Lm. Gio-an Nguyễn Thiên Minh, O.P.

 

Thập giá Đức Giê-su trên đồi Gôn-gô-tha là dấu chứng rõ ràng và mạnh mẽ nhất về một giao ước mà Thiên Chúa, ngay từ buổi đầu tạo dựng, những muốn cho con người được thông dự, để bước vào trong tương quan tình yêu của Người. Thế nên, chúng ta có thể xác tín rằng giao ước là một ân điển của Thiên Chúa dành tặng con người. Nhưng giao ước là gì ?

Tìm hiểu về giao ước, chúng ta sẽ thấy, trước hết giao ước gắn liền với Thiên Chúa, vì giao ước là danh xưng của Thiên Chúa. Thật vậy, sách Giáo lý Công Giáo (GLCG) viết : “Thiên Chúa của Giao Ước” (số 401) và mô tả Thiên Chúa như là Đấng “đến gặp gỡ con người qua các giao ước của Người” (số 309). Đồng thời GLCC khẳng định mỗi chúng ta được mời “để giao ước với Đấng Sáng Tạo, dâng lên Người một lời đáp trả tin yêu mà không ai có thể thay thế được” (số 357).

Trong Cựu Ước, ngôn sứ I-sai-a đã từng loan báo về một nhân vật được Thiên Chúa tuyển chọn làm Người Tôi Trung của Thiên Chúa : “Đây là Người Tôi Tớ Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và hết lòng quí mến” (Is 42,1),Giờ đây ĐỨC CHÚA lại lên tiếng. Người là Đấng nhào nặn ra tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ để tôi trở thành người tôi trung, đem nhà Gia-cóp về cho Người và quy tụ dân Ít-ra-en chung quanh Người. Thế nên tôi được ĐỨC CHÚA trân trọng, và Thiên Chúa tôi thờ là sức mạnh của tôi” (Is 49,5). Người Tôi Trung đó được Thiên Chúa đặt làm giao ước : “Ta đã đặt ngươi làm giao ước với dân” (Is 42,6 ; 49,8). Người Tôi Trung mà ngôn sứ I-sai-a loan báo đó, trong Tân Ước, được tác giả Tin Mừng Mát-thêu xác tín là Đức Giê-su (x. Mt 12,8), và Đức Giê-su cũng chính là giao ước vì Người đã nói : “Này là chén máu Thầy, máu Giao Ước mới và vĩnh cửu…” (x. Mt 26,28 ; Mc 14,24 ; Lc 22,20), “Chén này là Giao Ước Mới, lập bằng máu Thầy…” (1 Cr 11,25). Tác giả thư Híp-ri cũng khẳng định rằng Đức Giê-su “đã trở nên Đấng bảo đảm cho một giao ước tốt đẹp hơn” (Hr 7,22), “là Đấng trung gian cho một giao ước tốt đẹp hơn” (Hr 8,6), “là Đấng trung gian của một Giao Ước Mới, lấy cái chết của mình mà chuộc tội lỗi người ta đã phạm trong thời giao ước cũ” (Hr 9,15).

Theo hồng y Jean Danielou, S.J., giao ước được kể là một trong những danh xưng của Thiên Chúa trong Ki-tô giáo thời kỳ đầu1. Theo đó trong Kinh Nguyện Thánh Thể IV (phụng vụ của Hội Thánh) đã cầu nguyện như sau : Lạy Cha…. Cha đã dựng nên con người giống hình ảnh Cha và trao cho việc trông coi vũ trụ, để khi phụng sự một mình Cha là Ðấng tạo hoá, con người cai quản mọi loài thụ tạo. Và khi con người đã mất tình nghĩa với Cha vì bất phục tùng, Cha đã không bỏ mặc con người dưới quyền lực sự chết…. Nhiều lần Cha đã giao ước với loài người… và khi tới thời viên mãn, Cha đã sai Con Một đến làm Ðấng cứu độ chúng con”.

Trong Cựu Ước, thuật ngữ giao ước gốc Híp-riבְּרִית  (berít) nghĩa là việc cắt, sự cắt, có lẽ phát xuất từ động từ בתר (batar), nghĩa là cắt làm đôi. Như vậy, thuật ngữ giao ước hẳn là có liên quan trực tiếp đến nghi thức, cách thức thực hiện giao ước trong thế giới Kinh Thánh Cựu Ước (x. St 15,9-20).

Các tác giả Tân Ước dùng thuật từ Hy-lạp διαθήκη (diathêkê) để chỉ giao ước (x. Mt 26,28 ; Lc 1,72 ; Cv 7,8 ; Rm 9,4 ; Gl 4,24 ; 1 Cr 11,25 ; 2 Cr 3,6). Danh từ διαθήκη (diathêkê) bởi động từ διάτίθημι (diatithêmi), nghĩa là đặt riêng ra, tách đôi ra tương tự ý nghĩa của hạn từ berít trong tiếng Híp-ri, đồng thời nhấn mạnh ý muốn và vai trò trổi vượt của Thiên Chúa trong việc đi vào tương quan với con người qua lời hứa của Người.

