1. LỜI CHÚA :Thánh Gia-cô-bê dạy : “Mau nghe, chậm nói và khoan giận”(Gc 1,19)
  2. CÂU CHUYỆN : NGƯỜI TA CHỈ NGHE ĐƯỢC NHỮNG GÌ HỌ MUỐN.

Một người da đỏ cùng đi với một người da trắng trên đường. Người da đỏ bỗng vỗ vai người da trắng hỏi :

- Anh có nghe thấy gì không ?

Người da trắng hết sức lắng tai nghe, rồi đáp :

- Tôi chẳng nghe thấy gì cả.

- Có mà, tôi nghe tiếng một con dế gáy.

- Làm gì có con dế nào giữa đường phố nhộn nhịp thế này ? Mà cho dù có đi nữa thì làm sao anh nghe được tiếng gáy của nó giữa bao tiếng ồn ào của xe cộ và người qua kẻ lại ?

Người da đỏ không thèm trả lời và đi đến một bức tường bên vệ đường. Bức tường đã cũ và có nhiều cây dây leo trên tường. Anh vạch đám dây leo sang một bên thì thấy một lỗ trống, trong đó có một con dế đang gáy.

Người da trắng tỏ vẻ thán phục :

- Dân da đỏ các anh có lỗ tai thính hơn bọn da trắng chúng tôi nhiều.

- Không phải thế đâu. Để tôi thử cái này cho anh xem.

Người da đỏ lấy trong túi ra một đồng tiền kẽm, thảy xuống mặt đường. Tiếng đồng tiền lăn leng keng khiến mọi người đi đường đều ngoái đầu nhìn lại. Bấy giờ người da đỏ liền giải thích :

- Tiếng của đồng tiền kẽm nhỏ hơn tiếng dế kêu rất nhiều. Thế mà bọn người da trắng các anh đều nghe được. Còn tiếng con dế lớn hơn nhưng chỉ có tôi nghe được. vấn đề không phải ai thính tai hơn ai, mà là chúng ta chỉ nghe được tiếng kêu của những thứ mà chúng ta đang quan tâm (Willi Hoffsemmer).

  1. SUY NIỆM :

Tục ngữ có câu : "Lời nói là bạc, im lặng là vàng, lắng nghe là kim cương". Vậy lắng nghe là gì ? Lắng nghe mang lại ích lợi gì ? Ta phải lắng nghe thế nào để gây được thiện cảm với mọi người ?

1) THẾ NÀO LÀ LẮNG NGHE ?

Để trả lời câu hỏi này chúng ta thử phân biệt hai lọai nghe là : nghe thấy và lắng nghe như sau :

- Nghe thấy : Bạn hãy nhắm mắt lại và giữ im lặng trong một phút rồi cho biết bạn vừa nghe thấy những âm thanh gì ? Đó là quá trình của sự nghe thấy.

- Lắng nghe : Bây giờ bạn hãy nhắm mắt lại và cố nghe xem hai người ngồi gần bạn đang nói gì với nhau ? Đó là quá trình của sự lắng nghe.

Như vậy nghe thấy là một khả năng tự nhiên của thính giác con người : Các làn sóng âm thanh chuyển qua không khí đập vào màng nhĩ của ta và thần kinh sẽ lập tức chuyển các tần số rung động lên não để não bộ xử lý thông tin. Khi bạn ngủ thì quá trình nghe này cũng vẫn tiếp tục xảy ra. Điều quan trọng là não của bạn sẽ xử lý âm thanh ấy thế nào khi nhận được thông tin mà thôi.

Lắng nghe là một quá trình tiếp theo sau nghe thấy. Nó biến đổi âm thanh tiếp thu được kia trở thành ngữ nghĩa. Đây là công việc đòi sự tập trung tinh thần và chú ý rất cao và là phẩm chất cao quý của con người.

