365 NGÀY CÙNG CẦU NGUYỆN VỚI LỜI CHÚA & LỜI CÁC GIÁO PHỤ

Đáng lý là sếp băng đảng nhưng lại làm linh mục.

Chúng tôi xin giới thiệu đến quý độc giả Linh mục René-Luc, một nhân vật ngoại hạng mà cuộc đời của cha như quyển tiểu thuyết.

17. Một người trẻ nói với các người trẻ

 

Tháng 9 năm 1980, mẹ tôi ghi cho tôi vào học trường tư Thánh Félix, ở Beaucaire. Bà chưa có đức tin, bà sẽ trở lại một thời gian ngắn sau. Nhưng bà thấy tôi thay đổi tận gốc nên bà nghĩ sẽ tốt hơn cho tôi nếu tôi ở nội trú trong cựu tiểu chủng viện này. Hiệu trưởng trường là một linh mục nên tôi có thể đi lễ hàng ngày. Tôi rất vui. Nhưng tôi thấy, không dễ để là tín hữu kitô, nhất là ở Pháp.

Bây giờ tôi mang một dấu hiệu bên ngoài chứng tỏ tôi thuộc về Chúa, tôi đeo cây thánh giá bằng gỗ trên cổ. Đây là dấu chỉ sự gắn bó của tôi với Chúa Giêsu trong thời gian gần đây. Dù tôi học trường tư nhưng tôi cũng bị chú ý và bị chế nhạo. Rất nhanh chóng, bạn bè đặt cho tôi tên hiệu “Giêsu”. Đôi khi cơn giận của tôi muốn bùng lên. Tôi bám vào. Nhờ đọc Phúc Âm, tôi nhớ lại Chúa Giêsu cũng bị nghe những lời phật ý, cứ mỗi lần bị đánh Ngài lại đưa má bên kia ra. Một ngày nọ, có một tên bạn cao to đã nhiều lần bị ở lại lớp dí tôi vào tường. Nó giựt cây thánh giá tôi đeo ở cổ và hét lên:

– Bạn sẽ thấy, Giêsu với cây thánh giá của bạn! Tôi sẽ đóng đinh bạn trên đó!

Sau đó anh cười ngạo nghễ buông tôi ra. Tôi không nói gì, không phản ứng gì. Một hành động chế giễu hoàn toàn vô cớ.

Tôi nghiến răng, tôi cố gắng cư xử như một tín hữu kitô. Tôi nhớ lại câu tôi đã nghe đâu đó: “Một tín hữu kitô làm chứng cho đức tin của mình là một tín hữu bị đóng đinh, một tín hữu kitô không làm chứng là người đã chết”.

May thay tôi có một nơi để giúp tôi lấy lại năng lực. Dì Marie-Dominique tiếp tục đi với tôi đến nhóm cầu nguyện. Một buổi chiều nọ trên đường về, dì đề nghị với tôi:

– René-Luc, dì muốn cuối tuần đem con đến một cộng đoàn mới.

– Đi đâu dì?

– Đến một cộng đoàn mới.

– “Mới” có nghĩa là gì? Giống như khoai tây tươi, có nghĩa là tốt hơn?

– Ồ không, khác chứ! Đó là các cộng đoàn có một phong cách mới khác với các cộng đoàn cũ đã có từ trước đến bây giờ.

– Vậy à? Vậy có cái gì khác?

– Từ nhiều thế kỷ nay, đa số các cộng đoàn trong Giáo hội công giáo là các cộng đoàn của những người thánh hiến, họ sống ở một nơi và theo cùng một luật lệ.

Như cộng đoàn các nữ tu Nevers nơi Bernadette sống?

– Đúng vậy. Nhưng từ những năm 1970, sau Công đồng Vatican II, các gia đình muốn trải nghiệm đời sống cộng đoàn như các linh mục, các nam nữ tu sĩ thánh hiến. Mỗi “bậc sống” có luật riêng, có nhịp sống riêng nhưng hàng ngày họ có thì giờ sống cộng đoàn với nhau: cầu nguyện, làm việc, ăn uống… Thậm chí họ chia sẻ một phần số lương của mình. Đó là các nhóm có nhiều ơn gọi khác nhau trong cùng một cộng đoàn mà Giáo hội gọi là “cộng đoàn mới”.

– Nghe có vẻ hấp dẫn, con chưa bao giờ nghe nói đến.

– René-Luc, con còn nhiều chuyện để biết. Tuần sau, dì có một cuối tuần học Thánh Kinh với một trong các cộng đoàn này; nếu con muốn, dì dắt con đi theo.

– Được dì! Tôi nhận lời ngay lập tức, thường tôi nhận lời ngay về những chuyện dính đến đức tin và kinh nghiệm thiêng liêng.