Các bản dịch Kinh Thánh sang tiếng La-tinh, thuật ngữ giao ước được dịch thành testamentum tức làm chứng hoặc chúc thư (x. Hr 9,16-17).

Các bản dịch Anh ngữ thì sử dụng thuật từ covenant xuất phát bởi động từ La-tinh convenire [gồm giới từ con : cùng + động từ venire : đến], nghĩa là cùng đến, cùng đi tới, thỏa thuận, đồng ý

Bởi việc chuyển ngữ như thế nên từ ngữ giao ước trong Kinh Thánh có nguy cơ bị hiểu là giao kèo hay hợp đồng,… Tuy nhiên, ý nghĩa của thuật ngữ giao ước trong Cựu Ước không hàm ý một giao kèo sòng phẳng giữa đôi bên, mà là bên có thế giá hơn gia ân cho bên ít thế giá hơn (x. Gs 9,6.15 ; 1 Sm 11,1 ; Ed 17,13). Theo đó, giao ước mà Thiên Chúa lập với con người mang đặc tính đơn phương, tức là chỉ Thiên Chúa tình nguyện cam kết thực hiện lời Người đã hứa với con người, phần con người chỉ cần đón nhận cách xứng đáng và trung thành. Sự đáp trả của con người không thể sánh với những gì con người đã lãnh nhận (x. Ep 2). Đó là ân điển Thiên Chúa tặng ban cho con người. Để so sánh chúng ta có thể lấy ví dụ :

+ Cô điếm (giao kèo) khác với cô dâu (giao ước).

+ Người làm công (giao kèo) khác với người con (giao ước).

Ngoài ra, giữa giao kèo và giao ước cũng liên quan đến các vấn đề bảo chứng như : lời hứa và lời thề, theo đó :

+ Giao kèo : liên quan đến lời hứa

+ Giao ước : liên quan đến lời thề

Xét như việc liên quan đến lời hứa, chúng ta thấy xưa và nay cũng có khác biệt. Với người xưa chỉ cần một lời là đủ, nên mới có các câu như :“Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”, “Nhất ngôn cửu đỉnh”, “Xuất ngôn như phá thạch”, “Một lời như đinh đóng cột”, hoặc “Quân tử nhất ngôn”. Còn ngày nay, lời hứa cần phải được trình bày qua chữ viết (văn tự), và được xác định bằng việc ký tên của đôi bên. Do đó, các bản thỏa thuận, bản hợp đồng, hay bản giao kèo… không những viết trên giấy trắng mực đen, mà còn phải được công chứng bởi cơ quan công quyền, để buộc mỗi bên phải giữ lời hứa của mình.

Với giao ước thì khác. Giao ước không phải là lời hứa mà là lời thề, tức là nại đến thẩm quyền của Đấng Tối Cao làm chứng và phân xử. Qua đó, với lời thề, người ta (1) nhờ Thiên Chúa chứng giám ; (2) nhờ Thiên Chúa giúp giữ lời hứa. Ví dụ : Một người ra tòa làm chứng sẽ phải thề nói sự thật. Như vậy, sẽ không chỉ có anh ta và quan tòa, mà còn có Thiên Chúa nữa. Như vậy, một khi đặt mình dưới lời thề thì nếu người ấy không giữ lời thề, anh ta sẽ không chỉ bị pháp luật xử, mà còn bị Thiên Chúa xét xử nữa.

Nếu hiểu giao ước là một hợp đồng thì vấn đề xem ra lại càng sai lầm, vì hợp đồng nhằm đến việc trao đổi tài sản, trong khi giao ước nhằm đến mối tương quan giữa hai bên. Theo ý nghĩ này, chúng ta thấy rằng hợp đồng liên quan đến sự trao đổi những thứ hai bên muốn trao đổi như : tài sản, công việc, giờ giấc lao động, công xá… và như vậy, hợp đồng chỉ là cam kết những thứ ngoại thân, cho nên (1) hai bên sẽ hết trách nhiệm với nhau khi hoàn tất hợp đồng ; (2) có thể bồi thường hợp đồng ; (3) có thể giải phóng hợp đồng ; (4) có thể hủy hợp đồng nếu hai bên đồng ý.

Trong khi đó, giao ước không liên quan đến sự đổi chác những vật ngoại thân, mà liên quan trực tiếp đến tương quan, phẩm giá, tư cách và thân phận của chính đương sự. Vì một khi ký kết giao ước, cả hai bên sẽ “đi vào trong” giao ước đó, nên sẽ (1) không có chuyện hết giao ước như hết hợp đồng ; (2) không có chuyện bồi thường giao ước như bồi thường hợp đồng ; (3) không có chuyện giải phóng giao ước như giải phóng hợp đồng ; (4) không có chuyện hủy giao ước như hủy hợp đồng. Nói cách khác, khi hai bên đi vào giao ước với nhau là đi vào sự trao hiến chính mình cho nhau. Dựa trên ý nghĩa đó, John Bergsma đã định nghĩa giao ước là một cam kết có tính pháp lý giữa hai hay nhiều bên bằng một lời thề (hay bằng một điều gì đó tương đương), để từ đó về sau, với tất cả nghĩa vụ và quyền lợi, họ trở nên cốt nhục của nhau, tức là thành viên trong một gia đình2.

