Bài Mới

PHẨM GIÁ VÀ VẺ ĐẸP CỦA HÔN NHÂN CÔNG GIÁO
Phêrô Trịnh Minh Phú OP.

Dẫn nhập

Trong bức tranh toàn cảnh về đời sống con người, hôn nhân nổi lên như một vấn đề quan trọng khiến cho Giáo hội luôn thao thức và trăn trở. Bởi vì ngày nay, đời sống gia đình đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn thử thách. Thật vậy, nhận định về hôn nhân trong bối cảnh văn hóa hiện đại, Tông huấn Amoris Laetitia viết rằng: “Trung thành với giáo huấn của Đức Kitô, chúng ta hãy nhìn vào thực tế của gia đình hiện nay trong toàn cảnh phức tạp, với ánh sáng và bóng tối của nó. Những thay đổi về nhân học và văn hóa ngày nay đang tác động lên mọi khía cạnh của đời sống và đòi phải có một lối tiếp cận có tính phân tích và đa dạng”.[1]

Thế nhưng, cách đây hơn 1500 năm, có một vị giáo phụ luôn đặc biệt quan tâm đến đời sống gia đình. Ngài mong muốn làm sao xây dựng các gia đình theo tinh thần Kitô giáo. Mỗi thành viên đều thấm đẫm các giá trị Tin Mừng của Chúa Kitô, để từ đó gia đình trở thành một “Hội thánh tại gia.” Không ai khác, đó là thánh Gioan Kim Khẩu, nhà giảng thuyết lỗi lạc.[2]

Hôn nhân là bí tích thánh thiêng

Qua bao thời đại, nhiều người vẫn luôn nghĩ rằng hôn nhân là chuyện tội lỗi và tầm thường. Chỉ có đời sống tu trì và đồng trinh mới có giá trị cao trước mặt Thiên Chúa. Thế nhưng, thánh Gioan Kim Khẩu ra sức bảo vệ cho tính thánh thiêng và vẻ đẹp của bí tích hôn nhân.[3] Ngài sự dụng các luận chứng Kinh thánh để chống đỡ cho lập trường của mình. Mục đích của thánh Gioan là trả lại cho hôn nhân tính cao cả của nó và đả kích những người theo lạc giáo vốn cho rằng hôn nhân là chuyện xấu xa.[4] Đức Thượng phụ thành Constatinople trả lời: khi nói rằng hôn nhân là tội lỗi và xấu xa, những người theo lạc giáo đã kết án chính Thiên Chúa, Vị Tác Giả của hôn nhân.[5] Theo thánh Gioan Kim Khẩu, hôn nhân là “một sự đền bù cho tình trạng phải chết của con người”[6] bởi vì qua đó, “việc truyền sinh được thực hiện.”[7] Đối với ngài, tình yêu vợ chồng không chỉ là tình cảm lãng mạn, nhưng tình yêu ấy được đổ đầy ân sủng bí tích, giúp cho đôi vợ chồng vượt lên trên những giới hạn của bản tính con người sa ngã.[8] Đồng thời, với ân sủng của hôn nhân, Thiên Chúa cố gắng làm “êm dịu”[9] tính khắc nghiệt của hình phạt phải chết, “kéo ra tấm mặt nạ hung tợn của cái chết” và “tiên trưng về cuộc vinh thắng trên cái chết, tức là sự phục sinh.”[10]

Kinh thánh bắt đầu với tiệc cưới của Adam và Eva và kết thúc với một đám cưới huyền linh: tiệc cưới Con Chiên.[11] Và trong tiến trình lịch sử ấy, Thiên Chúa qua các ngôn sứ, nhiều lần đề cập đến hôn nhân như một biểu tượng tuyệt tác của giao ước giữa Thiên Chúa với dân Người.[12] Thánh tiến sĩ giải thích hôn nhân vừa là hình ảnh của bí tích Thanh tẩy, nơi người tín hữu được kết hợp với Đức Kitô, vừa là hình ảnh của bí tích Thánh Thể, làm nên “một thân thể’[13] của người tín hữu với Đức Kitô. Ngài nói với các Kitô hữu rằng: “Bạn phải giữ cho mối dây hôn nhân luôn bền chặt, nhờ đó, bạn sẽ được bước vào đời sống hôn nhân thiêng liêng vĩnh cửu”.[14] Thánh Gioan Kim Khẩu minh giải rằng qua bí tích Thanh tẩy và Thánh thể, chúng ta trở nên “người tham phần vào bản tính Thiên Chúa.”.[15] Ngài khuyên người nam người nữ hãy sống hôn nhân thuần khiết như Đức Kitô với Giáo hội. Thật vậy, hôn nhân thánh thiêng hieros gamos phải là bản thể của mầu nhiệm Kitô giáo. Nếu Cái chết của Đức Kitô là thánh thiêng, thì hôn nhân cũng phải thánh thiện[16] và bí tích Thánh thể là lễ cưới, cử hành lễ cưới khải hoàn của Con Chiên với Hiền thê của Người.

