Tác giả: Timothy Radcliffe
WGPQN (13.11.2020) - Con người đã là anh chị em với nhau hay đó là điều mà chúng ta phải trở nên? Trọng tâm của thông điệp thách đố này (Fratelli Tutti) là sự quả quyết rằng tính huynh đệ vừa là căn tính hiện tại sâu thẳm nhất vừa là ơn gọi tương lai của chúng ta. Chúng ta được mời gọi để trở nên anh chị em với nhau trong Đức Kitô theo cách mà hiện giờ ta chưa thể tưởng tượng ra được. “Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy” (1 Ga 3,2).
Phần nào đó đây là cuộc phiêu lưu của trí tưởng tượng. Khi nói về sự tưởng tượng, tôi không muốn nói về “điều huyền hoặc”, nhưng là sự biến đổi cách chúng ta hiện hữu trong thế giới. Sự tưởng tượng Kitô giáo là quyền năng Chúa Thánh Thần dẫn đưa tất cả chúng ta đến với chân lý. Đó là “tư tưởng của Đức Kitô” (1 Cr 2,16).
Sự tưởng tượng huynh đệ đã hoạt động nơi sách Sáng Thế Ký, đưa chúng ta đi từ cuộc đối đầu anh em tương tàn giữa Cain và Aben, qua những cuộc xung đột giữa Isaac và Ismaen, Êsau và Giacóp, Lêa và Rakhen, đến cuộc hòa giải của ông Giuse với các anh em mình. Là anh chị em với nhau không chỉ là vấn đề huyết thống sinh học mà còn là sự lớn mạnh trong trách nhiệm hỗ tương, xây dựng ngôi nhà chung. Chúng ta được đưa đi từ câu hỏi của Thiên Chúa với Cain, ‘Thằng em Aben của ngươi đâu?’ (Stk 4,9) đến cái ôm của ông Giuse với các anh em mình: “Tôi là Giuse, đứa em mà các anh đã bán sang Ai Cập. Nhưng bây giờ, các anh đừng buồn phiền, đừng hối hận vì đã bán tôi sang đây: chính là để duy trì sự sống mà Thiên Chúa đã gửi tôi đi trước anh em” (Stk 45,4-6). Sáng Thế Ký đã đặt nền tảng cho dân Israel bằng cách đưa chúng ta vào sự chiến thắng của tình huynh đệ lên trên sự đối đầu.
Trong Đức Kitô, câu chuyện của dân Israel là kịch bản thường xuyên của nhân loại. Chúng ta đã thuộc về nhau nhưng chúng ta chỉ mới khởi đầu của sự tưởng tượng về ý nghĩa của điều này. “Khi ngày cuối cùng đến, và có đủ ánh sáng để nhìn thấy thật sự mọi điều, chúng ta sẽ thấy mình hoàn toàn ngạc nhiên” (FT số 281).
Đức thánh cha bắt đầu với lời tuyên bố của Thánh Phanxicô Assisi về một tình yêu “vượt qua các biên giới địa lý và khoảng cách” (FT số 1). Thật vậy, như Thông điệp Laudato Si’ đã trình bày, nó vươn ra đến Anh Mặt Trời và Chị Mặt Trăng cũng như toàn thể thụ tạo. Thế kỷ XIII đã chín muồi trí tưởng tượng về tình huynh đệ phổ quát này. Hệ thống cấp bậc phong kiến đang suy tàn, các thương nhân như cha của Thánh Phanxicô đang du hành khắp thế giới đã được khám phá; có những hình thức tương giao mới và một ý nghĩa mới về giá trị của cá nhân. Việc sử dụng những tước hiệu Kitô giáo sớm nhất của Thánh Phanxicô và Thánh Đôminicô, gọi là “anh” và “chị”, đã có một nhiệm vụ gần như là không tưởng (utopian), lời hứa hẹn về một thế giới mà trong đó những người khách lạ chen chúc trong các thành phố sẽ được đón chào.
Thông điệp Fratelli Tutti nói về một xã hội đang đối mặt với một thách thức tận căn đầy tưởng tượng. Trong hành tinh kỹ thuật số của chúng ta, những thể chế và phẩm trật xưa cũ mất đi quyền bính; tương lai không chắc chắn. Như trong thời của Thánh Phanxicô, sự gặp gỡ giữa Kitô giáo và Hồi giáo tiềm tàng hiểm nguy. Thánh Phanxicô đã lên đường gặp gỡ vua Malik-el-Kamil (FT số 3). Đức Phanxicô hiện nay cũng vươn tay ra với vị Đại Imam là Ahmad Al-Tayyeb.
