Lm. Giuse Nguyễn Công Đoan SJ.

 

Ông Philipphê nói: “Lạy Chúa, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện”. Chúa Giêsu trả lời: Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philipphê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha… Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy” (Ga 14,8-9).

 “Thánh Tử là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Cl 1,15).

 “Không ai biết người Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai,  trừ người Con, và kẻ mà người Con muốn mạc khải cho” (Lc 10,22).

 

Như vậy thì muốn vào được màu nhiệm của Thiên Chúa, phải qua Chúa Giêsu. Nhưng muốn vào trong màu nhiệm Chúa Giêsu Kitô thì phải nhờ cái chìa khóa là Cựu Ước.

Trong kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng: "Người chịu khổ hình và mai táng, ngày thứ ba Ngưởi sống lại như lời Thánh Kinh". Lời tuyên xưng này đã có từ thời các Tông Đồ, như thánh Phao-lô viết trong thư thứ nhất gởi tín hữu Cô-rin-tô: "Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận,  đó là : Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh" (1Cr 15,3-4).

Phúc Âm theo thánh Gio-an kể việc Ông Phê-rô và môn đệ kia chạy ra mồ, thấy chỉ còn khăn liệm xếp gọn để lại đó và kết luận: "Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải sống lại từ cõi chết" (Ga 20,9). Như vậy giả như các ông đã hiểu Kinh Thánh thì khỏi cần chạy ra mồ!

 

Màu nhiệm Phục Sinh là mấu chốt để tin rằng Chúa Giêsu thật là Đấng Cứu Độ trần gian, là cốt lõi của Tin Mừng và là điều đầu tiên các Tông Đồ rao giảng (x. Cv 2,14-36). Thánh Phaolô khẳng định: "Dù tôi hay các vị ấy (các Tông Đồ), chúng tôi đều rao giảng như vậy... Mà nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em. Hơn nữa cả những người đã an nghỉ trong Đức Kitô cũng bị tiêu vong. Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người" (1Cr 15,11.17-19).

Các Tông Đồ lại là những người đã được gặp Chúa Giêsu sau khi Chúa từ cõi chết trỗi dậy, thế mà khi rao giảng vẫn phải dựa vào Kinh Thánh, và lời tuyên xưng đức tin căn bản nhất cũng dựa vào Kinh Thánh.

Kinh Thánh mà các Tông Đồ dựa vào để rao giảng là gì? Tại sao lại như vậy?

Kinh Thánh mà các Tông Đồ cũng như chính Chúa Giêsu đã dựa vào là các sách Cựu Ước, gồm ba phần: Luật (Ngũ Thư), các Ngôn Sứ và các sách khác (có khi gọi tắt là các Thánh Vịnh).

Trong thư mục vụ ngày 7 tháng 10 năm 2012 về Năm Đức Tin, Hội Đồng Giám mục Thánh Địa viết: "Chính là để đi tới miền đất này mà Áp-ra-ham đã được gọi ra khỏi mìền đất của ông, bước vào một cuộc hành trình đức tin. Cuộc hành trình ấy vẫn còn hướng dẫn chúng ta hôm nay khi chúng ta suy niệm về trình thuật trong Kinh Thánh. Từ đấy về sau, miền đất của chúng ta đã trở thành địa dư của câu chuyện đức tin này, từ Ap-ra-ham qua Mô-sê tới Đa-vit, từ các tư tế, các vua, các vị hiền triết và các ngôn sứ của Cựu Ước cho tới Đấng làm tròn những lời cầu xin và những hy lễ của họ, những châm ngôn và những lời sấm của họ, Đức Giêsu Na-da-rét, Chúa Phục Sinh, "Đấng khai mở và kiện toàn đức tin của chúng ta" (Thư Hip-ri [Hr]12:1).

Qua đọan văn rất súc tích này, Hội Đồng Giám Mục Thánh Địa đã cho chúng ta một lời giải thích dễ hiểu: mọi lời cầu xin, hy lễ, châm ngôn và lời sấm của các vị trong Cựu Ước đều hướng về màu nhiệm Chúa Giêsu, còn Chúa Giêsu Phục Sinh làm cho tất cả những lời sấm và hy lễ được nên tròn, được thành sự.

Một thí dụ: muốn xây một ngôi nhà, trước hết phải có bản vẽ (sơ đồ), khi xây thì phải theo sơ đồ mà làm. Sau này muốn sửa chữa cũng phải coi lại sơ đồ. Hình ảnh này có thể giúp chúng ta hiểu tương quan giữa Cựu Ước và Tân Ước. Cựu Ước nhận được những lời hứa của Thiên Chúa về ơn cứu độ. Những lời hứa được nhắc lại, được làm sáng tỏ dần dưới nhiều hình thức qua nhiều nhân vật suốt thời Cựu Ước. “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán với cha ông chúng ta qua các ngôn sứ” (Hr 1:1).

