“Học thần học” đối với nhiều người vẫn còn là một khái niệm nghe có vẻ trừu tượng và xa lạ. Nếu như trước đây chương trình thần học chỉ giới hạn cho các cha, các thầy ở các đại chủng viện, các dòng tu nam thì bây giờ học thần học đã được mở rộng cho các dòng tu, thậm chí cho cả giáo dân và có các phân khoa trong các trường đại học. Tại Việt nam ngày nay đã có nhiều trung tâm, học viện thần học được mở nhằm đào tạo các tu sĩ và các giáo dân quan tâm. Việc huấn luyện, thường huấn giáo lý viên tại các giáo phận hiện nay cũng bao gồm các chương trình thần học thiết yếu. Hơn thế nữa, thực tế ngày nay chúng ta thấy sự hoạt động mạnh mẽ của khoa học, các tôn giáo khác nhau xâm nhập vào mọi khía cạnh đời sống hằng ngày, người ta đặt ra những câu hỏi, thắc mắc, chất vấn về niềm tin, về tôn giáo, về thần linh. Là người Kitô hữu nếu chúng ta không có nền tảng đức tin vững chắn thì sẽ dễ nghe theo các lạc thuyết, không biết phân định, bảo vệ đức tin Kitô giáo. Công đồng vatican II trong hiến chế mục vụ Gaudium et Spes đã nói đến: “Thật vậy, các cuộc nghiên cứu và những khám phá gần đây của khoa học cũng như của sử học và triết học đã khơi lên những vấn nạn mới, có ảnh hưởng đến chính cuộc sống, và đòi hỏi các nhà thần học phải nghiên cứu nhiều hơn nữa”[1]. Vậy tại sao việc học thần học ngày nay được quan tâm như vậy và học thần học để làm gì? Tại sao phải học thần học? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu trong đề tài này. Đề tài này cũng là bài cuối khóa giúp người viết tập nghiên cứu, tổng quan lại những gì đã học qua môn học “Thần học nhập môn”.

  1. Thần học là gì?

 Thiết nghĩ để hiểu tại sao phải học thần học trước hết chúng ta cần hiểu thần học là gì? “Rất tiếc, đối với nhiều người, thần học là một cái gì bí ẩn, một môn học lạ lẫm tìm cách nói về Thiên Chúa trong thứ ngôn ngữ quá xa lạ với kinh nghiệm thông thường của con người. Thần học xem ra quá trừu tượng. Nó chứa đầy những từ ngữ vừa tưởng chừng quen thuộc song lại khó định nghĩa như: đức tin, công chính hóa, cứu chuộc, ân sủng, ơn cứu độ, mạc khải, cánh chung, thần khí,… những người khác nghĩ về thần học như những hệ thống và những trường phái, Tin Lành hay Công Giáo, Tômít hay Calvinít, trường phái Barth hay trường phái Rahner, nào là thần học Roma, thần học giải phóng, hay thần học nữ quyền,… Thần học có vẻ phức tạp bởi vì nó là âm vọng của quá nhiều tiếng nói và của quá nhiều mối quan tâm”[2].

Theo từ điển Công Giáo định nghĩa thần học: “Thần là Đấng linh thiêng; học là  sự nghiên cứu để hiểu biết. Thần học là khoa học hay môn học nghên cứu và tìm hiểu về thần linh, Thiên Chúa. Thần học là “sự giải thích – có ý thức và có phương pháp – mặc khải của Thiên Chúa vốn đã được đón nhận và được nắm giữ trong đức tin” (Karl Rahner). Như vậy, thần học có thể được gọi là “đức tin tìm kiếm sự hiểu biết”, là “khoa học của đức tin”. Bởi vì đối tượng của thần học là mặc khải thần linh, nghĩa là việc Thiên Chúa tự biểu lộ nơi Đức Giê-su là Đấng Kitô, nên thần học không phải là sản phẩm có tính thuần túy chủ quan của con người”[3].

Bản chất của thần học:  “là tìm hiểu, suy tư về các vấn đề siêu nhiên và thiêng liêng bằng phương diện đức tin. Bất cứ thắc mắc hay câu hỏi có liên quan đến những điều thiêng liêng như thần linh, ma quỷ, thiên đàng, hỏa ngục,… đều liên quan đến thần học. Việc nghiên cứu thần học giúp các thần học gia hiểu biết sâu sắc về truyền thống tôn giáo của họ, truyền thống các tôn giáo khác, tư tưởng thần học chứa đựng trong thần thoại các tộc người, nó có thể giúp các thần học gia khám phá sự tự nhiên của thần học ngoài các suy luận tới truyền thống riêng biệt”[4].

  1. Học Thần học để làm gì?

Tại sao phải học thần học? Học để làm gì? Liệu có phải bắt buộc thì tôi học và thần học chẳng có liên quan gì đến tôi cả? Đó phải là những điều đầu tiên được đặt ra để chất vấn và suy tư dành cho những người học thần học.

  • Học thần học để củng cố và giữ vững đức tin

Đức tin như một quà tặng quí giá mà không ai có thể tự sắm cho mình hay nhờ phương thế tự nhiên nào, hoặc học ở trường đại học nào trên thế giới mà có được đức tin, còn “Thần học vốn được quan niệm như là “sự suy tư về đức tin”. Đức tin theo sát tiến trình làm việc của thần học”[5]. Dựa vào điều này và các định nghĩa trên đủ để ta hiểu được vai trò và mối liên hệ giữa thần học và đức tin. Thần học cho niềm tin những chứng cứ cụ thể, những giải thích có khoa học để người có đạo cũng như không có đạo tin vào những điều có thật, không phải niềm tin vu vơ, thiếu chứng cớ. Thần học cũng là cây cầu nối kết giữa đức tin và khoa học. Khoa học không phải là một phân khoa tách rời hay đi ngược lại đức tin, nhưng đúng hơn khoa học giúp minh chứng sự hiện diện của Thiên Chúa. Đó mới là lý do chính trong việc củng cố đức tin.