Lắng nghe đòi phải tập luyện lâu dài như có người đã nói : “Ba tuổi đủ để con người học nói, nhưng cả cuộc đời cũng không đủ để học biết lắng nghe !”. Thực vậy : Có miệng không có nghĩa là đã biết nói; Có mắt không có nghĩa là đã biết đọc; Có tay không có nghĩa là đã biết viết. Vậy có tai đâu phải là ta đã biết lắng nghe ?

Từ bé ta được cha mẹ thầy cô dạy học nói, học đọc, học viết rất nhiều. Nhưng lắng nghe thì ta mới chỉ được dạy vài câu như : "Con phải biết vâng lời bố mẹ !", "Con có nghe không thì bảo ?" Còn làm thế nào để nghe hiệu quả thì chưa thấy ai dạy cả.

Thiên Chúa đã ban cho mỗi người chúng ta có 2 tai nhưng chỉ có 1 miệng, là nhằm dạy chúng ta nghe nhiều hơn nói, nói ít và nghe nhiều. Nhưng trong thực tế có nhiều người lại chỉ biết dùng tai để đeo khuyên vàng làm đẹp, hay để có chỗ cho người khác nhéo tai ! Mà bỏ qua việc chính yếu của đôi tai là lắng nghe lời người khác trong giao tiếp. Vậy lắng nghe sẽ đem lại những ích lợi nào ?

2) ÍCH LỢI CỦA SỰ LẮNG NGHE :

  1. a) "Nói là gieo, nghe là gặt" :Khi biết lắng nghe tốt thì công việc của chúng ta sẽ dễ dàng thuận lợi hơn, cuộc sống gia đình của chúng ta sẽ vui vẻ hạnh phúc hơn, chúng ta sẽ giải quyết được các xung đột mâu thuẫn cách dễ dàng hơn. Lắng nghe tốt còn giúp chúng ta tiếp thu được nhiều thông tin hữu ích để từ đó xử lý và tìm ra phương pháp đúng đắn để đạt mục đích. Như vậy lắng nghe là điều kiện quan trọng bậc nhất dẫn đến thành công trong mọi công việc ở đời.
  2. b) Khi tiếp xúc với tha nhân điều cần nhất là phải lắng nghe: Khi ấy người tiếp xúc với bạn sẽ cảm thấy bạn có sức cuốn hút. Họ sẽ thoải mái khi nói chuyện và sẽ muốn tiếp tục gặp gỡ bạn sau đó.
  3. c) Khi lắng nghe ta sẽ có thểnắm bắt được tâm lý của người nói, thúc đẩy giao lưu tình cảm và sự hiểu biết lẫn nhau. Nhờ đó sẽ đi đến chỗ cảm thông và dễ dàng hợp tác làm việc chung.

3) PHẢI LẮNG NGHE THẾ NÀO ?

  1. a) Một là phải thực lòng muốn nghe : Nếu không muốn nghe thì mọi kỹ năng đều trở nên vô ích, như người ta thường nói : “Người không muốn nghe là người điếc hơn cả người mắc bệnh điếc”. Tệ hơn nữa là nếu nghe nhằm mục đích phản bác lại người nói, như các biệt phái đã làm khi nghe Đức Giê-su giảng, nên họ đã không thể nhận được ơn cứu độ do Người mang đến (x Mc 12,13).
  2. b) Hai là tránh ngắt lời người đang nói.
  3. c) Ba là không nên nói leo hay nói thêm vàokhi người khác đang nói.
  4. d) Bốn là thay vì nhìn lơ đãng hoặc thì thầm nói chuyện riêng thì hãy chú tâm vào điều họ nóikèm theo các cử chỉ phù hợp như : Gật đầu, nét mặt vui vẻ kèm theo nụ cười.
  5. e) Năm là ngoài thái độ im lặng nghe, ta có thể khích lệ người nói bằng các tiếngkêu như : "Tuyệt ! Đúng ! Hay quá ! Trời ơi !..."; Hoặc tỏ sự nhất trí như : "Dạ ! Vâng ! Vậy hả ? Thế ư ? Gì cơ ? Thật không ? Sao nữa ? ...".
  6. d) Sáu là nói ít nghe nhiều :Hãy tạo cơ hội cho người nói bộc lộ tâm tư tình cảm và những ưu tư của họ, rồi lắng nghe. Chỉ nên nói khi họ yêu cầu.

