Bài Mới


Có thể nói ngày nay không một người phụ nữ nào muốn kết hôn và sống với một người đàn ông có tính gia trưởng, bởi vì họ rất sợ cái cảnh “Chồng chúa vợ tôi”, cái cảnh mà người vợ đối với ông chồng chẳng khác gì như một ôsin, một đầy tớ, một người giúp việc. Tình cảnh này, ngày nay trong xã hội VN ta không phải là hiếm, không chỉ xảy ra ở vùng nông thôn mà còn diễn ra ở các thành phố, nơi có nhiều gia đình giàu có, trí thức, địa vị cao trong xã hội. Qua thực tế, chúng ta biết được rằng có nhiều bạn nữ tự nguyện thà ở độc thân còn hơn là lấy phải một người chồng có thói độc đoán, vũ phu và gia trưởng.

Trong bài viết có tựa đề “Khổ vì lấy chồng gia trưởng” đăng trên tờ Lao Động điện tử, một tác giả nữ đã tâm sự như sau: Gần 40 tuổi mà tôi vẫn không thoát khỏi cảnh bị chồng quản lý như trẻ con. Bạn bè có người bảo “sướng như tiên thế còn muốn gì nữa?”. Nào ai hiểu cho cảnh “cá chậu chim lồng”? Những lúc buồn tôi hay vào các diễn đàn trên mạng thì mới hay rằng nhiều chị em còn khổ hơn cả mình. Các ông chồng gia trưởng sao mà giống nhau đến vậy, mặc dù họ đều có trách nhiệm hoặc rất thương gia đình nhưng cũng cực kỳ khó tính, bảo thủ, cực đoan, thích điều khiển người khác; họ cho rằng mình luôn luôn đúng nên hiếm khi chịu nhận sai. Họ cũng chẳng cần biết bình đẳng là gì mà chỉ muốn vợ con, cấp dưới phải răm rắp vâng lời, không được như ý thì giận dữ, chê bai, quát tháo bằng những lời lẽ cộc cằn, cay nghiệt, xúc phạm... Sống với người chồng gia trưởng, chị em luôn cảm thấy suy sụp, ức chế…. Có chồng gia trưởng khổ lắm thay! [1]

Quả vậy, một gia đình nào mà có người chồng, người cha gia trưởng thì dễ dàng xảy ra mâu thuẫn, xung đột và bạo lực. Vợ chồng thay vì là bạn đời, bạn đường, bạn tình của nhau thì lại trở nên gánh nặng cho nhau. Chồng sẽ cư xử như một ông chủ độc đoán, còn vợ thì chẳng khác gì như một người đầy tớ hoàn toàn phải quỵ lụy chồng. Con cái trong nhà cũng chỉ là những kẻ nô lệ của người cha gia trưởng, bảo sao nghe vậy, hoàn toàn phải nhắm mắt vâng phục. Người có tính gia trưởng thay vì dùng quyền hành để phục vụ, để nâng đỡ vợ con, gia đình thì lại viện cớ làm gia chủ để thống trị và áp đặt mọi người liên hệ trong nhà.
  
Các chuyên gia tâm lý hôn nhân khẳng định, một trong những nguyên nhân khiến nhiều phụ nữ ngày nay chán chồng, đó là phải sống chung với người đàn ông có tính gia trưởng cổ hủ.[2] Họ cho rằng, xã hội bây giờ phát triển nhưng vẫn còn một số người đàn ông có suy nghĩ cổ hủ phong kiến, đó là những quý ông được các chị em đặt cho cái tên là những ông chồng gia trưởng. Đàn ông gia trưởng không phải là đàn ông bản lĩnh. Bởi vì lấy vợ về để kết bạn trăm năm, chia sẻ vui buồn và cùng nhau đi hết quãng đời còn lại, chứ kết hôn không phải là dịch vụ thuê osin về để sai vặt!

Cũng theo các chuyên gia thì sống với một người chồng gia trưởng, cổ hủ chị em phụ nữ luôn cảm thấy o ép, ấm ức mà không biết than cùng ai. Nói ra thì thiên hạ cười, không nói thì uất ức trong lòng, dần dần mọi thứ vượt qua giới hạn chịu đựng thì cái kết tan vỡ gia đình cũng sẽ xảy ra. Phụ nữ ngày nay luôn đề cao quyền bình đẳng của bản thân trong hôn nhân, họ không còn cam chịu nghe theo mọi sự sắp đặt kể cả vô lý của quý ông như xưa nữa. Chắc chắn người phụ nữ có lòng tự trọng và bản lĩnh thì sẽ khó lòng yêu thương lâu dài một người đàn ông mang căn bệnh gia trưởng cổ hủ được.

Trong phạm vi bài viết này, chúng ta sẽ bàn về khái niệm gia trưởng là gì, đồng thời tìm hiểu một số biểu hiện đặc trưng của một người chồng có thói gia trưởng trong gia đình, cuối cùng chúng ta thử đưa ra một liệu pháp khả thi giúp chữa bệnh gia trưởng.