* * *

Trong “cộng đoàn mới” này, mọi người thân thiện, hiếu khách, chủ yếu là người trẻ. Tôi tìm thấy một chút bầu khí của nhóm cầu nguyện, nhưng có một khác biệt là họ sống chung với nhau thay vì gặp nhau một tuần một lần. Đây là lần đầu tiên tôi sống một cuối tuần tĩnh tâm. Tôi là trẻ vị thành niên duy nhất trong số các người tham dự. Chủ đề Tin Mừng hôm đó là sự hy sinh của I-sa-ác. Tôi khám phá Cựu Ước và tôi rất thích.

Tôi rất thích những ngày này đến mức tôi còn trở lại nhiều cuối tuần khác. Trong thời gian này, mẹ tôi cũng trở lại, bà cùng đi theo tôi. Đời sống cộng đoàn bắt đầu thu hút hai mẹ con tôi. Gần như xa rồi thời gian hai mẹ con căng thẳng với nhau! Tôi cảm thấy mình đổi mới, đổi mới trong sâu thẳm bản thể tôi.

Bây giờ hai anh tôi đã tự lập. Tháng 1 năm 1981, vào giữa niên học, chúng tôi quyết định vào cộng đoàn, mẹ tôi và hai em gái tôi. Tuy nhiên sau vài tuần, mẹ tôi thấy đời sống này không hợp với bà, bà và hai em gái tôi đi ra.

– Còn Lulu, con muốn làm gì? mẹ hỏi tôi.

– Con, con muốn ở lại đây để tiếp tục tiến trình thiêng liêng của con.

– Nhưng con mới mười bốn tuổi!

– Mẹ ơi, theo Chúa thì không có tuổi!

– Thú thật mẹ chờ con lớn lên một chút để quyết định. Nhưng nếu những người có trách nhiệm đồng ý để con ở lại thì mẹ tôn trọng chọn lựa của con.

Bình thường người ta không vào cộng đoàn trước tuổi trưởng thành, dù đó là cộng đoàn “mới”, và như thế là đúng lý. Nhưng vì thấy tiến trình của tôi, những người có trách nhiệm thấy tốt cho tôi nếu tôi ở lại. Chúng tôi không cần đi phải Rôma để xin phép đặc biệt như trường hợp Thánh nữ Têrêxa khi mới mười lăm tuổi. Chọn lựa của tôi không có cùng hệ quả. Tôi vẫn tiếp tục đi học như bình thường. Cũng có các em bé hay các em tuổi vị thành niên khác ở trong cộng đoàn, nhưng điều khác biệt là tôi tự chọn lựa đời sống này chứ không theo cha mẹ như các em khác.

Đi học về, thay vì đi chơi lông bông như các em bé cùng tuổi, tôi tham dự vào đời sống cộng đoàn: cầu nguyện, phục vụ cộng đoàn, đào tạo…

Buổi sáng tôi dậy khá sớm để có thì giờ cầu nguyện. Khi có thể được, tôi xin linh mục cho tôi rước lễ trước để tôi kịp đi học. Các thành viên khác trong cộng đoàn xem tôi như một tu huynh đặc biệt.

Năm mười sáu tuổi, tôi ra trước một thẩm phán giám hộ và tôi có được điểm cao do chín chắn. Khi phải ký giấy ở trường hay khi cần xin vắng mặt, tôi tự làm. Việc này không làm cho ông giám thị vui, nhưng tôi có luật bảo vệ và tôi rất vui được áp dụng luật này.

Một ngày nọ, ông Jean-Marc, người trách nhiệm của cộng đoàn gọi tôi lại:

– Con có biết sư huynh Daniel-Ange không?

– Con chưa bao giờ nghe.

– Đó là một ẩn sĩ. Ông sống gần thành phố Nice. Thời gian gần đây ông viết nhiều sách và giảng trong các khóa Canh tân. Vừa rồi ông nghe có tiếng gọi ông phải rời ẩn thất để làm sứ vụ theo mô hình “bella brigata” của Thánh nữ Catarina Siêna.

– Bella brigata là gì?

– Bella brigata của Thánh nữ Catarina Siêna là những người canh gác cho tình yêu. Bà là thánh nữ người Ý vào thế kỷ thứ 12. Bà thành lập các nhóm truyền giáo nhỏ gồm đủ thành phần tín hữu kitô: giáo dân, vợ chồng, người trẻ, người lớn tuổi, linh mục… Ý tưởng là nhóm anh em này đại diện cho tất cả các thành phần khác nhau của Giáo hội và trong Giáo hội.

– Vậy thì sao?

