THỜI GIAN TÌM CHÚA HƠN CÔNG VIỆC CỦA CHÚA

 

1. Hệ quả của việc chỉ tìm Công Việc của Chúa

Để sống tốt và thành công trong đời sống và sứ vụ linh mục/tu sĩ, chúng ta phải luôn luôn đặt Chúa làm trung tâm chứ không phải bản thân mình, và TÌM CHÚA hơn là CÔNG VIỆC CỦA CHÚA. Quả vậy, sứ vụ tông đồ là cái chung nhất của những ai muốn dấn thân phục vụ tha nhân, muốn đi truyền giáo, muốn xả thân cho người nghèo, nghĩa là nhắm đến phục vụ, tức Công Việc của Chúa. Các cơ cấu Giáo Hội được nhắm tới và được đón nhận như điểm tựa mục vụ, vì chúng giúp ta dấn thân cho sứ vụ tông đồ. Việc hoàn thiện các đức tính nhân bản và thiêng liêng, thăng tiến các tài năng, nghiệp vụ là những yếu tố giúp việc tông đồ hiệu năng hơn.

Việc đánh giá cao thành tích tông đồ và coi thường người thiếu khả năng khiến một số người bỏ bê đời sống cầu nguyện và nội tâm thiêng liêng để chạy theo tính hiệu quả của công việc. Nếu coi hoạt động tông đồ là động lực tối hậu thì khi không còn hoạt động tông đồ được nữa (do hoàn cảnh, bệnh tật, tuổi tác), các vấn đề tiêu cực sẽ nổi lên, vì sự quá lý tưởng và kỳ vọng vào việc tông đồ sẽ gặp chán nản, hoặc không còn hứng khởi kiên trì theo đuổi sứ vụ ơn gọi. Lúc đó những tiêu cực hay việc rời bỏ đời tu là kết quả đương nhiên của cơn khủng hoảng.

Sự xung đột thường xảy ra giữa các cơ cấu tông đồ nặng tính truyền thống của thế hệ lớn tuổi và lối sống tông đồ sáng tạo của thế hệ mới. Nếu không điều chỉnh hài hoà được thì gánh nặng cơ cấu truyền thống sẽ bị kết thúc bởi khủng hoảng thiếu ơn gọi mới và những cuộc ra đi càng làm cạn kiệt nhân sự đưa đến giải thể. Có những người ở lại chỉ vì đối với họ, việc rời bỏ đời tu là một sự sụp đổ hoàn toàn. Trong hoàn cảnh ấy, đức khiết tịnh cũng chỉ được duy trì bởi sự khổ hạnh, một khổ hạnh gắn liền với kỷ luật hơn là với tình yêu tự nguyện và hạnh phúc trọn vẹn cho Thiên Chúa.

Có người chọn giải pháp tiêu cực: đã quá muộn để rời bỏ đời tu, phải cố chịu đựng cuộc sống như định mệnh đã an bài, luôn đau khổ vì tiếc nuối những hoạt động thật ý nghĩa trong quá khứ mà bây giờ không còn nữa. Người khác ở lại vì đời tu mang lại cho họ một cuộc sống đầy đủ, tiện nghi, an toàn, dù rất tầm thường, và chấp nhận một số công việc tông đồ ít ỏi mà họ có thể làm. Nếu sứ vụ tông đồ là động lực đời tu mà còn như thế thì người mang động lực có tính cách trần thế khác sẽ thế nào khi gặp khó khăn thử thách? Họ sẽ bỏ cuộc hoặc sẽ sống một đời tu miễn cưỡng, đã không triển nở hạnh phúc, mà còn sẽ có những tiêu cực nguy hại cho bản thân, cho tha nhân, cho Giáo Hội à sứ mệnh của Giáo Hội, vốn là công trình của Thiên Chúa.