I. KHÁI NIỆM VỀ GIA TRƯỞNG

Theo nghĩa thông thường, gia trưởng là người chủ gia đình. Đó là người cha, người chồng trong gia đình. Với vai trò lãnh đạo, người gia trưởng có nhiệm vụ tựa như một vị thuyền trưởng lèo lái con thuyền gia đình, lãnh đạo điều hành các sinh hoạt trọng yếu trong nhà. Ngày xưa, ông bà ta do ảnh hưởng của Nho giáo nên rất coi trọng, luôn đề cao vai trò và quyền hành của người gia trưởng. Vì thế mới có câu “Phu xướng phụ tùy”, người vợ phải suy phục chồng trong mọi sự như một đầy tớ tùng phục ông chủ, từ đó mới xảy ra thảm cảnh “Chồng chúa vợ tôi” là vậy. Do cách hành xử độc đoán và cứng cỏi của người đàn-ông-gia-chủ mà khái niệm gia trưởng đã biến thành một thuộc từ mang ý nghĩa của một người chồng quan liêu, độc tài và bảo thủ.

Ngày nay, người ta dùng cụm từ “bệnh gia trưởng” hay “thói gia trưởng” để chỉ tính cách độc đoán, bảo thủ, cứng cỏi, nóng nảy, vũ phu của những ông chồng luôn muốn thống trị, sai bảo vợ con hơn là lãnh đạo, phục vụ, chăm sóc gia đình. Qua đời sống thực tế, chúng ta có thể liệt kê ra một số những biểu hiện sau đây liên quan chứng bệnh gia trưởng của người chồng trong gia đình.     

II. NHỮNG BIỂU HIỆN CỦA MỘT NGƯỜI CHỒNG MANG BỆNH GIA TRƯỞNG

Khi nói đến bệnh gia trưởng, trước hết chúng ta không loại bỏ hai điều này: đó là cũng có vài trường hợp người phụ nữ trong gia đình có thể có thói gia trưởng như đàn ông. Như tính bảo thủ, độc đoán, chuyên quyền, hà khắc…dẫn đến tình trạng chồng sợ hãi phải ly hôn, con cái bất mãn phải rời bỏ gia đình. Tuy nhiên, trên thực tế tình trạng này khá hiếm hoi.

Ngoài ra, cũng có không ít trường hợp người phụ nữ sẵn sàng chấp nhận tính gia trưởng của chồng vì nhiều lý do, như một nữ diễn viên tại TPHCM mới đây đã chia sẻ: “Có nhiều lý do khiến người phụ nữ thường cam chịu, không dám ly hôn chồng dù anh ta vũ phu, gia trưởng. Thứ nhất, họ nghĩ đã lấy chồng là phải đi theo chồng. Thứ hai, họ sợ mình phải quyết đoán một điều gì đó. Thứ ba, họ sợ phải kết thúc một mối quan hệ này rồi sẽ không có một mối quan hệ khác. Thứ tư, phụ nữ còn sợ thay đổi và dễ dàng chấp nhận mọi chuyện vì mong con có đầy đủ bố mẹ. Thứ năm, người phụ nữ không có kinh tế, không đi làm nên phụ thuộc vào đàn ông”. [3]  

Xét một cách thực tế, dù người đàn ông có chút bản tính gia trưởng nhưng nếu biết hành xử một cách thông minh, khéo léo, tế nhị và bản lĩnh một chút thì người phụ nữ sẽ cảm thấy dễ thở và sẵn lòng sống chung với người chồng ấy. Vì thế hiện nay người ta vẫn đưa ra đề tài để tranh luận xem vấn đề gia trưởng tốt hay xấu. Trong một bài viết trên trang TGPSG ngày 6-3-2012 đề cập đến cuộc hội thảo chuyên đề “Gia trưởng tốt hay xấu?” do Ban Mục vụ Gia đình tổ chức tại TTMV TGP Saigon, tác giả bài viết đã nêu ra một số ý kiến của GS-TS Vũ Gia Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Văn hóa - Du lịch như sau: [4]

“Theo lịch sử phát triển xã hội, con người luôn đấu tranh chống thống trị, tìm kiếm sự bình đẳng. Cũng vậy, trong đời sống gia đình, nếu người chồng có tính gia trưởng, luôn thể hiện quyền lực của ông chủ gia đình thì vợ con cũng dần xa lánh và dẫn đến tình trạng đổ vỡ. Tính gia trưởng cũng có mặt tích cực, khi người chồng là một người tính cách chuẩn mực, đạo đức, giáo dục con cái chỉn chu theo nề nếp gia đình và có tính nhân bản cao, thì nhân cách của con cái sẽ hình thành cách vững vàng, sẽ bớt dần nỗi lo trẻ sa ngã, đổ vỡ, hay lệch lạc nhân cách sau này. Người phụ nữ cũng vậy, luôn mong muốn chồng mình là một người khôn ngoan, tài đức, chăm lo cho gia đình. Người “Gia trưởng” đúng nghĩa thì người phụ nữ vẫn luôn cảm thấy hạnh phúc.

“Những điểm hạn chế của tính gia trưởng là khi người chồng luôn luôn thể hiện quyền lực, điều khiển mọi người và quyết đoán mọi việc trong nhà, người vợ phải nghe theo (dù rằng quyết định sai). Tác phong gia trưởng nơi công sở là tự coi mình là người cấp trên, lạm dụng quyền hành, đàn áp dân chủ, tự ý quyết đoán mọi việc, không hỏi ý kiến mọi người. Khi sống với người có tính gia trưởng, mọi thành viên sẽ thấy cuộc sống ngột ngạt, nặng nề…Và gia đình sẽ dễ dàng đổ vỡ”.