 

I. LỜI HỨA

 

Sách Sáng Thế kể lời Thiên Chúa hứa sau khi tổ tông phạm tội bất tuân: "Thiên Chúa phán với con rắn: Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống ấy sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó" (St 3,15).

Lời hứa này rất lý thú khi ta chú ý tới mấy khía cạnh này: A-đam đổ tội cho Evà, Evà đổ tội cho con rắn: "Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn". Thiên Chúa tuyên phạt con rắn vì nó đã lừa dối người đàn bà. Hình phạt cuối cùng dành cho con rắn là dòng giống người đàn bà sẽ đánh vào đầu con rắn. Thiên Chúa không đánh con rắn mà để cho dòng giống người đàn bà đánh. Như vậy là Thiên Chúa bênh con người tương tự như cha mẹ bênh con.

Khi gọi Ap-ra-ham, Thiên Chúa lại hứa: "Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn... Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc" (St 12,2-3).

Đến phiên vua Đa-vít, Thiên Chúa hứa: "Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi... Nhà của người và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta; ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi mãi" (2S 7,12.16).

Từ khi có Đền Thờ thì các thứ hy lễ được dâng lên Thiên Chúa với bao lời cầu xin. Thư gởi tín hữu Hip-ri đã lượng giá tất cả các hy lễ ở Đền Thờ: "Các điều ấy chỉ là hình ảnh ám chỉ thời hiện tại, cho thấy những lễ phẩm và hy lễ dược dâng tíến thì không thể làm cho lương tâm người cử hành việc phụng tự được nên hoàn thiện" (Hr9,9). "Trái lại,năm này qua năm khác, chính những hy lễ đó nhắc cho người ta nhớ mình có tội.Thật thế, máu bò máu dê không thể nào xóa được tội lỗi... Vị tư tế nào cũng phải đứng khi lo việc phụng tự mỗi ngày và dâng đi dâng lại nhiều lần cũng ngần ấy hy lễ, là những thứ chẳng bao giờ xóa bỏ được tội lỗi" (Hr 10,3-4.11).

Giao ước Xi-nai vừa được Thiên Chúa thiết lập, ông Môsê lên núi để lãnh bia đá khắc Luật Giao Ước, thì ở dưới chân núi dân đã bỏ Chúa rồi. Bao nhiêu lần Thiên Chúa ra tay giải cứu dân của Chúa và dạy họ trung thành giữ giao ước, nhưng họ vẫn chứng nào tật ấy. Thiên Chúa dùng các ngôn sứ để dạy dỗ, răn đe nhưng chẳng kết quả. Thiên Chúa loan báo lời hứa ban Giao Ước Mới, với một sự can thiệp quyết liệt và triệt để: thay tim, khắc luật vào lòng, ban Thần Khí... (x.Gr 31,31-34; Ed 36,18-26). Bao giờ lời hứa thành sự thật?

Bao nhiêu lời cầu nguyện dâng lên trong các Thánh Vịnh và trong sách các ngôn sứ hướng về ơn cứu độ, Thiên Chúa có nghe và nhận lời không?

Có những lời loan báo một vị Cứu Tinh vinh quang song song với những lời loan báo người tôi tớ đau khổ tột cùng, mang vào thân những tội lỗi và hình phạt thay cho toàn dân. Làm sao dung hòa? Có những lời loan báo một Đấng được xức dầu là Vua, là Ngôn Sứ, là Thượng Tế; rút cục sẽ ra sao? Một bầu trời đầy sao, sao nào chỉ vị Cứu Tinh?

 

Thời kỳ lưu đầy Ba-bi-lon dân Chúa mới tìm lại Luật Môsê và lời các ngôn sứ. Phần lớn các sách Cựu Ước gốc bằng tiếng Do Thái và A-ram là kết quả của thời Lưu Đầy, hoặc được viết trong thời lưu đầy hoặc liền sau đó. Một số khác được viết ra do các ngôn sứ và các nhà hiền triết thời kỳ sau lưu đày cho tới thế kỷ I trước CGS, có khi bằng tiếng Do Thái, có khi bằng tiếng Hy Lạp. Kinh Thánh nuôi dưỡng lòng tin và hy vọng. Dù sống ở đất Giu-đê, ở Ba-bi-lon hay Ai-Cập, người Do Thái đều lấy Kinh Thánh làm lương thực tinh thần. Trong sách Công Vụ, trước mặt các tông đồ và kỳ mục đang họp nhau để giải quyết vấn đề tương quan giữa tín hữu gốc Do Thái và các tín hữu gốc Dân Ngọai, thánh Giacôbê nhắc đến một thực tế: "Thật vậy, từ những thế hệ xa xưa, ông Môsê đã có những người rao giảng trong mõi thành, vì họ đọc lời của ông trong các hội đường mỗi ngày sa-bát" (Cv 15,21).

Tất cả những lời của Môsê và các ngôn sứ cùng với các Thánh Vịnh đã tạo nên và nuôi dưỡng niềm hy vọng, nỗi mong chờ một vị Cứu Tinh.

