Giê-ru-sa-lem, ngày 19 tháng 10 năm 2020
Linh mục Giu-se Nguyễn Công Đoan, S.J.

 

WHĐ (22.10.2020) – Trong Tin Mừng theo thánh Lu-ca, một chi tiết thường kéo sự chú ý của tôi là nhiều lần nói đến “hôm nay”, “hàng ngày”, hai lần “hôm nay đã”, một lần “hôm nay sẽ” và một lần “ngay đêm nay”. Trong bài này, tôi muốn chia sẻ vài suy nghĩ về điểm này, bắt đầu với “ngay đêm nay”.

Ngay đêm nay (Lc 12,16-21)

Dụ ngôn này Chúa kể nhân khi có người xin Chúa can thiệp để người anh chia gia tài cho mình, Chúa bảo coi chừng lòng tham lam…

Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này: “Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, 17mới nghĩ bụng rằng: ‘Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!’ 18Rồi ông ta tự bảo: ‘Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. 19Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng : hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!’ 20Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: ‘Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?’ 21 Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.

Trước hết, cần trở lại bài giảng sau khi Chúa Giê-su lên núi cầu nguyện thâu đêm, rồi

“đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ.” 

Đức Giê-su đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xi-đôn 18đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật. Những kẻ bị các thần ô uế quấy nhiễu cũng được chữa lành. 19Tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người.

20Đức Giê-su ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói:

Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em.

21“Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng.

“Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười.

22“Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa. 23Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế.

24Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi.

25“Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói.

“Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than.

26“Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế. (Lc 6,16-26).

Nối mối phúc thứ nhất với mối họa thứ nhất, chúng ta thấy nổi lên một thắc mắc mà sau này người nghe sẽ nói lên ở chương 18.

Một người thủ lãnh giàu có đến hỏi: 18 “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”

Chúa Giê-su trả lời: giữ các điều răn. Ông xác nhận đã giữ các điều răn từ thuở nhỏ, Chúa Giê-su đề nghị: 22 Nghe vậy, Đức Giê-su bảo ông: “Ông chỉ còn thiếu có một điều, là hãy bán tất cả những gì ông có mà phân phát cho người nghèo, và ông sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.”

Phản ứng của ông ta: 23Nghe vậy, ông ta buồn lắm, vì ông rất giàu.

Phản ứng của Chúa Giê-su: Đức Giê-su nhìn ông ta và nói: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao! 25Quả vậy, con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.”

Phản ứng của người nghe: 26Những người nghe Đức Giê-su nói liền hỏi: “Thế thì ai có thể được cứu?

Với dụ ngôn người phú hộ ngu ngốc này, Chúa Giê-su bắt đầu trả lời nỗi thắc mắc kia bằng cách phơi bày gốc rễ của vấn đề.

Sự ngu ngốc

Sau khi kể sự thành công và tính toán có vẻ thật khôn ngoan theo người đời, Chúa Giê-su tung ra cho lời phán xét của Thiên Chúa như cho “nổ bom”: Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?”

Tại sao Thiên Chúa lại phán xét ông ta như vậy? Ông ta tính toán như thể ông ta làm chủ cả mạng sống mình. Cái ngu của ông ta đã được nói đến trong câu mở đầu của hai thánh vịnh 13/14 và 52/53: “Kẻ ngu si tự nhủ[1]: “Làm chi có Chúa Trời!” Thánh vịnh tiếp tục kể ra lối sống của kẻ ngu si. Ở đây Chúa Giê-su chỉ sử dụng hai chữ “đồ ngốc” [“ngu si”], vạch cho thấy cái ngu ở chỗ nào, và hệ quả cái ngu: ngươi tính toán để hưởng thụ nhiều năm, nhưng ngươi quên điều thiết yếu là mạng sống không thuộc về ngươi: Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi [2]. “Người ta” ở đây là cách nói về Thiên Chúa, Đấng làm chủ mạng sống, có quyền cho mượn và đòi lại bất cứ lúc nào, kể cả “ngay đêm nay”. Chỉ cần một chút suy nghĩ là thấy hệ quả: những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai? Câu trả lời hiển nhiên: chắc chắn không thuộc về tay ngươi, ngươi đâu còn sống trên mặt đất này.

