Karl Rahner, S.J.

 

[Bài suy niệm này trích trong tuần Linh Thao mà Cha Rahner giảng cho các sinh viên thần học tại Berchmanskolleg gần Munich và Học Viện Đức Quốc, Roma (1964). Dịch từ bản tiếng Đức trong Rahner, Karl: Betrachtungen zum ignatianischen Exerzitienbuch, Kösel-Verlag, München, 1965, 148-151].

 

Xét trên quan điểm thần học và trong tinh thần của Sách Linh Thao theo thánh I-nhã, suy tư về Mầu nhiệm Giáng Sinh hiểu cho cùng chỉ là một bài lặp lại của việc chiêm niệm Ngôi Lời Nhập Thể. Dẫu vậy, chúng ta cũng sẽ suy xét kỹ càng một vài nét về sự tỏ lộ của ân sủng Thiên Chúa trong biến cố này. Các bài chiêm niệm này có thể giúp chúng ta đi đến việc làm chọn lựa theo tinh thần của Linh Thao.

  1. Mầu nhiệm Giáng Sinh trong sự nhỏ nhoi của thời gian

Trước hết, chúng ta hãy ngắm nhìn sự cao cả của Chúa chúng ta khi chấp nhận bước vào thời gian. Thật kỳ diệu khi Thiên Chúa đánh đổi cuộc sống thần linh để sinh vào một giây phút và một gia đình nhất định: đó là cuộc thần hiện trong xác thể!

Chúng ta thường chịu đau khổ vì hoàn cảnh của mình, những gì đã xảy ra trong quãng đời đã qua và những yếu tố của chúng chi phối đời ta. Chúng ta thấy mình là những món đồ chơi trong tấn trò chính trị, đón nhận và cảm nhận những điều đã xảy ra và hệ quả của chúng; nên chúng ta còn e ngại tương lai. Chúng ta tự hỏi làm sao và trong điều kiện nào chúng ta sẽ còn sức để tiếp tục cuộc đời theo dự định riêng của chúng ta. Do lo lắng và e dè với cuộc sống cũng như hết những gì nó bày ra trước hiện sinh của ta, nên chúng ta không ngừng tự vấn liệu hiện thực có mang cho ta tất cả những điều kiện vật chất mà chúng ta cần để tái thiết cuộc sống không. Trong trạng huống lập lờ của cuộc sống như vậy, Thiên Chúa đã đi bước liều, Ngài hóa mình thành một kẻ lưu đày, làm con của một đôi vợ chồng bé mọn, sinh trong một đất nước mà quốc thể đã biến thành kiếp nô lệ. Người sinh ra trong nghèo hèn, trong chuồng vật bởi cha mẹ Người không được khách sạn chào đón, đến nỗi thánh Phaolô đã ngây ngất trước cái nghèo của Con Thiên Chúa: “Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó, vì anh em.” (2 Co 8,9) Nhưng cái nghèo ấy thực ra cũng không có gì đặc sắc cho lắm và cũng không gây ngạc nhiên nhiều. Những gì mà Maria và Giuse đã phải trải qua ở Bêlem xem ra cũng không làm họ hoang mang quá đỗi. Đúng hơn, họ chấp nhận những điều ấy như cái phần số tự nhiên của hạng dân đen. Nào một cuộc đời cao cả, ít là theo cách nghĩ thông thường, phải nhất thiết bắt đầu bằng một cuộc sinh hạ trong hoàn cảnh tầm thường và tồi tàn đến thế! Tất cả những sự kiện quanh cuộc giáng sinh của Chúa Giêsu đều bé nhỏ: không có gì lạ, tất cả chỉ là những chuyện tầm thường, không cực kỳ nghèo cũng chẳng xa hoa, đến nỗi qua đó ta chẳng gượm thấy dấu chỉ hứa hẹn một cuộc đời vĩ đại. Phải nói rằng đó là một cuộc sinh hạ gần như vô danh, xảy ra tại một chỗ nào đó, bên lề, trong khi xã hội đương thời đang cố công lo lắng bao chuyện khác. Chỉ tội cho mấy chú mục đồng, lấy đó như là một sự kiện hoành tráng lắm, trong khi lịch sử thời ấy chẳng có lấy một lời.

