Bài Mới

Làm cha mẹ nội trợ ở nhà thật là khó, nhưng liệu điều đó có gây ra trầm cảm không? Một cuộc thảo luận gần đây tại Peanut Butter and Grace đã nêu ra vấn đề quan trọng này. Hóa ra câu hỏi này còn nhiều điều để nói hơn những gì chúng ta thấy được.

 

Khảo sát cho biết…

Một cuộc thăm dò của Gallup năm 2012 cho biết 28% các bà mẹ nội trợ được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm so với 17% các bà mẹ đi làm bên ngoài (nghĩa là có công việc toàn thời gian hay bán thời gian và vừa chăm con dưới 18 tuổi).

 

Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là các bà mẹ nội trợ bị trầm cảm nhiều hơn các bà mẹ có việc làm bên ngoài. Ví dụ, các bà mẹ có việc làm bên ngoài cũng bị trầm cảm như các bà mẹ nội trợ; nhưng giữa công việc và trách nhiệm gia đình, họ không có thời gian để tìm đến sự hỗ trợ chuyên nghiệp. Trên thực tế, khảo sát của Pew Research năm 2015 cho thấy phần lớn các bà mẹ có việc làm bên ngoài vẫn cảm thấy nản chí vì sự phân công việc nhà không đồng đều. Như nhà xã hội học Arlie Hochschild đã quan sát, các bà mè có việc làm bên ngoài thường cảm thấy, vào cuối ngày làm việc, họ phải về nhà để làm “ca thứ hai” với tư cách là một người nội trợ.

 

Nhiều bà mẹ có việc làm bên ngoài không chỉ cảm thấy trầm cảm mà còn không có thời gian để giải quyết điều đó.

 

Thu hẹp khoảng cách: Lý tưởng và Thực tế

Bất chấp thực tế, một số người vẫn nghĩ làm mẹ nội trợ là việc dễ dàng. Và rõ ràng là một số bà mẹ nội trợ hạnh phúc hơn trong vai trò của mình so với những người khác. Tương tự, bởi vì nghiên cứu cho thấy những trẻ em được nuôi dưỡng bởi các bà mẹ nội trợ chu đáo và tận tâm thì phát triển tốt hơn những đứa trẻ được chăm sóc bởi các bà mẹ có việc làm hoặc mẹ nội trợ không hạnh phúc, nên có một số phụ nữ cảm thấy họ cần ở nhà với con mình, nhưng họ phải đấu tranh để đưa ra lựa chọn phù hợp với mình.

 

Làm sao để biết được người mẹ nào tìm được niềm vui thực sự khi lựa chọn làm mẹ nội trợ? Hoặc, nếu một người mẹ phải lựa chọn ở nhà, nhưng đang vật lộn với điều đó, thì liệu có cách nào để cô ấy cảm thấy tốt hơn về lựa chọn của mình bên cạnh quyết định trở lại với công việc bên ngoài hay không?

 

Sau đây là một số điều mà nghiên cứu có thể chỉ ra cho chúng ta về những hoàn cảnh cho phép phụ nữ tận hưởng vai trò làm mẹ nội trợ, cùng với một số gợi ý cho những ai trân quý vai trò của một người mẹ nội trợ nhưng hiện vẫn chỉ cảm thấy chút ít niềm vui trong vai trò này.

 

1. Họ được gắn bó an toàn

Nghiên cứu liên tục cho thấy các bà mẹ nội trợ khi được nuôi dưỡng trong những gia đình đầy yêu thương và nâng đỡ, những gia đình luôn có sự đồng thuận, nâng đỡ về mặt tình cảm, và biết áp dụng kỷ luật cách nhẹ nhàng và nhất quán, thì có nhiều khả năng thích làm mẹ nội trợ hơn các phụ nữ ít có gắn bó an toàn. Thuật ngữ “gắn bó” ám chỉ mức độ mà người con có cảm giác sâu sắc rằng có thể cậy dựa vào cha mẹ mình để được hỗ trợ và hướng dẫn về mặt thể chất và tình cảm khi mình cần phát triển.