Tóm lại : Lắng nghe là một cách gây thiện cảm hữu hiệu và là điều kiện để thành công trong giao tế xã hội.

  1. SINH HOẠT : Gặp trường hợp trong buổi họp nhóm mà một người nói quá dài và lạc đề,Trưởng nhóm nên làm gì để chấn chỉnh mà không bị bất lịch sự và không làm người đang nói phải xấu hổ ?
  2. LỜI CẦU :

Lạy Chúa. Xin cho chúng con biết lắng nghe người khác mỗi khi tiếp xúc, nhờ đó chúng con sẽ gây được thiện cảm của họ, là điều kiện để thành công trong mọi công việc.- AMEN.

 

Tác giả: Lm. Đaminh Đan Vinh

 

 

BÀI ĐỌC THÊM

GƯƠNG NHẪN NẠI LẮNG NGHE CỦA QUAN HUYỆN VƯƠNG HÃN

Vào đời nhà Tống (năm 960-1279 SCN) có một ông quan tên VƯƠNG HÃN. Khi còn là Tri huyện Tân Châu, một phụ nữ bị điên đã đến đánh trống kêu oan. Trước đây, do trình bày thiếu rõ ràng, bà đã nhiều lần bị các quan huyện la mắng và đuổi khỏi công đường khiến bà tức giận trở thành điên khùng. Nhưng lần này, quan Vương Hãn đã sẵn sàng nghe trình bày sự việc. Ông nhẫn nại lắng nghe và tra hỏi để biết thêm nhiều tình tiết. Câu chuyện oan ức của bà đã được sáng tỏ như sau :

Trước đây bà đã kết hôn trở thành vợ của một ông bá hộ giàu có, nhưng do nhiều năm không sinh con nối dõi. Ông bá hộ đã lấy thêm vợ lẽ và người này lại sinh cho ông một đứa con trai. Sau khi người chồng bị bệnh chết, bà vợ lẽ dựa vào con đã tìm cách chiếm đoạt toàn bộ gia sản của chồng và đuổi vợ cả ra khỏi nhà. Bà vợ cả đã nhiều lần đến đánh trống kêu oan nơi công đường, nhưng không được giải quyết. Do quá thất vọng và đau khổ nên bà đã dần trở thành một kẻ khùng điên.

Khi Vương Hãn đến nhậm chức tri huyện và có thái độ khác hẳn các quan trước đó. Ông làm việc có trách nhiệm. Khi bà đến đánh trống kêu oan, ông đã kiên nhẫn lắng nghe và đã giải quyết ổn thoả : Ông truyền chia đôi tài sản của chồng để lại và cho bà được hưởng phân nửa. Nhờ được xét xử công minh, bà vợ cả đã bình phục rất nhanh khiến mọi người đều bỡ ngỡ. Sau đó câu chuyện đến tai triều đình, Hoàng thượng đã khen ngợi quan Vương Hãn và còn ban thưởng cho ông 300 súc vải lụa.

BÀI HỌC RÚT RA : SỰ CẦN THIẾT CỦA SỰ NHẪN NẠI LẮNG NGHE :

Một người bị oan ức bất công lâu ngày đã trở thành khùng điên. Nhưng khi được giải quyết công minh, đã sớm hồi phục. Chính nhờ quan Vương Hãn kiên nhẫn lắng nghe và tìm hiểu thấu đáo trước khi phán quyết lấy lại công bằng cho người bị hại.