365 NGÀY CÙNG CẦU NGUYỆN VỚI LỜI CHÚA & LỜI CÁC GIÁO PHỤ

 

Một bạn đã đặt câu hỏi như sau: con nghe nói có linh hồn hiện về, có đúng không? Có được phép gọi hồn hay không?

Cần phải tách rời hai câu hỏi, bởi vì mỗi câu hỏi bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau. Câu hỏi thứ nhất là việc các linh hồn hiện về. Trên nguyên tắc, thì vấn đề có thể xảy ra, và chắc chắn đã xảy ra. Chúng ta tin rằng sau khi chết, thì thân xác tan ra bụi tro, nhưng linh hồn thì bất tử. Thế nhưng các linh hồn ấy đi đâu, thì ta không thể quả quyết được, xét vì khái niệm nơi chốn chỉ áp dụng cho các vật thể có trương độ; còn hồn thiêng thì không có hình thể cao thấp lớn nhỏ, rộng hẹp, vì vậy mà cũng không có chiếm chỗ gì hết; bởi vì vậy chúng ta khó có thể hình dung họ đi đâu, ở chỗ nào. Một khi đã không biết hồn đi đâu thì cũng chẳng thể nói rằng họ từ đâu hiện về! Đó là nói theo lý luận thuần túy. Khi đọc lịch sử Giáo hội, chúng ta có nghe kể chuyện các linh hồn hiện về, và dĩ nhiên trong đó cũng bao gồm cả các thánh nữa. Những tích ấy đã nghe thuật nhiều lần, với những chứng nhân thuộc nhiều nơi nhiều thời, khiến cho chúng ta có thể tin rằng việc ấy có thật. Đàng khác, chúng ta tin rằng quyền năng của Chúa có thể cho phép các linh hồn hiện về với một mục đích gì đó. Tuy nhiên, đến đây chúng ta vẫn còn đứng trên phạm vi lý thuyết. Thực vậy, khi đi vào từng trường hợp cụ thể, thì chúng ta gặp rất nhiều vấn nạn. Tỉ như: khi người nào đó quả quyết rằng họ thấy linh hồn nào đó hiện về, thì có thật là họ thấy hay không, hay là do trí tưởng tượng, hoặc là đang mơ. Tâm lý học thuật lại những trường hợp mà một người mới mất một người thân (mất cha, mẹ, vợ chồng gì đó), thì hình ảnh của người ấy gắn vào tâm trí quá mạnh đến nỗi họ tưởng như còn lảng vảng bên họ. Đi thêm một bước nữa, chúng ta có thể đặt tiếp câu hỏi: giả như họ thấy linh hồn thực, chứ không phải do ám thị hay giấc mơ, thời cái hình dung mà họ thấy có thật là của linh hồn hay là cái gì khác? Câu hỏi này được gợi lên bởi vì chúng ta quan niệm rằng hồn thiêng, thì làm sao mà có hình dong mặt mũi nữa. Vậy thì cái mà ta thấy là cái gì? Tôi nghĩ những câu hỏi đó cũng có thể được đặt ra một cách tương tự mỗi khi có người nói rằng họ thấy Đức Mẹ hiện ra. Không ai chối cãi sự kiện Đức Mẹ hiện ra cả. Nhưng hiện ra như thế nào? Tại sao hình dáng và khuôn mặt của Người mỗi nơi một khác: ở La Salette thì khác, ở Lộ đức thì khác, ở Fatima thì khác? Chắc chắn là không ai dám nói rằng tại vì Mẹ đã cải trang. Vậy thì chỉ có cách trả lời là tại chúng ta hóa trang cho Mẹ, nghĩa là tô vẽ cho Người dung nhan theo óc tưởng tượng của mình. Chúng ta cũng có thể đặt câu hỏi tương tự như vậy cho những ai quả quyết rằng họ thấy Chúa Hài đồng hiện ra. Có thể là Chúa đã hiện ra thật, nhưng chắc chắn rằng Ngài không thể nào trở lại trạng thái của một trẻ thơ được nữa. Caí hình ảnh hài nhi mà họ thấy thì hoặc là do óc tưởng tượng của họ hoặc là cái gì khác, chứ không phải là chính thân xác của đức Kitô, đã Phục sinh và đang ở trong vinh quang.

Bước sang câu hỏi thứ hai: có được phép gọi hồn không?