Nói gì thì nói, chính sự sinh hạ tự nó đã là mặc khải của sự bé mọn. Sinh ra là hiện hữu, không nhất thiết phải bày tỏ sự ưng thuận. Sinh hạ là được đặt vào trong trần thế. Biết mình được gọi để làm người mà không được tham vấn, ý thức về sự bất tất sẽ đến của mình, hai điều ấy đã là một phần của một cuộc hiện sinh hữu hạn. Điểm khởi đầu của cuộc đời chúng ta, điểm đóng vai trò xác định mãi mãi nét riêng của đời ta mà không bao giờ tránh né được, điểm ấy lại nằm trong vòng cương tỏa của người khác, dù ta muốn hay không. Chấp nhận cái tính tất yếu đầu tiên ấy như khởi đầu của đời mình là một trong những hành vi căn bản mà trên đó hiện sinh của chúng ta cần được xây dựng, huống chi đời ta sẽ còn là một hiện sinh Kitô hữu.

Hiện sinh của Ngôi Lời không thể có một số phận nào khác so với mọi thụ tạo, tức là hiện sinh ấy hoàn toàn và tuyệt đối nằm trong tầm sử dụng của Thiên Chúa Tạo Hóa. Cũng vậy, Đức Giêsu cũng phải có một khởi đầu. Nếu chúng ta luôn có thể ca ngợi tôn vinh hài nhi đã được ban cho chúng ta cách rực rỡ đến mức nào, thì dù gì đi nữa, cuộc sinh hạ của Người tự nó đã hàm ý rõ ràng một sự hạ mình cho đến mức đồng hóa với hèn kém, eo hẹp. Người đã thực sự và hoàn toàn đảm nhận lịch sử của chúng ta. Làm sao chúng ta có thể gắn kết sự kiện sinh hạ hèn mọn này với tất cả những thuộc tính toàn hảo mà thần học gán cho Người? Đấy là một vấn đề khác. Còn ở đây, chúng ta hãy nhớ kỹ rằng Người đã đi vào thế giới như tất cả chúng ta: khởi đầu một cuộc sống với một bản khai sinh nào đó không thay đổi được và, tựu trung, khởi đầu cho một hành trình hướng về cái chết. Theo thánh I-nhã, một người làm Linh Thao phải nhìn xem và suy xét những gì Đức Maria, thánh Giuse và những người khác làm (…) cho Vị Thiên Chúa vừa được hạ sinh (…) và sau bao nhiêu lao khổ, đói khát, nóng lạnh, bất công và nhục nhã, Người sẽ chịu chết trên thập giá, và tất cả những sự ấy vì tôi.” Theo thánh I-nhã, chúng ta phải đi vào cuộc đời của Đức Giêsu cách mộc mạc, không cần những lý lẽ vô bổ, những câu nói trau chuốt và lãng mạn cũng chẳng cần một thái độ nhân bản nửa mùa. Khi suy niệm mầu nhiệm Giáng Sinh, chúng ta nên giữ trong tâm khảm điều này là: tại nơi người được sinh ra, Ngôi Lời làm người đã bước qua vạch xuất phát để hướng về sự chết, kèm theo tất cả những yếu tố lịch sử lúc vào đời của Người, chúng đã loan báo ngày cuối cùng trong nghèo khổ và sự bất lực khôn cùng trước cái chết.