Hôn nhân xét như một bí tích là hành động thánh thiêng. Nó đặt nền trên mối dây liên kết tự nhiên, vốn được tạo ra bởi sự ưng thuận hỗ tương của người nam và người nữ đi đến cuộc hôn nhân hiệp thông. Mối dây tự nhiên này được chứng thực là mối tương quan thánh thiện và cao quý khi nó được thánh hiến và tôn vinh trong giá trị của mầu nhiệm với nghi lễ và lời cầu nguyện của Giáo hội Chúa Kitô. Theo thánh Phaolô, mầu nhiệm hôn nhân thật sự cao cả bởi vì nó tương ứng với sự hiệp nhất của Chúa Kitô với Giáo hội.[17] Vì thế, Vị Tông đồ dân ngoại yêu cầu chồng “hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh” (Ep 5, 25).

Mối dây liên kết giữa người nam và người nữ trong hôn nhân phải chặt chẽ như mối dây giữa Đức Kitô và Giáo hội. Vì Eva xuất phát từ cạnh sườn Ađam trong giấc ngủ, Giáo hội xuất phát từ Đức Kitô, đấng chịu chết trên thập giá. Từ cạnh sườn bị đâm thâu, máu và nước chảy ra tạo thành Giáo hội. Thánh Gioan Kim Khẩu lưu ý rằng ông Môsê không sử dụng từ “sáng tạo” khi ông nói về Eva, nhưng đúng hơn là động từ “xây dựng” để chỉ ra rằng bà phát xuất đồng bản thể như Adam, không phải bản thể nào khác nữa. Vì vậy, bà không thua kém điều gì trong tương quan với Adam. Bà là người hoàn hảo và ngang bằng với ông. Biết trước rằng nguyên tổ sẽ sa ngã, Thiên Chúa đã tạo nên hôn nhân và nhu cầu an ủi hỗ tương cho nhau. Trong bí tích hôn phối, Đức Kitô hiện diện và chúc phúc cho tình yêu ấy. Với nước thánh tẩy, chúng ta được tái sinh một lần nữa và được nuôi dưỡng nhờ máu Chúa Kitô qua bí tích Thánh Thể. Do đó, vợ chồng là chi thể trong Nhiệm Thể Chúa Kitô. Từ đó, lệnh truyền của thánh Phaolô rằng người nam phải có nghĩa vụ yêu thương vợ mình như “chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh”[18] và ngài thêm rằng “Cũng thế, chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình.”[19] Ủng hộ lập trường của thánh Phaolô, thánh Gioan Kim Khẩu nhấn mạnh rằng không chỉ người chồng phải yêu thương vợ mình, bởi vì người vợ là một phần của họ và được tạo nên vì người nam. Thế nhưng, bởi vì Thiên Chúa đặt ra lề luật cho một điều cao cả, đó là hôn nhân khi Người nói rằng “người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt.” Từ lý do này, thánh Phaolô dạy chúng ta lề luật này để khuyến khích vợ chồng phải biết yêu thương nhau. Và tình yêu ấy sẽ được thể hiện trong đời sống hôn nhân gia đình.