Các chuyên gia về hôn nhân gia đình đều cho rằng, thói gia trưởng thủ cựu cực đoan của người đàn ông luôn là một điều tiêu cực, gây nhiều bất lợi trong đời sống vợ chồng. Qua thực tế, ta có thể kể ra một số biểu hiện khá rõ ràng nơi một người chồng mang bệnh gia trưởng.

2.1. Tính độc đoán lạm quyền

Một dấu hiệu rõ nhất nơi người đàn ông gia trưởng, đó là tính độc đoán và thói quen lạm quyền. Có thể nói đây là căn bệnh phổ biến nhất và cũng gây nhiều khổ sở nhất trong một gia đình có người chồng, người cha mang tính gia trưởng. Người đàn ông vốn mạnh mẽ lại nắm giữ vai trò chủ nhà, nên dễ sa vào thói lạm dụng quyền hành nhằm áp đặt người khác, muốn người khác phải nghe theo ý mình, làm theo chỉ đạo của mình và hoàn toàn không có quyền đưa ra ý kiến trái ngược. Họ thích chỉ tay năm ngón, thích sai khiến người khác nhưng lại tỏ ra lười biếng, không bao giờ muốn lăn xả tham gia việc nhà. Họ quát mắng ra lệnh cho người vợ làm chuyện này việc kia nhưng bản thân họ không màng đến trách nhiệm người chồng người cha trong gia đình.   

Khi bàn về Địa vị của người chồng trong gia đình tác giả cuốn “Cẩm nang Hạnh phúc gia đình Ki-tô - Mục vụ Hôn nhân và Gia đình” đã viết như sau: “Có những người đàn ông thích thể hiện quyền lợi của mình. Họ nại đến quyền làm chồng để cưỡng bách vợ phải vâng phục hầu hạ mình. Họ nại đến quyền làm chủ để đơn phương quyết định mọi việc trong nhà. Họ nại đến cả quyền làm đàn ông để hành hạ đàn bà. Khi người chồng chỉ suy nghĩ và hành động trong vòng quyền lợi của mình, thì dĩ nhiên, người vợ sẽ không còn là người bạn đường để cùng xây dựng cộng đồng tình yêu nữa mà có lẽ chỉ còn là người nội trợ không hơn không kém, một người giúp việc để cho người đàn ông sai khiến và sử dụng vào những mục tiêu riêng của mình. Cư xử như thế không phải là thể hiện tư cách làm chủ trong gia đình”. [5]

2.2. Tính nóng nảy vũ phu

Nhiều phụ nữ khi nói về người chồng gia trưởng đã than phiền rằng, trong gia đình họ luôn phải sống trong bầu khí nặng nề, khó chịu, với một tâm trạng luôn buồn chán, sợ hãi và thất vọng. Không có giây phút nào được thảnh thơi, thoải mái cả, vì người chồng gia trưởng thường tỏ ra cáu gắt, nóng nảy trong lúc xử sự với vợ con, họ lúc nào cũng muốn mình là số 1 trong gia đình và những người khác phải tùng phục mình. Do đó khi vợ con làm trái ý họ thì họ nổi điên lên, hành xử cách độc đoán và dễ dàng sử dụng bạo lực để bảo vệ ý kiến chủ quan của mình.

Có người cho rằng tư tưởng phong kiến “trọng nam khinh nữ”, đã khiến cho nam giới trở nên gia trưởng, cho phép mình được bạo hành với phụ nữ. Điều đó rất dễ xảy ra. Ta thấy rằng trong gia đình nào có người đàn ông tính gia trưởng, người phụ nữ luôn bị lép vế và bị coi thường. Họ không dám lên tiếng dù là để bảo vệ điều hay lẽ phải. Có nhiều quý ông còn sa đà vào thói xấu nghiện ngập rượu chè, nhậu nhẹt thường xuyên (sáng xỉn chiều say!), lại mang nặng đầu óc thống trị nên dễ dàng sử dụng bạo lực mỗi khi xảy ra bất hòa, mâu thuẫn trong gia đình.

Các chuyên gia về hôn nhân gia đình cho rằng, bạo lực gia đình chính là một biểu hiện của sự bất bình đẳng giới, tức là sản phẩm của chế độ gia trưởng. Bên cạnh đó, các yếu tố khác như tệ nạn xã hội, kinh tế, mâu thuẫn gia đình, ngoại tình… cũng được xem là nguyên nhân trực tiếp của bạo lực, làm gia tăng nguy cơ của bạo lực gia đình. Điều đáng tiếc là một bộ phận không nhỏ phụ nữ và nam giới không cảm nhận được sự bất bình đẳng này cũng như sự cần thiết phải thay đổi nó. Vì vậy, để giải quyết được triệt để vấn đề bạo lực gia đình, chúng ta cần chú ý giải quyết yếu tố nhận thức của nam giới, phụ nữ và của cả cộng đồng.

2.3. Tính ghen tuông thái quá

Ghen tuông thái quá cũng là một biểu hiện đặc trưng của thói gia trưởng của người đàn ông trong gia đình. Nhiều trường hợp chuyện chẳng có gì to tát cả, nhưng vì quen thói muốn kiểm soát và quản lý hoàn toàn người bạn đời của mình nên quý ông chồng đã lên cơn ghen một cách cực đoan, thái quá. Lòng ghen tuông quá mức nơi người đàn ông gia trưởng chứng tỏ đó là một con người ích kỷ, vô tâm và hẹp hòi.

