Có lẽ trong đời sống đức tin, phần đông tín hữu chúng ta ưa thích làm những việc của Chúa hơn quan tâm chọn Chúa làm trung tâm và cùng đích của đời mình. Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa là chúng ta phủ nhận tinh thần tích cực và lòng nhiệt thành của những ai thực thi những việc của Chúa, từ trong những lễ nghi thờ phượng cho đến những phục vụ trong sinh hoạt cộng đoàn Dân Chúa. Nhưng trên hết, đối tượng mà chúng ta chọn lựa ưu tiên trong đời sống đức tin vẫn luôn luôn là Chúa, Đấng là tất cả trong mọi sự.  

Vậy, để không rơi vào ảo tưởng cho rằng mình đã giữ đạo tốt lành, đúng ý Chúa, chúng ta cần phân biệt cách rạch ròi sự khác biệt giữa Chúa và việc của Chúa.

Đức cố HY Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận đã dành chương 2 trong cuốn sách nổi tiếng “Năm chiếc bánh và hai con cá” để chia sẻ kinh nghiệm thực tế của cá nhân ngài liên quan vấn đề “Phân biệt giữa Chúa và việc của Chúa”.

Ngài kể lại câu chuyện của bản thân ngài như sau:

“Lúc tôi còn là một linh mục sinh viên ở Roma, có một người đã bảo tôi: Ðức tính lớn nhất của bạn là ‘hăng say nhiệt tình’, còn tính xấu tệ nhất là ‘hay tấn công’. Dù thế nào đi nữa, tôi là một người ham hoạt động: hướng đạo sinh, tuyên úy tráng đoàn La-vang, cắm trại trên núi Bạch Mã... Một tư tưởng thúc bách tôi mỗi ngày: phải chạy đua với đồng hồ! Làm tất cả những gì có thể được để củng cố và phát triển Giáo hội trong Giáo phận Nha Trang, trước khi thời gian khốn khó xảy đến, khi phải sống dưới chế độ mới!

“Trọng tâm hoạt động của tôi là huấn luyện nhân sự: gia tăng đại chủng sinh từ 42 đến 147 trong tám năm; gia tăng số tiểu chủng sinh từ 200 đến 500 trong bốn chủng viện; tu nghiệp các linh mục trong sáu giáo phận của Giáo tỉnh miền Trung; phát triển và huấn luyện các phong trào thanh niên, giáo dân, các hội đồng giáo xứ, mục vụ... Tôi rất quí mến giáo phận đầu tiên của tôi là Nha Trang.

“Giờ đây, tôi phải đi vào Sàigòn lập tức, theo lệnh Ðức Phaolô VI bổ nhiệm. Không kịp từ biệt những ai đã từng hiệp nhất với tôi trong cùng một lý tưởng, cùng một quyết tâm, cùng chia sẻ hân hoan và thử thách.

“Ðêm ấy 7-5-1975, khi tôi ghi âm những lời tạm biệt Giáo phận Nha Trang, tôi đã khóc nhiều, đó là một lần độc nhất tôi đã khóc nhiều, đó là một lần độc nhất tôi đã khóc thổn thức trong tám năm ở Nha Trang - vì thương nhớ. Nhưng tâm hồn tôi rất bình an, vì tôi vâng lời Ðức Thánh Cha.

“Tiếp đến là gian khổ thử thách tại Sàigòn, là bị bắt đưa trở lại Nha Trang, nơi mà tôi đã bị biệt giam khắc nghiệt nhất, không xa Tòa Giám mục của tôi. Sáng tối tôi nghe tiếng chuông nhà thờ chánh tòa như xé nát tim tôi. Ðêm đến tôi nghe tiếng sóng biển vỗ cạnh buồng biệt giam.

