất hạnh phúc! Thật tuyệt vời! Họ cũng có một cuộc sống nội tâm phong phú và họ rất thông thái.

Tôi thấy rằng đường dây kết nối các thế hệ vẫn còn đó, nhưng nó đã thay đổi. Sự chuyển giao luôn có từ thế hệ này qua thế hệ khác, nhưng lại không cần thiết trong gia đình. Những nhân viên làm việc gần với những lão niên nói với tôi: “Chúng tôi học được rất nhiều từ những người già”. Như thế, họ là kho tàng của chúng ta.

Chúng ta có thể sống cụ thể tương quan này như thế nào?

Con người của thế hệ chúng ta - thời kỳ bùng nổ - đang suy nghĩ về câu hỏi này, bởi vì chúng ta muốn tuổi già của mình là một trải nghiệm thú vị, thành công và hạnh phúc. Hơn thế chúng ta muốn trở thành di sản của xã hội!

Những thế hệ trước chúng ta đã sống tuổi già của họ theo khuôn mẫu nơi bạn vẫn sống trong gia đình, nhưng bây giờ không như thế nữa. Một trong những đứa con của tôi sống ở nước ngoài, và tôi biết nó sẽ không quanh quẩn bên tôi khi tôi trở nên già yếu! Nhưng với những phương tiện truyền thông hiện đại (thư điện tử, tin nhắn, những cuộc gọi video), người cao niên có thể chuyển tải giá trị của họ ngay cả khi những người họ yêu không hiện diện bằng xương bằng thịt!

Chúng ta phải làm gì trong gia đình để người cao tuổi được đối xử như tài sản quý giá?

Người trẻ và người trưởng thành thường bận rộn với cuộc sống thường nhật. Chuyện đó là bình thường, và họ không thể thay đổi trong chốc lát. Nói với con hoặc cháu, “Con phải đi thăm Ông (Bà), con không được để họ cô đơn”, dĩ nhiên là cần thiết, như trong các ngày lễ mừng, ngày truyền thống và lịch thăm hỏi thường xuyên. Hơn thế, người cao niên có thể mời gia đình ăn trưa hay đi thăm thú một nơi nào đó.

Người cao tuổi không nhất thiết phải mời người trẻ thăm nom, phục vụ họ: họ chỉ muốn người khác rút tỉa những điều hay nơi họ và hỏi họ những câu đơn giản như: “Ý kiến của Ông (Bà) trong những việc này như thế nào? Ông (Bà) quan tâm tới điều gì?” Cách tốt nhất để đồng hành với người cao tuổi là nói với họ: “Ông (Bà) có thể làm khác với chính mình!”

 
 
(How to see the elderly as family treasures / Marie Lucas}
 
Maria Trần Thị Kim Danh, STMTY chuyển ngữ (songtinmungtinhyeu.org)