Hiện nay những người Do Thái đạo đức theo xu hướng "Cực Chính thống" vẫn chờ Đấng Mê-si-a. Đêm sa-bat vẫn có những người thức thâu đêm, ra ngã ba ngã tư đứng chờ Đấng Mê-si-a, mong được là người đầu tiên đi theo ngài khi ngài đến. Trên đường phố Giêrusalem vẫn còn những bảng cổ động tuyên xưng một vị Rabbi đã chết (Rabbi Lubavitch) là Vua Mê-si-a và chờ ông trở lại.

Cả người Sa-ma-ri hiện nay cũng vẫn đang còn chờ đợi Vị Ngôn Sứ (Toheb) như người đàn bà Samari đã nói với Chúa Giêsu trong chương 4 của Tin Mừng theo thánh Gio-an.

 

Mỗi khi bị ngọai bang áp bức thì niềm trông đợi vị Cứu Tinh lại bừng lên như lửa gặp gió, nhưng đó cũng là lúc thuận tiện cho những giải thích mung lung về lời ngôn sứ nuôi mơ mộng hão huyền, làm điểm tựa cho những nhân vật tự cho mình là cứu tinh đứng dậy ra tay hành động, nhưng chẳng giải thóat được ai mà chỉ gây thêm tang tóc đau thương.

Trong sách Công Vu Tông Đồ (5,36-37), ông Ga-ma-liên nhắc đến hai trường hợp trong những thập niên trước đó.

Cuộc nổi dậy bắt đầu năm 66 và kết thúc vào năm 70 sau CGS đem lại sự tàn phá bình địa thành Giêrusalem và đền thờ , chỉ còn bức tường mà từ đó tới nay mang tên là "Tường Than Khóc", cũng do những người tưởng mình là Cứu Tinh dân tộc cầm đầu, họ chém giết lẫn nhau trong thành đang khi quân Rôma đã bao vây chặt chung quanh.

Trường hợp cuối cùng trong lịch sử xứ Giu-đê là Bar Khoziba, vào năm 130 sau CGS, nổi dậy chống đế quốc Rôma để dành độc lập cho xứ Giu-đê. Một vị Rabbi uy tín thời đó ủng hộ, đổi tên cho ông thành Bar Kochbah, "con của vì sao", ám chỉ ông là vị cứu tinh được Bi-lơ-am loan báo trong sách Dân Số (25,17). Cuộc nổi dậy cuối cùng này đem lại kết quả là đế quốc Rôma xóa bỏ tên xứ Giu-đê, thay bằng tên Pa-let-tin và ra lệnh trục xuất mọi người Do Thái khỏi vùng đất này.

 

II. LÀM SAO BIẾT ĐÂU THỰC ĐÂU HƯ?

 

Trở lại thời Chúa Giêsu và các Tông Đồ, khi ách thống trị Rôma đè nặng trên đất Giu-đê thì niềm hy vọng và chờ mong Đấng Mêsia như lửa nung nấu lòng người, như cơn khát của người đi trong sa-mạc, làm sao biết đâu là thực, đâu là ảo ảnh? Kinh Thánh cũng có thể bị giải thích tùy tiện. Thậm chí Xa-tan cũng biết dùng Kinh Thánh để cám dỗ Chúa Giêsu như sách Tin Mừng kể (Mt 4,6; Lc 4,10). Vậy thì làm sao biết đâu là thật đâu là dổm?

Trong Cựu Ước, khi Thiên Chúa hứa sẽ ban cho dân một vị ngôn sứ giống như Môsê, "Ta sẽ đặt lời Ta vào miệng người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta truyền cho người ấy", thì lập tức Thiên Chúa cũng cảnh báo về các người mạo danh Thiên Chúa mà nói những điều không phải do Thiên Chúa truyền, và cho một tiêu chuẩn để phân biệt thật với giả: "Nếu điều ngôn sứ nói nhân danh Đức Chúa không ứng nghiệm, không xảy ra, thì không phải là lời Đức Chúa đã phán" (Đnl 18,18.21).

Cũng sách Đệ Nhị Luật, chương 13 lại đưa ra một trường hợp khó giải quyết hơn: "Nếu ở giữa anh em xuất hiện một ngôn sứ hay một kẻ chuyên nghề chiêm bao và nó báo trước cho anh em một dấu lạ hay một điềm thiêng, nếu dấu lạ hay điềm thiêng nó đã nói xảy ra, và nó bảo :"Chúng ta hãy theo và phụng thờ các thần khác... thì anh em đừng nghe... " Tại sao?

"Vì Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em thử thách anh em cho biết anh em có yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ không. Chính Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, là Đấng anh em phải theo." (Đnl 13,2-5).

