IV. Phật Giáo là Tôn Giáo?

 

1. Vấn đề khó khăn

Khó khăn bởi vì đối với người Công giáo như chúng ta, hễ nói đến tôn giáo là tự nhiên nghĩ đến “mối liên hệ giữa một Ðấng Tối Cao, sáng tạo mọi loài với con người và cả vạn vật thụ tạo,” nói một cách vắn gọn, “liên hệ giữa Thần và Người.” Trong cuốn Théo, người ta viết “La religion (du latin religare, relier) est le lien qui relie l'homme au sacré” (tr. 607). Và như trên chúng ta đã thấy Phật giáo không nhận có một Ðấng Tối Cao dựng nên chúng sanh, và chính Ðức Phật cũng chỉ tự nhận mình là người phàm được giác ngộ. Cho nên, đúng như lời bác sĩ Kimura Taiken: “Phật giáo có thật là tôn giáo hay không, đó là vấn đề rất khó giải đáp!” 41.

2. Phật giáo không phải là tôn giáo

Ðề cập đến vấn đề “Phật giáo có phải là tôn giáo không?,” các học giả Âu châu cũng như Á châu, kể cả các vị Thượng Tọa, đã có nhiều ý kiến khác nhau: Ông Koryu Otani cho Phật giáo là một thuyết khoa học chứ không phải tôn giáo 42. Ông G. van der Leeuw lại cho “Phật giáo là một tôn giáo hư vô, một tôn giáo của tiêu cực” (une religion du néant, une religion du négatif) 43. Giáo sư Takakusu quả quyết “Phật giáo là vô thần, cái đó khỏi phải nghi ngơø” 44. Thượng Tọa Thích Nhất Hạnh lại chủ trương “Phật giáo nguyên thủy là những hình thức sinh hoạt văn hóa” 45. Gần đây, giáo sư Nguyễn Huy Bảo có ý kiến: “Phật giáo (hay Khổng giáo) chỉ là những vũ trụ quan hay nhân sinh quan, cả hai đều ở trong phạm vi triết lý46.

Những ý kiến khác táo bạo hơn, quả quyết Phật giáo không là tôn giáo, cũng chẳng là triết học hay khoa học. Trước tiên là ý kiến của giáo sư Tuệ Quang Nguyễn Ðăng Long trong cuốn Phật Giáo. Ông viết: “Thực ra Phật giáo không phải là một đạo, một tôn giáo. Tất cả những chùa chiền, tăng ni, những luật lệ về sự tưởng bên ngoài mà ta vẫn thấy ở khắp cõi Á Ðông ở khắp vùng Ðông Nam Á (gồm cả Nam Tôn, Bắc Tôn), cho đến các kho tàng kinh điển ở khắp thế giới, thảy đều chỉ là mấy giọt nước đục, so với biển cả mênh mông, trong suốt là Phật Pháp.... Phật Pháp không phải là một tôn giáo, một triết học. Tất cả những điều ta biết về Phật Pháp chỉ là vài giọt nước đục, so với bể lớn mênh mông trong suốt47. Sách này đã được Thượng tọa Thích Tâm Châu, nguyên Viện Trưởng Viện Hóa Ðạo ở Sài gòn và là đệ nhất Phó Chủ Tịch Hội Tăng Già Phật Giáo Thế Giới chứng nhận mấy lời: “Một tác phẩm như vậy làm hãnh diện đạo Phật. Nó sẽ giúp bao trí thức Phật tử hiểu đạo Phật, có một ý niệm rõ ràng và sâu sắc về đạo. Nó đã tả đúng chân tinh thần Phật giáo. Nó là nguồn cảm hứng cho người thiết tha tìm hiểu Chính Pháp, cho người thực hành tu theo Chân lý” 48.