 

Ngược lại, những phụ nữ lớn lên trong những gia đình ít được nâng đỡ về mặt tình cảm thường có xu hướng biểu lộ sự gắn bó đầy lo âu hoặc né tránh

 

Những phụ nữ có sự gắn bó đầy lo âu thường rất bối rối trong việc nuôi dạy con cái, họ liên tục lo rằng những sai lầm nhỏ có thể hủy hoại con cái họ. Nỗi sợ thất bại liên tục và sự nhạy cảm thái quá trước những chỉ trích mà họ có thể đoán biết (hay thực sự) khiến họ cảm thấy khó có thể tận hưởng bất cứ điều gì khi ở nhà với con. Các bà mẹ nội trợ này có thể đồng thời cảm nghiệm được một sự cam kết cực kỳ cao trong việc làm mẹ nội trợ và sự thỏa mãn cực kỳ thấp trong vai trò đó của mình. Trầm cảm có thể là một triệu chứng của việc vật lộn dưới sức nặng liên tục của cảm giác rằng họ luôn làm sai, luôn thất bại, và chẳng bao giờ đủ tốt cho dù họ đã cố gắng nỗ lực đến mức nào.

 

Tương tự như vậy, nhìn chung những phụ nữ có sự gắn bó mang tính né tránh được nuôi dưỡng trong các gia đình không coi trọng cảm xúc tình cảm thường có xu hướng phải đấu tranh để tận hưởng các mối quan hệ. Việc thể hiện tình cảm và được chiều chuộng nâng niu không đến một cách tự nhiên với họ – và thậm chí có thể khiến họ khó chịu. Họ tập trung và những nhiệm vụ của người mẹ hơn là xây đắp mối quan hệ đáng có với con cái mình. Mặc dù mọi bà mẹ đều cảm thấy mệt mỏi khi dọn dẹp một căn phòng chỉ để rồi phải dọn đi dọn lại, người mẹ có sự gắn bó mang tính né tránh gần như chỉ coi việc làm mẹ là một núi công việc không bao giờ vơi. Họ có thể bị trầm cảm do không bao giờ thấy mình có khả năng hoàn thành bất cứ việc gì.

 

ĐIỀU CẦN LÀM: Nếu bạn đang gặp khó khăn trong lĩnh vực này, thì tin tốt là có một thứ gọi là gắn bó “an toàn sở đắc”. Những phụ nữ gắn bó lo âu có thể học cách ngừng hành hạ bản thân, và những phụ nữ gắn bó né tránh có thể học cách tận hưởng việc làm người hơn là người chỉ lo làm việc. Những cuốn sách như Attachments: Why You Love Feel and Act the Way You Do (Vì sao bạn yêu, cảm nhận và hành động theo cách bạn làm) của tiến sĩ Tim Clinton, hay Attached: The New Science of Adult Attachment (Sự gắn bó: Khoa học mới về Sự gắn bó của Người Trưởng Thành) của tiến sĩ Amir Levine là những khởi đầu tốt để tìm kiếm sự chữa lành. Hoạt động tham vấn chuyên nghiệp cũng là một sự hỗ trợ hữu hiệu để chữa lành vết thương gắn bó.

 

2. Họ tự chọn

Thật khó để cảm thấy thoải mái khi bị ép buộc làm điều gì đó. Nghiên cứu cho thấy những người mẹ cảm thấy buộc phải làm mẹ nội trợ chủ yếu vì áp lực xã hội, hoặc do các phương án chăm sóc trẻ khác nhau không hiệu quả, hoặc các lý do khác, thường cảm thấy bực bội hơn về vai trò của mình và do đó dễ bị trầm cảm hơn.

