NÀY GIỜ … NGÔI LỜI ĐÃ GIÁNG SINH!
Patrice Bergeron
(Parabole,  Décembre 2020, Vol. XXXVI, No 4, tr. 4-5)




Nếu ta chỉ có tựa ngôn của Tin Mừng Gioan để tiến vào mầu nhiệm Giáng Sinh, thì sẽ rất khó mà tưởng tượng ra “hang đá” từ đó! Chính những trình thuật đầy hình ảnh của “Tin mừng thời thơ ấu” nơi Thánh Matthêô và Luca đã cho ta thể hiện được ngày Lễ Giáng Sinh của Đức Giêsu! Tuy nhiên, tựa ngôn của Tin Mừng Gioan cũng bàn rất rõ về mầu nhiệm Giáng Sinh. Bằng chứng là phần tin mừng này được đọc toàn bộ vào thánh lễ Giáng Sinh, lễ ban ngày 25 tháng 12, trong phụng vụ Công giáo. Chính nhà thơ thời Cổ Đại tác giả của tựa ngôn đã được linh hứng cách lạ lùng để nói với chúng ta “cách khác” về sự Nhập Thể của Con Thiên Chúa.

Đức Giêsu là Thiên Chúa … đến tận cùng!

Nếu bốn tác giả tin mừng đều khẳng định căn tính Thiên Chúa của Đức Giêsu, thì chính Tin Mừng thứ tư (được gán cho Gioan) mới rút ra từ đó những hệ quả đến tận cùng, từ tận cùng phía dưới cuộc sống trần thế của ngài cho đến tận cùng phía bên trên. Tôi muốn nói tận cùng là những gì tiếp nối nhau trong sự sống – cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu: Ngài lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa, một cách nói trong Kinh Thánh để nói rằng Đấng Phục Sinh từ đây tham dự vào sự thống trị toàn thể vũ trụ. Về thực tại này, các tin mừng nhất lãm đã có nói đến. Nhưng Gioan đi xa hơn, thậm chí khẳng định sự tiền hữu của Đức Giêsu ở bên trên sự sống trần gian của Ngài, trước khi Ngài trở thành xác phàm. Nếu Đức Giêsu là Thiên Chúa, điều được tỏ hiện trọn vẹn cho các nhân chứng ngày phục sinh, thì Ngài chỉ là Thiên Chúa từ thuở đời đời. Vì thế, Ngài phải “hiện hữu” từ đời đời, ngay cả trước khi tạo dựng vũ trụ, điều mà tựa ngôn đã khẳng định. Không phải là từ chối thực tại của sự tiền hữu vĩnh cửu nơi ngôi vị Đức Kitô, các tin mừng nhất lãm chỉ không nói ra điều đó mà chỉ bằng lòng khám phá khía cạnh trần thế trong đời sống Đức Giêsu, từ khi thụ thai cho đến lúc lên trời.

Ngài từ đâu đến?

Ý tưởng về ngồn gốc mầu nhiệm và vĩnh cửu của Đức Giêsu bàng bạc khắp tin mừng thứ tư được tựa ngôn loan báo, ngay từ những dòng chữ đầu tiên: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1, 1).

Nhưng tác giả tựa ngôn đã lấy ý tưởng từ đâu để gán danh hiệu “Ngôi Lời” (Logos, trong tiếng Hy Lạp) cho Đức Kitô, danh hiệu mà Đức Giêsu của Gioan chẳng bao giờ tự gán cho mình. Lạ kỳ hơn nữa, cách dùng từ logos hoàn toàn biến mất từ câu 14 của chương 1.  Từ sự lạ lùng này, có người suy ra rằng phần tựa ngôn là một phần riêng biệt, một bài thánh ca độc lập từ một nguồn khác mà tác giả tin mừng đã lấy lại cách khéo léo để làm cánh cửa sang trọng cho tác phẩm của mình.

Danh hiệu “Ngôi Lời” từ đâu mà đến?