– Vậy thì sư huynh Daniel-Ange muốn thành lập một nhóm anh em giống như vậy để đi rao giảng Tin Mừng ở trường trung học Megève. Và vì trong cộng đoàn chúng ta có các cặp vợ chồng, có anh chị em, có các linh mục, thầy nhờ chúng ta gởi đến một nhóm nhỏ. Tôi đề nghị con đến đó, con là người trẻ nhất nhóm. Con đi chứ?

Và thế là tôi đi! Tôi chấp nhận không do dự. Nhóm bella brigata của chúng tôi gồm bảy người: ông Jean-Marc và vợ là bà Mireille; Cyrille, một sư huynh tận hiến cao gần hai mét; ông Jean-Louis và Etienne, giáo sư triết lý sẽ rất hữu ích để trả lời các câu hỏi của các bạn trẻ; sư huynh Daniel-Ange chưa là linh mục và tôi.

Sư huynh Daniel-Ange ở độ tuổi năm mươi nhưng nhìn rất trẻ. Ông rất thân tình coi nhau như anh em, chúng tôi hợp nhau ngay.

Tháng 2 năm 1981 đến. Một tuần “sứ vụ” ở Megève. Khi chúng tôi vào lớp một, sư huynh Daniel-Ange nhờ tôi nói chứng từ của tôi. Đây là lần đầu tiên tôi phải nói trước lớp học. Tôi rụt rè. Vì không phải dễ để nói về mình, nhất là chuyện vừa xảy ra. Đến một lúc giọng tôi bị khản, tôi phải hắng giọng để nói tiếp. Nhưng tôi có thể nói, các bạn trẻ lắng nghe tôi. Ánh mắt của họ khuyến khích tôi khi họ thấy tôi gặp khó khăn khi nói tiếp. Đến đoạn tôi kể cuộc gặp với mục sư Nicky thì tôi nói trôi chảy. Tôi nói dễ dàng về các bước đầu đức tin của tôi. Câu chuyện trôi chảy. Các học sinh cùng tuổi với tôi, có vài người lớn hơn. Sư huynh Daniel-Ange thấy ngay tác động của người trẻ nói với người trẻ, đến mức mà mỗi khi vào các lớp mới, lúc nào sư huynh cũng để tôi nói trước để “lên khí thế”. Chúng tôi trải nghiệm những gì Đức Gioan-Phaolô II đã nhiều lần nói, nhất là trong bài diễn văn với các giám mục Pháp tháng 3 năm 1982: “Chính các người trẻ là tông đồ đầu tiên cho người trẻ.”

Chứng từ của tôi nói xong, tôi thấy nhiều bạn trẻ xúc động. Khi đó sư huynh Daniel-Ange mới lên tiếng và trả lời các câu hỏi của các bạn trẻ. Cùng với các thành viên khác trong nhóm nhỏ của chúng tôi, chúng tôi cố gắng khai sáng cho các bạn trẻ.

Ngày 6 tháng 2 năm 1981, vào cuối sứ vụ, chúng tôi được tin Marthe Robin qua đời hay nói chính xác hơn là “sinh ra trên trời”. Chúng tôi quyết định đến ngay bên đầu giường của bà. Tôi là người duy nhất không biết bà, tôi hỏi Mireille:

– Bà Marthe Robin là ai vậy?

– Một phụ nữ phi thường. Hay đúng hơn một phụ nữ bình thường có một định mệnh thiêng liêng phi thường. Một nhà thần nghiệm đích thực. Thêm nữa bà lại được in các dấu thánh.

Tôi chưa bao giờ nghe đến chữ này, tôi lại phải xin Mireille giải thích cho tôi.

– Marthe mỗi ngày sống sự thương khó của Chúa Giêsu, từ ngày thứ năm đến ngày thứ sáu. Đặc biệt bà sống sự đau khổ do mũ gai đâm vào đầu, cùng các vết thương ở chân và tay do bị đóng đinh. Marthe bị chảy máu rất nhiều ở các vết thương của Chúa Giêsu. Những vết thương này gọi là “dấu thánh”.

Tôi chưa hết ngạc nhiên thì Mireille lại cho tôi biết thêm một chi tiết trong đời sống của Marthe mà tôi không nói được lời nào.

– Marthe đã sống năm mươi năm không ăn không uống, chỉ nhận thức ăn duy nhất là bí tích Thánh Thể mỗi tuần một lần.

– Thật vậy sao?

– Tất cả đều đã được y khoa kiểm chứng. Khi bà bị liệt, bà sống trong đêm đen vì bà không chịu được ánh sáng. Chúa là Ánh sáng duy nhất đời bà. Rồi bà xây dựng các cơ quan từ thiện được lan rộng khắp thế giới!