Sau đó là Thượng Tọa Thích Minh Châu, Viện trưởng Viện Ðại Học Vạn Hạnh cũng đã lớn tiếng tuyên bố tại Ðại Học Văn Khoa Sài gòn, ngày 6 tháng 4 năm 1967 như sau: “Trước hết chúng tôi xin vào đề ngay rằng đạo Phật không phải là một tôn giáo, dù nghĩa tôn giáo hiểu theo truyền thống Tây Phương hay Ðông Phương. Nói đến tôn giáo là nói đến tín ngưỡng, giáo hội, giáo quyền, thần quyền, thần khải v.v... Ðạo Phật gồm đủ những điều vừa kể, nhưng điều quan trọng nhất mà tất cả chúng ta cần phải lưu tâm: những điều kể trên không làm cho đạo Phật trở thành đạo Phật, mà chỉ là những hình thức tất yếu phát xuất từ sự thoái hóa tinh thần của những người tự nhận là theo đạo Phật. Ðạo Phật không phải là tôn giáo, mà cũng không phải là triết lý hay triết học. Tư tưởng triết lý của đạo Phật chỉ là hậu quả tất yếu của sự sinh thành biện chứng trong sinh hoạt tâm linh của người theo đạo Phật” 49.

3. Phật giáo là tôn giáo không có nguồn gốc hay tương quan Thần Linh:

Chủ trương Phật Giáo là tôn giáo, bác sĩ Kimura Taiken không muốn tìm nguồn gốc tôn giáo ở các Ðấng Thần Linh mà tìm ở tinh thần con người, bởi vì xét theo phương diện tâm lý, tôn giáo là nhu cầu đáp ứng những hiện tượng tinh thần của con người. Và nhu cầu tinh thần này cốt yếu là sự kết hợp giữa tự do và giải thoát. Nhu cầu tự do và giải thoát có thể chứng nghiệm một đời sống vô hạn, và tất cả đều tự tâm phát ra. Nói như thế có nghĩa là không Thần linh nào có thể thỏa mãn nhu cầu tôn giáo của con người mà chính con người phải tự lực, tự cường thỏa mãn lấy, như lời Ðức Phật dạy: “Hãy tự mình thắp đuốc lên, hãy tự mình nương tựa nơi mình, nương tựa chính Pháp, chứ đừng nương tựa vào một nơi nào khác.” Xét như vậy thì Phật giáo là tôn giáo, một tôn giáo độc đáo sánh với các tôn giáo khác 50.

Linh Mục Thiện Cẩm lại có thiển ý: “Người ta có thể quan niệm Phật giáo là một tôn giáo, nếu người ta hiểu chữ tôn giáo trên bình diện phẳng, nghĩa là tuy nó không đòi hỏi một tương quan hướng thượng, tức là không biết đến một Thần linh nào, nhưng nó là con Ðường đưa tới cái im lặng mênh mông huyền ảo của trạng thái Niết Bàn, tới cái tuyệt đối là Chân Không (sunyata). Phật giáo là một con đường giải thoát tâm linh... Tuy Phật giáo không đặt mình trên bình diện siêu việt tính (Plan transcendental), nhưng cũng không chỉ nằm trong bình diện “tại thể tính” (plan imminent). Ðạo Phật không lấy con người làm cứu cánh cho con người, nhưng “muốn đưa con người vượt lên trên con người,” muốn “chuyển nhân bản thành Phật bản.” Cái ý vươn lên ấy phải chăng là một trong những đặc tính của một tôn giáo?” 51.

Ông Phạm Trọng Chánh, khi góp ý với cụ Nguyễn Huy Bảo nhân bài “Dân Tộc Việt Nam Trước Vấn Ðề Tôn Giáo,” mặc nhiên cho rằng Phật giáo là tôn giáo khi hiểu theo người Phương Ðông: Ðạo là Con Ðường, và Tôn giáo là tôn kính giáo dục chứ không có một quan niệm thần quyền 52.

4. Tế nhị với người Việt Nam

Trừ một thiểu số, người Việt Nam, Phật tử hay không Phật tử sẽ ngỡ ngàng, thậm chí coi là xúc phạm, khi nghe nói “Phật Giáo không phải là tôn giáo.”

Bởi lẽ người Việt Nam có một tâm hồn tôn giáo rất sâu đậm. Và đã nói đến tôn giáo là tất nhiên có Thượng Ðế, có Thiên Chúa, có Ông Trời, có Tạo Hóa, có Ðấng Tối Cao. Dù tin đạo Phật, dù kính mến Ðức Phật, họ vẫn nói là “Trời phạt.” Cách chung, khi nói như vậy, họ tuyên xưng trên Ðức Phật còn có Ông Trời, ông Trời cao hơn Ðức Phật. Ðạo Phật là con đường dẫn họ đến với ông Trời.