 

2. Tính Ưu Tiên của việc TÌM KIẾM CHÍNH CHÚA

Trái lại, việc dấn thân vì chính Chúa giúp chúng ta nhận biết Chúa là tuyệt đối và có qui chiếu tối hậu nơi Ngài, đến đỗi ngay cả giữa những cơn thử thách lớn lao và ngờ vực của đêm tối đức tin, chúng ta cũng cảm nhận được CHÚA LÀ TẤT CẢ. Xác tín này cổ vũ dấn thân sống bền đỗ đời sống và sứ vụ ơn gọi trong mọi hoàn cảnh cuộc đời. Nó đem lại bình an và kích hoạt sức mạnh cần thiết để chúng ta sống vui tươi cuộc đời ơn gọi của mình, như ĐTC Phanxicô mong muốn các nữ tu phải thể hiện niềm vui và một diện mạo nhân bản xuất phát từ việc nhận biết Chúa Giêsu: “Khi chị em bước vào cuộc hành trình suy niệm về Chúa Giêsu Kitô, cầu nguyện và sám hối với Ngài, lòng nhân bản của chị em phát triển. Làm thế nào để một nữ tu thể hiện lòng nhân bản của mình? Thông qua niềm vui, và ngày càng hân hoan hơn nữa! Tôi thật buồn khi nhìn thấy các nữ tu với khuôn mặt buồn rười rượi. Họ có thể mỉm cười, nhưng đó là một nụ cười giả tạo như những nụ cười của một tiếp viên hàng không. Không! Chị em hãy cho thấy nụ cười hân hoan đến từ niềm vui nội tâm nhé?[1]

Kinh nghiệm này là một ân ban được tăng trưởng nhờ kiên trì cầu nguyện, chiêm niệm và đời sống nội tâm sâu xa. Nó là đá tảng vững chắc trong những thời khắc khó khăn, chán nản, lầm lạc và cả tội lỗi nữa. Nó mời gọi ta sám hối trở về cùng Chúa với lòng nhiệt thành ban đầu. Trong những cơn khủng hoảng tình cảm hay tính dục, kinh nghiệm này là sức vượt lên, vì tin chắc rằng Chúa luôn yêu thương tha thứ cho đến tận cùng, bất chấp tất cả yếu đuối và tội lỗi của chúng ta.

Kinh nghiệm CHÚA LÀ TẤT CẢ là hàn thử biểu cho đời sống và sứ vụ ơn gọi. Nó không được đo lường bởi tính hiệu quả và thành công. Nó soi sáng và kích hoạt mọi hoàn cảnh sống, và là nguồn đặc sủng năng động tông đồ. Cảm nhận kinh nghiệm này giúp chúng ta không bao giờ phải đi tới ngõ cụt là lìa bỏ ơn gọi vì một sự thay đổi công việc hay nhiệm sở, tuổi tác hay bệnh hoạn làm cản trở công việc tông đồ. Chính kinh nghiệm này giải thích thái độ của những người ngày đêm âm thầm phục vụ trong những nơi và công việc tầm thường, khuất ẩn, chẳng ai để ý tới, hoặc thái độ của những người đang dấn thân trong các hoạt động tông đồ đang thành công bất ngờ bị bứng đi, và phải lặng lẽ ra đi như tới một nơi lưu đày.

Kinh nghiệm Chúa là Tất Cả được nuôi dưỡng bởi các lời khuyên Phúc Âm:

- Đức Khó Nghèo giúp lệ thuộc tuyệt đối vào Chúa: Chúa Giêsu sai các môn đệ đi truyền giáo không được mang theo gì cả để họ tín thác vào Thiên Chúa (x. G 1,21; 2,10b);

- Đức Vâng Lời dạy qui phục ý Chúa qua Bề Trên, là người có kinh nghiệm tìm ý Chúa cho mình cũng như cho bề dưới, và cùng bề dưới tìm Ý Chúa;

- Đức Khiết Tịnh diễn tả một tình yêu trọn vẹn cho Thiên Chúa, không chia sẻ cho ai hay cái gì khác (x. 1 Cr 7, 32-35).

Kinh nghiệm về sự tuyệt đối của Thiên Chúa giúp từ bỏ ý riêng: nhượng bộ ý muốn và kế hoạch riêng cho Chúa, như Trinh nữ Maria trong ngày truyền tin đã qui phục ý muốn và kế hoạch đời Mẹ cho ý muốn và kế hoạch cứu độ của Chúa cho Mẹ và cho cả nhân loại.