Các chuyên gia nhấn mạnh rằng, mặc dù ghen tuông có thể là gia vị giúp tình yêu thêm phần thăng hoa, giữ lửa hạnh phúc của cặp đôi, nhưng việc quý ông của người phụ nữ bào chữa rằng: “Vì yêu quá nên mới ghen như vậy!” thì không nên vội vui mừng với câu nói ấy quá sớm, bởi đằng sau sự ghen tuông thái quá đó chính là mặt nạ của tính cách thống trị và áp đặt. Ghen tuông quá mức chính là một biểu hiện rất rõ rệt của người đàn ông gia trưởng. Ghen tuông thái quá sẽ khiến người ấy trở nên tồi tệ vì sẽ không giữ được bình tĩnh, mất kiểm soát trong lời nói và hành động, càng làm tổn thương lẫn nhau mà thôi.

2.4. Tính đa nghi võ đoán

Người chồng có tính gia trưởng cũng luôn biểu lộ tính đa nghi và võ đoán trong lời nói và hành động đối với vợ con. Do có tính độc đoán và chuyên quyền, người gia trưởng luôn bắt buộc người khác phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ của mình. Người chồng luôn tra hỏi vợ về những việc làm và lời nói mà ông ta cho rằng gian dối, không trung thực.

Các nhà tư vấn hôn nhân đã đưa ra lời khuyên là chớ vội kết hôn với người đa nghi, gia trưởng vì sống với người đàn ông có tính nghi ngờ và gia trưởng, cả cuộc đời người phụ nữ sẽ bị kìm kẹp, phong tỏa. Lấy chồng hay lấy vợ, việc hợp tính cách vô cùng quan trọng. Không chỉ sống với nhau một ngày hay một tuần mà là một đời. Quãng thời gian dài như vậy nên yếu tố tính cách con người không thể xem thường, càng không thể bỏ qua. Việc quản lý bạn đời thái quá, liên tục nghi ngờ, muốn kiểm soát bạn đời một cách khắt khe sẽ làm cho người phụ nữ luôn căng thẳng và mất niềm vui sống. Quả vậy, sống với người đàn ông có tính nghi ngờ và gia trưởng, cả cuộc đời người phụ nữ sẽ bị kìm kẹp, phong tỏa. Nếu người đàn ông có thêm tính vũ phu nữa, chưa biết chừng người phụ nữ sẽ phải chịu thêm cảnh bạo hành trong gia đình (như đã bàn ở mục 2.2 bên trên). [6]

2.5. Tính cố chấp hẹp hòi

Một biểu hiện khác nữa rất dễ thấy nơi người chồng gia trưởng, đó là tính cố chấp trong định kiến và hẹp hòi trong chi tiêu.

Cố chấp là gì? Đó được hiểu là cứ một mực giữ nguyên suy nghĩ, ý kiến của mình theo những quan niệm cứng nhắc sẵn có, hoặc là lưu giữ mãi những sai sót của người khác đến mức có định kiến. Do vậy, cố chấp mặc nhiên bao hàm nghĩa thiếu tích cực, dễ ảnh hưởng xấu đến những mối quan hệ xung quanh. Trong đời sống hôn nhân, người chồng cố chấp là người luôn nghĩ mình đúng và bạn đời của mình sai. Điều này một khi đã trở thành định kiến thì rất khó thay đổi. Sống trong hoàn cảnh này, người vợ bắt buộc phải chiều theo ý của chồng, nếu không sẽ xảy ra bất hòa, mâu thuẫn, mà phần thua thiệt sẽ luôn thuộc về người phụ nữ. Ngày nay nhiều người phụ nữ học vấn cao, nghề nghiệp ổn định, lại có địa vị trong xã hội…nên việc phải phục tùng một ông chồng cố chấp, bảo thủ, cứng cỏi không phải là chuyện dễ dàng.  

Ngoài ra, người có tính gia trưởng thường tỏ ra rất hẹp hòi đối với việc chi tiêu trong gia đình. Thực tế đã chứng minh cho thấy sự hẹp hòi, keo kiệt, khó khăn về tiền bạc của người chủ gia đình nhiều khi trở nên nguyên nhân gây bất hòa, mâu thuẫn và đổ vỡ trong mối quan hệ vợ chồng. Người chồng keo kiệt có thể chi một số tiền lớn cho những bữa tiệc vui chơi bạn bè, nhưng lại chi li từng chút trong việc chi tiêu cho vợ con và gia đình. Thói quen này không xuất phát từ đức tính tiết kiệm nhưng từ bản chất ích kỷ, hà tiện của người gia trưởng, họ nghĩ rằng ai cũng phải sống theo ý mình và không muốn người khác được có điều kiện an hưởng sự thoải mái, vui tươi, nhẹ nhàng.   
 