Thiên Chúa đã đi vào trong một giao ước như thế với dân Người : “Ta sẽ là Thiên Chúa của họ, và họ sẽ là dân riêng của Ta” (2 Cr 6,16). Nhờ giao ước, con người được tương quan với Thiên Chúa, được nâng cao đến mức trở thành con cái của Đấng Thánh vì “theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giê-su Ki-tô” (Ep 1,5). Theo đó và con người được biến đổi cả chiều kích tự nhiên lẫn siêu nhiên : “Trong Đức Ki-tô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người” (Ep 1,4). Đồng thời, con người trở thành anh chị em của nhau trong một gia đình của Thiên Chúa.

Có thể điểm qua một số giao ước Thiên Chúa lập qua : (1) ông A-đam và bà E-và (x. St 1,26—2,3) ; (2) ông Nô-ê và gia đình (x. St 9,8-17) ; (3) ông Áp-ra-ham và dòng tộc (x. St 12,1-3 ; 17,1-14 ; 22,16-18) ; (4) ông Mô-sê và dân Ít-ra-en (x. Xh 19,5-6 ; 3,4-10 ; 6,7) ; vua Đa-vít và vương quốc Ít-ra-en (x. 2 Sm 7,8-19) ; Đức Giê-su và Hội Thánh (x. Mt 26,28 ; 16,17-19). Các giao ước này trình bày tiến trình Thiên Chúa thực hiện giao ước của Người với nhân loại khởi từ một đôi vợ chồng rồi từ đó hình thành nên một gia đình, một dòng tộc, một dân tộc, một vương quốc và cuối cùng là Hội Thánh (Nước Trời). Dấu chỉ tình yêu của giao ước thuở tạo dựng là một cuộc hôn nhân khi người nam và nữ trở thành một xương một thịt : “Con người nói : “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi ! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra.”Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 2,23-24), thì dưới ánh sáng Tân ước, chúng ta sẽ thấy, cuộc hôn nhân của A-đam và E-và chỉ đến một tình yêu lớn lao hơn, một tương quan sâu xa hơn, đó là tình yêu và tương quan giữa Thiên Chúa với con người3. Thánh Phao-lô nói rằng tình yêu của Đức Ki-tô đối với hiền thê của Người là Hội Thánh (x. Ep 5,21-33). Còn tác giả sách Khải Huyền thì trình bày tiệc cưới của Con Chiên [Đức Ki-tô và Hội Thánh] (x. Kh 19,9 ; 21,9 ; 22,17). Như vậy, giao ước tình yêu giữa Thiên Chúa với con người nơi sách Sáng Thế mở đầu cuộc tạo dựng với cuộc hôn nhân của A-đam và E-và sẽ được hoàn tất bằng cuộc tạo dựng mới với tiệc cưới của Con Chiên và Tân Nương trong sách Khải huyền4.

Như vậy, giao ước là ân điển và là cánh cửa đưa con người vào trong mối tương quan bền vững với Thiên Chúa dựa trên tình yêu và lòng trung thành của một cuộc hôn nhân. Một khi bước vào giao ước và ở lại trong giao ước, con người sẽ đạt tới niềm vui đích thực là được thông dự vào niềm vui và sự sống thần linh của Đức Ki-tô Phục Sinh. Vì thế, giữa bóng tối của sự dữ mà cụ thể là dịch bệnh viêm phổi cấp do vi-rút SARS-CoV-2 đang hoành hành và gây tang tóc khắp nơi thì chúng ta, các Ki-tô hữu, hơn lúc nào hết, được mời gọi trở lại với giao ước, tức trở lại với Thiên Chúa, vốn là nguồn sống và nguồn tình yêu bất diệt, trở lại với việc đi vào trong tương quan bền vững dựa trên giao ước tình yêu và lòng trung thành, để chúng ta tin tưởng, hy vọng và can đảm đem ánh sáng niềm tin chiếu soi cho tất cả thế giới.

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a.

Chúa Nhật Phục Sinh 2020

Lm. Gio-an Nguyễn Thiên Minh, O.P.

1) Jean Danielou, The Sacraments and the History of Salvation. Letter and Spirit 2 (2006), p. 208.

2) John Bergsma, Bible Basics For Catholics (Indiana : Ave Maria Press, 2012), p. 4.

3) X. GLCG số 1604.

4) X. GLCG số 1602.

 

https://ktcgkpv.org