lavie.fr, Alexia Vidot,

 

Trong quyền Tự điển về các lần Đức Mẹ hiện ra, nhà sử học Joachim Bouflet đưa ra thành quả của hơn 30 năm làm việc.

Xin ông cho biết, vì sao ông dành hết thì giờ để nghiên cứu các lần Đức Mẹ hiện ra?

Mùa hè năm 1968, tôi may mắn được gặp Cha Thánh Piô ở San Giovanni Rotondo. Trước khi ban phép lành cho tôi, ngài kể cho tôi nghe các lần Đức Mẹ hiện ra ở San Damiano mà ngài cho là không thật. Khi đó tôi là sinh viên lịch sử ở trường Đại học Sorbonne nên tôi quan tâm đến chuyện này. Sau đó tôi quyết định đến San Damiano để quan sát. Khoảng cách mênh mông giữa những gì tôi thấy tại chỗ và các câu chuyện kỳ cục đang được kể (các bức ảnh và cách chữa bệnh thần kỳ, kỳ quan mặt trời, v.v.) đã làm cho tôi đặt câu hỏi. Tôi lo lắng, không phải do các lần hiện ra được cho là chính xác, nhưng do cách câu chuyện được kể cho tín hữu. Tôi bắt đầu tìm hiểu khi một linh mục, bị gọi một cách ác ý là “quan sát viên của giám mục”, phối hợp với tôi vào công việc của ngài. Cha dạy cho tôi tầm quan trọng của việc thiết lập các sự kiện, để các chứng nhân nói, không bao giờ tìm cách bẻ cong ý nghĩa theo cách này hay cách khác và để Giáo hội phân định. Tôi say mê với nhiệm vụ đầu tiên này. Sau đó, các hoàn cảnh khác nhau đã dẫn tôi đến việc nghiên cứu các “lần Đức Mẹ tỏ mình” (mariophanies, thuật ngữ do triết gia Jean Guitton đặt ra) và dần dần tôi trở thành chuyên gia trong lãnh vực này. Một cách để tôi phục vụ Giáo hội như Cha Thánh Piô đã xin tôi.

Nếu Chúa đã nói tất cả cho chúng ta qua Chúa Giêsu thì vì sao Đức Mẹ lại hiện ra và nói với một số người?

Trong chừng mực Giáo hội đang đi tới và không bao giờ quên Thiên Chúa “đã nói tất cả với chúng ta” nơi con của Ngài là Chúa Giêsu, thì Đức Mẹ đến để nhắc lại. Đây là sứ mệnh mà Mẹ đã nhận khi ở dưới chân Thập giá: Mẹ là Mẹ và là người giảng dạy cho Giáo hội. Như vậy, Mẹ Maria chỉ hiện ra để đưa con cái trở về với Thiên Chúa, với Lời, với những gì Chúa Giêsu đã đòi hỏi trong Tin Mừng. Đây là tiêu chuẩn đầu tiên để phân định: nếu “lần Đức Mẹ tỏ mình” không có Chúa Kitô ở trọng tâm, thì lần hiện ra này không thể là đích thực. Ngoài ra, Giáo hội được cho phép yêu cầu những người thấy Đức Mẹ hiện ra, hoặc những người cho rằng mình thấy Đức Mẹ hiện ra phải có chứng từ Tin Mừng. Vì vậy, Thánh Catherine Labouré, Thánh Bernadette Soubirous ở Lộ Đức hay các mục đồng ở Fatima, tất cả đều sống trong đức ái, kín đáo, khiêm nhường và tuân phục Giáo hội, theo tôi, đó là đức tính đầu tiên trong các đức tính cần có.

Chúng ta có thể nhận ra cây bằng quả của nó không?