Cách cư xử của vợ chồng trong hôn nhân

Không có mối tương quan nào giữa hai người xa lạ lại chặt chẽ và bền vững như giữa vợ với chồng, nếu họ được hiệp nhất trong tình yêu. Mối tương quan này mạnh mẽ đến nỗi nó trở thành một nguồn lực nối kết xã hội lại với nhau.[20] Thế nên, hôn nhân là một huyền nhiệm của tình yêu. Chỉ trong hôn nhân đạo hạnh, ta mới tìm thấy được tình yêu, bình an và hạnh phúc đích thực. Tình yêu vợ chồng sẽ làm cho hôn nhân trở nên một bến đỗ an toàn, Ở đó, vợ chồng có thể tìm thấy một nơi nương ẩn và họ phải bảo vệ nó khởi bão tố. Do đó, để giữ gìn hạnh phúc gia đình, thánh Gioan khuyên cặp vợ chồng nên bắt chước tấm gương bỏ mình của các đan sĩ bằng cách luôn biết cảm tạ và hát thánh vịnh. Sau khi Đấng Cứu Độ nuôi sống đám đông, Người không bỏ mặc họ để đi ngủ, nhưng dạy dỗ họ. Theo đó, gia đình cũng nên sửa dạy lẫn nhau sau bữa ăn.[21]

Thánh Kim Khẩu nói rằng mỗi ngày đôi vợ chồng Kitô giáo nên dựng lên cho chính mình một hình thức đan viện. Ở đó, người chồng được Thiên Chúa được xức dầu để chiến đấu, rèn luyện chống lại nhưng đam mê dục vọng mỗi ngày. Nếu cần thiết, người chồng cũng phải thí mạng sống vì vợ mình. Trước cảnh người chồng đối xử tàn nhẫn và bất công với vợ, thánh nhân chất vấn những người sống: Có loại hôn nhân nào mà người vợ luôn phải sợ hãi vì người chồng không còn yêu nàng nữa? Ngài trả lời rằng người chồng mà không làm cho vợ mình trở thành người được yêu thì chẳng đáng làm chồng, làm người đàn ông trong gia đình.[22] Tuy nhiên, không chỉ người nam có những bổn phận đối với hôn nhân, nhưng còn cả người vợ nữa. Đối với thánh tiến sĩ, người bạn đời, mẹ của đàn con, nguồn vui của chồng sẽ không bao giờ phải chịu sợ hãi hoặc đe dọa, nhưng là yêu thương và trìu mến. Ngài nhắc nhớ lời giáo huấn của thánh Phaolô: Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa. Tuy nhiên, người vợ phải tôn kính chồng mình như đầu và người chồng phải yêu thương vợ như chính bản thân mình.”[23] Thánh Gioan nhấn mạnh rằng từ ethos của ơn gọi hôn nhân và tu trì đều giống nhau theo nghĩa cả hai đều đem đến cơ hội thánh hóa, nhưng qua đời sống đan tu, đôi vợ chồng có thể tìm thấy những chỉ dẫn để làm sao áp dụng kỷ luật cá nhân trong đời sống gia đình và ngoài xã hội.

Mối tương quan giữa đôi vợ chồng phải dựa trên tình yêu và sự tôn trọng, nhưng tình yêu ấy phải được diễn tả theo nhiều cách thức khác nhau. Vì vậy, người chồng khởi đầu ngày mới phải nói cho người vợ biết anh ta yêu thương vợ mình như thế nào. Người chồng phải cố gắng làm cho vợ cảm thấy mình là người duy nhất. Mỗi ngày, anh phải nói với vợ rằng cô là điều quan trọng nhất không chỉ trong đời này mà cả đời sau nữa: “Thời gian của chúng ta vốn ngắn ngủi và trôi thật nhanh, nhưng nếu chúng ta làm vui lòng Thiên Chúa, chúng ta có thể thay đổi đời sống này vì Vương quốc đang đến, chúng ta sẽ hoàn toàn nên một với Chúa Kitô và nên một với nhau, niềm vui của chúng ta sẽ vô tận”.[24] Qua những lời như thế, người chồng biểu lộ tình yêu thực sự của mình và người vợ có thể hiểu điều đó. Đối với chồng, nàng sẽ người thích hợp hơn bất cứ phụ nữ nào trên dương thế.

Người chồng là đầu của hôn nhân, nhưng điều này không có nghĩa chàng người độc đoán, chuyên quyền. Đúng hơn, đó phải là tâm điểm trong tinh thần phục vụ vô vị lợi, xuất phát từ tình yêu lớn lao. Thánh Gioan Kim Khẩu nói: “Bởi vì vợ bạn phải phụ thuộc vào bạn thế nên đừng hành động như một người chuyên quyền”. “Cũng thế bởi vì chồng yêu thương bạn”, ngài nói với người vợ, “đừng tự cao tự đắc. Kẻo chồng bạn không hãnh diện vì vợ mà người vợ lại vênh váo với chồng. Vì lý do này, người vợ cần phải lệ thuộc vào người chồng để nàng được yêu thương nhiều hơn.”[25] Sự phụ thuộc vợ với chồng cuối cùng phải quy hướng về Chúa, nhưng thánh Gioan Kim Khẩu giải thích rằng người chồng không ông phải là chủ của người vợ. Quyền của người chồng, vốn quy hướng về sự hiệp nhất vợ chồng, xuất phát từ chính Thiên Chúa. Vợ phải phụ thuộc và kính sợ chồng là vì nàng phải phụ thuộc và kính sợ chính Đức Kitô.