Câu hỏi này cũng bao gồm rất nhiều khía cạnh. Trước hết là dưới khía cạnh khoa học: có thể dùng một kỹ thuật, một phương pháp nào đó để gọi hồn hay không? Thứ đến là khía cạnh thần học, cách riêng là thần học luân lý: người Kitô có được phép xử dụng phương pháp hay kỹ thuật ấy để gọi hồn không? Chúng ta bắt đầu bằng khía cạnh khoa học trước. Ngay từ xưa lắm rồi, chúng ta đã thấy tập tục gọi hồn, đồng bóng ở nhiều nơi, kể cả ở dân Israel. Nhưng vào thời đại chúng ta, nó trở thành một phong trào, một học thuyết nếu không nói là một tôn giáo, được trình bày bởi Allan Kardec. Ở Việt Nam, nếu tôi không lầm thì kỹ thuật này được du nhập và quảng bá qua Hội Thông Thiên học và phần nào qua đạo Cao đài. Allan Kardec tên thật là Léon Hippolyte Rivail người Pháp (1804-1869) xuất bản cuốn sách

“Livre des Esprits”, trong đó ông thuật lại khám phá của ông, và đồng thời phát biểu lý thuyết cũng như kỹ thuật để thông đạt với các hồn. Tưởng nên biết là ông ta dùng tiếng “esprit” chứ không phải là “âme” để chỉ các hồn. Theo ông ta, con người được gồm nên bởi ba yếu tố: ngoài hồn và xác ra, yếu tố thứ ba gọi là “tinh xác”, một thứ thể chất tinh vi kết tụ từ những năng lực trong vũ trụ. Nó là hợp thể, trung gian giữa xác (chất thể), và hồn (thiêng liêng). Khi chết, thì thể xác tan rã, còn cái hồn tồn tại và mặc lấy hình thù của cái “tinh xác” ấy và đi lảng vảng trong vũ trụ. Vì vậy mà mình có thể gọi nó hiện về, đại khái như chúng ta bật radio để bắt các làn sóng phát thanh trên khí quyển vậy. Kỹ thuật gọi hồn được thực hiện qua những buổi hội cầu cơ. Vấn nạn, xét về phía khoa học được đặt ra như sau: cái mà người ta gọi là hồn hiện về có thực như vậy hay không, hay chỉ là chuyện xạo, đặt ra để lừa thiên hạ? Bao nhiêu đồng bóng đã tự thú là họ lường gạt kiếm tiền, tựa như Dunglas Home, Kate và Margaret Fox. Giả như những tiếng động hoặc những di chuyển có thực đi nữa, thì có phải là hồn thiêng hiện về hay không, hay là do ám thị, vô thức, linh tính, trực giác, hay một tài năng phi thường nào đó mà khoa hoc còn đang tìm tòi (khoa học gọi là parapsychologie, hay metapsychique).

Còn dưới khía cạnh thần học thì sao?

Dưới khía cạnh thần học thì việc gọi hồn là một điều cấm. Ngay từ Cựu ước, tục lệ gọi hồn đã bị cấm rồi, như chúng ta đọc thấy ở sách Levi 19,31; 20,6; Đệ nhị luật 18, 10-14; Isaia 8,19. Còn trong Kitô giáo, việc cấm gọi hồn được nhắc lại nhiều lần; mới đây trong sách Giáo lý chung số 2117, trong những tội nghịch với điều răn thứ nhất. Dĩ nhiên ta có quyền hỏi: tại sao mà cấm? Tại vì đó là chuyện nhảm nhí, xảo trá? Hay tại vì lý do nào khác. Theo các nhà thần học, Giáo hội không muốn lên tiếng về khía cạnh khoa học, nghĩa là những kỹ thuật gọi hồn có hữu hiệu hay không, hay chỉ là trò xảo trá. Thực ra trong lịch sử, các nhà thần học đã tranh luận về biến cố tả ở sách thứ nhất Samuel, chương 28. Hôm ấy vua Saul bị lâm vào ngõ bí trong cuộc chiến với quân Philistin. Vua cầu xin Chúa, Chúa không trả lời. Ngôn sứ Samuel thì đã qua đời. Không còn biết hỏi ai, vua tàng hình ban đêm đi hỏi bà đồng bóng. Lúc đầu bà rất do dự, bởi vì lúc đó chính Saul đã triệt để nghiêm cấm việc chiêm hồn trong cả nước, bà sợ mấy ông khách là công an chìm đi lùng; mãi đến khi họ thề nhân danh Chúa thì bà mới dám nhận. Bà kêu hồn ông Samuel, và hồn Samuel hiện về. Lúc ấy bà mới bật ngửa ra vì biết người khách tàng hình chính là vua Saul. Như đã nói, các nhà thần học đã tranh luận với nhau rất nhiều về vấn đề này. Người thì bảo rằng bà đồng bịa ra hồn ông Samuel, chứ làm gì có; người khác thì bảo là ma quỷ hiện về; người khác nữa thì nói rằng Chúa cho phép ông Samuel hiện về để thực hiện chức vụ ngôn sứ kể cả sau khi qua đời. Gần đây, các nhà chú giải cho rằng đây chỉ là một truyền tụng bình dân để giải thích lý do vì sao mà Saul bị Chúa bỏ rơi và chết cách bi thảm như vậy. Chúng ta có thể đọc thấy lời giải thích ấy trong đoạn chú dẫn Kinh Thánh của cha Nguyễn thế Thuấn. Sau cùng, người ta cũng nhận thấy rằng trong nguyên bản Do thái, cái mà bà đồng thấy được tả như là “ob”, một danh từ khác với những danh từ để tả linh hồn, có lẽ để nói rằng nó là cái gì đó, chứ không phải là hồn của Samuel.