Kinh nghiện nền tảng Chúa là Tất Cả phải vừa là điểm khởi đầu vừa là điểm phải đến: Mọi sự đều qua đi, nhưng Thiên Chúa không hề thay đổi. Ai có được Thiên Chúa thì chẳng thiếu gì hết: Một mình Thiên Chúa là đủ. Do đó, phải ưu tiên tìm chính Chúa trong các công việc của Chúa và qui hướng các công việc của Chúa về chính Chúa. Chỉ khi nào vượt lên được chính mình và những thứ kéo ghì mình xuống để vươn lên chính Chúa hơn là công việc của Chúa thì chúng ta mới thực sự có được một đời tu bình an, thành công và hạnh phúc.

Ta phải nhanh chóng thanh tẩy các động lực ơn gọi và đăt trọng tâm nơi Chúa Giêsu, “Đấng vẫn là một hôm qua, hôm nay và mãi mãi” (Dt 13,8). Sự qui chiếu về Chúa Giêsu phải là tuyệt đối: Tôi tin rằng không có gì đẹp hơn, không có gì sâu xa hơn, không có gì thiện cảm hơn, không có gì hữu lý hơn, không có gì mạnh mẽ hơn, và không có gì hoàn hảo hơn Chúa Kitô (Dostoievski).

Thánh Patrice viết: “Chúa Kitô ở với tôi, Chúa Kitô ở trong tôi, Chúa Kitô ở sau lưng tôi, Chúa Kitô ở trước mặt tôi, Chúa Kitô ở bên cạnh tôi, Chúa Kitô đến nắm tay tôi, Chúa Kitô đến an ủi tôi, Chúa Kitô đến bổ sức cho tôi, Chúa Kitô ở dưới chân tôi, Chúa Kitô ở trên đầu tôi, Chúa Kitô ở trong sự bình tâm, Chúa Kitô ở trong hiểm nguy, Chúa Kitô ở trong trái tim của những người yêu mến tôi. Chúa Kitô ở nơi môi miệng của bạn hữu cũng như của người xa lạ.”

Thánh Vinh sơn đệ Phaolô viết: “Bạn hãy nhớ rằng chúng ta sống trong Chúa Kitô nhờ cái chết của Chúa Kitô, và chúng ta phải chết trong Chúa Kitô để được sự sống của Chúa Kitô, đời sống chúng ta phải được giấu ẩn trong Chúa Kitô và tràn đầy Chúa Kitô, và để rồi được chết như Chúa Kitô thì phải sống như Chúa Kitô.”

Thánh Gioan Tiền Hô ước muốn “Ngài phải lớn lên, còn tôi phải bé đi”, còn thánh Phaolô xác tín: “Tôi sống, nhưng không còn là tôi mà là Chúa Kitô sống trong tôi.” - “Những gì xưa kia tôi cho là có lợi thì nay vì Đức Kitô tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả moi sự là thiệt thòi so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi” (x. Pl 3,7-14)

3. Điều Hợp giữa Chính Chúa và Công Việc của Chúa

Cần có một sự điều hợp giữa chính CHÚA và CÔNG VIỆC CỦA CHÚA trong đời sống và sứ vụ linh mục/tu sĩ chúng ta. Nếu chính Chúa là động lực ơn gọi, chúng ta có được bảo đảm cho tính trung thực của đời tu. Nếu công việc tông đồ là động lực, thì phải xem nó có kiên vững và tiến triển hướng về chính Chúa không? Nếu chỉ tìm công việc của Chúa mà quên chính Chúa thì sẽ có nguy cơ đi tới tình huống thiếu động lực đích thực. Như vậy kinh nghiệm Chúa là Tất Cả đã có mặt ngay từ đầu, hoặc đã trỗi lên qua dòng đời dâng hiến với việc thực thi các sứ vụ tông đồ. Việc dấn thân trong sứ vụ, sự nhiệt tình tông đồ, lòng tận tụy truyền giáo có thể là những trung gian quí báu dẫn tới kinh nghiệm “CHỈ MỘT MÌNH CHÚA LÀ ĐỦ.” Trái lại, kinh nghiệm Chúa là Tất Cả cho chúng ta ánh sáng, sức mạnh, và nhiệt huyết tông đồ.