Như thế chúng ta phiêu lưu theo dõi nguồn gốc của danh hiệu Ngôi Lời gán cho Đức Giêsu, chỉ ra rằng đấng ấy có trước những ngày trở thành xác phàm. Ngoài phần tựa ngôn, ta chỉ tìm thấy tước hiệu này[1] trong văn chương Gioan thuộc Tân Ước. Trong hai trường hợp khác, tước hiệu “Lời” chỉ về Đức Kitô. Tuy nhiên, không như trong tin mừng, tước hiệu này được tiếp nối bằng một từ sở hữu (Lời sự sống - 1 Ga 1, 1; Lời của Thiên Chúa – Kh 19, 13), điều này làm suy giảm – nhưng không phá hủy – ý tưởng về một Ngôi Lời “tự tại” (en soi), một Lời “ngôi vị hóa” (hypostasiée), nghĩa là có sự hiện hữu riêng và có ngôi vị.

Trái lại, những bản văn thời Cổ Đại, nhất là nền văn chương ngộ đạo, có một nhân vật như thế. Trong hệ thống ngộ đạo thuyết, Lời này là một hữu thể Thiên Chúa, trung gian, được Hữu Thể tối thượng sai đến để đem lại cho nhân loại một kiến thức về sự cứu rỗi, mạc khải căn tính thượng giới của Ngài bị chôn vùi trong thế giới xấu xa của vật chất được tạo dựng.[2]  Không gì trái ngược hơn với ý tưởng của tựa ngôn mà trong đó tạo dựng (vật chất) được nhìn cách tích cực đến nỗi chính Ngôi Lời đã mặc lấy xác phàm, nhập thể trong một thân xác thật sự, thân xác của Đức Giêsu Nadarét. Như thế, không có ảnh hưởng ngộ đạo thuyết trực tiếp trên tin mừng thứ tư, hơn nữa, các phong trào bài bản của trào lưu này có sau Tin Mừng Gioan.[3] 

Thú vị hơn nữa, một “Lời” khác có trong các văn bản của một thần học gia Do Thái chịu ảnh hưởng Hy Lạp, người đương thời với Thánh Phaolô:  Philon d’Alexandrie (mất năm 54 sau Công nguyên). Vì thế, nói rằng ý tưởng về “Lời” là phù hợp với tư tưởng thời đại và rằng tác giả của tựa ngôn rất có thể đã tiếp thu một lối nói Hy Lạp nào đó để nói về mầu nhiệm Đức Kitô. Philon đã cho Lời là một thực thể Thiên Chúa, tư tưởng của Ngài một cách nào đó là dụng cụ tạo dựng. Như thế, ý tưởng này gần với Lời của Gioan.

Từ nguyên thủy …

Chính trình thuật tạo dựng đầu tiên trong sách Sáng Thế Ký mà tựa ngôn ám chỉ đến ngay khi mở đầu bằng cách sử dụng cũng những từ đầu tiên của toàn thể Kinh Thánh, en arkhè, tiếng Hy Lạp, dịch là “từ nguyên thủy”. Hơn nữa, câu 3 nói rằng: “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1,3). Ngôi Lời của tựa ngôn là ngôi vị Thiên Chúa này, kết hiệp với Thiên Chúa nhưng phân biệt với Ngài, hiện hữu từ thuở đời đời và hành động tạo dựng được thực hiện qua Ngài.

Như vậy, chính xác hành động tạo dựng trong trình thuật đầu tiên của Sáng Thế Ký được thực hiện như thế nào? “Thiên Chúa phán: "Phải có ánh sáng." Liền có ánh sáng” (Stk 1, 3). Thiên Chúa tạo dựng bằng Lời (dabar, tiếng Hípri) của mình và Lời của Ngài rất hiệu quả, tạo dựng nên điều đã nói, ngay lập tức tạo dựng nên những gì mà Lời nói ra.[4] Khi suy tư về mầu nhiệm lời tạo dựng này của Thiên Chúa, dân Israël đã phát triển một thần học về dabar, nhiều bản văn Cựu Ước đã chứng minh điều đó (Is 55, 10-11; Tv 33; 119, 89-91; 147; 148; G 38…).