Tôi rất ấn tượng về tất cả những gì người ta kể về Marthe. Tôi mong mau gặp người phụ nữ phi thường này. Từ Megève, chúng tôi đến nhà Marthe ở Château-neuf-de-Gallaure.

Hàng trăm giáo dân hành hương đến nhìn Marthe lần cuối. Chúng tôi chờ lâu mới đến lượt mình vào phòng bà. Cuối cùng là đến lượt chúng tôi.

Marthe nằm trên chiếc giường nhỏ, bà nhỏ tí xíu. Trông bà thật nhỏ bé, thật yếu đuối, thật mong manh. Có thể nào một cơ thể gầy gò ốm yếu như thế mà Chúa chọn để thể hiện tất cả quyền năng của Ngài? Rõ ràng là vậy. Trên trán bà, tôi thấy có các vết máu khô nhỏ, dấu vết của dấu thánh mũ gai để lại. Tuy nhiên khuôn mặt của bà tỏa ra một nét bình an, nói thế nào đây? Cao thượng tuyệt vời.

Tôi quỳ bên cạnh thân hình nhỏ bé này và tôi nói với Marthe ý chỉ cầu nguyện của tôi. Vừa về nhà, tôi tìm tất cả các sách nói về Marthe để đọc. Marthe trở nên “bà chị cả” của tôi trên trời.

Khi về trường sau lần đi thăm Marthe và sứ vụ đầu tiên ở Megève, tôi cảm thấy đức tin của tôi được củng cố. Đúng vậy, như giáo hoàng Ba Lan đã nói: “Đức tin được củng cố khi mình đem cho.”

Sư huynh Daniel-Ange và tôi phát triển một tình bạn rất đẹp và thầy mời tôi đến ở vài ngày tại ẩn thất của thầy miền cao thành phố Nice. Ẩn thất là một nông trại cũ được xây hoàn toàn bằng đá. Chuồng cừu biến thành nhà nguyện, một căn phòng đẹp bên ngoài là đá. Cầu nguyện ở đó thật yên tĩnh.

Sư huynh Daniel-Ange chưa là linh mục, nhưng thầy được đặc ân giữ Mình Thánh Chúa: một nhà tạm với bánh thánh. Mỗi ngày chúng tôi chầu hàng giờ trước Thánh Thể, chúng tôi hát giờ kinh.

Thời giờ còn lại thầy Daniel-Ange viết. Hoặc thầy trả lời thư, hoặc thầy viết sách. Còn tôi, tôi làm một vài thứ hoặc ra ngoài đi dạo. Đúng là những ngày tĩnh tâm với thiên nhiên. Chúng tôi ăn uống đạm bạc, Thánh Kinh chẳng dạy con người không phải chỉ sống bằng bánh, nhưng còn bằng Lời Chúa đó sao? Giữa hai miếng bánh mì nhúng vào sữa Ricoré, thầy Daniel-Ange hỏi tôi:

– René-Luc, con có biết tên con có nghĩa là gì không?

– Dạ có, đó là tên ghép của cha đỡ đầu René và của mẹ đỡ đầu Lucie.

– Đó là gốc gác tên, nhưng không phải theo nghĩa đó mà thầy hỏi. Thầy muốn hỏi con có biết nghĩa tu từ học của tên con không. René có nghĩa là “sinh ra lại”. Đó là tên riêng của các tín hữu kitô đầu tiên đặt cho những người lớn khi họ vừa được rửa tội, người ta còn gọi những người này là những người “sinh ra lại” với cuộc sống mới.

– Con không biết chuyện này.

– Còn tên Luc, con có biết nghĩa là gì không?

– Con không biết gì.

– “Luc” từ tiếng la-tinh là lux, lucis…

– Có nghĩa là gì?

– Là “ánh sáng” (Lumière, Luc).

– Thầy muốn nói René-Luc có nghĩa là “sinh lại trong ánh sáng” phải không?

Ánh sáng! Tôi khám phá hai tên riêng của tôi mang âm hưởng thiêng liêng. Ghép chung, hai tên này nói về đức tin của tôi, về đời sống mới của tôi. Dứt khoát, không bao giờ có gì là tình cờ. Bởi vì ánh sáng này đến với tôi từ sự hiểu biết về Chúa Giêsu, một sự hiểu biết càng ngày càng đuổi đi các bóng tối trong đời tôi. Tôi từ bỏ mình để dâng hiến cho đời sống mới này. Và đã có một khát khao lớn lao trong lòng tôi: ước mong sự tái sinh riêng của tôi giúp cho các người khác “tái sinh trong ánh sáng”.

Còn tiếp ... Chúa ở trọn tâm hồn (16)