Bài Mới

 

Linh mục François Potez đồng hành với các cặp chuẩn bị hôn nhân  trong suốt 35 năm, theo linh mục sự dịu dàng là chìa khóa của tình chung thủy.

Năm 2022 tại Pháp có hơn 42.000 đám cưới được cử hành tại Nhà thờ. Để đáp ứng thách thức to lớn của việc sống đời với nhau, linh mục François Potez, giáo xứ Saint-Philippe-du-Roule, Paris xin các “cặp” chăm sóc đời sống tình yêu của mình trước bao nhiêu công việc tràn ngập hàng ngày, nhất là sức quyến rũ của màn hình đã làm cho nhiều người “chung tình” với màn hình hơn với người… bên cạnh, với năm tháng trái tim họ thành thành chai cứng, chỉ mềm với màn hình! Theo linh mục, sự dịu dàng là chìa khóa của sự bền bỉ. Dịu dàng không phải là ủy mị đa cảm, nhưng là phạm vi của một sự thật, vì nó đòi hỏi một quan tâm đích thực, một sẵn sàng nội tâm để “hiện thực hóa tình yêu” và biểu lộ tình yêu một cách cụ thể. Hơn nữa theo linh mục, giống như mọi nhân đức, dịu dàng có thể được giáo dục, được học hỏi. Chúng ta thấy rõ trong tính dục, trong các cử chỉ nhỏ nhặt hàng ngày, linh mục Potez xin chúng ta đừng bỏ cuộc, từ câu chào buổi sáng đến nụ hôn trước khi đi ngũ. Dịu dàng đôi khi giúp chúng ta vượt những thử thách nghiêm trọng mà cặp vợ chồng nào cũng có lúc trải qua để tế nhị hơn với người kia.

Với kinh nghiệm đồng hành với các cặp chuẩn bị hôn nhân, linh mục Potez đã nhận giải thưởng văn học tôn giáo năm 2023 cho quyển tiểu luận đầu tiên Niềm vui nghiêm trọng, Grave Allegresse. Linh mục vừa xuất bản quyển sách Vì anh chị em quyết định yêu nhau (Puisque vous avez décidé de vous aimer… nxb. Mame), ngài trình bày chi tiết về kế hoạch của Chúa dành cho người đàn ông, người phụ nữ, có lời khuyên để các cặp bước đi đúng hướng trong những năm đầu tiên.

 

Trong 35 năm linh mục, cha đã chuẩn bị cho bao nhiêu cặp bước vào hôn nhân? Cha thích điều gì ở mục vụ này?

 

Linh mục François Potez: Tôi không đếm, có lẽ tôi đã làm đám cưới cho hơn 200 căp và tháp tùng hơn 400 cặp. Tôi tạ ơn cho nét đẹp của tình yêu, một ơn thiêng liêng vì tình yêu làm biến đổi phi thường: “Anh không yêu em vì em dễ thương, nhưng vì anh yêu em nên làm cho em dễ thương…” Như thế không phi thường sao? Trong ánh mắt dịu dàng của bạn, tôi nở hoa, tôi là chính tôi, với thời gian tôi có thể thay đổi, thêm vài nếp nhăn, thêm vài kí lô… Nhưng tôi bình an dưới con mắt yêu thương của bạn, tôi không cần phải làm gì để được yêu, không sợ phải ở tầm cao mới được yêu!

 

Một khi chúng ta vượt qua được tình yêu ban đầu, chúng ta sẽ sớm đi đúng hướng… Cha nghĩ điều gì làm chúng ta cứng lòng?

 

Có rất nhiều lý do: cuộc sống bận rộn, công việc thường ngày, những lo lắng rất thực tế, mệt mỏi, sai lầm khi cho rằng tình yêu là chuyện đương nhiệm có được. Bị cuốn hút bởi những chuyện phải làm tức thì, chúng ta quên mất điều quan trọng; chuyện thứ yếu thành chuyện làm chúng ta bị tràn ngập và xâm chiếm chúng ta. Buổi tối, biết bao nhiêu cặp vợ chồng lên giường với màn hình riêng của mình? Màn hình không phải là vấn đề chỉ dành riêng cho trẻ em! Chúng ta nghĩ mình thư giãn đầu óc để đi ngũ, nhưng thật ra chúng ta làm ô nhiễm bộ não, thay vì để quả tim được lấp đầy. Vậy mà chỉ có tình yêu mới tái sinh. Và vì sự xem thường này, hai quả tim đáng lý mở ra cho nhau, lại dần dần khép kín…

 

Với năm tháng trôi qua, làm thế nào chúng ta xich lại gần nhau?

 

Mới đầu những người yêu nhau có khuynh hướng khám phá bản thân, họ khao khát tìm lại chính mình, họ không ngần ngại từ bỏ chính mình. Tôi nhận thấy qua nhiều năm, họ không còn nói chuyện dễ dàng với nhau. Họ nói chuyện chính trị, những chuyện dễ tạo bất đồng, chỉ trích nhau hơn là thấy lời nói của mình làm tổn thương người kia! Không phải nói cho hả tức, nhưng để cho người kia biết tôi bị tổn thương… Chẳng hạn, rất ít vợ chồng dám nói về dục tính của mình! Càng để lâu thì càng khó nói đến vấn đề tế nhị này. Tôi thường cảnh báo các cặp chuẩn bị hôn nhân: khỏa thân thì dễ hơn là thẳng thắn nói về mình. Phải có một mức độ tin cậy, một cái nhìn trong sạch, một cái nhìn không gợi dục, một cái nhìn yêu thương, không phán xét. Sự tiếp nhận không điều kiện này làm cho người kia biết họ được bảo vệ, họ được sống thật. Lời yêu thương mang lại sự sống. Một lời nói điều gì đó về Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên mọi sự vì tình yêu như câu 9 của Thánh vịnh 32: “Ngài phán, và điều Ngài phán là có thật”.

 

Một số bạn trẻ ngần ngại khi đeo nhẫn, họ sợ mất tự do, họ không chắc chắn về lựa chọn của mình, cha trả lời với họ như thế nào?

 

Tình yêu là một phụ thuộc triệt để, nhưng nghịch lý thay tình yêu lại giải phóng chúng ta! Xã hội phương Tây có cái nhìn méo mó về tự do, tự do bị cho là thoát khỏi mọi ràng buộc, tự cung tự cấp. Không phụ thuộc vào ai là một ảo tưởng vì họ bị kiêu hãnh thắng thế, như thế tôi là nô lệ của chính tôi, của những ham muốn luôn thay đổi, của những xung năng của tôi. Thực tế, cuộc sống chúng ta chỉ có ý nghĩa trong các mối quan hệ.

 

Nhưng có rất nhiều mối quan hệ tan vỡ. Làm thế nào để các quan hệ này kéo dài như một cặp vợ chồng?

 

Sự dịu dàng biểu lộ một cách cụ thể cho tình yêu, là bí quyết của chung thủy, chìa khóa của lâu dài. Đây không phải là cảm giác hay cảm xúc nhưng là nhân đức và giống như mọi nhân đức khác, dịu dàng có thể học được, có thể giáo dục. Chủ yếu dịu dàng không phải là tình dục, tình dục xem tình yêu là khách quan, dịu dàng là cái nhìn, là lắng nghe, là khích lệ. Dịu dàng thể hiện lòng thương xót trong từng cử chỉ, bắt đầu từ những cử chỉ nhỏ nhặt, tầm thường mà theo thời gian chúng ta thường bỏ qua: nụ hôn buổi sáng, nụ cười buổi tối, một điều bất ngờ được trao tặng… Sự quan tâm tinh tế này chạm đến người kia và hơn thế, đánh thức người kia để người kia ý thức được tầm quan trọng của tình yêu, để yêu thương tốt hơn. Vì dịu dàng là duy trì khao khát yêu thương của tôi. Một tình yêu không được bày tỏ sẽ phai nhạt và cuối cùng sẽ chết. Yêu là một quyết định chúng ta làm mới lại mỗi ngày. Việc lựa chọn người kia chắc chắn sẽ bao gồm những cái chết nho nhỏ mỗi ngày, vâng phục nhau (tuân phục nhau, lắng nghe nhau), giải thoát tôi khỏi cái tôi của tôi, giúp tôi có được niềm vui yêu thương.

 

Nếm được sự bình yên, niềm vui, dịu dàng của mối quan hệ: có phải đây là thử thách trong cuộc sống chúng ta khi chuyện gì chúng ta cũng chạy theo với tốc độ 100 dặm một giờ?

 

Tình yêu cần thời gian: thời gian để nhìn vào mắt nhau, để nói với nhau, để lắng nghe, để im lặng, để tay trong tay bước đi… Tôi xin các cặp đính hôn nên thường xuyên gặp nhau, có kế hoạch hưởng tuần trăng mật hàng năm. Chăm sóc tình yêu đòi hỏi ý chí, thời gian và sức lực. Đó là tất cả những gì ngày nay chúng ta thiếu! Nhưng tôi vẫn lặp lại: tình yêu xứng đáng với những gì tôi hy sinh.

 

Có phải dịu dàng có nguy cơ bị sa lầy vào một loại đa cảm ủy mị không?

 

Dịu dàng có một đòi hỏi khắt khe vì nó được người khác đo lường chứ không phải chính tôi đo lường. Nó đòi hỏi một sự thật. Bạn không hài lòng với những cử chỉ máy móc, làm một cách lơ đãng. Dịu dàng là một sẵn sàng nội tâm, quan tâm đến người khác đòi hỏi một hiện diện thực sự, một hiện thực hóa tình yêu. Dịu dàng là nhưng không, không phải là thái độ của ‘có đi có lại’. Yêu thương tinh tuyền không chiếm hữu, không dụ người khác đến với mình với các quà tặng. Dịu dàng làm cho người khác lớn lên, các cặp vợ chồng thường không tránh khỏi cám dỗ kiêu ngạo, ghen tuông và đố kỵ, cả trong quan hệ của họ.

 

Tình yêu chớm nở có thể có khía cạnh tự mê. Khi hai bạn trẻ muốn kết hôn gặp cha, cha chú tâm đến điều gì?

 

Hai người mới yêu nhau có thể bị cám dỗ vào điều muốn làm hấp dẫn nhau, người kia làm tôi thỏa mãn, sự hiện diện của người kia nuôi dưỡng tôi. Chúng ta có thể bị cám dỗ để tập trung vào chuyện này. Kết hôn đòi hỏi một mức độ trưởng thành, khả năng lắng nghe, nói năng và thể hiện bản thân. Không làm mù quáng bản thân, có thể nhìn thẳng vào vấn đề mà không trốn tránh bất kỳ sự chệch hướng nào (công việc, cam kết, v.v.). Những chuyện chúng ta giấu kín, những chuyện chúng ta không muốn người kia thấy, sẽ lộ ra một cách xấu nhất, vào lúc xấu nhất trong đời sống hôn nhân. Tôi nghĩ không có trở ngại lớn nào cho việc kết hợp (hoàn cảnh, giáo dục, tôn giáo khác nhau. v.v.) miễn là họ ý thức được những khó khăn và cam kết đối thoại lâu dài.

 

Nhiều người muốn có một đám cưới tôn giáo nhưng không giữ đạo, họ muốn có một nghi lễ trang trọng, không lùi xùi ở tòa thị chính. Một cơ hội cho Giáo hội? 

 

Ngày nay khi có rất nhiều người trẻ xa rời đức tin, việc chuẩn bị hôn nhân phải là một phần của mục vụ dự tòng như Đức Phanxicô đã nhấn mạnh. Thời gian đính hôn rất thuận lợi. Tại giáo xứ của tôi, chúng tôi đã dám đề nghị: chín buổi tối, hai ngày cuối tuần và một ngày. Chúng tôi đưa ra những điều cơ bản về mối quan hệ của con người (giao tiếp, ngôn ngữ tình yêu, v.v.) và những điều cơ bản của đức tin. Với nhiều người, đó là một khám phá. Và họ còn muốn nhiều hơn nữa! Sau đám cưới, nhiều người xin rửa tội, xin thêm sức, xin vào Giáo hội…

 

Thời gian đính hôn thường là thời gian lãng mạn, nhưng cha chuẩn bị cho họ những khó khăn tiềm ẩn sắp tới. Vì sao việc này có tính cách bắt buộc đối với cha?

 

Thật không may các cặp thường chia tay sau một thử thách nghiêm trọng của họ. Chúng ta thường ở trong nỗi đau của mình, thay vì mở lòng đón nhận nỗi đau của người kia. Đau khổ là điều không thể tránh khỏi. Chúa Giêsu đã không ngăn chặn nó, nhưng Ngài vượt lên, Ngài hiến mạng sống của Ngài… Đứng trước một tình huống, một bức tường không thể vượt qua được, chúng ta sợ nhưng chúng ta chấp nhận thử thách và cùng nhau cố gắng sống với Chúa Kitô. Các cặp vợ chồng sớm muộn đều gặp thử thách: bất đồng ý kiến, sẩy thai, thất nghiệp, nghiện ngập, bệnh tật… Điều cần thiết là chúng ta cùng chịu đựng, không thu mình vào chính mình hoặc lấn át người khác, nhưng an ủi và giúp đỡ nhau. Nhất là chúng ta đừng dừng lại với những câu hỏi tại sao, vì chúng ta có nguy cơ chìm vào lo lắng hoặc tuyệt vọng.

Cách duy nhất để đối phó là quay về với Chúa và hỏi: “Chúa muốn con làm gì?”. Chúa sẽ đáp lại đau khổ bằng một tình yêu lớn lao hơn, bằng việc hiến dâng chính mình. Ngài đã mở ra con đường này cho chúng ta, con đường của sự sống và của niềm vui. Bản thân tôi bị tổn thương, bị bệnh tật. Sự phụ thuộc là cơ hội để tăng thêm quan tâm, tinh tế và sức mạnh của tình dịu dàng với nhau. Với hai điều kiện: không thu mình lại, không cứng lòng; để người kia thể hiện sự khiêm tốn và tinh tế để không bị choáng ngợp. Thế là tình yêu lớn dần.

 

Cha có kỷ niệm nào đáng nhớ của một cặp yêu nhau?

 

Tôi tổ chức lễ kỷ niệm ngày cưới bạch kim của một cặp vợ chồng: 70 năm ngày cưới! Họ đã qua các thăng trầm, thử thách, họ thay đổi, họ già đi, nhưng họ vẫn còn sức cãi nhau, họ tỏa sáng… Tôi ấn tượng trước sự tế nhị tốt đẹp họ dành cho nhau. Họ bình thãn, họ thấy được sức mạnh của cái vuốt tay trên mu bàn tay, quyết tâm cùng nhau đi đến cuối cùng. Tình yêu đích thực không tìm cách thay đổi người khác, nhưng không mệt mỏi tìm ích lợi cho nhau.

 

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

https://phanxico.vn/

lavie.fr, Stephanie Combe, 2024-06-28