Có hai cách thức để đạt tới trải nghiệm quí báu này: hoặc ngay từ đầu đã có kinh nghiệm về chính Chúa, hoặc dần dần tiến lại với chính Chúa qua trung gian sứ vụ tông đồ, tức các công việc của Chúa. Công cuộc đào tạo và tự đào tạo phải đưa mỗi người đến trung tâm của ơn gọi là chính Chúa. Do đó, không được ham công việc của Chúa mà không ở với chính Chúa. Phải luôn tìm Chúa trong mọi công việc của Chúa và qui hướng mọi việc tông đồ về chính Chúa, để khi không thể làm việc của Chúa thì vẫn luôn còn có chính Chúa, và như thế là đủ. Có thể nói đó là đường hướng và nội dung căn bản của đời sống cầu nguyện liên lỉ sâu xa.

Thường chúng ta không đạt được kinh nghiệm Chúa là Tất Cả ngay từ bước đầu tiên của ơn gọi, nhưng trong suốt hành trình được đào tạo và tự đào tạo, cũng như trong cuộc sống và sứ vụ tông đồ, nó phải được tôi luyện qua các khủng hoảng hay những thách đố lớn. Ta phải đặt trọng tâm nơi Chúa Giêsu, “Đấng vẫn là một hôm qua, hôm nay và mãi mãi” (Dt 13,8). Trong thư gửi tín hữu Colossê, thánh Phaolô cho chúng ta tầm nhìn sâu sắc và tổng thể về vai trò trung tâm này của Chúa Giêsu (x.Cl 1, 15-20).

ĐTC Phanxicô nói: “sự bất tuân phục và sự hoài nghi của chúng ta là những gút mắc chồng chéo trong linh hồn của mỗi người. Những gút mắc này lấy đi sự bình an và thanh thản của chúng ta. Chúng thật nguy hiểm, vì nhiều gút mắc có thể hình thành một mớ càng lúc càng đau đớn và khó tháo gỡ hơn. Tin vào Chúa Giêsu có nghĩa là dâng hiến cho Chúa trọn thân xác chúng ta với lòng khiêm nhu và can đảm của Mẹ Maria, để Chúa có thể tiếp tục cư ngự trong tâm hồn chúng ta[2]. Trong bài giảng thánh lễ ngày 5/12/2013, Ngài khẳng định rằng những lời nói và hành động của một Kitô hữu phải tập trung vào Chúa Giêsu, nếu không thì sẽ là trống rỗng, dẫn đến chia rẽ và điên rồ của tự phụ… Một tín hữu nói lời không bắt rễ từ Chúa Kitô là người tín hữu không có Chúa Kitô. Và việc không có Chúa Kitô này tạo nên chia rẽ giữa chúng ta, chia rẽ trong Giáo Hội. Hãy khiêm nhường xin Chúa giúp đỡ để nói lời bắt nguồn từ Chúa Giêsu Kitô[3].

Chúng ta sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian mà là thuộc về Thiên Chúa và Giáo Hội, có sứ mệnh tiếp tục công việc của Chúa Kitô, làm cho Ngài được nhận biết và yêu mến, qua đời sớng và sứ vụ linh mục/tu sĩ chúng ta dưới sự hướng dẫn và tác động của ơn Chúa Thánh Thần. Thánh Gioan căn dặn: “Anh chị em phải coi chừng để khỏi đánh mất những gì anh chị em đã làm được, hầu lãnh được đầy đủ phần thưởng” (2 Ga 1, 8).

Khi bị ngã gãy tay phải vào bệnh viện bó bột, ĐTC Biển Đức XVI chia sẻ: “Thiên thần bản mệnh của tôi được lệnh không bảo vệ tôi khỏi ngã, để tôi có thời gian nghỉ ngơi, suy niệm và cầu nguyện nhiều hơn”. Đó cũng là tâm tình phải có của các linh mục/tu sĩ đến tuổi hưu dưỡng hay bệnh tật, tai nạn phải nghỉ mục vụ: Coi như không còn thời gian để tìm kiếm và làm công việc của Chúa nữa, mà là thời gian tìm kiếm chính Chúa và ở mật thiết với Chúa vậy. Hạnh phúc thay những ai cảm nhận được điều đó!

 

 

Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy, PSS 

 

[1] http://vietcatholic.org/News/Html/116431.htm

[2] Trích lời ĐTC Phanxicô nói trong Đêm cánh thức Thánh mẫu tại quảng trường thánh Phêrô ngày 12/10/2013.

[3] VATICAN CITY, December 5 (CNA/EWTN News).