Điều này lại gợi lên thánh vịnh 48/49, mà đọc lên thì ta thấy như thể Chúa Giê-su đang minh họa thánh vịnh này:

6Ngày vận hạn cớ chi phải sợ, lúc bọn gian manh theo sát bủa vây tôi?

7Chúng cậy vào của cải, lại vênh vang bởi lắm bạc tiền.

8Nhưng nào có ai tự chuộc nổi mình và trả được giá thục hồi cho Thiên Chúa? 9Mạng người dù giá cao mấy nữa, thì rồi ra cũng chấm dứt đời đời.

10Nào phàm nhân sống mãi được sao mà chẳng phải đến ngày tận số?

11Kìa thiên hạ thấy người khôn cũng chết, kẻ ngu đần dại dột cũng tiêu vong,

bỏ lại tài sản mình cho người khác.

Tuy họ lấy tên mình mà đặt cho miền này xứ nọ,

nhưng ba tấc đất mới thật là nhà, nơi họ ở muôn đời muôn kiếp.

13Dù sống trong danh vọng, con người cũng không thể trường tồn ;

thật nó chẳng khác chi con vật một ngày kia phải chết.

14Phường tự mãn tự kiêu, số phận là thế đó, bọn ỷ tài khéo nói, hậu vận chính là đây.

15Như đoàn vật nhốt trong âm phủ, chính tử thần canh giữ chăn nuôi,

chúng nhào thẳng xuống nơi huyệt mả, sẽ tiêu tan cả đến hình hài,

chốn âm phủ thành nơi cư ngụ.

16Nhưng Chúa Trời sẽ chuộc mạng tôi, gỡ tôi ra khỏi quyền lực âm phủ.

17Đừng sợ chi khi có kẻ phát tài, hoặc cửa nhà tăng thêm vẻ phong lưu,

18vì khi chết, nó đâu mang được cả, kiếp vinh hoa chẳng theo xuống mộ phần.

19Lúc sinh thời, nó tự hào tự đắc: “Mình làm nên, thiên hạ tán dương mình!”

20Nhưng rồi nó cùng tổ tiên về chung kiếp, chẳng bao giờ còn được thấy ánh dương!

21Dù sống trong danh vọng, con người cũng không hiểu biết gì ;

thật nó chẳng khác chi con vật một ngày kia phải chết.

Lời phán xét trong thánh vịnh này còn nặng hơn hai thánh vịnh trước: nó chẳng khác chi con vật một ngày kia phải chết. 

Sách Giảng viên (Qohelet) dành phân nửa (6/12 chương) suy niệm về điều này, thật thấm thía; nửa sau (6 chương) tiếp tục suy gẫm về một số khía cạnh khác trong thân phận con người. Chương cuối cho một lời khuyên:

1Giữa tuổi thanh xuân, bạn hãy tưởng nhớ Đấng đã dựng nên mình. Đừng chờ đến ngày tai ương ập tới, đừng chờ cho năm tháng qua đi, những năm tháng mà rồi bạn sẽ phải nói: “Tôi chẳng có được một niềm vui nào trong thời gian đó cả!” 

Niềm vui thật ở đâu? Chương thứ hai đã vạch cho thấy mọi thú vui mà người ta gọi là hạnh phúc trên đời đều không bền. Thánh vịnh 42/43,3-4 cho câu trả lời:

3Xin Ngài thương sai phái ánh sáng và chân lý của Ngài, để soi đường dẫn lối con đi về núi thánh, lên đền Ngài ngự. 4Con sẽ bước tới bàn thờ Thiên Chúa, tới gặp Thiên Chúa, nguồn vui của lòng conCon gảy đàn dâng câu cảm tạ, lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ. 

Kết thúc dụ ngôn, Chúa Giê-su cũng đã mời gọi suy nghĩ và rút bài học cho mình theo hướng này: 21”Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.”