Trên đây chúng ta đã lược qua 5 căn bệnh nổi bật của một người đàn ông có tính gia trưởng. Đối với các cặp vợ chồng Ki-tô hữu, việc người phụ nữ phải chịu đựng một quý ông nặng óc gia trưởng, bảo thủ, độc đoán không phải là chuyện hiếm có. Có người phải cắn răng chịu đựng suốt đời. Có người tìm cách thay đổi lối sống bản thân để thích nghi với chồng. Có người dùng tình yêu và sự nhẫn nại để chinh phục chồng chấp nhận từng bước sự thay đổi về nhận thức và lối sống sao cho cuộc sống hôn nhân không còn là gánh nặng cho nhau nữa.

Trên thực tế ta thấy rằng không phải người đàn ông gia trưởng nào cũng có những thói xấu “mãn tính” cả, cho nên người nào có thiện chí thực sự thì có thể thay đổi, sửa chữa căn bệnh gia trưởng của mình như đã bàn ở trên, nhất là lại được sự cảm thông và giúp đỡ tích cực của người bạn đời.

Sau đây, xin đề nghị một số liệu pháp nhằm chữa trị bệnh gia trưởng của quý ông trong gia đình Ki-tô hữu.

III. LIỆU PHÁP CHỮA BỆNH GIA TRƯỞNG

Nhiều người cho rằng, đối với một số quý ông, thói gia trưởng đã trở thành chứng bệnh mãn tính, nghĩa là khó chữa vì nó đã ăn sâu vào máu thịt của họ. Do vậy, người phụ nữ chỉ còn một cách duy nhất là chấp nhận sống chung với “lũ”! Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều phụ nữ khôn ngoan, mạnh mẽ từng sống với chồng gia trưởng, họ có kinh nghiệm giúp chồng thay đổi tính nết, thói quen, làm sao để sống hòa đồng, hòa hợp với vợ con. Tác giả bài viết “Sống chung với thói gia trưởng” đăng trên tờ báo điện tử Giáo dục Thời đại đã chia sẻ như sau:

“Chồng gia trưởng luôn là nỗi ám ảnh của các bà vợ. Đó là một phần tính cách khó lòng thay đổi được. Vì con cái, gia đình và nhiều thứ ràng buộc, phần lớn các bà vợ vẫn phải sống chung với thói gia trưởng của chồng. Tuy nhiên cũng có những phụ nữ “cao tay” tìm được phương thuốc hữu hiệu để điều trị thói gia trưởng khó ưa. Hầu hết phụ nữ có chồng gia trưởng thừa nhận: khi bước vào cuộc sống chung họ mới thấy: Thói gia trưởng đã ngấm vào máu của chồng, không mong gì thay đổi được nên phải chọn cách đối phó mềm mỏng. Nhiều người áp dụng nguyên tắc “3 không”: Không nghe, không thấy, không biết. Tuy nhiên mỗi cách xử trí đều cần phải khéo léo để chồng thay đổi phần nào tính gia trưởng khó ưa.
“Đàn ông gia trưởng thường thích chỉ đạo, thích thể hiện quyền lực, thích người khác phục tùng, ghét tranh cãi, nên khi vợ gân cổ lên cãi thì chỉ như lửa đổ thêm dầu. Tốt nhất khi họ “lên mặt dạy vợ” thì mình cứ lờ đi, sau đó lựa lúc vui vẻ mà nhẹ nhàng trao đổi thẳng thắn, nghiêm túc về những suy nghĩ trong lòng mình, đừng càu nhàu, cãi vã một cách vô ích. Như ca dao ta có câu “Chồng giận thì vợ bớt lời / cơm sôi nhỏ lửa một đời chẳng khê”.

“Một vài chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên: Người có tính gia trưởng thường luôn độc đoán theo ý mình, không bao giờ lắng nghe người khác nói. Vì thế để đối phó với ông chồng gia trưởng ta cần phải vừa kiên nhẫn, vừa mềm mỏng và không được nóng vội. Bạn nữ hãy xem xét với tính cách của chồng thì việc tranh cãi, phân bua đúng sai đôi khi sẽ không thể đem lại kết quả mà càng khiến mâu thuẫn đẩy lên đỉnh điểm. Hãy học cách phản ứng bình tĩnh. Vì người chồng luôn muốn người khác phục tùng vô điều kiện những đòi hỏi, mong muốn của mình cho nên bạn nữ hãy cố gắng học cách “bớt lửa” trong các cuộc tranh luận. Đôi khi nhẫn nhịn, bỏ ngoài tai có thể giúp bạn bớt căng thẳng. Sau khi anh ấy bình tĩnh lại bạn hãy nhẹ nhàng trao đổi, phân tích cùng chồng về vấn đề xảy ra”. [7]

Sau đây là 4 liệu pháp cơ bản có thể giúp người chồng chữa bệnh gia trưởng một cách hiệu quả nhờ đó đôi bạn sẽ có được cuộc sống chung hạnh phúc lâu dài.

3.1. Liệu pháp số 1: Tình yêu là tất cả

Một danh nhân đã nói: “Không có tình, không có gia đình” (Lord Byron). Đại văn hào Pháp Victor Hugo cũng đã nói: “Ngôi nhà được xây bằng gỗ đá, bằng ngói, bằng cột bằng kèo. Gia đình được xây bằng những việc làm yêu thương. Nó sẽ trụ vững một ngàn năm”. Người chồng là gia chủ chắc chắn sẽ phải là một nhân tố quan trọng trong việc vun trồng và phát triển tình yêu và hạnh phúc trong gia đình. Quý ông nên nhớ rằng, đối với phụ nữ thì tình yêu là tất cả. Do đó, khi ta đối xử độc đoán, chuyên quyền, bạo lực với vợ con thì điều đó chứng tỏ ta không có tình yêu. Mà không có tình yêu thì không có hôn nhân hạnh phúc. Đó là một chân lý không thay đổi. Thánh Phao-lô đã khuyên nhủ chúng ta thế này:

Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13, 4-7). 

