1. LỜI CHÚA : Đức Giê-su phán : “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.” (Ga 14,6)
  2. CÂU CHUYỆN : CHIẾN THẮNG NHỜ SỰ TRUNG THỰC.

Thuở xưa, có một vị vua rất nhân từ và đức độ, luôn tìm cách làm cho thần dân được sống an cư, lạc nghiệp. Nhưng ông không có con trai mà chỉ có một cô con gái duy nhất. Vua và hoàng hậu bàn nhau kén chọn phò mã kế thừa ngôi vị sau này. Để chọn được chàng rể tài đức vẹn toàn xứng đáng lãnh nhận trọng trách, nhà vua đã ra cáo thị tổ chức một cuộc thi để kén chọn phò mã. Đến ngày thi, mỗi thí sinh đều được nhận một gói hạt giống mang về nhà ươm mầm, và hạn định 3 tháng sau phải mang chậu hoa lên kinh thành dự thi. Ai trồng được chậu hoa đẹp nhất sẽ trở thành phò mã kết hôn với công chúa. Mọi thí sinh đều vui vẻ vì không ngờ cuộc thi làm phò mã lại dễ dàng đơn giản : chỉ cần chăm sóc để chậu hoa nở ra các bông hoa xinh đẹp là có thể trở thành phò mã và sau này còn được lên làm vua nữa.

Đến ngày thi, các chàng trai đều đem đến những chậu hoa đủ loại với nhiều màu sắc rất đẹp. Ban giám khảo khi thấy các chậu hoa mang đến đều trầm trồ khen ngợi vẻ đep đa dạng của các chậu hoa. Vậy mà xem ra nhà vua vẫn chưa hài lòng và tiếp tục chờ đợi. Khi sắp hết giờ thì một chàng trai đã vào phòng thi tay ôm một chiếc chậu không có cây bông nào trong chậu. Nhà vua liền hỏi : “Tại sao ngươi mang chiếc chậu không đi dự thi như thế ?” Chàng trai thưa : Cách đây 3 tháng, sau khi nhận được gói hạt giống hoa của ban giám khảo, thảo dân đã đi mua một chiếc chậu đẹp, cho đất vào chậu và gieo các hạt giống của ban giám khảo. Hằng ngày thảo dân lo tưới nước bón phân, chăm sóc thật chu đáo. Vậy mà từ ngày đó đến hôm nay thảo dân vẫn không thấy có cây hoa nào mọc lên.” Nghe thí sinh trình bày, nhà vua hết sức vui vẻ vì đã tìm thấy phò mã đúng theo tiêu chuẩn. Vua liền giới thiệu với quần thần : “Đây chính là phò mã, là chồng của công chúa”. Điều này khiến mọi người hiện diện đều không hài lòng. Trước những lời xì xầm bàn tán, nhà vua đã từ tốn giải thích : “Chàng trai này xứng đáng được chọn làm phò mã, vì đã hành xử trung thực, điều mà một vị vua nối ngôi của trẫm phải có”. Vua nói tiếp : “Hạt giống trao cho các ngươi đều đã bị luộc chín nên không thể mọc lên được”. Mọi người nghe nhà vua nói đều cúi đầu nhận tội đã thiếu trung thực, khi tự ý thay hạt giống được ban giám khảo trao, bằng hạt giống từ chỗ khác”.

  1. SUY NIỆM :

1) Thành thật là gì ? :

Thành thật trong tiếng Anh là : “SINCERITY”. Từ này gốc từ tiếng La tinh: sin cera, tức là không có sáp. Các diễn viên trước khi lên sân khấu thường hoá trang bằng phấn sáp. Như vậy, thành thật là hành vi không dối gian, không che giấu sự thật và mang tính khách quan có sao nói vậy. Thành thật là một đóa hoa thơm của đạo đức, là bản chất tốt của bậc hiền nhân. Người thiếu thành thật là người không trung thực, hay dối gạt kẻ khác và bị coi là thiếu nhân cách…

2) Giá trị của sự thành thật :

Trong quan hệ với tha nhân, hầu như ai cũng muốn giao tiếp với người thành thật. Nhưng trong thực tế người thành thật thường bị thua thiệt, đang khi kẻ dối trá gian ác xem ra thành công như có người châm biếm : “Lèo lách, lừa lọc lẹ lên lương. Thật thà, thành thật thường thua thiệt”. Các nhà kinh doanh cũng thường dựa theo thị hiếu của con người để quảng cáo sản phẩm không đúng sự thật, hầu lừa dối khách hàng.

- Tuy nhiên : “Cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra !”. Người ta chỉ có thể lừa dối người khác trong một lúc nào đó, chứ không thể lừa dối lâu dài. Vì thế, nếu muốn được mọi người tôn trọng thì cách hay nhất là luôn sống trung thực, tôn trọng sự thật và không làm điều gì sai trái, có hại cho tha nhân.

3) Ích lợi của sự thành thật và tai hại của lời nói dối :

“Thuốc đắng dã tật” : Trong cuộc sống, có lẽ ai trong chúng ta cũng ý thức về giá trị của sự thật. Dù sự thật có đắng hơn cả thuốc thì ta vẫn phải tôn trọng bằng sự lắng nghe và quyết tâm khắc phục hậu quả nếu có.

“Lời thật mất lòng !” : Sự thật rất khó được người nghe chấp nhận, nên chúng ta phải khôn ngoan khi nói thật, bằng cách : chọn thời điểm thích hợp và lựa lời để giúp kẻ có lỗi đón nhận sự thật và hồi tâm sám hối, như câu chuyện ngôn sứ Na-than đã khôn ngoan sửa lỗi cho vua Đa-vít (2 Sm 12,5-13).

  1. SINH HOẠT :

Ngôn sứ Na-than đã sửa lỗi vua Đa-vít về tội “giết chồng đoạt vợ”. Ông bắt đầu bằng kể câu chuyện của một người giàu đối xử bất công với người nghèo, khiến vua Đa-vid rất tức giận và đòi xử lý người giàu. Bấy giờ ngôn sứ Na-than mới áp dụng vào việc sửa lỗi nhà vua : “Kẻ đó chính là ngài !”… Đức Chúa phán : “Ngươi đã dùng gươm đâm U-ri-gia, người Khết; Vợ y, ngươi đã cướp làm vợ ngươi; Còn chính y, ngươi đã dùng gươm của con cái Am-mon mà giết. Ấy vậy, gươm sẽ không bao giờ ngừng chém người nhà của ngươi, bởi vì ngươi đã khinh dể Ta và cướp vợ của U-ri-gia, làm vợ ngươi.” … Nghe xong, vua Đa-vít đã cúi đầu nhận tội : “Tôi đắc tội với Đức Chúa” (2  Sm 12,5-13).

- Bạn nghĩ thế nào về cách ứng xử khôn ngoan và lời nói trung thực của ngôn sứ Na-than khiến vua Đa-vít phải “tâm phục khẩu phục”, sẵn sàng nhận tội đã “Giết chồng đoạt vợ” của mình và hồi tâm sám hối để cầu xin ơn tha thứ của Đức Chúa ?

 

  1. LỜI CẦU :

Lạy Chúa Giê-su. Xin giúp chúng con trung thành đi theo Chúa ”Là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”. Xin giúp chúng con luôn nói năng và hành động trung thực; Cho chúng con biết học nơi Chúa để có lòng hiền hậu và khiêm nhường, hầu tâm hồn chúng con luôn được nghỉ ngơi bồi dưỡng (x. Mt 11.29). – Amen.

 

Tác giả: Lm. Đaminh Đan Vinh