“Từ Nha Trang tôi bị đưa trở lại Sàigòn, ở trại Thủ Ðức, vùng Tam Hà, ngày đêm nghe không biết bao nhiêu tiếng chuông nhà thờ. Ðêm 1-12-1975, cùng với 1.500 bạn tù đói, mệt, chán nản, còng tay hai người chung một khóa số 8, bước xuống gầm tàu ‘Hải Phòng’ đậu tại bến Tân Cảng gần cầu xa lộ, để chở ra trại cải tạo Vĩnh Quang, tỉnh Vĩnh Phú, trong thung lũng núi Tam Ðảo, mùa đông 1976-77 rét 20C.

“Ðặc biệt nhất là nỗi gian khổ của 9 năm biệt giam một mình với hai người gác, không bạn bè, không có việc làm, tôi ở trong một sự trống rỗng tuyệt đối, đến mức có thể điên đi được. Tôi đi lại suốt ngày trong buồng giam, để vận động cơ thể kẻo nằm luôn thì tôi sẽ chết vì thấp khớp, viêm phổi.

“Nhiều lúc một mình, tôi bị đau khổ giày vò, tại sao đang lúc mình 48 tuổi, trưởng thành và khỏe mạnh, sau tám năm Giám mục tôi đã có nhiều kinh nghiệm mục vụ, lại phải vào phòng biệt giam, xa giáo phận những 1.700 km?

“Một đêm thanh vắng, một tiếng từ đáy lòng nhắc nhở tôi: “Tại sao con quẫn trí, hoang mang như thế làm gì? Con phải biết phân biệt giữa Chúa và công việc của Chúa. Những gì con đã làm và tiếp tục làm như kinh lý giáo phận, huấn luyện nam nữ tu sĩ, giáo dân, thanh niên, kiến thiết thánh đường, cư xá sinh viên, mở mang các thí điểm truyền giáo vv... tất cả những công tác ấy đều là những việc tốt lành, là việc của Chúa, nhưng không phải là Chúa! Nếu Chúa muốn con trao tất cả các việc ấy trong tay Ngài, con hãy làm ngay, và hãy tin tưởng vào Ngài. Chúa có thể làm tốt hơn con muôn nghìn lần. Ngài có thể trao việc của Ngài cho những người tài đức hơn con. Hãy chọn một mình Chúa thôi, chọn thánh ý Ngài, chứ đừng chọn việc của Chúa!”.

“Tôi luôn luôn học tập làm theo ý Chúa. Nhưng ánh sáng này mang lại cho tôi một sinh lực mới, thay đổi tận gốc lối suy nghĩ của tôi, giúp tôi vượt qua những bước gian truân mà hầu như cơ thể không chịu đựng nổi. Từ đây tôi cảm thấy trong lòng tôi ‘một sự bình an mà thế gian không cho được’.

“Theo tính tự nhiên, những lúc chương trình đang thực hiện tốt đẹp phải bỏ dở, hoạt động đang hăng say phải bó tay, nhiệm vụ đang quan trọng phải hạ tầng công tác! Uất ức và chán nản! Tôi tự hỏi: Chúa gọi con ‘Hãy theo Thầy’ hay ‘Hãy theo việc nọ, người kia?’ Ðể đó, Chúa sẽ liệu, Ngài sẽ giải quyết tốt hơn con là cái chắc…”


Trong lúc bị giam cầm tù tội thế này, câu nói chủ đạo của ngài vẫn là: “Tôi phải chọn Chúa chứ không phải việc của Chúa: Chính Chúa muốn cho tôi ở đây, chứ không phải nơi khác”.

Và ngài đã cầu nguyện: Trước bàn thờ, bên Mình Thánh Chúa, con nghe Chúa Giêsu bảo con:“Con hãy theo Chúa, chứ không phải theo việc của Chúa!”. “Nếu Chúa muốn, con hãy trao việc Chúa lại trong tay Chúa, Chúa sử dụng ai tiếp tục, mặc ý Chúa. Có Chúa lo, mà Chúa lo thì muôn vạn lần hơn con lo. Con hãy chọn một mình Chúa”. [1]