Sự đối lập số phận tùy ở hai cách làm giàu: “Thu tích của cải cho mình” và “làm giàu trước mặt Thiên Chúa”. Ta lại hỏi làm giàu trước mặt Thiên Chúa là gì? Làm thế nào? Chúa Giê-su nói về Thiên Chúa là Cha trên trời ban sự sống được thì cũng lo cho mạng sống của chúng ta, gợi lời trong thánh vịnh 103/104:

10Chúa khơi nguồn: suối tuôn thác đổ, giữa núi đồi, lượn khúc quanh co, 11đem nước uống cho loài dã thú, bầy ngựa hoang đang khát được thoả thuê. 12Bên dòng suối, chim trời làm tổ, dưới lá cành cất giọng líu lo. 13Từ cao thẳm, Chúa đổ mưa xuống núi, đất chứa chan phước lộc của Ngài. 14Ngài khiến mọc cỏ xanh nuôi sống đàn gia súc, làm tốt tươi thảo mộc cho người thế hưởng dùng. Từ ruộng đất, họ kiếm ra cơm bánh, 15chế rượu ngon cho phấn khởi lòng người, xức dầu thơm cho gương mặt sáng tươi, nhờ cơm bánh mà no lòng chắc dạ. 

Thiên Chúa quảng đại, không chỉ cho lúa mì và gạo cho no lòng chắc dạ, mà còn cho cả rượu làm phấn khởi và dầu thơm làm cho gương mặt sáng tươi. 

Vậy thì sự đối chọi giữa tích lũy của cải cho mình làm giàu trước mặt Thiên Chúa nằm ở vế sau: cho mìnhtrước mặt Thiên Chúa. Tích lũy của cải mà mình coi là sự giàu có như ông phú hộ ngốc kia, còn làm giàu trước mặt Thiên Chúa là tích lũy những gì Thiên Chúa coi là của cải thật, sự giàu có thật, không bao giờ mất. “Mình” chết thì không đem theo được, còn những gì làm cho mình giàu có trước mặt Thiên Chúa thì sẽ đi theo mình ra trước mặt Thiên Chúa. 

Chúa Giê-su sẽ tiếp tục giải nghĩa ở dụ ngôn người quản lý bất lương: “Nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em?

13“Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được.” (Lc 16,12-13)

“Của cải của người khác”, vì mọi của cải thế gian này luôn chuyển từ tay người này sang tay người khác, chẳng ai ôm theo được vào cõi chết. Việt Nam cũng có câu: “Của đồng lần thiên hạ tiêu chung” của cải thế gian từ tay người này sang tay người khác, nên hoặc bị ăn trộm hoặc người này chết thì người khác sẽ tiêu xài…

Của cải Thiên Chúa dành riêng cho chúng ta là của cải thật ở trên trời, như Chúa Giê-su đã kết luận sau dụ ngôn người phú hộ ngu ngốc: 

Phần anh em, đừng tìm xem mình sẽ ăn gì, uống gì, và đừng bận tâm. 30Vì tất cả những thứ đó, dân ngoại trên thế gian vẫn tìm kiếm ; nhưng Cha của anh em thừa biết anh em cần những thứ đó. 31Vậy hãy lo tìm Nước của Người, còn các thứ kia, Người sẽ thêm cho.

32“Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em.

33Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm không bén mảng, mối mọt không đục phá. 34Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em ở đó. (Lc 12,30-34)

Chúa Giê-su trả lời câu hỏi, người giàu có thể vào Nước Thiên Chúa bằng cách nào? Chuyện thông thường ở nước ta ngày nay là người giàu, nhất là bằng con đường tắt của tham nhũng, thường chuyển tiền qua Mỹ, qua Âu Châu để cất và rửa tiền, hoặc gởi con đi học và mua nhà cho con ở bên Mỹ, mua xe hạng sang cho con xài, có biến thì bay qua Mỹ là an toàn cả của lẫn người! Cùng lắm thì “hy sinh đời bố, củng cố đời con”. Ảo tưởng nữa![3] Chúa Giê-su dạy con đường đầu tư an toàn nhất: biến nó thành kho tàng trên trời nhờ cỗ máy kỳ diệu là cái bao tử của người nghèo. Và lòng mình cũng hướng về nơi cất giấu kho tàng, sẵn sàng vào hưởng khi Chúa đến gọi.