 

Ngược lại, những người mẹ chọn làm mẹ nội trợ thì trải nghiệm niềm vui thực sự trong vai trò của mình, chủ yếu vì họ thấy, không chỉ giá trị về trí tuệ hay thực tế của vai trò này, mà con giá trị tình cảm trong việc nuôi dưỡng mối quan hệ sâu sắc với con cái mình, tạo ra cuộc sống gia đình ý nghĩa, và vun đắp một ngôi nhà ấm áp.

 

ĐIỀU CẦN LÀM: Trong tâm lý học, ngụy biện kiểm soát bên ngoài là niềm tin sai lầm rằng tôi là nạn nhân bất lực trước hoàn cảnh của mình. Suy nghĩ không lành mạnh này khiến chúng ta thụ động – hung hăng chống lại “số phận” của mình, dẫn đến cuộc “huy động” mọi nỗ lực để rồi kết quả nhặt về là cảm giác không có gì quan trọng, không có gì thú vị, và lầm tưởng tôi không thể làm gì cho cuộc sống mình ý nghĩa hơn. Bất cứ ai đều có thể vướng phải bẫy tâm lý này, nhưng các bà mẹ gắn bó né tránh thì đặc biệt dễ mắc phải.

 

Có những lý do thực tế, hấp dẫn để ở nhà với con cái, nhưng đừng để chúng ngăn cản sự sáng tạo, tài trí, và bản thân bạn phát triển trong những vai trò mà bạn chọn lựa – bất kể chúng là gì! Những người mẹ hạnh phúc không phải lúc nào cũng yêu thích mọi khía cạnh của việc làm cha mẹ, nhưng họ chắc chắn đặt dấu ấn riêng của mình trong mọi việc và trong cách làm việc. Thậm chí khi họ cố phấn đấu để tìm lại năng lượng để thi hành nó, họ coi việc nội trợ và nuôi dạy con cái là một nghề đáng giá mà họ cam kết đi đến cùng và tận hưởng  niềm vui có được.

 

Nghiên cứu về tình trạng kiệt sức chỉ ra rằng khi chúng ta cảm thấy những việc làm và vai trò của mình quá chán nản, thì chìa khóa để phục hồi là hãy thúc đẩy bản thân học hỏi cách làm mới những việc chúng ta cảm thấy “quá quen thuộc”. Mỗi buổi sáng, hãy tự hỏi bản thân, “Làm thế nào để tôi có một ngày ý nghĩa, hứng khởi, và kết nối?” Hãy ưu tiên những mục tiêu này, và tránh viện cớ để trôi qua một ngày làm càng ít càng tốt, hay một ngày như mọi ngày. Những tựa sách Overcoming Passive – Aggression (Vượt qua hung hăng thụ động) của tiến sĩ Tim Murphy và The Corporal Works of Mommy (and Daddy Too!) (Những việc thường nhật tại nhà của Mẹ – và cả Bố nữa!) của Lisa và Greg Popcak có thể giúp bạn.

 

Tham vấn cũng giúp ích rất nhiều trong việc tái tạo năng lực và khả năng sáng tạo của bạn.

 

3. Họ có sự ủng hộ và tham gia của người chồng (và các mối quan hệ hỗ trợ khác)

Khảo sát mới đây của tờ báo Today cho biết 46% các bà mẹ thấy mối quan hệ giữa họ với chồng căng thẳng hơn so với mối quan hệ giữa họ với con cái. Những người mẹ này phàn nàn những ông chồng hay chỉ trích, thiếu sự trợ giúp, là những người ít khi hỗ trợ việc nhà, những người cha xa cách, và những người bạn đời hay đòi hỏi.

 

Các bà mẹ nội trợ hạnh phúc có những ông chồng lên tiếng ủng hộ và khen ngợi công việc họ làm, mau mắn giúp đỡ việc trong nhà, là người thi hành kỷ luật hiệu quả với con cái, và là những người cha tận tụy. Nghiên cứu của Gottman Relationship Institute cũng cho thấy những ông chồng của các bà mẹ nội trợ hạnh phúc biểu lộ trí thông minh cảm xúc mạnh mẽ; nghĩa là họ cho thấy khả năng thực sự coi trọng và đánh giá cao quan điểm của vợ (ngay cả khi họ không đồng ý) và sự cởi mở để tôn trọng, học hỏi từ chuyên môn của vợ (trái ngược với việc chỉ đi cùng, làm cùng).