Do đó chúng ta không thể đồng ý với ông Phạm Trọng Chánh về nhận định: “Ðối với người Việt Nam, ông Trời không có nghĩa là Ðấng Sáng Tạo, khai sáng ra vũ trụ, vạn vật và con người” 53. Trái lại, chúng ta coi là xác đáng lời viết sau đây của ông Ðoàn Quang trong bài “Trời người Việt Nam qua ca dao.” Ông viết: “Trời đã ghi dấu vạn năng của Người trên không trung cao vút và trong vực thẳm khôn dò, trong cỏ cây hoa lá, cũng như trong sóng nước đại dương. Ðồng ruộng mênh mông và biển khơi bát ngát trải rộng trước tầm mắt chúng ta. Dấu chân của Trời là ở đó. Người còn được ghi khắc trong tận thâm tâm của lòng người. Người Do Thái gọi Người là Yahweh, người Ấn Ðộ gọi Người là Bhram, Người Trung Hoa gọi Người là Thượng Ðế, còn người Việt Nam gọi Người là Trời, là Ông Trời. Trời của người Việt Nam vượt trên mọi thần minh. Dù ông theo đạo Khổng hay đạo Lão, dù bà theo đạo Phật hay Cao Ðài, dù anh chị chỉ thờ cúng Tổ Tiên... thì ông bà hay anh chị vẫn nhận rằng trên Ðức Khổng, Ðức Lão, Ðức Phật vẫn còn có một Ðấng Tối Cao mà người mình quen gọi là Ông Trời. Trời quyền năng, Trời tác tạo vạn vật, Trời can thiệp vào cuộc sống dân gian, Trời ban phúc, Trời giáng họa...” 54. Chúng ta có thể đan cử một vài trong hàng trăm câu ca dao xưng tụng ông Trời:

Lạy Trời mưa xuống,
Lấy nước tôi uống ...

Trời là Cha, Ðất là Mẹ.
Trời sinh trời dưỡng.
Trời sinh voi Trời sinh cỏ.
Cha Mẹ sinh người, Trời sinh tính.
Thiên bất dong gian!

Nhờ Trời mưa gió thuận hòa,
Nào cầy nào cấy trẻ già đua nhau.
Nhờ Trời Hạ kế sang Ðông,
Làm nghề cầy cấy vun trồng tốt tươi.

Ðêm đêm ra thắp đèn Trời,
Cầu cho cha mẹ sống đời với con.

Ðề cập đến quan niệm Trời trong Khổng giáo, ông Toan Ánh viết: “Trời và Ðất riêng biệt nhưng vẫn liên quan với nhau về phương diện động. Trời hoàn thiện nhất nên Kinh Thư gọi Trời là Thượng Thiên (trời cao), là Hiệu Thiên (trời sáng), là Hoàng Thiên, là Thượng Ðế... Vạn vật nhất thể, mọi vật, không phân biệt vật nào, đều có một nguồn chung. Trời và đất là cha mẹ chung, loài người là anh em, các vật khác là bầu bạn” 55.

5. Kính Trọng và Ðối Thoại Nhưng Kiên Vững Sống Ðức Tin

Ðó là điều Công Ðồng Vatican II truyền dạy chúng ta trong bản văn sau đây: “Như trong Ấn giáo, con người tìm hiểu mầu nhiệm thần thiêng và diễn tả mầu nhiệm đó bằng những thần thoại phong phú bất tận cũng như bằng những nỗ lực suy tư triết lý sâu sắc. Họ tìm cách giải thoát khỏi những nỗi lo âu của kiếp người hoặc bằng những lối sống khắc khổ, hoặc bằng tịnh niệm thâm sâu, hoặc bằng việc chạy đến nương ẩn nơi Thượng Ðế với lòng mến yêu tin cậy. Phật Giáo, theo nhiều tông phái khác nhau, lại nhìn nhận sự thiếu sót căn bản của cuộc đời thay đổi này và vạch ra con đường cho những người thành tâm tin cậy, hoặc đạt đến chỗ giải thoát trọn vẹn hay giác ngộ hoàn toàn. Cũng thế các tôn giáo khác trên hoàn cầu đều cố công làm cho tâm hồn con người thoát khỏi những băn khoăn bằng nhiều phương thế khác nhau, bằng cách vạch đường chỉ lối, tức đề xướng những giáo thuyết và luật sống cũng như những lễ nghi phụng tự.

