-
LỜI CHÚA : Thánh Phao-lô dạy phải ăn ở khôn ngoan noi gương Đức Giê-su : “Đấng vốn giầu sangphú quí, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em nên giầu có” ( 2 Cr 8,9).
- CÂU CHUYỆN : KẾT CỤC XẤU CỦA KẺ CÓ TÀI THIẾU KHÔN NGOAN :
"Có Tài mà cậy chi Tài. Chữ Tài liền với chữ Tai một vần...".
- TÀO THÁO có thiết lập một sở hoa viên. Sau khi hoa viên hình thành, ông đến xem rồi không chê mà cũng chẳng khen, chỉ viết một chữ HOẠT rồi bỏ về, không ai hiểu ý ông muốn nói gì qua chữ đó ?
DƯƠNG TU thấy vậy liền nói : "Trong cửa mà viết chữ hoạt sẽ thành chữ khoát có nghĩa là rộng. Thừa tướng chê cửa nầy rộng". Nói rồi ông lệnh cho thợ làm cửa nhỏ lại một tí. Tào Tháo đến xem, cả mừng hỏi : "Ai mà hiểu biết ý ta hay vậy ?". Kẻ tả hữu thưa : "Ấy là Dương Tu".
Tháo nghe nói thì tuy khen, nhưng lòng bắt đầu đố kỵ không thích Dương Tu...
- Lại có một ngày ở ngoài ải Bắc có người dâng một thố cơm rượu, Tháo bèn đề bên ngoài nắp thố mấy chữ : "NHỨT HIỆP TÔ". Rồi cho để thố cơm rượu trên ghế.
Dương Tu vào thấy ba chữ ấy, liền dở nắp thố cơm ra, lấy muỗng múc mà chia cho mỗi người ăn một muỗng. Ăn rồi, Tháo thấy vậy liền hỏi : "Tai sao làm vậy ?". Dương Tu thưa : "Trên thố ấy, Thừa tướng đã đề rõ ràng : "Nhứt hiệp tô", nghĩa là "Nhứt nhơn nhất khẩu tô", mỗi người một miếng cơm rượu, cho nên tôi vâng lời Thừa tướng cho mọi người ăn".
Tháo khen, nhưng trong lòng đã bắt đầu thấy ghét Dương Tu...
- Tháo thường hay sợ thích khách, nên dặn kẻ hầu hạ rằng : "Khi ta ngủ, bây đừng lại gần, vì ta chiêm bao hay giết người". Một ngày kia Tháo đương ngủ ngày, làm rớt chiếc mền xuống đất. Có một tên hầu vội lại gần lấy mền lên đắp lại. Tháo liền ngồi dậy rút gươm ra chém chết người hầu đó, rồi lại nằm xuống ngủ lại. Lát lâu sau mới thức thấy người hầu bị chết nằm đó liền giả đò thất kinh hỏi : "Ai đã giết kẻ hầu cận của ta ?". Mấy người kia cứ sự thật trả lời. Tháo liền khóc ròng, sai người đi chôn cất tử tế, ai ai cũng đều tin rằng Tào Tháo thực đã giết người trong lúc chiêm bao. Riêng Dương Tu biết rõ lòng dạ Tào Tháo, nên khi chôn tên hầu cận, đã chỉ tay vào cái hòm nói : "Không phải thừa tướng chiêm bao, mà chính mi mới chiêm bao đấy !". Tháo nghe biết Dương Tu nói vậy thì lại càng thêm giận ghét Tu.
- Tháo đóng binh nơi Tà cốc đã lâu ngày, muốn tấn binh thì bị Mã Siêu ngăn đón. Tiến tới thì không nổi, mà muốn lui binh lại e bị người nước Thục chê cười... Trong lòng do dự. Bấy giờ tới giờ cơm, người nấu ăn bưng lên một tô canh thịt gà. Tháo thấy có cái gân gà liền cầm lên ăn. Đang ngẫm nghĩ thì Hạ hầu Đôn bước vào xin cho mật lệnh để đi tuần đêm nay. Tháo liền ra khẩu hiệu : "Gân gà, gân gà".