  1. Giáng Sinh vì sự viên mãn của vĩnh cửu

Viễn tượng lịch sử về cuộc sinh hạ của Đức Giêsu như thế lại không được phép làm cho chúng ta quên rằng, chính cuộc sinh hạ ấy đã tỏ lộ một cuộc hiện sinh mới, hướng về vĩnh cửu. Vĩnh cửu ở đây không được hiểu như thuộc tính tự nhiên của một chủ thể thiêng liêng không bao giờ bị hủy diệt hay một lúc nào đó không hiện hữu nữa, nhưng phải hiểu là chính sự vĩnh cửu có giá trị trong mắt Thiên Chúa: vĩnh cửu, đó là cuộc sống của một nhân vị trong “vinh quang Thiên Chúa trên trời”. Một hài nhi, “vào thời ấy” (x. Lc 2,1) đã bước ra khỏi cung lòng mẹ, đã bắt đầu sống và sẽ luôn mãi là thực tại của Thiên Chúa. Nếu bao lâu chúng ta còn ngước trông lên Thiên Chúa, chúng ta luôn luôn bắt gặp con người này, con người mà cuộc đời đã bắt đầu bằng cuộc sinh hạ được chúc phúc. Nhờ cuộc sinh hạ này mà lòng nhân hậu và tình yêu Thiên Chúa đối với con người được tỏ lộ, đó không gì khác hơn là khái niệm „Philanthrophia“,- đặc tính yêu mến con người của Thiên Chúa  (xem Tt 3, 4-7). Mặt khác, con người chỉ thực sự đáng yêu, nếu tận điểm cuộc sống trần gian của họ được bảo đảm bằng ân phúc, và điều này chỉ xảy ra khi Thiên Chúa lo liệu cho sự thành công của tận điểm ấy bằng cách thiết lập một điểm khởi đầu, tại đó Ngài trao ban thánh ân của mình như là một môi trường sống đặc biệt dành riêng cho con người. Chỉ nhờ điều này thì bản tính kỳ lạ, khó hiểu của con người mới thực sự trở nên có thể chấp nhận được. Nếu không thì câu hỏi này, cho riêng mình và cho tha nhân, sẽ chẳng tìm thấy câu trả lời, bởi vì ngay trong hiện sinh con người, có quá nhiều điều phức tạp quyện chặt vào nhau: nào là tính siêu việt trong cái vô hạn và cái hữu hạn, tinh thần và thân xác, cái nguyên bản thường tồn và vó câu dồn dập của thời gian, của cái cao cả và khốn cùng… Đối với những vấn đề nền tảng của hiện sinh, chúng ta thực sự không có những câu trả lời cụ thể nào khác, những câu trả lời mà chưa cần hồi kết đã để lại cho ta những dấu chấm hỏi to tướng, ngoài câu trả lời sau đây: có một con người, như chúng ta, đã sinh ra trong trần thế, giống chúng ta về mọi đàng, có nghĩa là cuộc sống của người ấy và của chúng ta sẽ có một tận điểm đầy ân phúc. Cuộc đời ấy có một ý nghĩa, dù rằng hiện nay ta chưa hiểu hết. Vì chưng đây là cuộc sinh hạ của Ngôi Lời vĩnh cửu Thiên Chúa, Đấng am tường tự đời đời tình yêu Cha. Đúng, Người đã muốn tỏ mình, muốn cho con người thấy điều ấy và bằng cách thức như thế. Cho nên dù thế gian có đi vào sự chết, thì trong cuộc hiển dung của Ngôi Lời, thế gian đã bắt đầu được thánh hóa. Theo thánh Phaolô, khởi đầu của thời viên mãn đã đến với chúng ta (1 Co 10, 11). Trước đây, cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và thế giới còn mông lung, lúc ấy chúng ta đã không biết nó sẽ tiếp diễn thế nào. Nhưng Thiên Chúa đã tự cho mình quyền tổ chức, để đi đến cùng cuộc đối thoại ấy (Eph 3,9). Trước Đức Kitô, chúng ta không thể nào đọc được trong lịch sử nhân loại, dù trong nhãn quan cứu độ hay bị luận phạt, một kết cục khả tri. Nhưng khi Con Chúa làm người, Lời tối hậu của Thiên Chúa đã được loan báo. Thiên Chúa đã đặt để Ngôi Lời của Ngài như Lời của Nhân Loại, để từ bây giờ Lời Thiên Chúa và Lời đáp trả của nhân loại kết tinh nơi Vị Chúa-Người duy nhất. Trên phương diện ngôi vị, Con người và Thiên Chúa đã kết hợp vĩnh viễn.

Đó là lý do tại sao lịch sử nhân loại, với bản chất là đi đến cùng cuộc đối thoại với Thiên Chúa, lại thành toàn ở đây. Hiểu sâu hơn, ta có thể nói sẽ không còn bất ngờ nào khác xảy ra trong lịch sử. Vậy là ta rõ lý do tại sao trong biến cố Giáng Sinh, các thiên thần hiện ra mừng vui ca hát. Ta sẽ hiểu được lời loan báo nhiệm mầu “vinh danh Thiên Chúa cho loài người dưới thế”, loài người mà cho tới giây phút ấy vẫn còn từ chối Thiên Chúa và không muốn đón tiếp Người đàng hoàng, vì trong họ vẫn còn chưa có chỗ cho sự bình an và sự thống nhất nội tâm, tức những điều đến từ „eudoxia“, đến từ „lòng tốt“ của Thiên Chúa (Lc 2,14). Bây giờ, câu hỏi còn lại là phải hành xử thế nào để đáp lại Lời tối hậu mà Thiên Chúa đã ngỏ với nhân loại, - Lời của lòng xót thương, của sự hạ cố viếng thăm gian trần và của vận mệnh hồng phúc của con người, của nhân loại đang đi vào mối thân tình với Chúa. Từ bây giờ, chân trời hiện sinh của chúng ta được đồng hóa với Lời của Chúa đi vào thế gian. Dưới chân trời ấy, chúng ta không cho phép mình chấp nhận một thái độ sống lãnh đạm, chung chung. Thiên Chúa, trong thịt trong xương của nhân loại, nhất thiết sẽ phải là một sự khắc khoải bùng cháy và cuối cùng là nỗi vui tâm hồn. Phải chiêm ngắm biến cố này bằng con tim, như mẹ Maria (Lk 2,19).

Chuyển dịch: Giuse Bùi Quang Minh, S.J.