Đối với thánh nhân, hôn nhân có sự ràng buộc như đời sống tu trì. Trong đó, vợ chồng phải rất cẩn trọng trước thái độ và cách ứng xử của mình. Vì thế, ngài nhấn mạnh đối với người vợ rằng nàng không được độc ác, xoi mói, luyên thuyên, phung phí, lỗi lẫm. Thánh Gioan tự hỏi: “người bạn đời tội nghiệp ấy phải chịu đựng tính tự phụ và hành động điên rồ hằng ngày như thế nào?”. Nhưng chưa vội kết thúc suy tư của mình, thánh Gioan nói với chồng: “Nếu người vợ thận trọng và tử tế, ngược lại, người chồng nóng vội, khinh thường người khác và hay cáu kỉnh, đối xử với vợ như nô lệ và xem nàng không khác gì một nữ tỳ, thì nàng phải chịu đựng cách đối xử tàn nhẫn và bạo lực ấy như thế nào?”[26] Cuối cùng, thánh Gioan Kim Khẩu khẳng định rằng mối tương quan vợ chồng cần phải tránh vấn đề bạo lực vợ chồng. Ngài viết: “Loại hôn nhân nào mà người vợ phải sợ hãi chồng mình? Người chồng có thấy mãn nguyện và hạnh phúc nếu sống với vợ mình như thể nàng là một người nô lệ không có tự do? Hãy chịu đựng mọi sự vì nàng, nhưng đừng bao giờ ruồng bỏ nàng, vì Đức Kitô không bao giờ ruồng bỏ Giáo hội.”[27] Trong một bài giảng khác, ngài diễn giảng về vấn đề này khi nói: “Chồng đừng bao giờ dùng quyền để lăng nhục và sỉ vạ vợ mình.”[28]Nhấn mạnh đến tình yêu, thánh Gioan Kim Khẩu nói rằng đôi vợ chồng cần học biết tha thứ và chịu đựng lẫn nhau. Trong đời sống hôn nhân, không quan trọng ai sai lầm hoặc tại sao người bạn đời gây ra lầm lỗi như thế. Điều quan trọng là vợ chồng phải cùng nhau cố gắng khắc phục tình huống cách nhanh nhất. Nhắn nhủ các cặp vợ chồng, thánh nhân nói: “Chúng ta hãy khoan dung với nhau và với tình thương. Làm thế nào là khoan dung nếu bạn đang tức giận và ăn nói thô tục? Hãy Nói theo cách: tình yêu. Nếu bạn không thể tha thứ cho người thân cận của mình, thì làm sao Thiên Chúa có thể tha thứ cho bạn? Chúa sẽ tha thứ cho bạn như thế nào? Nếu bạn không thể chịu được người bạn đời của bạn, Chúa sẽ chịu đựng bạn như thế nào đây? ”.[29]