Như vậy, ta thấy chọn Chúa là việc ưu tiên số một, nó quan trọng hơn gấp ngàn lần khi ta chọn lựa công việc của Chúa. Tất nhiên, chọn Chúa không hề là một việc dễ dàng chút nào. Bởi vì, khi chọn Chúa, chúng ta phải hy sinh cái “Tôi”, phải chịu từ bỏ ý riêng để chu toàn thánh ý Chúa, phải vâng lời Chúa hơn là nghe theo người phàm. Trong khi đó, kinh nghiệm cho thấy khi say mê làm những công việc của Chúa, chúng ta thường đem cái “Tôi” vào trong đó để đánh bóng, tô son những việc chúng ta làm. Và như thế chúng ta đã dần dần loại Chúa ra khỏi những gì mà chúng ta tưởng rằng mình làm vì Chúa, cho Chúa.

Do đó, trong đời sống đạo của mình, chúng ta nên thường xuyên đặt câu hỏi cho mình: “ Tôi đã và đang chọn Chúa hay chọn việc của Chúa?”.

I- NHƯ THẾ NÀO LÀ CHỌN CHÚA?

Câu chuyện hai chị em gia đình Bê-ta-ni-a đón tiếp Đức Giê-su đến thăm đã được thánh sử Lu-ca phác họa một cách ngắn ngủi nhưng sinh động và ẩn chứa nhiều ý nghĩa đặc biệt (x. Lc 10, 38-42).

Điều khiến cho chúng ta vừa thắc mắc vừa kinh ngạc khi khám phá ra sự khác biệt về thái độ và tâm trạng của hai chị em Mác-ta và Ma-ri-a trong cùng một sự kiện, đó là việc đón tiếp Chúa ở nhà mình. Cũng với lòng yêu mến Chúa như nhau, nhưng Mác-ta thì tất bật lo việc phục vụ bên ngoài, trong khi Ma-ri-a thì cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Ngài dạy. Còn Chúa thì Ngài phản ứng thế nào? Chắc chắn Chúa cũng thương mến cả hai chị em như nhau, nhưng Ngài đã nghiêng về sự lựa chọn của Ma-ri-a, “Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi”(Lc 10, 41-42).   

“Chỉ có một chuyện cần thiết và Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất”. Đó là lời khẳng định dứt khoát của Chúa và lời ấy đã vén mở cho ta về cách sống đạo đẹp lòng Chúa nhất. Khác hẳn với Mác-ta, Ma-ri-a đã coi việc ngồi bên chân Chúa, nghe lời Ngài dạy là chuyện cần thiết và ưu tiên hơn là lăng xăng lo phục vụ cơm nước bên ngoài. Ma-ri-a cũng không phải là người vô cảm, vô trách nhiệm nhưng cô đã nghe theo tiếng nói của trái tim, của lòng mến, của niềm tin để chọn phần tốt nhất. 

Có thể nói, Ma-ri-a trong câu chuyện này của Lu-ca đã trở thành hình mẫu người Ki-tô hữu đẹp lòng Chúa hơn cả. Bởi vì, “Để làm môn đệ Chúa Giê-su, điều quan trọng trước hết và trên hết phải là sự gắn bó với chính Thầy Giê-su, cho nên phải dành thời gian để lắng nghe Người (Lc 10, 39), gặp gỡ Người. Nếu không, ta sẽ dễ rơi vào mối nguy hiểm là lao vào đủ thứ công việc được gọi là yêu thương và phục vụ, nhưng thật ra chỉ làm theo ý mình chứ không phải ý Chúa, chỉ đi tìm bản thân mình chứ không kiếm tìm lợi ích thật sự cho người khác”. [2]

Vậy khi chọn Chúa, chúng ta tập trung hoàn toàn vào Chúa, lấy Chúa làm trung tâm đời mình, luôn đặt mình trước mặt Chúa để cầu nguyện và lắng nghe Chúa nói, nhất là kiên trung vâng phục thánh ý Chúa trong mọi sự.

1- Lấy Chúa làm trung tâm đời mình

Một khi người Ki-tô hữu chọn Chúa làm trung tâm đời mình thì họ sẽ trao phó tất cả cho Chúa và không lo lắng gì cả nữa. Nếu họ phải làm những công việc của Chúa, dù đó là việc cao cả trọng đại đi chăng nữa, thì họ vẫn bình an và phó thác vì họ làm theo ý Chúa chứ không theo ý mình.