Giáo Hội Công Giáo không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo đó. Với lòng kính trọng chân thành, Giáo Hội xét thấy những phương thức hành động và lối sống, những huấn giới và giáo thuyết kia, tuy rằng có nhiều điểm khác với chủ trương mà Giáo Hội duy trì, nhưng cũng thường đem lại ánh sáng của Chân Lý. Chân lý chiếu soi cho hết mọi người. Tuy nhiên Giáo Hội rao giảng và có bổn phận phải kiên trì rao giảng Chúa Kitô, Ðấng là “đường, sự thật và sự sống” (Galát 14,6); nơi Người, con người tìm thấy đời sống tôn giáo sung mãn và nhờ Người, Thiên Chúa giao hòa mọi sự với mình.

Vì thế Giáo Hội khuyến khích con cái mình nhìn nhận, duy trì và cổ động cho những thiện ích thiêng liêng cũng như luân lý và những giá trị xã hội văn hóa của các tín đồ thuộc các tôn giáo khác, bằng con đường đối thoại và hợp tác cách thận trọng và bác ái với tín đồ các tôn giáo ấy mà vẫn là chứng tá của đức tin và đời sống Kitô giáo” (NA 2).

 

Tài liệu tham khảo:
(1) Romano Guardini, “Le Seigneur,” Alsatia, 1945, I, trg. 346.
(2) Romano Guardini, “L'Essence du Christianisme,” Alsatia 1948, Trg. 20
(3) Romano Guardini, “Le Seigneur,” Alsatia, 1945, I, trg. 346.
(4) Walpola Rahula, “What the Bouddha Taught,” được Thích Nữ Trí Hải dịch ra tiếng Việt với tựa đề “Tư Tưởng Phật Học” (Con đường thoát khổ). Phật học viện quốc tế xuất bản, 1983, trg.1.
(5) Ban Hoằng Pháp (BHP), “Phật Học Phổ Thông” I, trg.17 (Bán ở Chùa Khánh Anh, 14 Ave. Henri Barbusse, 92220 Bagneux)
(6) Ban Hoằng Pháp, sách dẫn I, trg. 115-129.
(7) Kimura Taiken, “Ðại Thừa Phật Giáo” trg. 26 (Chùa Khánh Anh phát hành)
(8) Toan Ánh, “Tín Ngưỡng Việt Nam,” I, trg. 277-278.
(9) Nguyễn Văn Trung, “Biện Chứng Giải Thoát của Phật Giáo,” Saigon 1960, trg 105-106.
(10) Nguyễn Văn Trung, sách dẫn, trg. 52-53.
(11) Nguyễn Ðăng Thục, “Lịch sử Triết Học Á Ðông” III:Ấn Ðộ, Saigon 1950, trg. 149
(12) Walpola Rahula, sách dẫn, trg. 2.
(13) Takakusu, “The Essentials of Buddhisme Philosophy,” Bản dịch Việt ngữ của Tuệ Quang với tiêu đề “Các Tông Phái của Ðạo Phật,” Viện Phật học quốc tế xuất bản 1987, trg. 90.
(14) Ban Hoằng Pháp, sách dẫn I, trg 335-354 “Tứ Diệu Ðế.” Nguyễn Ðăng Thục, sách dẫn, trg.160-178.
(15) Takakusu, sách dẫn trg. 98.
(16) Tatakusu, sách dẫn trg. 43-44; 100-105.
(17) Kimusa Taiken, sách dẫn trg. 195.
(18) Ban Hoằng Pháp, sách dẫn I, trg 851.
(19) Ban Hoằng Pháp, sách dẫn I trg. 84.
(20) Ban Hoằng Pháp, sách dẫn I trg. 54.