Chúa Giê-su sẽ minh họa thêm bằng dụ ngôn người phú hộ và người nghèo La-da-rô (Lc 16,19-30; bằng gương của các môn đệ (18,28-30) và gương của ông Da-kêu (19,1-10).

Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này

Sau khi vào Giê-ri-khô, Đức Giê-su đi ngang qua thành phố ấy. 2Ở đó có một người tên là Da-kêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. 3Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. 4Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giê-su, vì Người sắp đi qua đó. 5Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” 6Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. 7Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!” 8Ông Da-kêu đứng đó thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo ; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.” 9Đức Giê-su mới nói về ông ta rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham. 10Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.” (Lc 19,1-10).

Lần đầu Lu-ca nói đến “hôm nay” là trong lời thiên sứ báo tin cho những người chăn chiên sau khi Chúa Giê-su sinh ra tại Be-lem (2,8-11):

Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. 9Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. 10Nhưng sứ thần bảo họ: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: 11Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa.

Trên đường lên Giê-ru-sa-lem để được cất lên trời (Lc 9,51) qua cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh, tới Giê-ri-cô là chặng dừng chân cuối cùng, ông Da-kêu “tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. 4Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giê-su, vì Người sắp đi qua đó.” Nghe như ông chỉ muốn thỏa mãn sự tò mò, nhưng ông chẳng nghĩ đến thế giá của một giám đốc sở thuế, không ngại phô cái thân hình lùn tịt của ông trước đám đông bằng cách le te chạy tới phía trước, leo lên cây sung bên đường[4]. “5Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” Chúa thật là quảng đại, cho ông gấp ngàn lần điều ông mong ước. Ông vội chạy lên trước, leo lên cây, tìm vị trí để thấy Chúa đi ngang. Nhưng chính Chúa đi tìm ông. Chúa như thấy rõ ông đang tìm Chúa, Chúa nhìn lên và gọi ông, mời ông xuống mau để gặp Chúa. Sự chuyển động ngược chiều rất có ý nghĩa. Ông leo lên cao tìm Chúa. Chúa ngước lên nhìn ông và kêu ông xuống mau để lãnh món quà Chúa đã gói sẵn “dành cho ông Da-kêu”:Hôm nay tôi phải ở nhà ông.” Tại sao lại “phải ở nhà ông? Đêm Chúa sinh ra tại Be-lem thì thiên sứ báo tin cho những người chăn chiên: “11Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa.”

Khi các thiên sứ từ biệt mấy người chăn chiên để về trời, những người này bảo nhau: “Nào chúng ta sang Bê-lem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết.” 16Họ liền hối hả ra đi. (Lc 2,15-16).

Hôm nay được chính Đấng Cứu Độ gọi ông, ông “6Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người.Và ông dâng quà ngay tại chỗ. Như để đáp lại tiếng xầm xì của đám đông, Đấng Cứu Độ công bố: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham. 10Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.”
Đấng Cứu Độ sinh ra để đi tìm và cứu những gì đã mất chứ không phải để đi chơi với những kẻ tưởng mình không cần đến Đấng Cứu Độ. Đây là kế hoạch của Thiên Chúa, nên “hôm nay tôi phải ở nhà ông”, không phải vì tôi cần chỗ trọ.

Một lần “hôm nay Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho các ngươi trong thành vua Đa-vít”. Từ nay Đấng Cứu Độ đi tìm và cứu chứ không ngồi một chỗ mà chờ. Mỗi người sẵn sàng đón nhận, đều được phúc có “Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này”.