Cũng thế, chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình. Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ; trái lại, người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình, cũng như Đức Ki-tô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh, vì chúng ta là bộ phận trong thân thể của Người (Ep 28-30). Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Ki-tô yêu thương Hội thánh và hiến mình vì Hội thánh” (Ep 5, 21-25). 

Yêu như Chúa yêu, điều đó không dễ dàng, đơn giản chút nào. Nhưng đối với Ki-tô hữu, đó là một đòi hỏi thiết yếu nằm trong ơn gọi và sứ mệnh hôn nhân Ki-tô giáo. Như CĐ Vat.II đã khuyên nhủ: “Các gia đình hãy quảng đại, san sẻ cho nhau sự phong phú tinh thần. Như thế, vì gia đình Công Giáo phát xuất từ cuộc hôn nhân là hình ảnh giao ước tình yêu nối kết Chúa Kitô và Hội Thánh, họ sẽ làm cho mọi người thấy sự hiện diện sống động của Chúa Cứu Thế trong thế giới và trong bản chất đích thực của Hội Thánh, qua tình yêu vợ chồng, qua sự quảng đại chấp nhận sinh ảnh con cái. Qua sự hiệp nhất và trung thành của hai vợ chồng, cũng như qua sự hợp tác thân ái giữa mọi thành phần trong gia đình” [8]

3.2. Liệu pháp số 2: Vợ chồng như đũa có đôi

Ta thường nói “Vợ chồng như đũa có đôi” bởi vì hai người là BẠN của nhau. Bạn đời, bạn tình, bạn đường, bạn tri kỷ…Họ cần nhau giúp nhau đồng hành trên cuộc đời đầy khó khăn này. Do đó không thể có chuyện “chồng chúa vợ tôi” được. Thực trạng này chỉ đẩy họ xa nhau, ghét nhau, thù nhau mà thôi. Vợ chồng trước hết phải nhận thức rằng trong hôn nhân không có giai cấp, không có chủ-tớ, không có kẻ trên người dưới. Trái lại đôi bạn bình đẳng, bình quyền và mỗi người phải tôn trọng vai trò và nhiệm vụ riêng của nhau.

Danh ngôn có câu: “Chính sự bình đẳng mới có thể làm cho tình yêu vững bền” (G.E.Lessing). Vậy làm sao để có thể duy trì được sự bình đẳng giữa đôi bạn? Câu trả lời sẽ là, hãy yêu mến và tôn trọng nhau. Tác giả D. Wahrheit trong cuốn “Cẩm nang hạnh phúc gia đình Ki-tô” đã phân tích như sau:

“Với Công Đồng Vaticanô II, hôn nhân được định nghĩa thiết yếu như một cộng đồng tình yêu mà hai người nam nữ, do giao ước hôn phối, cam kết xây dựng với nhau suốt đời. Định nghĩa này đã được Giáo luật mới của Giáo Hội lặp lại trong số 1055 như sau: “Do giao ước hôn phối, người nam và người nữ tạo nên với nhau một cuộc thông hiệp trọn cả cuộc sống”. Nói đến thông hiệp là nói đến tình yêu, mà nói đến tình yêu là không còn nói đến quyền lợi nữa. Tình yêu vợ chồng làm cho hai người bình đẳng với nhau đến độ không ai còn nại đến quyền lợi của mình đối với người khác. Nếu có một thứ quyền lợi mà cả hai phải nghĩ đến, thì đó là lợi ích của cộng đồng tình yêu mà họ đã cam kết xây dựng với nhau. Trong tình yêu hôn nhân, người ta có thể nói rằng, không còn có cái tôi với những quyền lợi riêng tư nữa. Hai người phối ngẫu sẽ không còn phải khẳng định: cái này của tôi, cái kia của ông, cái nọ của bà. Họ thuộc về nhau trọn vẹn, họ chia sẻ cho nhau tất cả mọi sự. Họ có chung một trách nhiệm”. [9]

Vậy để loại trừ căn bệnh gia trưởng nơi quý ông, đôi bạn cần phải giúp nhau xác định lại vai trò, nhiệm vụ của mỗi người trong gia đình. Chẳng hạn, chồng phải có nghĩa vụ với vợ, như: a-Tôn trọng phẩm giá và quyền lợi của bạn mình; b- Chăm sóc sức khoẻ vật chất và tinh thần cho người bạn đời; c- Bảo vệ vợ mình trước mặt người khác; d- Dành thời giờ cho vợ; e- Nếu có xung khắc, cố gắng tìm ra nguyên nhân và dám đối mặt với những xung khắc ấy để giải hòa; f- Vợ thường theo chồng, nên chồng phải thấy được những khó khăn để giúp vợ mình thích nghi dễ hòa hợp; g- Làm trung gian nối kết giữa vợ mình và gia đình; h- Tiếp tay với vợ trong công việc hằng ngày và cùng chăm sóc giáo dục con cái…[10]