Cha mẹ với việc giáo dục con cái

Đối với thánh Gioan Kim Khẩu, mọi sự đều bắt nguồn từ kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Ngài đặt hôn nhân vào vị trí cao cả vì hôn nhân như một đấu trường mà trong đó, mọi người đều nỗ lực đón nhận lời mời gọi nên thánh. Đây chính là cách thức dẫn đưa vợ chồng và con cái trên đường nên thánh. Và trung tâm cho kế hoạch đó là quà tặng tình yêu vợ chồng: “không có của cải nào có thể sánh được; không có gì quý giá hơn là được một người vợ yêu và yêu nàng”.[30] Thánh Gioan Kim Khẩu phát triển ý tưởng khi cho thấy rằng vợ chồng cùng với con cái tạo thành một “Hội thánh tại gia”. Trong đó, những người trẻ được giáo dục trong đức tin và nhân đức. Các thành viên trong gia đình cầu nguyện và sống theo các mệnh lệnh của Thiên Chúa. Chính khi ấy, Chúa Kitô sẽ hiện diện: “Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.”[31] Thánh Gioan khẳng định thêm rằng không chỉ có Chúa Kitô hiện diện trong gia đình, mà còn có nhiều thiên thần, tổng lãnh thiên thần và quyền thần nữa”.[32] Theo quan điểm của thánh Gioan Kim Khẩu, mục đích dưỡng dục con cái trong gia đình Kitô giáo là giúp cho trẻ trở thành những Kitô hữu tốt lành. Trong các ưu tiên, chăm sóc và dạy dỗ con cái phải là những trách vụ hết sức quan trọng. Thế nhưng, trước hết để làm gương cho con cái, vợ chồng phải có tình yêu, sự điềm tĩnh và tôn trọng lẫn nhau. Các giá trị thiêng liêng này được phản ánh trong cuộc sống hàng ngày của vợ chồng. Và từ đó, con trẻ sẽ cảm nhận được niềm vui trong tâm hồn. Ngài nói rằng người trẻ thiếu suy nghĩ và bồng bột, thế nên cần phải có người giám hộ, thầy dạy, người hướng dẫn. Do đó, các bậc sinh thành trước hết phải thể hiện vai trò của những vị này. Cha mẹ nên dùng Thánh Kinh sửa dạy cho con trẻ học biết cách hành xử đúng đắn, phải dạy dỗ chúng lòng yêu mến sự khôn ngoan đích thực, đó chính là Thiên Chúa. Bởi khi trưởng thành và bước vào đời, trẻ cần được trang bị nhiều tri ​​thức khôn ngoan từ Kinh thánh.[33] Tiếp đó, con cái nên được đặt tên theo danh xưng của các vị thánh. Vì vậy, ngài cho rằng hãy để danh xưng của các thánh bước vào gia đình thông qua việc đặt tên cho con cái Cha mẹ phải dạy cho trẻ hát những thánh vịnh và thánh thi, trong đó ẩn chứa những điều thánh thiêng và huyền nhiệm. Trẻ em nên được dạy cho biết về sự phán xét và trừng phạt đời đời. Nỗi sợ hãi này sẽ hình thành nơi con trẻ những hiệu ứng tuyệt vời. Vì ngay từ thiếu thời, tâm hồn non trẻ đã được dạy dỗ thoát khỏi nỗi sợ hãi này.[34]
Kết luận
Thánh Gioan Kim Khẩu cho thấy mối tương quan giữa vợ chồng phải dựa trên tình yêu, sự bình đẳng và lòng tôn trọng. Chỉ khi ấy, đời sống hôn nhân mới thăng tiến và bền vững. Tình yêu không những là yếu tố cốt yếu trong gia đình, mà còn đóng một vai trò rất quan trọng trong việc nuôi dưỡng con cái. Con trẻ cần phải được dạy bảo theo lệnh truyền của Thiên Chúa, ngõ hầu các em sẽ trở thành chứng nhân của Thiên Chúa trong hành trình tìm kiếm Nước Trời. Bên cạnh đó, Ngài khuyến khích cha mẹ và con cái hãy sống theo tinh thần mà Tin Mừng mời gọi. Đó là lòng quảng đại, hy sinh, sự quan tâm và chia sẻ trong nỗ lực xây đắp hạnh phúc gia đình. Nếu những giá trị này hiện diện trong đời sống hôn nhân, khi đó gia đình mới thực sự trở thành một “Hội thánh tại gia” và sẽ kéo xuống muôn vàn ơn phúc cho các thành viên trong gia đình.

Quan điểm của Kim Khẩu về đời sống hôn nhân và gia đình vẫn còn nguyên giá trị cho đến tận ngày hôm nay. Nhận định về ngài, Đức Bênêđictô XVI nói rằng: “Đã mười sáu thế kỷ kể từ khi thánh Gioan Kim Khẩu ly trần, có thể nói rằng vị thánh thành Antiokia vẫn sống mãi với chúng ta hôm nay qua nhiều tác phẩm ngài để lại”.[35] Lời khẳng định trên đã minh chứng vai trò cũng như tầm ảnh hưởng của thánh Gioan Kim Khẩu trong suốt dòng chảy của lịch sử Kitô giáo.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

ĐGH Phanxicô. Amoris Laetitia. 2017.

John Chrysostom, On the incomprehensible nature of God. Trans. Paul W. Harkin. Washington: Catholic University of America Press, 1982.