Đúng như lời chia sẻ của Đức cố HY Phanxicô Nguyễn Văn Thuận, như sau: “Tôi luôn luôn học tập làm theo ý Chúa. Nhưng ánh sáng này mang lại cho tôi một sinh lực mới, thay đổi tận gốc lối suy nghĩ của tôi, giúp tôi vượt qua những bước gian truân mà hầu như cơ thể không chịu đựng nổi. Từ đây tôi cảm thấy trong lòng tôi ‘một sự bình an mà thế gian không cho được’ ”. [2]

Khi chúng ta chọn Chúa, thì Chúa sẽ ra tay làm chủ vận mệnh, con người và cuộc sống của ta. Chúng ta sẽ không còn phải quan tâm tới thành công, thất bại hay kết quả sẽ như thế nào nữa. Khi chọn Chúa, chúng ta sẽ được liên kết mật thiết với Chúa, như cành liên kết với cây, nhờ đó cành có sự sống và sự sống sẽ sinh nhiều hoa trái theo ý muốn của Chúa. Bởi xét cho cùng, không có Chúa, chúng ta không làm được gì.

“Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15, 5).

2- Cầu nguyện và lắng nghe Chúa nói

Việc chúng ta siêng năng cầu nguyện chứng tỏ rằng chúng ta đã quan tâm tới việc chọn Chúa như là Đấng hướng dẫn và làm chủ đời mình. Cầu nguyện cũng là cơ hội để chúng ta nghe Chúa nói. Do đó, việc cầu nguyện chân thành và khiêm tốn sẽ là bảo chứng chúng ta yêu mến Chúa, tin tưởng Chúa và hoàn toàn thuộc về Chúa. Lúc đó, dù chúng ta được Chúa giao phó làm bất kỳ việc gì, thì cũng là làm nhân danh Chúa, vì Chúa và cho Chúa.

Thực vậy, “Cầu nguyện là hiệp thông. Trong Tân Ước, cầu nguyện là sự hiệp thông của con cái với Thiên Chúa Ba Ngôi. Sống đời cầu nguyện là luôn hiện diện trước nhan Thiên Chúa và hiệp thông với Ngài. Lời cầu nguyện mang đặc tính Kitô giáo khi được hiệp thông với lời cầu nguyện của Đức Kitô, và được triển khai trong Hội thánh là Nhiệm Thể Người. Nâng tâm hồn lên là nâng sự hiểu biết từ việc đặt mình làm trọng tâm đến mức đặt Thiên Chúa làm trọng tâm. Nâng tâm hồn lên là kết hợp với Thiên Chúa, là hiệp thông với Ngài”. [3]

Các thánh là những người có một đời sống luôn kết hiệp với Chúa vì đã chọn Chúa làm cơ nghiệp đời mình, nên các ngài rất yêu quý sự cầu nguyện hơn bất cứ việc gì khác. Bởi vì đối với các ngài, cầu nguyện là một đời sống đích thực. Cầu nguyện bao trùm, ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống các ngài. Nó chính là sự sống và hơi thở vậy. Đức Cố HY Phx Nguyễn Văn Thuận đã viết như sau: “Bí quyết nuôi dưỡng đời sống Ki-tô hữu là cầu nguyện. Ai không cầu nguyện, dù có làm phép lạ, con cũng đừng tin” (Sách Đường Hy Vọng, đề mục Cầu Nguyện). Thánh An-phong-sô cũng đã nói như sau: “Sự giàu có của ta là cầu nguyện và ngày nào không cầu nguyện là ngày vất bỏ. Bỏ cầu nguyện là tự dìm mình vào hoả ngục”.

Như vậy những ai chọn Chúa thì sẽ yêu mến việc cầu nguyện bởi vì qua cầu nguyện họ được gặp Chúa và được Chúa yêu thương và chỉ bảo.   