3.3. Liệu pháp số 3: Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm

Các nhà chuyên môn đã nhấn mạnh rằng, hôn nhân là sự hợp tác, chia sẻ và mọi trách nhiệm đều phải được phân công hợp tình hợp lý. Họ cũng nhấn mạnh rằng, người ta không còn sống trong thời kỳ mà người chồng luôn là người quyết định mọi việc lớn nhỏ trong nhà mà không hỏi ý kiến của vợ. Đúng vậy, xét thực tế thì ta thấy đôi vợ chồng nào biết chung tay xây dựng gia đình và cùng hợp tác thực hiện những công việc chung trong nhà…thì đôi bạn ấy sẽ hòa hợp và hạnh phúc lâu dài. Như một danh nhân đã khẳng định: “Trong hôn nhân, gặp nhau là bước đầu, sống chung với nhau là bước kế tiếp, làm việc chung với nhau mới làm nên một gia đình êm ấm ” (James Thurber).

Tác giả cuốn “Những quy tắc trong đời sống vợ chồng” khi bàn về vấn đề vợ chồng cùng nhau quyết định mọi việc trong gia đình, đã nêu ý kiến như sau: “Là vợ chồng, hai bạn nên trao đổi, thống nhất với nhau để đưa ra quyết định cho mọi việc dù lớn hay nhỏ trong gia đình. Có nhiều gia đình phần lớn mọi việc do chồng hoặc vợ quyết định, người còn lại chỉ biết nghe theo và ít khi tham gia ý kiến. Đó không phải là biểu hiện  của một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Nó thể hiện sự thiếu cân bằng về trọng lượng lời nói, vị thế của nhau trong hôn nhân. Do đó, để hôn nhân bền vững và hạnh phúc thì đôi bạn phải nắm giữ nguyên tắc này, đó là mọi việc quan trọng trong gia đình, cả hai vợ chồng đều phải bàn bạc, đưa ra ý kiến của mình để cùng thống quyết định chung”. [11]

Như vậy, để chữa bệnh gia trưởng, quý ông nên chấm dứt việc hành xử với vợ con một cách độc đoán, khắc nghiệt và vô cảm. Thực tế có thể người bạn đời của ta ít học, kém thông minh, suy nghĩ nông cạn, ăn nói vụng về, hiểu biết hạn chế, ngoại hình bình thường…nhưng họ cũng là một nửa của mình, chứ không phải là một “cục thịt dư” vô giá trị! Họ là người đồng hành của ta, với ta, chứ không phải là người đi theo để phục vụ ta. Thánh Phao-lô đã nhắc nhở chúng ta về mầu nhiệm bí tích hôn nhân như sau: “Sách Thánh có lời chép rằng: ‘Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt’. Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Ki-tô và Hội Thánh. Vậy mỗi người trong anh em hãy yêu vợ như chính mình, còn vợ thì hãy kính sợ chồng” (Ep 5,31-32).

3.4. Liệu pháp số 4: Một sự nhịn, chín sự lành

Ông bà ta thường khuyên “Một sự nhịn, chín sự lành”. Lời khuyên ấy ngày nay vẫn còn nguyên giá trị. Nhiều người có kinh nghiệm trong đời sống gia đình, khi được hỏi bí quyết nào để có một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc và lâu bền, họ đều trả lời là hãy thực hành chữ NHỊN một cách thông minh và quảng đại. “Nhịn” được coi như là một kỹ năng, một thói quen tốt nhằm giúp cho đôi bạn hóa giải những mâu thuẫn xung đột thường ngày, nhất là trong hoàn cảnh người chồng khó tính, gia trưởng còn người vợ thì tự ái, cứng cỏi. Thực ra, “Nhịn” không phải là im đi cho xong chuyện, càng không phải là nhịn nhục chịu đựng bất công, sai trái…Trái lại trong gia đình của những đôi bạn trưởng thành thì nhịn hay nhịn nhục mang ý nghĩa sự nhượng bộ tích cực của những con người biết điều, biết tự chủ, biết kiềm chế, biết bao dung và tha thứ.

Trong bài viết có tựa đề “Ý nghĩa ‘Một nhịn chín lành’ trong hôn nhân”, tác giả TS Trần Mỹ Duyệt trên trang Mái ấm Nazareth đã đưa ra một số phân tích và nhận định như sau: [12]

“Nhịn nhục đúng nhất không có nghĩa là nhu nhược hoặc khiếp sợ. Tôi nhịn anh, tôi nhường em không có nghĩa là tôi thua anh hay sợ em. Chừng nào hòa thuận trở lại, ta phải biết dùng lời từ tốn để chinh phục đối phương: Hôm nọ anh nói những lời đó với em như vậy anh thấy có đúng không? Người tự trọng và thành thật yêu thương vợ con sẽ tự cảm thấy mình có lỗi, và tuy không xin lỗi vì “mặt mũi”, nhưng chắc chắn trong tâm hồn cũng có một chút hối hận.

“Một cách tích cực hơn, nhịn nhục phải được xây dựng trên đời sống chung, lấy hạnh phúc và tình yêu của nhau làm căn bản. Thử hỏi, sau một trận tranh cãi, ẩu đả ta được gì và mất gì? Biết tự hỏi mình câu hỏi như vậy, chắc chắn sẽ biết kìm hãm lời ăn tiếng nói, và hành động.