Sự Khôn Ngoan được nhân cách hóa

Suy tư này đạt đỉnh trong các sách khôn ngoan trong Cựu Ước, những tác phẩm đem lại nhiều điểm chung rõ ràng nhất với tựa ngôn. Chắc chắn nơi đây tìm thấy nguồn gốc của cách dùng từ nơi tác giả đoạn Tin Mừng Gioan này, tuy nhiên đã thay đổi tước hiệu Đức Khôn Ngoan thành Ngôi Lời. Từ dabar đến Khôn Ngoan, từ Khôn Ngoan đến Ngôi Lời, suy tư đào sâu thêm và khuôn mặt của Lời tạo dựng vĩnh cửu này của Thiên Chúa luôn được xác định. Lời này trở thành một ngôi vị. Đặc biệt các sách Khôn Ngoan, Huấn Ca và Châm Ngôn đã hé mở cho chúng ta căn tính của Ngài. Đối với các tác giả những sách này, có lẽ đây là sự nhân cách hóa hoàn toàn mang tính thi ca của Khôn Ngoan, vì sự bảo vệ độc thần hẳn nhiên ngăn cản việc đưa đa tính vào Thiên Chúa. Tuy nhiên, tất cả những gì được nói về Ngôi Lời trong tựa ngôn là nói về Đức Khôn Ngoan trong nền văn chương khôn ngoan của Cựu Ước: sự hiện hữu của Ngài từ đời đời bên cạnh Thiên Chúa (Cn 8, 22-31; Hc 24, 1-3), vai trò làm chủ công trình tạo dựng của Ngài (Kn 9, 1-2; Hc 42, 15) và cách nào đó sự nhập thể của Ngài có thể được phát hiện ở đây (Hc 24,8).[5]

Từ Lời đến Đức Giêsu, “ngôi sao” ngày Giáng Sinh!

Có lẽ chúng ta không có hang đá, các thiên thần, mục đồng và những đạo sĩ, song tựa ngôn của Gioan làm nên một ngôi sao sáng dẫn đưa chúng ta đến với tác giả của sự sống! Nếu khi đọc tựa ngôn, từ Ngôi Lời biến mất để nhường chỗ cho danh hiệu Giêsu (bắt đầu từ câu 17), có lẽ là để nói cho chúng ta biết rằng từ Nhập Thể cho đến cuối thời gian và ở bên kia thế gian … danh hiệu Giêsu là “danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu” (Pl 2, 9), danh hiệu duy nhất có thể cho ta biết về Thiên Chúa và làm cho ta có thể tiếp cận sự sống của Ngài. Đấy chẳng phải là Tin Mừng Giáng Sinh sao?
 

 

[1]Logos” như là tên riêng và được nhân cách hóa.  

[2] Mọi phong trào ngộ đạo đều trình bày nhãn quan nhị nguyên giữa thượng giới của sự thiện và thế gian của sự dữ, nghĩa là vật chất.

[3] Những bản văn ngộ đạo thuyết mà chúng ta biết được có từ thế kỷ thứ II, trong khi Tin Mừng thứ tư chắc chắn được viết trước cuối thế kỷ thứ I.

[4] Ví tính hiệu quả của Lời Thiên Chúa, dabar cũng được dịch là “lời” (parole) hay “biến cố” (événement).

[5] Điều này khá rõ ràng là đối với độc giả Kitô giáo, cũng như đối với tác giả tựa ngôn, người đã đọc lại các sách khôn ngoan với lăng kính của niềm tin vào Đức Kitô. Thật vậy, trong Hc 24, 8: “Bấy giờ, Đấng tác thành vạn vật truyền lệnh cho Ta, Đấng tạo thành Ta dựng lều cho Ta ở. Người phán: "Hãy cắm lều ở Giacóp, hãy hưởng phần sản nghiệp ở Ítraen". Đức Khôn Ngoan được nói là “cắm lều” (skènoô) ở Giacóp, đây cũng là động từ mà Gioan 1, 14 khẳng định về sự nhập thể của Ngôi Lời: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ (skènoô) giữa chúng ta”.

Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