(21) Nguyễn Văn Trung, sách dẫn trg 64; W Rahula, sách dẫn trg. 18.
(22) Takakusu, sách dẫn trg 367-368.
(23) Ban Hoằng Pháp, sách dẫn I trg 853-854.
(24) Ban Hoằng Pháp, sách dẫn, xem trg. 854-866.
(25) Ban Hoằng Pháp, sách dẫn trg. 866.
(26) W. Rahula, sách dẫn trg. 18.
(27) Takakusu, sách dẫn trg. 143.
(28) Ban Hoằng Pháp, sách dẫn trg. 347.
(29) Takakusu, sách dẫn trg. 95.
(30) Ban Hoằng Pháp, sách dẫn xem trg. 259-272.
(31) Ban Hoằng Pháp, sách dẫn xem trg. 250-258.
(32) Ðoàn Văn Còn, “Phật Học Từ Ðiển” II trg. 775; I trg. 60-73.
(33) Ðoàn Văn Còn sách dẫn II trg. 394-395; I trg. 74-98.
(34) Ðoàn Văn Còn, sách dẫn III trg. 1061; I trg. 300-319.
(35) Ðoàn Văn Còn, sách dẫn II trg. 331-335; III trg. 1002; xem Ban Hoằng Pháp, sách dẫn I trg. 133-145.
(36) Ðoàn Văn Còn, sách dẫn III trg. 710-711, xem Ban Hoằng Pháp, sách dẫn I trg. 101-112.
(37) Ðoàn Văn Còn, sách dẫn III trg. 1330, xem Ban Hoằng Pháp, sách dẫn I trg. 150-162.
(38) Ðoàn Văn Còn, sách dẫn II trg. 727-728, xem Ban Hoằng Pháp, sách dẫn I trg. 187.
(39) Ðoàn Văn Còn, sách dẫn I trg. 345-346.
(40) Ðoàn Văn Còn, sách dẫn I trg. 283-284; xem Thích Thanh Từ, Ðạo Phật và Tuổi Trẻ, trg 147-149.
(41) Kimusa Taiken, sách dẫn trg. 139.
(42) Kimusa Taiken, sách dẫn trg. 1377.
(43) G. der Leeuw, “La religion dans son essence et ses manifestations,” trg 613, 618, trích dẫn trong cuốn “Kitô giáo với các tôn giáo khác” của Thiện Cẩm, trg. 120.
(44) Takakusu, sách dẫn trg. 84.
(45) Thích Nhất Hạnh, “Ðạo Phật ngày nay,” in ronéo, Paris 1964, trg. 13, trích dẫn trong cuốn “Kitô Giáo Với Các Tôn Giáo Khác” của Thiện Cẩm, trg. 120.
(46) Nguyễn Huy Bảo, “Dân Tộc Việt Nam Ðứng Trước Vấn Ðề Tôn Giáo,” trong báo Thông Luận số 76, 11.94 và in lại trong báo Bông Sen Âu Châu số 22, 4.95, trg. 26.
(47) Tuệ Quang, “Phật Giáo,” Saigon 1964, trg. 164-165, trích dẫn trong cuốn Vấn Ðề Ðau Khổ của Thiên Phong Bửu Dưỡng, Saigon 1969, trg. 9.
(48) Tuệ Quang, sách dẫn trg. 4.
(49) Thích Minh Châu, Tư tưởng Ðại Học Vạn Hạnh số 1, 8.1967, trích trong Thiện Cẩm, sách dẫn. trg. 119.
(50) Kimusa Taiken, sách dẫn xem trg. 135-144.
(51) Thiện Cẩm, sách dẫn trg. 121.
(52) Phạm Trọng Chánh, “Ðối Thoại Về Vấn Ðề Tôn Giáo” đăng trong báo Bông Sen Âu Châu, số 22, 4.95 trg. 21.
(53) Phạm Trọng Chánh sách dẫn, trg. 21.
(54) Ðoàn Quang, “Trời Người Việt Nam Qua Ca Dao,” đăng trong đặc san Sao Biển, 12.1982 trg. 18.
(55) Toan Ánh, sách dẫn trg. 239-240.