3- Vâng phục ý Chúa

Một trong những dấu hiệu nữa chứng tỏ chúng ta chọn Chúa, đó là sẵn sàng vâng phục ý Chúa trong mọi sự. Xin nhắc lại lời của Đức cố HY Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận: “Hãy chọn một mình Chúa thôi, chọn thánh ý Ngài, chứ đừng chọn việc của Chúa!”.

Chọn Chúa luôn bao hàm chọn lựa và vâng phục thánh ý Ngài. Cha Charles de Foucauld đã phổ biến lời kinh rất hay có tựa đề “Kinh Phó Thác”, như sau:

“Lạy Cha/ con phó mặc con cho Cha/ xin dùng con tùy sở thích Cha/ Cha dùng con làm chi, con cũng xin cám ơn/ Con luôn luôn sẵn sàng, con đón nhận tất cả/ Miễn là ý Cha thực hiện nơi con và nơi mọi loài Cha tạo dựng/ thì lạy Cha/ con không muốn chi khác nữa/ Con trao linh hồn con về tay Cha/ Con dâng linh hồn con cho Cha/ lạy Chúa Trời của con/ với tất cả tình yêu của lòng con/ Vì con yêu mến Cha/ vì lòng yêu mến thúc đẩy con phó dâng mình cho Cha/ thúc đẩy con trao trọn bản thân về tay Cha/ không so đo/ với một lòng tin cậy vô biên/ Vì Cha là Cha của con”. 

II- NHỮNG NGUY CƠ KHI CHỌN VIỆC CỦA CHÚA HƠN CHỌN CHÚA

Nhiều Ki-tô hữu rất hăng say làm việc của Chúa, của Hội thánh, của cộng đoàn, nhưng lại lơ là trong đời sống đức tin. Đối với họ, việc của Chúa hấp dẫn hơn là chính Chúa. Do đó, họ có thể hy sinh tất cả, kể cả mạng sống, để làm thật nhiều việc của Chúa. Đó là căn bệnh mà bất kỳ người Ki-tô hữu nào cũng có thể mắc phải. Căn bệnh này có nguy cơ làm cho chúng ta xa Chúa, quên Chúa, lấy mình làm trung tâm thay vì quy hướng về Chúa, sa đà vào tình trạng phô trương, chiến thắng…

1- Nguy cơ quên Chúa và lấy mình làm trung tâm

Quên Chúa, xa Chúa là tình trạng khá phổ biến trong đời sống đạo của chúng ta. Khi say mê làm việc của Chúa, chúng ta dễ dàng để cho những việc của Chúa lấn chiếm hết thời gian dành cho Chúa và khó tập trung vào những bổn phận thờ phượng như cầu nguyện, lãnh nhận các bí tích, viếng Thánh Thể, suy gẫm… ĐTC Phan-xi-cô cũng đã nhắc nhở thế này: “Chúng ta hãy luôn hiệp nhất với Chúa Giêsu, chúng ta hãy tín thác nơi Người, chúng ta hãy định hướng đời mình theo Tin Mừng, nuôi dưỡng mình bằng cầu nguyện hàng ngày, bằng lắng nghe Lời Chúa và tham dự các Bí Tích”.

Một điều đáng lo ngại nhất, đó là chúng ta dễ dàng quên Chúa, bỏ Chúa ngay khi chúng ta thi hành bổn phận thờ phượng Thiên Chúa.

LM Giu-se Thân Văn Tường trong bài “Thờ phượng” tập “Đối diện với Thiên Chúa” đã viết như sau:

“Thờ phượng là sự kính mến của một người đối với nguồn gốc của mình.

“Là tạo vật, con người bao giờ cũng cảm nhận thấy mình bất tất, phải có nguồn gốc ngoài mình, nên tâm tình thờ phượng là xu hướng tự nhiên của họ. Sau khi loài người phạm tội, họ có thể thờ phượng mọi sự: Một người, một tạo vật trong thiên nhiên, một lý thuyết, một ảo tưởng…cái gì cũng có thể biến nên ngẫu tượng để họ tôn thờ.