Tôi bảo thật anh, hôm nay anh sẽ được

Người đã được nghe Đấng Cứu Độ long trọng cam kết: “Tôi bảo thật anh, hôm nay…”

Đó là người chịu đóng đinh trên thập giá bên cạnh Đấng Cứu Độ. Anh ta nhận ra mình là kẻ có tội, chịu như thế này là đúng, là đáng; còn Người thì chịu cùng một khổ hình như hai kẻ gian ác hai bên, nhưng Người chẳng làm gì trái. Anh ta bỗng như được ánh sáng rọi vào tim, hiểu ra ý nghĩa bản án treo trên thập giá của Người, mở miệng thưa:

“Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” 

Anh được Người long trọng cam kết:

43Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.”

Quả như Chúa Giê-su đã hứa: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. 10Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho” (Lc 11,9-10). Một thánh vịnh cũng đã diễn tả niềm xác tín: “Vừa mở miệng kêu lên cùng Chúa, tấc lưỡi tán dương tôi đã sẵn sàng” (Tv 65/66, 17).

Những người chăn chiên được nghe: “Hôm nay một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho các ngươi”. Ông Da-kêu được nghe: “Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này”. Còn người gian phi trên thập giá bên cạnh Người được nghe: “Hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng”. Đích thân anh sẽ được hưởng kết quả của ơn cứu độ ngay hôm nay, là ở trên thiên đàng với Đấng Cứu Độ. Người đến tìm anh bằng cách chung thân phận với anh trên thập giá, để cho anh chung phần vinh quang với Người trên thiên đàng, như mục tử tốt lành đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất, tìm được thì vui mừng vác lên vai đem về nhà, mời bạn bè chung niềm vui. (x. Lc 15,4-7)[5]. Chúa Giê-su và anh đang bị treo trên thập giá chờ tắt thở, nên thực tế của lời hứa là chắc chắn và NGAY HÔM NAY.

Sẵn sàng

Muốn được nghe “Hôm nay anh sẽ được ở trên Thiên Đàng với tôi”, thì chỉ cần hé mở lòng mình bằng một chút ao ước, một chút chờ đợi, một chút sẵn sàng như ông Da-kêu, như người gian phi trên thập giá bên cạnh Chúa Giê-su.

Quy luật an toàn cho các tòa nhà lớn là phải niêm yết “tín hiệu báo động”, cách thức đáp ứng và sơ đồ di tản. Cụm từ “ngay đêm nay” trong dụ ngôn “người phú hộ ngu ngốc” chuyển tải một tín hiệu khẩn cấp. Chúa Giê-su kể tiếp ba dụ ngôn để xác định ý nghĩa của tính khẩn cấp và cho biết cách ứng xử.

Dụ ngôn người tôi tớ giữ cửa chờ chủ đi dự tiệc cưới về và dụ ngôn kẻ trộm lồng vào đó (Lc 12,35-40) nói về sự sẵn sàng và phần thưởng bất ngờ của ông chủ. Người giữ cửa phải thắt lưng cho gọn, cầm đèn sáng trong tay và tỉnh thức đợi chờ, sẵn sàng để chủ về gõ cửa thì mở ngay, vì một đàng thì chắc chắn chủ sẽ về nội trong đêm nay, đàng khác, lại không biết giờ nào chủ về. Dụ ngôn kẻ trộm như xen kẽ vào đó, lại dùng hình ảnh chủ nhà và kẻ trộm với một giả thiết: nếu ông chủ biết giờ nào kẻ trộm đến thì sẽ không để nó đào ngạch khoét vách nhà mình. Ngôi nhà của Chúa cũng chính là mỗi người. Sự phối hợp hai dụ ngôn ngắn mở rộng nội dung sự tỉnh thức: sẵn sàng bằng sự tỉnh thức để mở cửa bao hàm sự canh chừng kẻ trộm nữa, để ngôi nhà của chủ nguyên vẹn. Thánh Phê-rô sẽ cho thấy, kẻ trộm luôn rảo quanh tìm cơ hội:

Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. 9Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự (1Pr 5,8-9).

Phần thưởng khi chủ về mà thấy tỉnh thức

Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: Chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ. 38Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ. (Lc 12,37-38).