 

Các bà mẹ nội trợ hạnh phúc cũng cố gắng hết sức để vun đắp những tương quan tình bạn hỗ trợ khác, nhưng điều quan trọng cần lưu ý là việc có những người bạn hỗ trợ không nhằm bù đắp cho việc người chồng thiếu đi sự hỗ trợ mình trong giai đoạn có nguy cơ trầm cảm.

 

ĐIỀU CẦN LÀM: Hãy biết rằng bạn có quyền được chồng hỗ trợ để trở thành một người mẹ tuyệt vời. Nếu chồng bạn là nguồn gốc gây ra căng thẳng lớn hơn các con của bạn, hãy tìm kiếm sự trợ giúp trong hôn nhân ngay. Hãy tìm kiếm dịch vụ tham vấn gia đình chuyên nghiệp. Nếu bạn trở bệnh, bạn không phải xin phép để đi khám bác sĩ. Chồng bạn không nhất thiết phải đồng ý rằng bạn cần được tham vấn (thực ra, anh ấy sẽ không đồng ý nếu sự sắp xếp gặp gỡ ấy là vì anh ấy). Nói chuyện với chồng về điều đó, nhưng dù anh ấy muốn hay không, bạn vẫn cứ đặt lịch hẹn. Hãy cho anh ấy biết bạn có đi cùng anh ấy hay không và bạn mong muốn anh ấy tham gia vào những thay đổi sắp tới. Tiếp nhận mọi sự hỗ trợ mà bạn cần để có được người chồng mà bạn xứng đáng có, và để con bạn có được người cha mà chúng cần.

 

4. Họ có thể đáp ứng những nhu cầu của mình

Những bà mẹ nội trợ hạnh phúc cảm thấy tự tin về khả năng đáp ứng nhu cầu cá nhân, tài chính và các nhu cầu khác của mình – cả khi tự lực và khi cần sự hỗ trợ từ người khác. Họ tự tin vào quyền được nói với chồng mình rằng, “Anh yêu, em cần anh giúp em việc X này.” Cho dù đó là việc vệ sinh buổi sáng, giúp đỡ về vấn đề kỷ luật, hỗ trợ các công việc nhà, hoặc bất cứ nhu cầu nào khác về thể chất, tài chính, tình cảm, tương quan, tinh thần – và họ tin tưởng rằng sự giúp đỡ ấy sẽ đến.

 

Nếu nhu cầu của họ không được đáp ứng, họ thấy đó là một vấn đề cần giải quyết, không phải là một thử thách phải chịu đựng. Một cách thầm lặng. Họ thở dài ngao ngán và siết chặt đôi tay bởi vì họ dám có nhu cầu ngay cả khi không mấy hy vọng rằng một ngày nào đó chúng được đáp ứng. Trầm cảm có thể là kết quả của sự tích tụ các nhu cầu không được thỏa mãn và sự tuyệt vọng khi bị xem như chẳng là gì khác ngoài chiếc máy bán hàng tự động. Ai cũng có thể mắc phải thói quen này, những các bà mẹ có sự gắn bó lo âu đặc biệt dễ mắc phải.