Hai tiêu chuẩn bổ túc nhau: lời loan báo được ứng nghiệm thì người loan báo lời đó là người được Thiên Chúa sai. Nhưng nếu người đó lại xúi bỏ Thiên Chúa mà thờ thần khác thì đó là Thiên Chúa thử thách lòng trung thành của dân. Thiên Chúa không sai người ấy nói, nhưng vẫn cho lời loan báo ứng nghiệm, sau đó người ấy mới lòi đuôi bằng lời xúi giục đi thờ thần khác. Thiên Chúa là tiêu chuẩn cuối cùng, phải gắn bó với Thiên Chúa vô điều kiện.

Sách Xuất Hành cho thấy chỉ sau khi đã vượt qua Biển Đỏ, thóat tay Pha-ra-ô : "Toàn dân kính sợ Đức Chúa, tin vào Đức Chúa, tin vào ông Môsê, tôi trung của Người" (Xh 14,31). Trước đó thì họ đã phản đối ông Môsê: "Các ông đã làm cho chúng tôi trở nên đáng ghét trước mặt Pha-ra-ô và bề tôi của vua; thật các ông đã trao gươm vào tay họ để giết chúng tôi" (Xh 5,20-21". Và ngay trước khi vượt qua Biển Đỏ: "Bên Ai-cập không có đủ mồ chôn hay sao, mà ông lại đưa chúng tôi vào chết trong sa mạc... Chúng tôi đã bảo: "Cứ để mặc chúng tôi làm nô lệ Ai-cập! Thà làm nô lệ Ai-cập còn hơn chết trong sa mạc" (Xh 14,11-12). Trên đường dài trong sa mạc dân sẽ còn nhiều phen trách móc, thậm chí toan ném đá ông Môsê.

Còn chính ông Môsê, Thiên Chúa cho một dấu hiệu để bíết chắc chắn là Thiên Chúa sai ông đi gặp Pha-ra-ô: "Ta sẽ ở với ngươi. Và đây là dấu cho ngươi biết là Ta đã sai ngươi: khi ngươi đưa dân ra khỏi Ai-cập, các ngươi sẽ thờ phượng Thiên Chúa trên núi này" (Xh 3,12).

Trở lại với câu chuyện về Chúa Giêsu. Các môn đệ đã theo Chúa Giêsu từ Galilê lên Giêrusalem. Cái đêm kinh hoàng trong Vườn Cây Dầu, tất cả như sụp xuống vực sâu tối tăm. Trong mười hai người môn đệ được tuyển chọn "để ở với Chúa và để Chúa sai đi rao giảng với quyền trừ quỷ" (Mc 3,14), thì một người nộp Chúa, mười người bỏ Chúa, một người muốn tỏ ra trung thành hơn hết thì lại chối Chúa nhanh hơn gà gáy! Chúa Giêsu bị bắt, bị kết án, bị điệu đi đóng đinh. Chẳng có ai trong số 12 người thân tín nhất dám đem cho Chúa một tấm khăn, một ly nước, hay liều mạng vác đỡ thập giá cho Chúa. Chúa Giêsu đi không nổi nữa thì lính bắt một người tình cờ qua đường vác giùm thập giá. Chúa chết rồi thì ông Giuse A-ri-ma-thi, một "môn đệ chui" đi xin xác để mai táng, cũng chẳng có ông nào trong nhóm 12 tới giúp ông ấy. Chỉ có mấy phụ nữ đi theo để xem ông mai táng Chúa thế nào. Lịch sử Hội Thánh không có ngày nào đen tối hơn chính cái ngày khởi đầu này. Đó là ngày khởi đầu, vì tất cả xuất phát từ cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, nhưng cũng là ngày tối tăm nhất, như hạt giống vùi sâu trong lòng đất.

Hai người môn đệ trên đường Em-mau cho thấy tâm trạng của các môn đệ: "Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc It-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi" (Lc 24,21). Niềm hy vọng đã tan theo mây khói. Người bị đóng đinh vào thập giá, chết, chôn, ngày thứ ba rồi, hết rồi. "Trở về làng cũ học cày cho xong"!

Chính các môn đệ đã rơi xuống vực thẳm. Chúa phục sinh đang đi bên họ mà họ đâu có nhận ra, họ còn chê mấy người đã chạy ra mộ: "Một số người trong nhóm chúng tôi  đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy" (Lc 24,24).

Đến tối, khi tất cả các môn đệ đang tụ họp và nghe hai người từ Em-mau trở về kể chuyện, bỗng họ thấy Chúa Giêsu đứng giữa. "Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma" (Lc 24,37).

Sau khi Chúa Giêsu đã đi vào cõi chết thì có gặp lại cũng chỉ tưởng là ma! Làm sao cho các môn đệ nhận ra là chính Chúa Giêsu đang ở giữa họ chứ không phải là ma?

Sách Tin Mừng Luca nói rằng Chúa Giêsu bảo các ông "Nhìn tay chân Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có thịt có xưong như anh em thấy Thầy có đây". Nói xong Người đưa tay chân ra cho các ông xem. Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn ngỡ ngàng, thì Người hỏi:"Ở đây anh em có gì ăn không?" Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mắt các ông." (Lc24,39-42).