Trở lại với vấn đề về những lý do tại sao Giáo hội cấm những chuyện gọi hồn, ta có thấy có nhiều lý do lắm, thuộc về phương diện tín lý, luân lý và mục vụ.

1/ Dưới khía cạnh tín lý, việc cầu cơ dựa trên những giả thiết về số phận linh hồn không hợp với đạo lý công giáo. Họ nói rằng sau khi chết linh hồn còn lảng vảng trên không trung, và có thể đầu thai sang kiếp khác, hoặc nhập vào một cái hình bóng nào đó. Cũng trên khía cạnh tín lý, người tham dự các buổi cầu cơ trông mong nhận được một thứ mạc khải nào đó; như vậy là họ muốn dựa lòng tin của họ nơi cái gì khác nữa, ngoài mạc khải của đức Kitô được truyền lại cho chúng ta qua Thánh kinh trong Giáo hội.

2/ Còn xét dưới phương diện luân lý, việc cầu cơ đi ngược với nhân đức thờ phượng; xét vì họ muốn bắt Chúa phải nghe lời họ mỗi khi họ gọi; họ biến Chúa thành một thứ máy móc dưới sự điều khiển của họ. Đàng khác, tuy xem ra họ muốn điều khiển thần linh, nhưng trên thực tế không rõ ai điều khiển ai, họ đang điều khiển thần linh hay chính họ đang bị điều khiển? Bởi vì cái mà họ gọi là hồn hiện về, có thể chỉ là ám thị, nhưng cũng có thể là ma quỷ. Và chúng ta biết chơi với ma quỷ thì chẳng có lợi lộc gì.

3/ Dưới khía cạnh mục vụ, tuy rằng Giáo hội không muốn lên tiếng về sự hư thực của các kỹ thuật cầu cơ (nghĩa là cầu cơ như vậy có thật là gọi hồn hay là do ám thị), nhưng việc tham dự những buổi hội ấy mang lại những hậu quả tai hại cho sức khoẻ thần kinh và tâm lý. Bầu khí của những buổi hội gây ra những cảm xúc có thể đứng tim, và về lâu về dài, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thần kinh. Đó là chưa kể cái thái độ mà việc thực hành cầu cơ sẽ tạo ra cho con người: nghĩa là thái độ không dám đương đầu với thực tại; không dám dùng lý trí để mà phân tích tình hình; mà chỉ tin vào những ám thị vu vơ, và như vậy nó sẽ tạo ra một thứ mù quáng không chịu mở mắt để nhìn vào thực tại trước mắt, mà chỉ tin vào những sứ điệp nhận thấy trong đêm khuya.

Như vậy, theo đạo lý Công giáo, giữa thế giới bên này với thế giới bên kia không có giao liên gì hết hay sao?

Có chứ. Qua tín điều “sự thông hiệp giữa các thánh”, chúng ta, những người còn lữ hành, giao liên với những anh chị em qua đời trong đức tin, đức cậy và đức ái. Thực vậy, chúng ta tin rằng họ còn sống, an nghỉ trong Chúa; chúng ta hy vọng rằng họ cầu nguyện cho chúng ta và chúng ta cầu nguyện cho họ; chúng ta cũng hy vọng rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ gặp lại họ. Và nếu Chúa cho phép, họ có thể hiện về với chúng ta; nhưng chúng ta không dùng ma thuật để bắt họ về.

Lm. Giuse Phan Tấn Thành, op.

http://daminhvn.net