Hạ hầu Đôn vâng lệnh truyền cho các quan khẩu hiệu đêm nay là “gân gà”.
Hành quân chủ bộ là Dương Tu nghe vậy liền lệnh cho quân của mình sắm sửa hành trang chuẩn bị trở về. Có người vào báo cho Hạ hầu Đôn. Đôn cả kinh cho mời Dương Tu đến trại hỏi : "Sao ông lại khiến chuẩn bị đồ hành trang vậy ?". Tu nói : "Cứ theo khẩu hiệu đêm nay của Ngụy Vương, thì ý Ngụy Vương sẽ cho lui binh nội trong ngày mai. Vậy tôi lệnh cho quân sĩ chuẩn bị trước để ngày mai khỏi chộn rộn". Đôn khen : "Ông thật thông minh, hiểu thấu tim đen của Ngụy Vương". Bèn khiến quân của mình cũng chuẩn bị sẵn hành trang.
Đêm ấy, Tào Tháo đi tuần qua các trại. Thấy trại Hạ hầu Đôn sắm sửa lo về. Tháo lấy làm lạ, đòi Hạ hầu Đôn lại hỏi. Hầu Đôn thưa : "Hành quân chủ bộ Dương Tu đã biết trước trong lòng của Đại Vương là muốn rút quân". Tào Tháo cho đòi Dương Tu đến hỏi : "Sao mi dám bày điều làm loạn lòng quân ?". Nói rồi bèn kêu đao phủ dẫn Dương Tu ra chém, lấy thủ cấp bêu lên làm hiệu lịnh ngoài cửa ngọ môn.
- SUY NIỆM :
- Câu Tào Tháo trách : “Sao dám bày điều làm loạn lòng quân”, chỉ là lấy cớ để đem Dương Tu ra chém. Sự thật ý chém Dương Tu đã ngấm ngầm trong lòng Tháo từ lâu rồi. Ngay buổi ban đầu, lúc sửa cửa ở hoa viên, cái thông minh của Dương Tu đã làm Tháo khó chịu... Từ ngày ấy Dương Tu đã tự lên bản án chém đầu mình rồi...
- Chẳng phải riêng gì Tháo, cái lòng đố kỵ ấy nó vốn ở trong thâm tâm của mọi người; không ai thích có người thông minh hơn mình, nhứt là họ lại hay khoe sự thông minh ấy cho nhiều người khác biết.
Thông minh như Dương Tu, thế mà lại không biết giữ cho mình được toàn mạng, thật không bằng một kẻ ngu dốt. Ngày nay có người nói : "Nhà buôn giỏi muốn giữ được đồ quý, thì cần làm như người không có gì... Người quân tử có thanh đức, cần khôn ngoan giấu dung mạo để nên giống kẻ tầm thường".
- SINH HOẠT : Tại sao một người thông minh tài giỏi như Dương Tu rốt cuộc lại bị Nguỵ Vương Tào Tháo giết chết ?Bạn nênlàm gì để tránh tai hoạ có thể xảy đến cho mình nếu thực sự bạn có những ưu điểm hơn người ?
- LỜI CẦU :
Lạy Chúa Giê-su. Xin cho chúng con biết khiêm tốn khi giao tiếp với tha nhân. Cho chúng con tránh thói thích “nổ” để khoe khang thành tích và sự tài giỏi của mình và muốn được nổi trội hơn kẻ khác. Vì đó là hành động thiếu khôn ngoan, tự rước tai hoạ về cho mình.- AMEN.
BÀI ĐỌC THÊM
PHÂN BIỆT KHÔN NGOAN VỚI THÔNG MINH VÀ LANH LỢI
THÔNG MINH là tiếp thu nhanh và thiên về học thức tại nhà trường.