Dụ ngôn kể một người tôi tớ sẵn sàng để mở cửa, khi kể phần thưởng thì nói đến các tôi tớ ấy, và phần thưởng thì hoàn toàn vượt khỏi trần gian. Ông chủ đi ăn cưới ban đêm mà còn về tới cửa là khá lắm rồi, tôi tớ trong nhà gọi nhau ra mà khiêng ông chủ lên giường thì có… Ông chủ này quả là không thuộc cõi trần. Vậy là phần ứng dụng thì mở rộng tới hết các tôi tớ và vượt khỏi trần gian, vì áp dụng vào Nước Thiên Chúa, ông Chủ ở đây là chính Chúa Giê-su. Sách Khải Huyền sẽ mở về hướng đó:

Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta. 21Ai thắng, Ta sẽ cho ngự bên Ta trên ngai của Ta, cũng như Ta đã thắng và ngự bên Cha Ta trên ngai của Người. (Kh 3,20-21).

Dụ ngôn này dành cho ai?

Ông Phê-rô, người dân chài ở Biển Hồ, chân chất, thật thà, nghĩ sao nói vậy, nhưng lại đứng đầu danh sách nhóm Mười Hai. Ông đã mường tượng vai trò của nhóm Mười Hai có gì khác với các môn đệ khác, ông lên tiếng hỏi:

 “Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người?”

Chúa Giê-su không trả lời trực tiếp nhưng kể thêm một dụ ngôn như để nói riêng với nhóm Mười Hai:

Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc? 43Khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy, thì thật là phúc cho anh ta. 44Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình.

Sách Công Vụ sẽ cho thấy đó là vai trò quản gia là của nhóm Mười Hai do Chúa lập và nhóm Bảy do các Tông Đồ lập để chia bớt gánh nặng, do thực tế dạy, một mình nhóm Mười Hai làm không xuể khiến xảy ra khó khăn trong cộng đoàn. Vì lương thực cho cộng đoàn gồm hai thứ, Lời Chúa và của ăn phần xác.

“Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải. 3Vậy, thưa anh em, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó. 4Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa” (Cv 6,2-4).

Câu kết luận sẽ vạch ra điểm chung cho mọi tôi tớ, dù nhiệm vụ có khác biệt nhau nhưng Chúa chờ đợi một điều ở mọi người: thi hành ý muốn của chủ.

“Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. 48Còn kẻ không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt, thì sẽ bị đòn ít. Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn.

Thánh Phao-lô sẽ ví Hội Thánh như một thân thể gồm nhiều bộ phận khác nhau, không thay thế, kiêm nhiệm, bao thầu được. Mỗi vai trò đều là ơn ban của Chúa Thánh Thần:

Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. 5Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. 6Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. 7Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung. 11Nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tuỳ theo ý của Người.

12Thật vậy, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Ki-tô cũng vậy. 13Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất.

14Thật vậy, thân thể gồm nhiều bộ phận, chứ không phải chỉ có một mà thôi. 15Giả như chân có nói: “Tôi không phải là tay, nên tôi không thuộc về thân thể”, thì cũng chẳng vì thế mà nó không thuộc về thân thể. 16Giả như tai có nói: “Tôi không phải là mắt, vậy tôi không thuộc về thân thể”, thì cũng chẳng vì thế mà nó không thuộc về thân thể. 17Giả như toàn thân chỉ là mắt, thì lấy gì mà nghe? Giả như toàn thân chỉ là tai, thì lấy gì mà ngửi?

27Vậy anh em, anh em là thân thể Đức Ki-tô, và mỗi người là một bộ phận. (1Cr 12,5-7.11-17.27).

Mỗi người được ơn khác nhau, nhưng chung một mục đích là phục vụ toàn thân, chung một đòi hỏi là thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Thiên Chúa không đòi phải theo khẩu hiệu tăng gia sản xuất: “Làm ngày không đủ, bỏ ngủ làm đêm, làm thêm ngày Chúa Nhật”, vì Thiên Chúa rất giàu có. Anh quản gia thì cứ lo phân phát đúng giờ, đúng lúc, đúng phần; anh canh cổng thì cứ cầm đèn ngồi đó chờ, lắng tai nghe để chủ về gõ cửa là mở ngay.