  • Học thần học để gặp gỡ Chúa

Trong những năm gần đây, người ta lo lắng về việc trong các trường đại học có các phân khoa về Thần học và dường như Thiên Chúa trở thành đối tượng để người ta nghiên cứu thay vì trò chuyện, gặp gỡ sâu sắc với Ngài. Điều đó càng khẩn thiết cho ta thấy trách nhiệm và sự quan trọng của việc học thần học của người Kitô hữu gắn liền với những kinh nghiệm gặp gỡ Chúa, như Thông điệp của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong thánh lễ ban sáng ngày 28/11 tại Nguyện đường nhà trọ Thánh Marta: “ Đức tin Kitô không phải là một học thuyết hay triết lý mà là cuộc gặp gỡ với Chúa Giê-su”.

  • Học thần học là để phục vụ Nước Trời

Là người môn đệ của Chúa Ki-tô chúng ta luôn ý thức về sứ vụ loan báo Tin mừng mà Người đã khởi sự và truyền lại. Trải qua hơn 20 thế kỉ, đức tin Kitô giáo không tránh khỏi những đe dọa bởi các học thuyết lạc giáo, sự ly khai khỏi giáo hội và những mối nguy đang đe dọa, chất vấn về đời sống đức tin, như Thánh Phêrô đã từng nhắc nhở          “Hãy luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em”(1Pr 3,15). Như thế việc học thần học để giúp người tín hữu đào sâu đức tin của mình, khám phá ra sự liên hệ giữa các chân lý đức tin, một khi đã hiểu rõ và xác tín về đức tin của mình tất nhiên người tín hữu cũng có khả năng để trình bày cho những ai muốn hiểu về Thiên Chúa. Đó là cũng là một cách phục vụ nước Trời trong thời đại hôm nay.

Thần học hoàn toàn để phục vụ dân Chúa: “Thần học tối hậu cũng là đức tin nhắm đến đức cậy được hoạt động bởi đức ái. Thần học đâu phải là một tri thức hão huyền tôn vinh cái tôi. Thần học hoàn toàn để phục vụ dân Chúa trên đường lữ hành, trả lời cho những ai chất vấn về đức tin một cách an bình, vì được thả neo vững chắc trong Thiên Chúa của Đức Giê-su Ki-tô”[6].

  1. Cần học thần học như thế nào?

        Vậy chúng ta cần học, nghiên cứu thần học với thái độ nào? Vì thần học gắn liền với những hiểu biết về Thiên Chúa nên người học thần học cần lắng nghe Lời Chúa, sống trong tâm tình hiệp thông của Giáo Hội và đặc biệt: “Làm thần học không thể thành đạt được nếu không đi liền với thao thức về sự thánh thiện, như Đức Giê-su đã mời gọi. Điểm nổi bật của các Giáo phụ và các Thánh nhân làm thần học là đây: họ là những người đích thực của Thiên Chúa và Thần khí”[7].

        Cần có đời sống đức tin: “Để thực sự làm thần học thì cần phải có đức tin đóng vai trò cầu nối với một ý thức về Thiên Chúa. Đức tin không bao giờ được phép vắng mặt trong công việc của nhà thần học”[8]. Đồng thời cũng cần phải có sự liên hệ giữa thần học, triết học và các khoa học khác. Và công cuộc nghiên cứu thần học không được tách rời khỏi thời đại đang sống, như giáo huấn của Giáo Hội: “Các nhà thần học, trong khi vẫn trung thành với những phương pháp và yêu cầu riêng của khoa thần học, được mời gọi luôn tìm kiếm một phương thức thích hợp hơn để truyền thông giáo lý cho người đương thời”[9].

Kết luận: Tóm lại trong mọi thời đại việc học thần học luôn cần thiết và quan trọng đối với đời sống đức tin của mọi người Kitô hữu, thật đúng như nhận định của Thánh Augustino: thần học giúp ta “Hiểu để tin và tin để hiểu”. Việc học thần học cần được quan tâm, mở rộng hơn nữa và cần phải có những phương pháp nghiên cứu để có thể đương đầu với những khó khăn mà chắc chắn người học sẽ trải qua.

Vũ Thị Châu

 

[1] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Gaudium et Spes, 62

[2] Thomasp.Rausch, S.J Dẫn vào Thần Học, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2008, 16

[3] HĐGMVN, Từ điển công Giáo, NXB Tôn Giáo, Hà Nội,  2016, 819

[4] https://vi.wikipedia.org/wiki/Thần_học

[5] http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/NamThanh/DucTin/55DucTinTrongThanHoc.htm

[6] ỦY BAN THẦN HỌC QUỐC TẾ, THẦN HỌC NGÀY NAY, bản dịch ỦY BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN HĐGMVN, 2012, 4

[7] ỦY BAN THẦN HỌC QUỐC TẾ, THẦN HỌC NGÀY NAY, bản dịch ỦY BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN HĐGMVN, 2012, 4

[8] Thomasp.Rausch, S.J Dẫn vào Thần Học, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2008, 17

[9] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Gaudium et Spes, 62