“Một là người ta tôn thờ Thiên Chúa, hai là người ta tôn thờ chính bản thân mình. Khi tôn thờ Thiên Chúa, người ta không cần phải che đậy. Nhưng khi tôn thờ chính mình, người ta biết mình làm điều sai quấy, nên phải che đậy dưới đủ thứ chiêu bài, kể cả chiêu bài tôn giáo.

“Pha-ri-sêu có nghĩa là thờ mình dưới chiêu bài tôn giáo. Người Pha-ri-sêu làm mọi việc đạo đức, như hãm mình, đánh tội, bố thí, cầu kinh không phải để tôn vinh Thiên Chúa, nhưng để có lợi cho bản thân.

“Thay vì phụng sự Thiên Chúa, thường con người muốn Thiên Chúa phụng sự bản thân họ. Người ta hy sinh vì nhu cầu, vì dục vọng, ít ai hy sinh vì Thiên Chúa. Nhưng nhiều lúc, khi hy sinh vì nhu cầu, dục vụng, người ta cũng nghĩ mình hy sinh vì Thiên Chúa.

“Người ta quên Thiên Chúa trong nghệ thuật, chính trị, kinh tế…thì còn hiểu được, người ta quên Người ngay trong tôn giáo mới chính là điều quái gở”.
[4]

2- Thích phô trương và ham mê chiến thắng, thành công

Đức cố HY Phan-xi cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận đã nhắc đến bệnh phô trương chiến thắng của người Công giáo, như sau: [5]

“Làm gì cũng chỉ nhắm chuyện phô trương là chính. Bệnh này tiếng Pháp gọi là ‘triomphalisme’, người Mỹ cũng có từ ngữ ‘show up’.

“Thỉnh thoảng đây đó đọc trên những bản tin sinh hoạt cộng đoàn thật nức lòng: Đại lễ tổ chức vô cùng thành công, cuộc rước kéo dài cả nửa cây số, nhiều chục cha đồng tế, bữa tiệc kết thúc thật linh đình, bà con vô cùng hoan hỉ, chưa có bao giờ và có ai tổ chức được lớn như thế … Nhưng hết tiệc ra về rồi là hết. Đại lễ hôm qua hôm nay thành quá khứ xa lơ. Cảm xúc hôm qua hôm nay gọi mãi chẳng thấy về ! Hãy từ bỏ chứng bệnh phô trương, vì cái chiều sâu thực sự ít ai quan tâm. Ta bảo sáng danh Chúa, nhưng xét cho kỹ Chúa mấy phần trăm, ta mấy phần trăm?

“Có những điều không cần phải phô trương. Nhưng nó sẽ từ từ thấm vào lòng người, người ta sẽ hiểu. Người ta hiểu, nhưng đồng thời người ta cũng có tự ái. Càng huyênh hoang, càng làm cho người ta ghét. Mà thành công đâu phải do mình tài giỏi gì. Nhưng mọi chuyện là nhờ ơn Chúa. Như vậy mình càng không có lý do gì để phô trương. Lúc đang huyênh hoang thì chính là lúc nguy hiểm nhất, tai hại nhất, vì đó là lúc mình mất cảnh giác. Khi nào thấy sau một cuộc lễ, có nhiều người ăn năn trở lại, cộng đoàn hiệp nhất hơn, sốt sắng hơn, đó là dấu thành công thực sự”
./.
_________________
[1] https://vntaiwan.catholic.org.tw/banhca/banhca02.htm 
[2] ĐGM P. Nguyễn Văn Khảm, “Đường về Emmaus, học Thánh Kinh trong 100 tuần”, NXB.TG trang 561.
[3] x. “Cầu nguyện là gì?”, nguồn giaoly.org
[4] LM Giu-se Thân Văn Tường, Gp Long Xuyên, bài Thờ Phượng, tập Đối diện với Thiên Chúa, trang 35-36
[5] http://conggiao.info/muoi-can-benh-lam-bang-hoai-nguoi-cong-giao-d-48860

Tác giả bài viết: Aug. Trần Cao Khải

(gpquinhon.org)