 

ĐIỀU CẦN LÀM: Đừng cho rằng bạn giống như một siêu anh hùng, không được phép có hoặc thể hiện nhu cầu của mình cũng như không mong đợi chúng được đáp ứng. Vào những ngày bạn tự nhiên cảm thấy có kết nối với “cái tôi tuyệt vời nhất” của bạn hơn một chút, hãy viết xuống những điều đã diễn ra khiến việc đó khả thi. Bạn đã nghỉ ngơi thêm chưa? Tập luyện thể dục? Dành thời gian cầu nguyện? Bạn đã làm gì đó thú vị chưa? Tự điều chỉnh nhịp độ khác đi? Ưu tiên các mối quan hệ hơn là các nhiệm vụ? Đó là những nhu cầu. Hãy ưu tiên chúng. Hãy trò chuyện với chồng (ở mức độ phù hợp) và với con của bạn, về cách mà cả nhà có thể phối hợp cùng nhau để làm những việc này thường xuyên. Nếu người bạn đời và gia đình không tiếp thu hoặc phản đối ý tưởng này, hãy tìm đến sự hỗ trợ chuyên nghiệp ngay. Đây là một năng động không lành mạnh sẽ làm suy yếu sức khỏe tinh thần của bạn và sự ổn định của cuộc hôn nhân và gia đình bạn nếu bạn để cho nó tiếp tục.

 

Một cuốn sách có thể giúp bạn xác định nhu cầu của mình và đạt đến sự cân bằng tốt hơn, mang lại cuộc sống lành mạnh, đủ đầy cho các bà mẹ nội trợ là Then Comes Baby: The Catholic Guide to Surviving and Thriving in the First Three Years of Parenthood (Và rồi có con: Hướng dẫn Công giáo cho việc duy trì và phát triển trong 3 năm đầu làm cha mẹ) của tiến sĩ Greg và Lisa Popcak.

Và, như trên, tham vấn có thể giúp ích rất nhiều trong việc phát triển các kỹ năng này.

 

Hãy hiểu rõ

Chắc chắn bạn có thể nghĩ đến nhiều thách thức khác khiến cuộc sống của các bà mẹ nội trợ trở nên khó khăn, nhưng rất có thể là hầu hết những điều khác đều tương đồng với một trong các mục trên.

 

Bạn càng có nhiều kỹ năng và nguồn lực liên quan đến bốn mục trên, bạn càng có nhiều khả năng tìm thấy niềm vui và ý nghĩa cách tự nhiên trong vai trò làm một người mẹ nội trợ. Ngược lại, bạn càng lo lắng (hoặc trầm cảm) bởi vai trò làm mẹ nội trợ, bạn càng có khả năng thiếu một số hoặc thiếu tất cả những điều trên.

 

Không ai có thể ép buộc bạn làm bà mẹ nội trợ. Nếu bạn thực sự không muốn làm như thế, bạn chắc chắn có thể tự do làm việc khác. Có rất nhiều lựa chọn. Nhưng nếu có phần nào đó trong bạn coi trọng ý tưởng làm mẹ nội trợ, bất kể tính cách hay hoàn cảnh, bạn có thể thấy trọn vẹn hơn khi cam kết có được các nguồn lực bạn cần trong việc đạt được ý nghĩa và niềm vui trong vai trò của mình. Việc ấy có thể mất thời gian, và cần sự nỗ lực, nhưng hạnh phúc và thịnh vượng của bạn – cùng với hạnh phúc và thịnh vượng của gia đình bạn – thì xứng đáng và bõ công.

 

Để khám phá thêm nhiều nguồn lực trợ giúp bạn làm mẹ hạnh phúc, khỏe mạnh, viên mãn, bao gồm cả dịch vụ tham vấn Công giáo trực tuyến chuyên nghiệp, hãy tham khảo CatholicCounselors.com.

 

*Ghi chú của tác giả: Có lẽ, tất cả nội dung trên cũng áp dụng cho những ông bố nội trợ. Kinh nghiệm của tôi trong việc tư vấn cho những ông bố nội trợ chăm con qua nhiều năm chắc chắn cho thấy điều này đúng. Thật không may, hiện tại không có đủ nghiên cứu về những ông bố ở nhà chăm con để có thể đưa ra kết luận chắc chắn.

 

Nguồn: catholicexchange 

Tác giả: Dr. Gregory Popcak

Chuyển ngữ: Lê Vũ | CTV JESCOM – Truyền Thông Dòng Tên