Bài Mới

365 NGÀY CÙNG CẦU NGUYỆN VỚI LỜI CHÚA & LỜI CÁC GIÁO PHỤ

Nếu bạn đang dành thời gian bên nhau nhiều hơn bình thường, những gợi ý sau đây có thể hữu ích cho bạn. 

 

Đức Phanxicô nói rằng trong đời sống hôn nhân và gia đình, chúng ta luôn muốn được nếm trải tình yêu, cũng như muốn bày tỏ và nuôi dưỡng tình yêu. Để thực hiện được ba điều này, chúng ta cần phải biết cách truyền đạt và đối thoại. 

 

Nhưng đối thoại thì không hề dễ dàng. Trong thực tế, theo Đức Thánh Cha, đó là một “quá trình học hỏi lâu dài và đầy thử thách”.

 

Tuy nhiên, giao tiếp là ơn gọi của chúng ta với tư cách là vợ chồng và là gia đình. Đức Thánh Cha nhắc nhở: “Gia đình là hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng hiệp thông giữa các ngôi vị. Ba Ngôi luôn ở trong tình trạng giao tiếp không ngừng.

 

Làm thế nào để chúng ta có thể phát triển việc giao tiếp trong gia đình mình? Sáu ý tưởng này của Đức Thánh Cha Phanxicô có thể giúp ích cho bạn.

 

01. LẮNG NGHE MÀ KHÔNG BỊ XAO LÃNG CẢM XÚC.

 

Hãy kiên nhẫn lắng nghe mọi điều người khác muốn nói.

Để làm được điều này, chúng ta cần phải nuôi dưỡng sự thinh lặng nội tâm, để có thể lắng nghe mà không bị xao lãng về mặt tâm lý hoặc tình cảm.

 

02. THỪA NHẬN QUYỀN CỦA NGƯỜI KHÁC

 

Điều này có nghĩa là: Tôn trọng người khác và thừa nhận quyền được sống, quyền được suy nghĩ và quyền được hạnh phúc của họ. 

Đừng hạ thấp những gì họ nói hay nghĩ, ngay cả khi bạn không đồng tình và cần bày tỏ quan điểm của riêng mình.

Mọi người đều có điều gì đó để đóng góp vì họ có những trải nghiệm, mối bận tâm, quan điểm và hiểu biết riêng của mình.

 

03. KHÔNG BẮT BUỘC PHẢI ĐỒNG THUẬN

 

Hãy sẵn sàng thay đổi hoặc mở rộng hiểu biết và quan điểm của bạn! Chúng ta không cần phải giống nhau hoàn toàn. Bởi vì hai lối suy nghĩ tuy khác nhau nhưng có thể kết hợp để làm phong phú cho cả hai.  

 

04. CHỌN LỰA TỪ NGỮ PHÙ HỢP

 

Đó là kỹ năng diễn đạt suy nghĩ mà không xúc phạm người khác. Hãy làm điều đó!

Việc đưa ra quan điểm không bao giờ nên gắn liền với việc gây tổn thương. Nhiều bất đồng trong gia đình nảy sinh không phải bởi chuyện gì to tát, mà là do cách diễn đạt bằng giọng điệu hoặc thái độ khi bày tỏ điều gì đó.

 

05. ĐỪNG CỐ GẮNG GIÀNH PHẦN THẮNG BẰNG MỌI GIÁ.

 

Khi cảm thấy mình được ai đó yêu thương, chúng ta có thể hiểu rõ hơn những gì họ đang cố gắng truyền đạt. Bày tỏ quan điểm của mình không nên chỉ là để giành phần thắng trong một cuộc tranh luận hoặc chứng minh rằng mình đúng.

 

06. ĐỂ GIAO TIẾP TỐT, CHÚNG TA CẦN CÓ SỰ CHUẨN BỊ.

 

Khi giao tiếp, chúng ta đang cho đi chính mình. Vì thế, chúng ta hãy làm phong phú bản thân để có thể cho đi từ sự giàu có nội tâm, vốn được nuôi dưỡng bằng việc đọc sách thiêng liêng, suy tư cá nhân, cầu nguyện và mở lòng với thế giới xung quanh. Điều này sẽ giúp đời sống và việc giao tiếp trong gia đình không trở nên tầm thường, nhàm chán hay ngột ngạt. 

 

Tất cả 6 điểm này đều được tìm thấy và khai triển dựa trên các số 136-141 của Tông huấn Amoris Laetitia.

 

 

Tác giả: Kathleen N. Hattrup
Người dịch: Kim Linh
Nguồn: Aleteia