John Chrysostom. Homilies. Trans. Harkin. Washington: Catholic University of America Press, 1982.

John Chrysostom, On the prieshood. Paul W. Harkin. Washington: catholic University of America Press, 1982.

John Chrysostom, On Marriage and Family. Trans. Catharine P. Roth and David Anderson.New York: St Vladimir’s Seminary Press, 1986.

John Chrysostom, On Wealth and poverty. Trans. Catharine P. Roth. New York: St Vladimir’s Seminary Press, 1986.

Philip Schaff (ed.) “John Chrysostom”: Nicene and Post-Nicene Fathers, volume 13. Trans. Philip Schaff. Massachusetts: Hendrikson Phublisher, 2012.

Lactantius. On the Deaths of the Persecutors. Trans. by J.L. Creed. Oxford: Oxford University Press, 1984.

Adabert & G. Hamman. Để đọc các Giáo phụ. Tp.HCM: Tôn Giáo, 2014.

Aquilla, Mike. The Fathers of the Church. Huntington: Our Sunday Visitor Publishing Division, 2006.

Brobner H. R. The Fathers of the Church, a comprehensive introduction. Massachusett: Hendrickson Publisher, 2007.

Rahner, Hugo. Church and State in Early Christianity. trans. Leo Donald Davis. San Francisco: Ignatius Press, 1992), p. 44.

Kelly J. N.D. Golden Mouth: the story of John Chrysostom; Ascetic, Preacher, Bishop. New York: Cornell University Press, 1995.

Kelly J.N.D. Early Christian Doctrines. San Francisco: Harper Press, 1978.

Marcus. The influence of Saint John Chrysostom in the West. Constantinople, 2017.

Maxwell J. N. Christianization and communication in late antiquity. New York: Cambridge University Press, 2006.

Parry Ken. The Wiley Blackwell companion to patristics. Oxford: Library of Congress, 2015.

Quasten Johannes, Patrology: Volume III—The Golden Age of Greek Patristic Literature. Maryland: Christian Classic, 1986.

************************************************

[1] ĐGH Phanxicô, Amoris Laetitia, số 32.

[2] Thánh Gioan Kim Khẩu sinh khoảng năm 340 hoặc 350 tại Antiokia. Vì tài năng giảng thuyết nên ngài được gán cho tước hiệu Kim Khẩu. Năm 368, Gioan lãnh phép Thanh tẩy, rồi chuyên chăm học hỏi Kinh thánh. Sau đó, ngài xin gia nhập hàng giáo sĩ, lãnh chức “đọc sách”. Năm 386, Gioan được phong linh mục. rồi được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Constantinopolis.[2] Trong tư cách là giám mục, ngài ra sức chỉnh đốn hàng giáo sỹ và chống bất công. Vì thế, Gioan bị nhiều người ghen ghét, chịu vu khống và tù đày. Ngài qua đời khi đang trên đường lưu đày năm 407.

[3] x. Quasten Johannes, Patrology: Volume III—The Golden Age of Greek Patristic Literature (Maryland: Christian classic, 1986), p.478.

[4] Một số lạc giáo cho rằng hôn nhân là vấn đề xấu xa như: Marcion, Encratitae, Apotactitae, Saccophori, Manicheaeans…

[5] John Chrysostom, Homilies on Colossians, XII: Nicene and Post- Nicene Fathers, volume 13, trans. John A. Broadus (Massachusetts: Hendrịkson Phublisher, 2012) p. 318.

[6] John Chrysostom, Homilies on Genesis, II: Nicene and Post- Nicene Fathers, volume 13, trans. Talabot WThiên Chúa Chambers (Massachusetts: Hendrịkson Phublisher, 2012) p. 21.

[7] Ibid.

[8] John Chrysostom, Homilies on Ephesians, XX: Nicene and Post- Nicene Fathers, volume 13, trans. Gross Alexander (Massachusetts: Hendrịkson Phublisher, 2012) p. 143.

[9] John Chrysostom, Homilies on Genesis, II: Nicene and Post- Nicene Fathers, volume 13, trans. Talabot WThiên Chúa Chambers (Massachusetts: Hendrịkson Phublisher, 2012) p. 23.

[10] Ibid.

[11] John Chrysostom, Homilies on Ephesians, XX: Nicene and Post- Nicene Fathers, volume 13, trans. Gross Alexander (Massachusetts: Hendrịkson Phublisher, 2012) p. 143.