Sách Tin Mừng Gio-an cũng kể: "Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: Chúc anh em được bình an!" Nói xong Người cho các ông xem tay và cạnh sườn" (Ga 20,19-20). ÔngTô-ma vắng mặt, khi nghe kể lại thì đòi phải tự tay kiểm chứng mới tin. Chúa Giêsu cũng cho ông được như ý và bảo: "Vì anh đã thấy Thày nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!" (Ga 20,29).

Thánh Phaolô cho chúng ta một bản kê khai những lần các môn đệ đã được thấy Chúa Giêsu phục sinh hiện ra (1Cr 15,5-8).

Nhưng Tin Mừng Lu-ca lại cho chúng ta biết Chúa Giêsu đã quở trách hai môn đệ trên đường Em-mau là "chậm tin vào lời các ngôn sứ". "Rồi người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả các Sách Thánh, bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ" (Lc 24,27). Buổi tối Chúa đến với tất cả các môn đệ, sau khi cho xem tay chân và ăn trước mặt họ, Chúa bảo họ: "Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Môsê, các sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm. Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh, và Người nói: "Có lời chép rằng: Đấng Kitô phải chịu đau khổ, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ hối cải để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này" (Lc 24,44-46).

Không ai được chứng kiến khi Chúa Giêsu phục sinh, chỉ có một số ít chứng nhân được Chúa phục sinh cho gặp mặt, nhưng ngay cả với họ, Kinh Thánh vẫn là chìa khóa để đi vào màu nhiệm Chúa phục sinh, màu nhiệm ơn cứu độ và màu nhiệm sứ mạng của Hội Thánh. Khi sống giữa các môn đệ, Chúa Giêsu đã dựa vào Kinh Thánh mà loan báo cho họ về màu nhiệm của Chúa nhưng họ không hiểu. Sau khi đã chịu khổ hình và phục sinh đúng như lời Kinh Thánh, Chúa mở trí cho họ hiểu Kinh Thánh để họ có thể đi vào màu nhiệm và dẫn chúng ta vào.

Nhưng cũng đừng quên rằng trong sách Tin Mừng Lu-ca Chúa Giêsu căn dặn các môn đệ phải "ở lại trong thành, cho tới khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống" (Lc 24,49).

Sách Tin Mừng Gio-an có một cách trình bày khác, cho chúng ta rất nhiều giáo huấn về vai trò của Thánh Thần và cho thấy ngay từ trên thập giá Chúa Giêsu đã trao ban Thần Khí (Ga 19,30), rồi ngay khi đến với các môn đệ sau khi phục sinh Chúa đã thổi hơi vào các ông và bảo hãy nhận lấy Thánh Thần (x.Ga 20,22). Nhưng đồng thời cũng cho thấy là các tông đồ chưa vội đi rao giảng.

Hai sách Tin Mừng Mat-thêuMac-cô thì cho thấy sau khi gặp Chúa Phục sinh tại Galilê và chứng kiến Chúa lên trời rồi các tông đồ mới ra đi rao giảng.

Sách Tin Mừng Lu-ca cho chúng ta một trình thuật dễ hiểu hơn cả về khỏang trống giữa ngày Chúa Phục Sinh với ngày các môn đệ khởi sự rao giảng cùng với nội dung của lời công bố Tin Mừng đầu tiên. Nhưng ngay cách trình bày này của Luca cũng dựa vào sách Xuất Hành. Trong chương 9, khi kể về Chúa Hỉển Dung, Lu-ca cho biết nội dung cuộc đàm đạo giữa Chúa Giêsu với hai ông Môsê và Ê-li-a là "về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem" (Lc 9,31). Thiên Chúa đưa dân ra khỏi Ai Cập là để dẫn tới núi Xi-nai. Bảy tuần lễ sau họ tới nơi. Thiên Chúa ban Luật Giao Ước. Ngày lễ Ngũ Tuần là lễ kỷ niệm ngày Thiên Chúa ban Luật Giao Ước trên núi Xi-nai. Trong lời hứa Giao Ước Mới theo ngôn sứ Giêrêmia và ngôn sứ Êdêkiên, Thiên Chúa hứa khắc luật vào trong tim và ban Thần Khí. Sách Công Vu cho thấy chính ngày kỷ niệm Thiên Chúa ban Luật Giao Ước tại núi Xi-nai, Thiên Chúa ban Thánh Thần là Luật của Giao Ước Mới, Luật khắc trong tim. Thánh Phaolô viết cho tín hữu Côrintô khá rõ ràng về điểm này: "Rõ ràng anh em là bức thư của Đức Kitô được giao cho chúng tôi truyền đạt, không phải viết bằng mực, nhưng bằng Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống; không phải ghi trên những tấm bia bằng đá, nhưng trên những tấm bia bằng thịt, tức là lòng người" (2Cr 3,3).

