Tôi tình cờ được làm quen với các bạn trẻ lứa tuổi từ 15 đến 20, thông qua các bạn nhỏ của con tôi, và được nghe các bạn nhỏ tâm sự nỗi lòng thầm kín của tuổi ô mai. Lứa tuổi “trăng rằm” và “mười bảy bẻ gãy sừng trâu” không lớn không nhỏ, tánh tình các con giai đoạn này dễ hờn dỗi, mủi lòng, hoặc kích động bộc phát nổi loạn rồi đòi bỏ học. Nếu các bậc phụ huynh không tâm lý khéo léo trong cách cư xử, thì khi các con lỡ làm việc gì sai không đúng theo ý muốn của mình, cha mẹ sẽ dễ dẫn đến tình trạng làm con cái chán nản, sa ngã. Thường các bậc phụ huynh hay có tâm lý áp đặt: cha mẹ nói gì phận làm con chỉ nên lắng nghe không được cãi không được có ý kiến, hoặc cha mẹ có suy nghĩ “con nít làm sao khôn lanh giỏi tính”, làm con phải nghe theo sự chỉ dạy sắp đặt của cha mẹ mới là ngoan là đúng,…
Trẻ em và thanh thiếu niên ngày nay tiếp cận sự văn minh tiến bộ của công nghệ thông tin, nên so với giới trẻ của thập niên 70, thập niên 80 thì các con khôn lanh năng, động hơn rất nhiều. Nếu các bậc phụ huynh không khéo trong việc “nuôi dạy, lắng nghe, thông cảm, thấu hiểu,” và làm bạn cùng con khi con cần, thì nguy cơ sẽ khó mà có những người con ngoan ngoãn, ăn học thành tài, nên người hữu ích cho gia đình và xã hội. Bậc phụ huynh cũng phải “học cách làm cha mẹ với tâm lý thông thái” khi nắm bắt tâm lý con trẻ qua từng giai đoạn. Giai đoạn cấp I với tâm tánh con non nớt nũng nịu, ỷ lại, ngơ ngác trước mọi sự việc lạ, cần cha mẹ trợ giúp, chở che những việc nhỏ cá nhân,… Đến cấp II (từ 12 tuổi đến 15 tuổi), con hay suy nghĩ mình đã lớn rồi, hormone tăng trưởng làm con thay đổi giọng nói, da mặt nổi mụn, tăng vọt chiều cao,… Một số trẻ sẽ có tánh hay cáo gắt, hờn giận, hay trả lời cọc cằn khi bị cha mẹ rầy la. Nếu cha mẹ không có tánh “nhẫn và nguội” để thấu hiểu tâm lý con trẻ, lắng nghe con tâm sự sở thích, ý muốn, như những người bạn con tin tưởng, mà khi con lỡ làm gì sai cha mẹ lại quát nạt lớn tiếng rầy la thì sẽ khó dạy dỗ và uốn nắn con ngoan hiền hiếu thảo chăm học trong giai đoạn này. Con không tin tưởng cha mẹ để trình bày những khó khăn khúc mắc ở trường, lớp, bạn bè, rồi con sẽ nghe lời những bạn xấu học đua đòi mê chơi, lười học, và chọn nghỉ học ở lứa tuổi 15, 16 tuổi (giai đoạn chuyển lên cấp III). Tâm tánh con trẻ khó dạy nhất là lứa tuổi từ 14 đến 18 tuổi, đa số các con hay có suy nghĩ theo nếp sống người lớn.
Vậy nên trước hôn nhân cha mẹ phải trang bị kiến thức: chịu đựng và sửa đổi cái tôi vì nhau, yêu thương hy sinh sự đam mê thú vui riêng của cá nhân để gia đình vui vẻ hạnh phúc. Bậc làm cha làm mẹ cần phải học kiến thức để nuôi dạy con trẻ theo từng giai đoạn lứa tuổi. Không phải cho con “ăn ngon, mặc đẹp”, đủ đầy vật chất là làm tròn bổn phận cha mẹ. Nuôi dạy con nên người hữu ích cho gia đình và xã hội mới là thành công to lớn của bậc cha mẹ. Cha mẹ có đầm ấm hạnh phúc mới có tinh thần nuôi dạy uốn nắn con thành danh và thành nhân.
Tác giả: Maria Sơn Hà Cẩm Tú