[12] M. Aquilina, “One flesh of purest gold. John Chrysostom’s Discovery of the Blessings & Mysteries of Marriage”, Touchstone, A journal of mere Christianity, vol. 21, issue 1 (2008), 3-15, p. 3.

[13] John Chrysostom, Homilies on Ephesians, XX: Nicene and Post- Nicene Fathers, volume 13, trans. Gross Alexander (Massachusetts: Hendrịkson Phublisher, 2012) p. 146.

[14] John Chrysostom, Baptismal Instructions 6, 24- 25.

[15] 2 Pet. 1,4.

[16] K. P. Wesche, “Reflections on the priesthood on Eastern Orthodoxy”, The Theology of Priesthood, D. J. Goergen, A., Garrido (eds), (New York 2000), p. 182.

[17] John Chrysostom, Homilies on Ephesians, XX: Nicene and Post- Nicene Fathers, volume 13, trans. Gross Alexander (Massachusetts: Hendrịkson Phublisher, 2012) p. 146. Eph. 5, 31-32: “Sách Thánh có lời chép rằng: Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt.32 Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Ki-tô và Hội Thánh.”

[18] Cf. Eph. 5, 25.

[19] John Chrysostom, Homilies on Ephesians, XX: Nicene and Post- Nicene Fathers, volume 13, trans. Gross Alexander (Massachusetts: Hendrịkson Phublisher, 2012) p. 146. Cf. Eph. 5, 28.

[20] M. Shivanandan, Original Solitude: Its Meaning in Contemporary Marriage; a Study of John Paul II’s Concept of the Person in Relation to Marriage and Family, unpublished doctoral dissertation,
John Paul II Institute for Studies on Marriage and Family, 1995, 290-291.

[21] J. Trenham, St John Chrysostom and Married Life, lecture at St. Vladimir’s Seminary on 30th January 2008.

[22] John Chrysostom, Homilies on Ephesians, XX: Nicene and Post-Nicene Fathers, volume 13, trans. Gross Alexander (Massachusetts: Hendrikson Phublisher, 2012) p. 146. Eph. 5, 25.

[23] John Chrysostom, Homilies on Colossians, XII: Nicene and Post-Nicene Fathers, volume 13, trans. John Broadus (Massachusetts: Hendrikson Phublisher, 2012) p. 319.

[24] John Chrysostom, Homilies on Ephesians, XX: Nicene and Post-Nicene Fathers, volume 13, trans. Gross Alexander (Massachusetts: Hendrikson Phublisher, 2012) p. 151.

[25] John Chrysostom, Homilies on Colossians, X: Nicene and Post-Nicene Fathers, volume 13, trans. John Broadus (Massachusetts: Hendrikson Phublisher, 2012) p. 304.

[26] John Chrysostom, De virginitate, 16, PG 48, 553D.

[27] John Chrysostom, Homilies on Ephesians, XX: Nicene and Post-Nicene Fathers, volume 13, trans. Gross Alexander (Massachusetts: Hendrikson Phublisher, 2012) p. 147.

[28] K. F. Mutter, “John Chrysostom’s theology of Marriage and Family”, (Autumn, 1996), 22-32, p. 30.

[29] John Chrysostom, Homilies on Ephesians, IX: Nicene and Post-Nicene Fathers, volume 13, trans. Gross Alexander (Massachusetts: Hendrikson Phublisher, 2012) p. 96.

[30] John Chrysostom, In principium Actorum, PG 51, 49AB.

[31] Mt 18, 20.

[32] John Chrysostom, De inani gloria et de educandis liberis, PG 48, 641D

[33] John Chrysostom, Homilies on Ephesians, XXI: Nicene and Post-Nicene Fathers, volume 13, trans. Philip Schaff (Massachusetts: Hendrikson Phublisher, 2012) p. 155. Cf. Ep 5, 1-3.

[34]John Chrysostom, Homilies on Timothy, IX: Nicene and Post-Nicene Fathers, volume 13, trans. Philip Schaff (Massachusetts: Hendrikson Phublisher, 2012) p. 437.

[35] Đức Bênêđictô XVI dành hai buổi tiếp kiến chung về thánh Gioan Kim Khẩu ngày 19 và 26 tháng 09 năm 2007. Xem http://w2.vatican.va/content/benedict-xvi/en.html