 

 

  

III. LỜI HỨA ĐƯỢC THỰC HIỆN

A. Từ Lời công bố Tin Mừng tới các sách Tin Mừng

 

Lời tựa sách Tin Mừng Luca cho chúng ta thấy có một khỏang cách thời gian giữa việc công bố Tin Mừng lúc ban đầu và việc viết thành sách Tin Mừng: “Thưa ngài Thê-ô-phi-lê đáng kính,có nhiều người đã ra công sọan bản tường thuật những sự việc đã được thực hiện giữa chúng ta.

Họ viết theo những điều đã đươc truyền lại cho chúng ta

do các người đã được chứng kiến ngay từ đầu

và là những người phục vụ Lời.

Tôi cũng vậy, sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự, thì thiết tưởng cũng nên tuần tự viết ra để kính tặng ngài,

mong ngài sẽ hiểu rõ được rằng những giáo huấn ngài đã lãnh nhận thật là vững chắc” (Lc 1,1-4).

Nội dung được ghi lại trong sách Tin Mừng là “những sự việc đã được thực hiện giữa chúng ta ” tức là những sự việc Thiên Chúa đã làm công khai.

Những điều ấy “đã được truyền lại cho chúng ta”: người viết thuộc thế hệ sau, không thấy tận mắt, nhưng nhận được “Do các người đã được chứng kiến ngay từ đầu”, nhưng không phải bất cứ người nào, mà là “những người phục vụ Lời”, tức là những người có trách nhiệm rao giảng, truyền đạt Lời Chúa. Sách Công Vụ Tông Đồ cho biết đó là “Nhóm Mười Hai”. Tác giả sách Tin Mừng không phải là người đầu tiên viết, đã có nhiều người “ra công sọan bản tường thuật”.

Tác giả “cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự” căn cứ vào sự lưu truyền trong cộng đoàn Hội Thánh và những tài liệu người khác đã viết.

Sách Công Vụ Tông Đồ cho chúng ta biết thêm về tiến trình này. Ngay sau khi nhận được “quyền năng từ trên cao” tức là Thánh Thần, “Ông Phêrô đứng với nhóm Mười Một lên tiếng nói”. Ông dựa vào lời ngôn sứ Giô-en (3,1) để giải thích điều đang làm mọi người tò mò kéo đến và đang thắc mắc: “Thế nghĩa là gì?” hoặc chế diễu: “Mấy ông này đầy ứ rượu rồi!” Thiên Chúa đã thực hiện lời hứa ban Thánh Thần.

Do đâu mà có sự việc này?

Do Đức Giêsu Na-da-rét

anh em đã dùng bàn tay kẻ ngọai giáo đóng đinh Người mà giết đi”

nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại”…

“Được Thiên Chúa ra tay uy quyền nâng lên, Người nhận từ Chúa Cha Thánh Thần, Đấng đã được hứa ban và Người đổ Thánh Thần xuống: đó là điều anh em đang thấy và đang nghe”.

 

Hai sự việc liên kết mật thiết với nhau: Đức Giêsu đã chết và đã phục sinh, chính Người đã nhận được Thánh Thần và đã đổ xuống.

Dựa vào đâu mà biết? Chính Vua Đa-vít đã báo trước việc Đức Giêsu từ cõi chết trỗi dậy và được tôn vinh (Tv 15/16,8-11; 109/110,1).

Kết quả : “Nghe thế, lòng họ tan nát, họ hỏi ông Phêrô và các Tông Đồ khác: “Thưa anh em, chúng tôi phải làm gì?”

Vậy những ai đón nhận lời ông, đều chịu phép rửa, và hôm ấy có thêm được khỏang ba ngàn người.”

Sau buổi đầu này,

Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng”.

Như vậy lời công bố Tin Mừng ban đầu đưa người ta tới lòng tin và phép rửa, sau đó các Tông Đồ tiếp tục giảng dạy hàng ngày.

Giảng dạy điều chi nữa? dựa vào đâu?

Giảng về đời sống và lời dạy của Chúa Giêsu để các tín hữu biết phải sống như thế nào cho xứng là môn đệ của Người.

Chìa khóa đã nắm trong tay: Đức Giêsu Kitô là Chúa và là Đấng Cứu Độ trần gian, và Kinh Thánh đã báo trước mọi sự liên quan tới Người. Các Tông Đồ nhớ lại tất cả những gì đã nghe, đã thấy khi đi theo Chúa Giêsu, và đem đối chiếu mọi lời nói, việc làm của Chúa Giêsu với lời Kinh Thánh để tìm ra ý nghĩa về Đấng Kitô và ơn cứu độ. Bước đầu lần trở lui tới biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa, rồi tới cả thời thơ ấu để nhận ra rằng không phải chỉ từ khi chịu phép rửa ở sông Gio-đan mà ngay từ khi làbào thai trong lòng mẹ, Người đã là Đức Kitô, là Chúa rồi; đó là Tin Mừng về thời thơ ấu mà chúng ta thấy trong hai sách Tin Mừng MatthêuLuca. Sách Tin Mừng Gio-an còn cho thấy rằng Người là Con Thiên Chúa hằng hữu đã đầu thai làm người. Chúng ta không biết đích xác những chặng đường này tiến với tốc độ nào, nhưng các thư của thánh Phaolô, nhất là thư gởi tín hữu Galat và thư gởi tín hữu Philipphê cho thấy ở thập niên 50 thì cái nhìn toàn thể này đã thành hình rồi.

Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà… hầu chúng ta được ơn làm nghĩa tử. Vì anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình vào trong lòng chúng ta mà kêu lên: “Ap-ba, Cha ơi!” (Gl 4,4-6).

Đức Giêsu Kitô bản thân vốn là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã trút bỏ vinh quang mặc lấy thân tôi đòi, trở nên giống phàm nhân” (Pl 2,6-7).

Các nhà nghiên cứu còn cho rằng bản văn Pl 2,6-11 là một bài thánh thi đã có trước và được đưa vào bức thư, như vậy lời diễn tả màu nhiệm nhập thể này đã thành thi ca để hát trong cộng đoàn tín hữu trước khi bức thư được viết.

 

B. Hai cái gai

 

Đối với các môn đệ đã sống bên Chúa Giêsu thì trước mắt điều không thể chấp nhận là cái chết của Đức Kitô trên thập giá; rồi khi đã nhận ra Chúa Giêsu là Chúa, là Con Thiên Chúa, là Đấng Công Chính thì việc Chúa Giêsu chịu phép rửa sám hối của ông Gio-an Tẩy Giả cũng là một điều không thể chấp nhận. Nhưng đó lại là hai điều đã xảy ra. Có thể gọi đó là hai cái gai làm cho màu nhiệm Chúa Giêsu Kitô trở nên “khó nuốt” cho tới ngày nay. Nhưng nếu lý giải được thì hai cái gai này lại là mấu chốt để đi vào màu nhiệm.

Ánh sáng Phục Sinh và Kinh Thánh đã giúp các Tông Đồ lý giải được cái gai lớn nhất trước mắt các ông nhờ lời Chúa Giêsu và lời Kinh Thánh. Bốn sách Tin Mừng đều kể rằng Chúa Giêsu đã báo trước ba lần về cái chết và sự phục sinh của Chúa. Khi các phụ nữ ra mồ, thiên sứ giải nghĩa:

 “Tôi biết các bà tìm Đức Giêsu, Đấng chịu đóng đinh. Người không có ở đây, vì Người đã trỗi dậy như Người đã nói” (Mt 28,4-5).

Sao các bà lại tìm Đấng Sống ở giữa kẻ chết?... Hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà hồi còn ở Galilê, là Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi, và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại” (Lc 24,5-7).

Sách Tin mừng Gio-an thì nói đến Kinh Thánh: “Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng : theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải sống lại từ cõi chết” (Ga 20,9).

Sách Tin Mừng Mác-cô đã cho thấy cái chìa khóa để hiểu lời loan báo cuộc thương khó là bài ca “Người Tôi Tớ Đau Khổ” (Is 52,13-53,12) khi Chúa Giêsu đặt câu hỏi cho các môn đệ:”Vậy sao có lời chép rằng Con Người phải chịu nhiều đau khổ và bị khinh chê?” (Mc 9,12 àIs 53,3). Khi Chúa bị bắt thì Mác-cô kể lời Chúa Giêsu: “Tôi là một tên cướp sao mà các ông đem gươm giáo gậy gộc đến bắt?... Nhưng thế này là để ứng nghiệm lời Sách Thánh” (Mc 14,49)

àIs 53,12: “Người đã bị liệt vào hàng tội nhân”.

Sách Tin Mừng Mátthêu lại trích dẫn bài ca này ngay khi bắt đầu kể việc Chúa Giêsu chữa lành bệnh tật: “Người chữa lành mọi kẻ ốm đau, để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia đã nói: “Người đã mang lấy các tật bệnh của ta và gánh lấy  các bệnh họan của ta” (Mt8,16-17).

Khi Chúa Giêsu bị bắt, một trong những kẻ theo Người tuốt gươm chém tên đày tớ vị Thượng Tế, Chúa Giêsu không cho dùng gươm để bảo vệ Chúa: “Thế thì lời Kinh Thánh ứng nghiệm sao được? Vì theo đó,mọi sự phải xảy ra như vậy.” (Mt 26,54).

Lời Kinh Thánh nào? “Vào giờ ấy Đức Giêsu nói với đám đông: “Tôi là một tên cướp sao mà các ông đem gươm giáo gậy gộc đến bắt?... Nhưng tất cả sự việc này xảy ra là để ứng nghịệm lời chép trong sách các Ngôn Sứ” (Mt 26,55-56)

àIs 53,12: “Người đã bị liệt vào hàng tội nhân”.