Còn KHÔN NGOAN là hiểu biết và biết khéo xử lý các tình huống giữa đời thường.
"What is the difference between being wise, intelligent, and clever?”.
Để biết được sự khác biệt giữa 3 từ này, câu trả lời hay nhất như sau:
Trước mặt một nhóm người khôn ngoan, thông minh và lanh lợi là 3 cánh cửa, và những người này được yêu cầu lựa chọn cánh cửa nào họ cho là tốt nhất :
Cửa số 1 sẽ mang lại hạnh phúc.
Cửa số 2 sẽ mang lại kiến thức.
Cửa số 3 sẽ mang lại của cải.
- Người khôn ngoan chọn cánh cửa số 1 và không đòi hỏi gì thêm vì đối với họ : có hạnh phúc là sẽ có mọi cái khác.
- Người thông minh chọn cánh cửa số 2 để có kiến thức và họ sẽ làm việc chăm chỉ để kiếm được nhiều tiền để cuối cùng sẽ có hạnh phúc.
- Người khôn lanh chọn mở cửa số 3 để trước hết đổ đầy tiền vào túi mình, sau đó mở cửa số 2 để thu thập kiến thức, rồi tiếp tục mở cửa số 1 để có được hạnh phúc.
Tóm lại qua ví dụ thực tế này chúng ta thấy :
- Người khôn ngoan sẽ chọn giải quyết vấn đề nào quan trọng và cốt yếu nhất.
- Người thông minh sẽ sử dụng não bộ suy nghĩ để giải quyết vấn đề.
- Người khôn lanh sẽ sử dụng tài nguyên như phương thế để giải quyết vấn đề.
Người ta thường nói “Điện thoại thông minh” chứ không nói “điện thoại khôn ngoan hay điện thoại khôn lanh”.
Nếu trí thông minh cho thấy khả năng bẩm sinh của trí khôn có khả năng hiểu biết và tiếp thu kiến thức khoa học, thì sự khôn ngoan và khôn lanh lại sở hữu được qua các trải nghiệm trong cuộc sống.
Như vậy : Nếu bạn muốn tìm người nghiên cứu khoa học thì hãy chọn người thông minh. Nhưng nếu bạn muốn tìm người tư vấn về tâm lý thì đối tượng lựa chọn phải là người khôn ngoan. Còn nếu bạn tìm người làm cố vấn giúp bạn làm kinh tế thì người bạn cần chính là người khôn lanh. Không ai quan trọng hơn ai vì mỗi người đều có khả năng giúp bạn làm đúng theo từng yêu cầu.
Thực tế một số người có chỉ số thông minh cao (IQ – Intelligence quotient) :
Sẽ giúp bạn giải đáp được những bài toán khó nhất, nhưng lại không có khả năng giúp bạn sắp xếp công việc thường ngày như dọn nhà cửa, trồng cây…
Tại sao họ có IQ cao mà lại thiếu các kỹ năng cần dùng trong cuộc sống như vậy? Có thể do họ đã sớm biểu lộ khả năng tiếp thu kiến thức khoa học, nên cha mẹ đã định hướng để họ chuyên chăm con đường học vấn nghiên cứu khoa học. Họ có thể có bằng cấp cao hơn người khác, nhưng lại thiếu kỹ năng sống đời thường.
Trái lại, một số người tuy chỉ có số IQ trung bình và có học vị bình thường, nhưng lại có khả năng tự học và tiếp thu được nhiều kiến thức thực dụng, thu nhiều kinh nghiệm kinh doanh trong thương trường, nên đã trở thành chủ xí nghiêp giàu có. Đang khi người tuy có chỉ số IQ cao và sở hữu nhiều văn bằng đại học danh tiếng, nhưng lại thiếu kinh nghiệm kinh doanh thực tế, nên đành trở thành nhân viên dưới quyền của ông chủ xí nghiệp không bằng cấp.
Tác giả: Lm. Đaminh Đan Vinh