Giấc mơ về tình huynh đệ phổ quát ít dựa vào sự tưởng tượng tập thể hơn trước. “Những xung đột cũ tưởng là đã chôn vùi từ lâu thì nay đang bùng phát lại, trong khi những biểu hiện của một chủ nghĩa dân tộc thù hận và hung hăng, cực đoan và thiển cận đang leo thang. Tại một số quốc gia, một quan điểm nào đó về sự thống nhất đất nước và dân tộc bị ảnh hưởng bởi nhiều ý thức hệ khác nhau đang tạo ra những hình thức ích kỷ mới và sự đánh mất cảm thức xã hội được ngụy trang bởi việc bảo vệ các quyền lợi quốc gia”. (FT số 11).
Đức thánh cha mạnh dạn thách thức chúng ta tưởng tượng một cách khác để thuộc về tha nhân. Ngài phản đối quyền tư hữu tuyệt đối hiện nay: “Truyền thống Kitô giáo chưa bao giờ nhìn nhận quyền tư hữu như cái gì tuyệt đối hay không thể bị phá vỡ, đồng thời nhấn mạnh mục đích xã hội của mọi hình thức tư hữu” (FT số 120). Thế giới chúng ta đã trở thành một trung tâm mua sắm đồ sộ. Bắt đầu vào thế kỷ XVII, có sự hư cấu cho rằng mọi sự đều có thể buôn bán được đã tóm lấy trí tưởng tượng chung của chúng ta: trái đất, nước, và ngay cả con người với sự bùng nổ của việc buôn bán nô lệ. Thân thể tôi là sở hữu của tôi, tôi quyết định thế nào tùy tôi, từ việc thụ thai cho đến cái chết. Các cơ quan của con người được thu gom cho thị trường.
Đáng chú ý nhất là Đức Phanxicô đã thách thức ý tưởng nền tảng cho một quốc gia hiện đại rằng một quốc gia có quyền tuyệt đối trên những nguồn tài nguyên và lãnh thổ của mình: “Nếu mọi con người đều có một phẩm giá bất khả nhượng, nếu tất cả mọi người là anh chị em của tôi, và nếu thế giới này thực sự thuộc về mọi người, thì không quan trọng lắm chuyện người láng giềng của tôi đã sinh ra ở đất nước tôi hay ở nơi khác. Đất nước tôi cũng có trách nhiệm đối với sự phát triển của người ấy, dù trách nhiệm này có thể được thực thi bằng rất nhiều cách khác nhau” (FT số 125).
Lời tuyên bố này phản văn hóa đến gây sốc. Nó lật đổ mọi giả định nền tảng của các quan điểm chính trị hiện đại. Đối với nhiều người, nó dường như rất ngây ngô và tai hại đến tệ. Nó có nghĩa gì đâu khi trên thế giới tất cả các bức tường đều được dựng lên và biên giới được tuần tra? Nhưng sự tưởng tượng Kitô giáo được sinh ra từ quyền năng biến đổi của thập giá và sự phục sinh của Đức Kitô. Trên thập giá, Đức Kitô đã “phá đổ bức tường thù nghịch” (Ep 2,14). Trí tưởng tượng phục sinh dường như là “điên dại đối với dân ngoại” (I Cr 1,23) và bị nhiều người chối bỏ.
Điều này không có nghĩa là nó sẽ trôi nổi vào khoảng không kỳ quặc. Nó đòi hỏi sự nhập thể vào các cơ cấu chính trị. Một trật tự thế giới huynh đệ sẽ cần đến “việc phác họa các cơ chế quốc tế được tổ chức vững mạnh hơn và hiệu năng hơn, với những nhân sự được bổ nhiệm hoàn toàn bởi sự đồng thuận của chính quyền các quốc gia, và được trao quyền lực để đưa ra các phán quyết. Khi chúng ta nói về khả năng của một số dạng quyền bính thế giới được điều chỉnh bởi luật, chúng ta không nhất thiết nghĩ về một thẩm quyền cá nhân” (FT số 172). Cần phải canh tân tổ chức Liên Hiệp Quốc.
Tương tự như thế, khi tạo nên đường lối hiệp hành nền tảng cho việc cai quản của Giáo Hội, Đức thánh cha mời gọi các Kitô hữu tự tưởng tượng mình như một cộng đoàn gồm anh chị em với nhau. Chỉ trên căn bản một sự biến đổi văn hóa như thế - ôm lấy người ngoại quốc như anh chị em mình, như một thành viên trong gia đình chúng ta - mà lời mời gọi của Thông điệp Fratelli Tutti sẽ không là sự lật đổ kinh khủng của tất cả những điều chúng ta rất thân quen nhưng là đường lối dành cho ngôi nhà chung mà chúng ta thuộc về.
Không bao giờ trong lịch sử nhân loại có quá nhiều người dịch chuyển, chạy trốn khỏi bạo lực và chiến tranh. Đặc biệt là ở phương Tây, các bức tường đã được bố trí để chống lại những di dân và khách lạ mà người ta e sợ rằng họ sẽ phá hoại các cộng đồng địa phương, căn tính và thậm chí cả sự an toàn của chúng ta.