Tiêu chuẩn này không thể tuyệt đối. Nó cần được xử lý một cách thận trọng và lâu dài. Vào thời Trung cổ, có rất nhiều cuộc hành hương đến các thánh tích, mà ngày nay chúng ta biết là sai, và đến các thánh mà chính sự tồn tại của họ vẫn còn nhiều nghi ngờ, nhưng phép lạ, các vụ trở lại,  chữa lành đã phát triển mạnh mẽ. Một ví dụ khác: các lần Đức Mẹ hiện ra ở Mễ Du, bị hai giám mục địa phương lên án và Rôma chưa tuyên bố gì. Các ơn nhận được ở đó vô cùng lớn, nhưng đó là dấu chỉ xác thực trong tiến trình đức tin của người đi hành hương, chứ không do các lần hiện ra. Vì thế Chúa Giêsu đã ca ngợi đức tin của những ai đến với Ngài với tấm lòng tinh tuyền.

Đâu là các mức độ công nhận của “các lần Đức Mẹ tỏ mình”?

Mức độ thứ nhất: Giáo hội, chính xác là giám mục địa phương nhận thấy có nguồn gốc siêu nhiên của việc hiện ra. Khi không có nguồn gốc này thì sẽ bị kết án, Bộ Giáo lý Đức tin xác nhận, như ở San Damiano, Garabandal (Tây Ban Nha) hoặc Heroldsbach (Đức), chúng ta không thể bỏ qua bên lề.

Mức độ thứ hai: Giáo hội cho phép việc thờ phượng và hành hương, dù chưa công nhận việc hiện ra như ở Ile-Bouchard hoặc ở Pellevoisin. Mức độ thứ ba: Sự công nhận chính thức. Có rất ít các lần Đức Mẹ hiện ra, chính xác  có 13 lần, Beauraing (Bỉ), Kibeho (Rwanda) hoặc San Nicolás de los Arroyos (Argentina) – vì cho đến giữa thế kỷ 19, sự phân định các “lần Đức Mẹ tỏ mình” chưa tồn tại. Cùng với lần Đức Mẹ hiện ra ở La Salette năm 1846, một quy trình giáo luật đã được phát triển dựa trên mô hình của thủ tục phong chân phước và phong thánh. Đối diện với chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa duy khoa học, Giáo hội phải chứng tỏ đức tin và lý trí không chống đối nhau.

Khi một lần hiện ra được công nhận, chúng ta có phải tin điều đó không?

Tuyệt đối không. Phép lạ là dấu chỉ, không phải là bằng chứng. Vì vậy, khi Giáo hội chứng thực một cuộc hiện ra, Giáo hội không áp đặt điều này vào đức tin của giáo dân. Giáo hội chỉ cho phép chúng ta có thể tin vào đó. Vì vậy, có các cuộc hiện ra đã được công nhận mà tôi không tin, như cuộc hiện ra ở Amsterdam, và các cuộc hiện ra khác chưa được công nhận nhưng tôi tin.

Tại sao Giáo hội phải thận trọng như vậy?

Thứ nhất, vì các cuộc hiện ra là hiện tượng phụ chứ không phải nền tảng đức tin của chúng ta. Và thêm nữa, các câu chuyện này có thể là nguồn gốc của các phong trào không chính thống, các  cuộc nổi dậy, các tà phái lệch lạc, thậm chí còn dị giáo. Hơn nữa ngày nay chúng ta chứng kiến một sự lây lan thực sự của các cuộc hiện ra. Thật đáng lo ngại! Không tuần nào mà không có người báo cho biết có một vụ hiện ra. Và các vụ này gắn liến với người, chứ không còn vào một nơi nào nữa. Nhắc đến Mễ Du tôi tự hỏi: những người hành hương đến đó để cầu nguyện với Đức Mẹ hay để gặp những người đã thấy Đức Mẹ hiện ra? Khi nghĩ rằng mình được ưu tiên đến được với mầu nhiệm của Chúa, rồi thấy rất rõ những người tự cho mình đã thấy, đã nghe thì có nguy cơ rất lớn là đặt người này lên trên cả Đức Mẹ và từ đó là Chúa Kitô. Tuy nhiên, Đức Mẹ chỉ có một lời, lời Mẹ đã nói ở tiệc cưới thành Cana: “Người bảo gì các anh cứ việc làm theo.”

Joachim Bouflet, sử gia chuyên nghiên cứu lòng mộ đạo bình dân và các hiện tượng thần nghiệm, là tác giả của nhiều tiểu sử tâm linh. Ông là người viết chuyên mục cho nguyệt san Cầu nguyện.

 

 

 

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch