Bài Mới

 

Tôi vẫn còn nhớ cái ngày người bạn thân của tôi báo tin cô ấy có thai. Khi đó, tôi đang tham dự buổi định hướng ở trường đại học, vừa hào hứng vừa hồi hộp, bởi vì chỉ trong vài tuần ngắn ngủi nữa thôi, tôi sẽ là sinh viên năm nhất và bước vào cuộc sống mới.

Vì vậy, khi bạn tôi nhắn tin thông báo rằng cô ấy đang mang thai, tôi đã rất hoang mang. Cô ấy là người tôi ít nghĩ tới chuyện làm mẹ nhất, bởi vì cô ấy chưa từng hẹn hò với ai trong nhiều năm. Hàng trăm sinh viên khác tụ tập huyên náo ở phòng hội, còn tôi thì đứng chết lặng nhìn chằm chằm vào màn hình điện thoại và tự hỏi nên nhắn lại như thế nào đây.

 

 

Nhiều năm sau đó, tôi đã cảm thấy chín chắn hơn để có thể xử lý tình huống tương tự. Nhưng lúc đó, may mắn là tôi đã mua cho bạn tôi một bữa tối ưa thích và nghĩ cách giúp sắp xếp lại cuộc sống của cô ấy khi có con. Tuy nhiên dưới đây là một vài điểm mà tôi ước lúc đó mình đã biết.

 

Sau khi người bạn tâm sự với bạn, hãy cho người đó biết bạn đánh giá cao sự tin tưởng mà họ dành cho bạn. Bạn có thể nói những câu như “Cảm ơn bạn đã chia sẻ, điều đó rất có ý nghĩa đối với mình”, hoặc “Cảm ơn vì đã tin tưởng mình trong chuyện này”.

Đã bao nhiêu lần chúng ta cảm thấy lo lắng, lúng túng hoặc thậm chí sợ hãi khi biết mình phải nói với ai đó một điều quan trọng? Bằng cách xác nhận việc bạn lựa chọn chia sẻ với mình, chúng ta khiến cô ấy cảm thấy thoải mái khi tiếp tục bộc bạch tâm sự và giúp cô ấy vượt qua sự dè dặt ban đầu mà cô ấy có thể có khi mở lời trò chuyện.

 

Hãy động viên cô ấy chia sẻ thêm thông tin hoặc cảm xúc với bạn bằng những câu hỏi mở, chẳng hạn như: “Hãy cho mình biết bạn đang cảm thấy thế nào?”. Điều này sẽ giúp cuộc trò chuyện mở ra thành việc bàn luận về những nhu cầu, nỗi sợ hãi và hy vọng của cô ấy.

 

Hãy tập trung vào người bạn và những gì họ chia sẻ với bạn. Điều này có nghĩa là cất điện thoại của bạn đi, dừng chơi điện tử hoặc bất kỳ điều gì có thể làm bạn phân tâm.

Hãy cho người bạn ấy thấy rằng bạn đang thực sự lắng nghe bằng cách đôi lúc gật đầu hay phản hồi lại những gì họ nói, ví dụ như “Hiện tại bạn đang lo lắng về việc chu cấp tài chính cho đứa trẻ phải không?”

Những câu nói này chứng tỏ bạn không chỉ nghe những gì bạn mình nói mà còn thấu hiểu đến mức có thể diễn đạt lại và phản hồi cho họ. Nếu chúng ta là người lắng nghe tốt, chúng ta khơi dậy niềm tin nơi người khác và khiến họ cảm thấy được hỗ trợ và quan tâm.

 

Hãy lắng nghe cẩn thận để giải mã xem bạn của mình thực sự đang cần điều gì. Cô ấy có cần hỗ trợ tài chính không? Cô ấy có cần nơi nào đó kín đáo để đi không? Nếu bạn lắng nghe, bạn sẽ biết nên hướng cô ấy đi đâu dựa trên những gì cô ấy thực sự cần. Nếu tất cả những gì cô ấy cần là một người bạn để nương tựa, thì việc nói với cô ấy về một nhà hộ sinh ở địa phương sẽ không giải quyết được nhu cầu thực sự của cô ấy. Hãy lắng nghe thật kỹ hoàn cảnh của cô ấy để có thể phục vụ cô ấy một cách tốt nhất.

 

Bởi vì các bạn đã có một tình bạn gắn bó với nhau, bạn có thể đặt các câu hỏi khó hơn những gì một người lạ có thể hỏi. Ví dụ: “Bạn thấy quyết định này ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn như thế nào sau 5 năm nữa?”, “Điều khó khăn nhất với bạn trong hoàn cảnh này là gì?”, “Mình có thể giúp bạn vượt qua điều này bằng cách nào?”

 

Nhắc cho người bạn của mình nhớ về những điểm son trong tình bạn giữa hai người. Hãy nói với bạn đó rằng cô ấy là một người bạn quan trọng như thế nào đối với bạn. Hãy cảm ơn cô ấy vì đã luôn ở bên cạnh bạn và hứa sẽ ở bên cô ấy lúc này (khi cô ấy cần nhất). Hãy nói với cô ấy rằng bạn cảm thấy may mắn khi có một người bạn đặc biệt như cô ấy và rằng bạn sẽ ở bên cạnh cô ấy trong suốt giai đoạn này.

Đôi khi chỉ cần biết rằng mình có một người bạn cùng vượt qua giông bão trong cuộc đời là đã có thể giúp thay đổi tình hình rồi. Có lẽ bạn ấy đã biết rằng cô ấy có thể tin tưởng vào bạn, nhưng nghe điều đó được nói ra một lần nữa cũng sẽ không bao giờ gây đau đớn.

 

Hãy thường xuyên hỏi han về cảm xúc của cô ấy và những gì bạn có thể giúp đỡ. Có thể cô ấy sẽ muốn giãi bày hoàn cảnh của mình trong nhiều tháng vì đây là một chuyển biến lớn trong cuộc đời cô ấy. Bên cạnh việc khơi lại câu chuyện, bạn cũng có thể bắt đầu với những câu nói nối kết cuộc trò chuyện ban đầu với cuộc trò chuyện mới, ví dụ như “Lần đầu chúng ta trò chuyện về việc này, bạn có nói rằng bạn cảm thấy sợ hãi. Còn bây giờ bạn thấy thế nào rồi?”

Điều này sẽ giúp người bạn ấy biết rằng bạn có lắng nghe, bạn quan tâm, bạn có thể được tin cậy và quan trọng nhất là, cô ấy rất có ý nghĩa với bạn.

 

 

Tác giả: Julia Pritchett
Người dịch: Bảo Trâm
Nguồn: thecultureproject.org

dongten.net