Đó là bí quyết làm cho “ngay đêm nay sẽ bị đòi mạng” thành “ngay hôm nay sẽ được ở trên thiên đàng với tôi”.

Trang đầu Sách Thánh bắt đầu tính: “Một buổi chiều và một buổi sáng, đó là ngày thứ nhất” (St 1,5). Ngày theo Kinh Thánh bắt đầu từ chiều, chuyển vào đêm rồi qua sáng: đi từ tối qua sáng. Đêm tối thì ta không thấy gì, nên mọi sự xảy ra ban đêm đều bất ngờ. Đêm Chúa sinh ra thì ánh sáng đã vào thế gian. Đêm Chúa nằm trong cõi chết thì ánh sáng đã tiêu diệt tối tăm để làm cho ngày bừng lên rực rỡ huy hoàng.

Ngay đêm nay chuyện bất ngờ có thể xảy ra làm cho người phú hộ ngu ngốc phải ngơ ngác vì “bừng con mắt dậy thấy mình tay không”. Chúa Giê-su dạy bí quyết làm cho cái bất ngờ đáng sợ kia trở thành điều ta trông đợi như rạng đông của ngày vĩnh cửu trong Nước Thiên Chúa: 1/ chuyển của cải trần gian lên kho tàng trên trời, nhờ cỗ máy kỳ diệu không cần điện, không cần các thứ công ty kỹ thuật truyền thông, đâu đâu cũng có đặt sẵn: ngay bên cạnh, ngay đầu ngõ, ngay cổng chợ nhà quê, ngay vỉa hè trước cửa nhà thành phố… hoạt động 24 giờ một ngày, 365/366 ngày một năm, và 2/ cầm đèn sáng trong tay tỉnh thức đợi chờ; lúc nào cũng thi hành đúng ý muốn của Thiên Chúa.

 

[1] Híp-ri: nói trong lòng

[2] Bản văn Hy lạp có một sự “chơi chữ”, không thể diễn dịch: dùng ba lần cùng một từ “psyche” [tương ứng với từ nephes trong tiếng Híp-ri] trong câu 19-20, mà tiếng Việt phải diễn bằng ba từ khác nhau “Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: ‘Hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!’ 20Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: ‘Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi.’”

[3] Cần biết lịch sử và biết đọc lịch sử. Chưa kể những đế quốc thời xa xưa: Hy-lạp, Rô-ma… xa vời. Các đế quốc đến từ phương Bắc, phương Tây hay từ bên kia Thái Bình Dương từng xâm lược nước ta đều đã thất bại, tan rã. Các đế quốc như Bồ Đào Nha tự hãnh diện là “mặt trời không bao giờ lặn trên nước Bồ Đào Nha”, vì bao trùm từ “Mỹ la-tinh”, vòng qua Phi Châu và tới Đông Timor. Nay còn lại gì? Nhỏ và nghèo nhất ở nam châu Âu ; đế quốc Anh, Tây Ban Nha, Bỉ nay còn lại gì? Ta vẫn tự hào đánh bại đế quốc Mỹ, lại nghĩ rằng sau ta không có ai khác cũng sẽ đánh bại được nó. Còn đế quốc Mỹ là một “hợp chủng quốc”, sức mạnh của nó ở đó và tử huyệt của nó cũng ở đó. Ngày nay sự kỳ thị chủng tộc bừng dạy bằng bạo lực, do chính những người lãnh đạo sử dụng làm công cụ giành quyền lực, quyền lợi đảng phái. Mời đọc lại sách Đa-ni-en chương 2, pho tượng trong giấc mơ của Na-bu-co-đo-no-xo và lời giải thích của Đa-ni-en sẽ thấy.

[4] Ngày nay giữa thành phố Giê-ri-cô còn một cây sung cổ thụ được bảo vệ kỹ. Nó cũng mấy trăm tuổi, vẫn ra trái, nhưng trái chỉ to bằng đầu ngón tay thôi. Khách hành hương tới đây thích đứng gần hàng rào chụp hình kỷ niệm.

[5] Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã nhấn mạnh về một Hội Thánh “đi ra”, “đi đến vùng biên cương