Sách Tin Mừng Luca kể rằng ngay trong bữa Tiệc Vượt Qua, Chúa Giêsu đã nói: “Thầy bảo anh em: cần phải hoàn tất nơi bản thân Thầy lời Kinh Thánh đã chép: “Người đã bị liệt vào hàng những tên phạm pháp” (Lc 22,37). Nếu đọc kỹ sẽ thấy rằng trình thuật cuộc Thương Khó của sách Tin Mừng Luca theo sát bài ca Is 52,13-53,12 và cho thấy mọi điều loan báo trong bài ca đã ứng nghiệm. Một số hình ảnh từ các thánh vịnh về người công chính bị bách hại cũng được đưa vào (Tv 21/22; 37/38;68/69).

 

Cái gai thứ hai là việc Chúa Giêsu chịu phép rửa.

Sách Tin Mừng Mác-cô không ngại gây “sững sờ” cho chúng ta khi kể sự việc mà không rào trước đón sau, như một đạo diễn điêu luyện, đặt những hình ảnh kế tiếp nhau và để cho những hình ảnh nói với chúng ta:

Hồi ấy Đức Giêsu từ Na-da-rét miền Ga-li-lê đến và được ông Gio-an làm phép rửa dưới sông Gio-đan.

Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí tựa chim bồ câu  ngự xuống trên Người

Và có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”.

Mac-cô không trích dẫn một cách minh nhiên nhưng dùng một cụm từ của Is.63,19: “các tầng trời xé ra”, và thích ứng một câu trong Is.42,1 làm nội dung cho tiếng từ trời phán. Kết quả của việc Đức Giêsu chịu phép rửa là lời cầu xin tha thiết của Is 63,19 đã được đáp lại: trời đã xé ra, Thần Khí ngự xuống, tiếng từ trời xác nhận Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Trong Đức Giêsu, Thiên Chúa đã đến cai trị. Đức Giêsu chính là Nước Thiên Chúa, Triều Đại của Thiên Chúa.

 

Sách Tin Mừng Matthêu rào đón bằng một cuộc đối thọai giữa ông Gio-an Tẩy Giả và Chúa Giêsu, chỉ để cho thấy rằng đây là ý muốn nhiệm màu của Thiên Chúa, không hiểu cũng cứ làm đi!

Sách Tin Mừng Luca thì lướt qua việc Chúa Giêsu chịu phép rửa để nêu lên việc Chúa Giêsu cầu nguyện và kết quả của việc cầu nguyện này là trời mở ra, Thánh Thần ngự xuống… Nhưng một chi tiết đặc biệt đáng lưu ý: Lc kể việc ông Gio-an tẩy giả bị bỏ tù trước rồi mới kể việc Chúa Giêsu chịu phép rửa và nói rõ “khi toàn dân đã chịu phép rửa”. Nếu đưa lên màn hình thì ta thấy sau khi mọi người đã trút tội lỗi của họ xuống sông, Chúa Giêsu là người cuối cùng xuống sông chịu phép rửa. Vậy thì Chúa Giêsu xuống sông là để mang hết tội lỗi vào mình. Hình ảnh này gợi cho chúng ta hình ảnh người tôi tớ đau khổ: “Đức Chúa đã đổ trên đầu Người tội lỗi của tất cả chúng ta” (Is 53,6).

Tôi trung của Ta sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ” (Is 53,11).

Như vậy là cái gai thứ hai cũng được lý giải bằng chìa khóa Cựu Ước.

 

C. Tin Mừng về thời thơ ấu của Chúa Giêsu

 

Tiếp tục nhìn trở lui, các Tông Đồ đã nhận ra rằng không phải chỉ từ lúc chịu phép rửa, mà ngay từ khi là bào thai trong lòng mẹ, Chúa Giêsu đã là Đấng Kitô Cứu Thế rồi.

Ở trên, chúng ta đã nhắc đến các thư của thánh Phaolô:Gl 4,4-6 và Pl 2,6-11.

Sách Tin Mừng Matthêu sử dụng thể văn gia phả để cho thấy Chúa Giêsu là sự thực hiện lời Thiên Chúa hứa cho Ap-ra-ham và Đa-vít, rồi trưng dẫn Isaia 7,14 để cho thấy Chúa Giêsu là “Em-ma-nu-en, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”.

Chương thứ hai còn nêu thêm sự ứng nghiệm của lời sách Mi-kha 5,1-3 (Belem); Ds 24,17 (ngôi sao); Os.11,1 (Ai Cập).

Sách Tin Mừng Luca vận dụng thể văn truyền tin với các lời Thiên Chúa hứa cho Đavít và nhà Đavít: 2S 7; Is 7,14 để cho thấy Chúa Giêsu sinh ra đã là Đấng Kitô, là Chúa, nơi Người mọi lời Thiên Chúa hứa cho Đavít đã ứng nghiệm.

 

 

 

(Trích từ tác phẩm "Ngài đến đây làm gì?")