“Cái mà người tự ái được sau một cuộc tranh cãi là cái tôi. Tôi thấy mình có giá. Tôi thấy tôi được người khác sợ hãi. Tôi thấy thỏa mãn vì tôi có lý. Nhưng những thứ đó lại không phải là những yếu tố đem lại hạnh phúc lứa đôi, không bảo đảm được tình cảm vợ chồng, cha con, anh chị em trong gia đình. Ngược lại, những điều đó chỉ đem lại cho cá nhân người thắng những gì đắng đót, hối hận. Như một hậu quả tiêu cực, nó làm cho tình cảm và tình yêu bị sứt mẻ, nhiều khi đưa đến tan vỡ một gia đình. Và đây là sự thua thiệt rất lớn. Có khi phải mất cả tuần, cả tháng hoặc cả năm mới hàn gắn được. Tóm lại, để xây dựng và bảo đảm hạnh phúc hôn nhân, duy trì những mối quan hệ tốt trong gia đình, câu nói: ‘Một nhịn chín lành’ luôn là khuôn vàng thước ngọc…”.

Kết:

Chúng ta biết rằng, gia đình của mỗi Ki-tô hữu là một Hội thánh tại gia, trong đó vị gia trưởng được trao phó nhiệm vụ làm chủ gia đình, nghĩa là người lãnh đạo, lèo lái con thuyền gia thất như thánh Giu-se khi xưa. Ngoài những đức tính như khiêm tốn, hiền lành, đức độ, siêng năng cần mẫn, nhẫn nại, bao dung…, người gia trưởng Ki-tô hữu phải chứng tỏ vai trò thật sự cần thiết và quan trọng của mình trong gia đình. Vai trò đó được thể hiện bằng sự hiện diện tích cực của người chồng, người cha được gọi là vị đại diện của Thiên Chúa. Hiện diện để che chở, nâng đỡ, bênh vực, ủi an vợ con khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu, khi thịnh đạt cũng như lúc khó khăn.

ĐTC Phan-xi-cô trong Tông huấn “Niềm vui của Tình yêu” đã nêu rõ vai trò người cha gia đình, như sau: “Thiên Chúa đặt người cha trong gia đình để, với những tính cách quí giá nam tính của mình, ông gần gũi với người vợ, để chia sẻ mọi sự, niềm vui cũng như đau khổ, vất vả cũng như hi vọng. Và để ông gần gũi với con cái trong tiến trình chúng tăng trưởng: khi chúng chơi đùa và học hành, khi chúng vô tư và lo lắng, khi chúng nói năng và im lặng, khi chúng dạn dĩ và sợ hãi, khi chúng lầm đường lạc lối và tìm lại được hướng đi; luôn có sự hiện diện của người cha. Nói ông hiện diện không có nghĩa nói ông kiểm soát. Bởi vì người cha kiểm soát con cái chặt chẽ quá sẽ hủy hoại chúng. Một số người cha cảm thấy mình vô dụng hoặc không cần thiết, nhưng thật ra con cái cần thấy một người cha đang chờ đợi chúng khi chúng trở về sau những thất bại. Có lẽ chúng sẽ làm mọi cách để không thừa nhận điều đó, không để cho ông thấy, nhưng chúng cần ông. Trẻ em không có cha, cũng có nghĩa là chúng bị tước mất tuổi thơ trước thời gian, và do đó là điều không tốt” (Số 177)./. [13]

Aug. Trần Cao Khải


_________________   
* Chú thích:
[1]https://laodong.vn/archived/kho-vi-lay-chong-gia-truong-701533.ldo
[2]https://thuethamtuuytin.com/nguyen-nhan-khien-phu-nu-chan-chong-ngay-cang-nhieu.html
[3]https://nld.com.vn/giai-tri/phu-nu-khong-dam-ly-hon-du-chong-vu-phu-gia-truong-2021101108573598.htm
[4]https://tgpsaigon.net/bai-viet/ban-muc-vu-gia-dinh-chuyen-de-138-gia-truong-tot-hay-xau-37552
[5]http://tinmung.net/GIADINH/GiaDinhKitoHuu/CamNangHanhPhucGDKito/A17_NguoiChongTrongGD.htm
[6] https://afamily.vn/cho-dai-ket-hon-voi-nguoi-da-nghi-gia-truong-3562.chn
[7] https://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/song-chung-voi-thoi-gia-truong-3726363.html
[8] CĐ Vat. II, Gaudium et Spes – HC Mục Vụ, số 48.
[9]http://tinmung.net/GIADINH/GiaDinhKitoHuu/CamNangHanhPhucGDKito/A17_NguoiChongTrongGD.htm
[10]https://giaophannhatrang.org/vi/news/Hon-Nhan-Gia-Dinh/vai-tro-va-trach-nhiem-cua-nguoi-cha-nguoi-me-trong-gia-dinh-19102.html
[11] Alpha Books – Những quy tắc trong đời sống vợ chồng – NXB LĐ-XH 2018 – Trang 44
[12]https://giadinhnazareth.org/tam-ly-giao-duc/tam-ly-hon-nhan/y-nghia-mot-nhin-chin-lanh-trong-hon-nhan/
[13]https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tong-huan-amoris-laetitia-niem-vui-cua-tinh-yeu-41885#_Toc71397941