Làm thế nào để chúng ta bắt đầu thấy họ không phải là những khách lạ đang đe dọa mà là những anh chị em? Trước hết, trí tưởng tượng của chúng ta phải được giải phóng khỏi nỗi sợ sự khác biệt. Mọi nền văn hóa của con người chỉ sống động nếu nó có thể tương tác với những gì khác biệt. Mỗi người chúng ta đều hàm ơn sự hiện hữu của chính mình với sự khác biệt sinh sôi nảy nở giữa nam và nữ. Nếu chúng ta bịt kín mình lại trước người lạ, các nền văn hóa địa phương mà ta yêu quý sẽ chết khô. Cái cây bên ngoài cửa sổ nhà ta chóng lớn mạnh lên vì từ gốc rễ sâu đến tận mút đầu các nhánh cây đều có sự trao đổi thường xuyên mang lại sự sống với không khí, đất, nước, vô số các côn trùng và vi khuẩn. Sự cô lập sẽ làm chết đi.
Nó đòi hỏi một bước nhảy của trí tưởng tượng để nhìn thấy tình huynh đệ phổ quát và tính liên đới địa phương như là sự nâng cao lẫn nhau. “Không thể có sự mở ra giữa các dân tộc trừ khi đặt nền tảng trên tình yêu đối với xứ sở mình, dân tộc mình, gốc rễ văn hóa của mình. Tôi không thể thực sự gặp gỡ một người khác nếu tôi không đứng trên những nền móng vững vàng, vì chính trên cơ sở của những nền móng này mà tôi có thể đón nhận quà tặng mà người khác mang lại, và về phần mình tôi trao một quà tặng đích thực của tôi” (FT số 143).
Sự tương tác đem lại hiệu quả với anh chị em không quen biết chỉ có thể được nếu tôi học biết nhìn vào họ với ánh nhìn được biến đổi, thấy được nhân tính, sự dễ tổn thương và vẻ đẹp của họ. Truyền thông kỹ thuật số trừu xuất khỏi đặc tính thân xác của chúng ta. Phương tiện truyền thông đại chúng kỹ thuật số làm cho con người “dần dần đánh mất sự tiếp xúc với thực tế cụ thể, chặn đứng sự phát triển các mối tương quan liên vị đích thực. Chúng không có những cử chỉ thân thể, những diễn tả trên nét mặt, những khoảnh khắc thinh lặng, ngôn ngữ thân xác và thậm chí không có mùi hương, không có cái run rẩy của đôi bàn tay, sự đỏ mặt hay toát mồ hôi, là những điều có thể nói với chúng ta và là một phần của truyền thông con người” (FT số 43). Đức Giêsu đọc thấy khuôn mặt của mỗi người. “Ngài biết có gì trong lòng con người” (Ga 2,25). Nếu chúng ta học biết nhìn nhau với sự vui thích thì thách đố tận căn của Đức thánh cha dường như không phải là một lý tưởng bất khả thể mà là cách duy nhất đưa đến hạnh phúc.
Cuối cùng, “sự tưởng tượng huynh đệ” hàm ý rằng chúng ta nói chuyện với người khác như là anh chị em. Đức thánh cha hiểu rằng đối thoại là đi xa hơn việc trao đổi những ý tưởng. Đó là một tiến trình khổ hạnh mà một người cố gắng tưởng tượng ra con người khác ấy như thế nào, được đào tạo ra sao bởi nền văn hóa của họ, để kinh nghiệm được niềm vui và sự đau khổ của họ. Trong cuộc đối thoại thân tình như anh chị em, tìm những từ ngữ tươi mới cùng nhau, mở ra một không gian tưởng tượng mà trong đó mọi rào cản bị dẹp đi. Đây là điều mà Thánh Tôma Aquinô gọi là latitudo cordis, sự mở rộng của tâm hồn.
Những cuộc đối thoại như vậy đưa chúng ta đi xa hơn những trao đổi tiêu biểu của truyền thông xã hội, “sự sôi nổi trao đổi ý kiến trên các mạng xã hội, thường dựa trên thông tin đại chúng vốn không luôn luôn đáng tin cậy. Những trao đổi này chỉ là những độc thoại đặt song song bên nhau. Chúng có thể lôi cuốn sự chú ý nào đó do âm giọng sắc bén và mạnh bạo của chúng. Nhưng độc thoại không lôi cuốn được ai, và nội dung của nó thường qui ngã và mâu thuẫn” (FT số 200)
Chúng cũng hoàn toàn khác với diễn từ chính trị của đời sống công cộng và chính trị của chúng ta, nó khuyến khích sự bất tín về người khác và xem thường các quan điểm của họ. Lời Chúa đòi buộc chúng ta nói và lắng nghe làm sao để một không gian tưởng tượng bắt đầu mở ra mà trong đó con cái của một Thiên Chúa đang ở nhà với người khác và ở trong đời sống thần linh.
Chuyển ngữ: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
Từ: osservatoreromano.va/it
L’Osservatore Romano, số 45, thứ Sáu, 6/11/2020, tr. 8-9.
Nguồn: gpquinhon.org